Sunday, August 1, 2021

THÁI ĐỘ HIẾU CHIẾN CỦA TRUNG HOA: BÓP MÉO DÒNG CHẢY, VŨ KHÍ HÓA NƯỚC

 (China's Belligerence: Twisting flows, Weaponising water)

Salma Kouser Asif – Bình Yên Đông lược dịch

Bangla News 24 – 15 July 2021


Đồng bộ với địa chánh trị hiện đại, có vẻ như Trung Hoa có ý định lợi dụng tài nguyên thiên nhiên như một chiến lược chiến tranh tương tự như chánh sách tiêu thổ để lực lượng địch không có tài nguyên cần thiết để sống còn.  Với chiến lược nầy, Trung Hoa đang xây một đập lớn nhất thế giới trong Khu Tự trị Tây Tạng để chứng tỏ tính ưu việt của mình trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở qua một hành động mà không có quốc gia nào khác đã thực hiện vào bất cứ lúc nào trong lịch sử.

Hơn nữa, Trung Hoa dự định xây các nhà máy thủy điện trên các sông khác chẳng hạn như Salween, Mekong, Yangtze và Bramaputra có khả năng sản xuất điện đến 120 GW.  Trên mặt phía tây, nước nầy đang tài trợ và xây cất Chuỗi Bắc Sông Indus bằng cách xây các đập trong khu vực Kashmir do Pakistan quản lý, được xem như một sai lầm ở Himalayas.  Việc xây đập trở lại trong năm 2010 khi Trung Hoa khởi động việc xây dựng các đập nhỏ dọc theo dòng chánh Bramaputra (Yarlung Tsangpo) với 2 đập đã hoàn tất và một số nữa sẽ hoạt động không bao lâu nữa.  Chỉ riêng đập lớn nhất thế giới như được dự trù trên Yarlung Tsangpo sẽ sản xuất 60 GW, 3 lần nhiều hơn công suất của đập lớn nhất hiện nay ở Trung Hoa, đập Three Gorges (Tam Hiệp).  Bằng cách ảnh hưởng dòng chảy, vận tốc và chiều hướng của con sông khổng lồ nầy và các phụ lưu của nó, Trung Hoa có thể ngăn chận hay chuyển nước sông theo ý muốn vào các dự án phát triển hạ tầng cơ sở đại qui mô.  Thí dụ, Dự án Chuyển nước Nam-Bắc và Dự án Chuyển Điện Tây-Đông và việc nối kết các sông chánh để lấy nước từ vùng có nhiều nước đến các vùng thiếu nước, tất cả là một phần của đại kế hoạch để làm cho Trung Hoa tự túc về nguồn nước mà không đếm xỉa đến hậu quả cho các quốc gia duyên hà ở hạ lưu.  Tuy nhiên, đây là một cái giá môi trường không thể bào chữa, vùng nầy là một trong những vùng núi non trẻ nhất, đó là rặng Himalayas.  Nó cũng có thể biến thành một ác mộng kỹ thuật cho các hoạt động xây cất mà cuối cùng có thể hủy hoại sinh thái mong manh của khu vực.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các hành động trên của Trung Hoa đã gây nhiều lo ngại cho các quốc gia duyên hà ở hạ lưu: Ấn Độ và Bangladesh.  Mặc dù Trung Hoa đã hạ thấp những lo ngại nầy, sự e sợ của 2 quốc gia nầy không hoàn toàn bất ngờ.  Tình hình địa chánh trị hiện thời và sự bành trướng vô độ của tham vọng Trung Hoa cùng nắm tay để châm ngòi cho ngững lo ngại nầy.  Các đập xây trên sông Mekong có thể xem như một điềm báo trước cho một khủng hoảng như thế với ý niệm lờ mờ về cái theo sau.  Thí dụ, trong trận hạn hán năm 2019 trong lưu vực Mekong, các nhánh ở thượng lưu Trung Hoa nhận được mưa kỷ lục nhưng các đập đã giữ lại gần hết nước và không còn bao nhiêu chảy xuống hạ lưu mặc dù các quốc gia ở hạ lưu mong muốn một cách tuyệt vọng.  Ngược lại, các đập của Trung Hoa bị nghi ngờ đã gây lũ lụt, chằng hạn như 1 thập niên trước dọc theo Mekong ở Lào.  Trung Hoa xem các dự án nầy như một quốc gia ở thượng lưu và lớn nhất của hệ thống phụ lưu, họ tin rằng các quốc gia duyên hà ở hạ lưu tương đối nhỏ hơn không có phương tiện để chống lại hay mặc cả hữu hiệu trong việc thương lượng về nước.

Việc Trung Hoa từ chối xác nhận đường chảy của các sông nầy cũng đưa đến nghi ngờ rằng việc xây cất với kỹ thuật phá nổ có ý định chuyển nước đến Trung Hoa.  Cũng nên lưu ý rằng Trung Hoa cũng ngăn cản một phụ lưu của Bramaputra trên sông Xiabugu.  Cách đây không lâu, Trung Hoa cũng cố gắng để cản trở đường chảy của sông Galwan, bắt nguồn từ vùng Aksai do Trung Hoa kiểm soát, nơi gần đây đã chứng kiến các cuộc đụng độ giữa 2 quốc gia - Ấn Độ và Trung Hoa.

Với các đập khổng lồ nầy, nông nghiệp của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nông nghiệp của Bangladesh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các kiến trúc nầy sẽ giữ lại một số phù sa đáng kể do sông mang xuống để làm cho đất ở vùng hạ lưu phì nhiêu và đóng một vai trò quan trọng trong việc sản suất nông nghiệp của Ấn Độ và đông bắc Bangladesh.  Thật vậy, Bangladesh là quốc gia duyên hà ở cuối nguồn đối mặt với đe dọa nặng nề.  Hầu hết dân số của quốc gia ở trong các vùng lũ lụt như Padma, Meghna, Jamura và Barak.  Lượng nước xả quá nhiều trong Jamuna (hạ lưu của Bramaputra) có thể đưa đến lũ lụt lớn, khiến cho hàng triệu người phải dời cư.  Nó cũng có hậu quả cho người tị nạn tìm nơi cư trú ở nước láng giềng và có thể gây ra phiền phức xuyên biên giới.

Là một quốc gia ở thượng lưu, Trung Hoa có lợi thế lớn lao trong việc thay đổi dòng chảy của sông với tiềm năng dùng nó như một chiến thuật/đe dọa để bắt nạt các quốc gia ở hạ lưu trong bất cứ cuộc đối đầu nào.  Thí dụ, mặc dù Ấn Độ có một thỏa thuận chia sẻ dữ kiện thủy học với Trung Hoa, trong cuộc chạm trán ở Doklam, Trung Hoa đã đơn phương đình chỉ thỏa thuận, ảnh hưởng đến hàng triệu người dựa vào nguồn nước nầy.  Mặc dù hiện trạng được tái lập sau đó trong năm 2018, hành động nầy là một chỉ dấu rõ rệt cho thái độ hiếu chiến của Trung Hoa, để lại dấu ấn bất tín nhiệm thường thực giữa 2 quốc gia với nhận thức rằng Trung Hoa có khả năng vũ khí hóa tài nguyên thiên nhiên như một phần của chiến thuật làm áp lực của họ.  Cũng có thể là chiều hướng giữ lại tài nguyên đơn phương của Trung Hoa đã đưa đến việc chạm trán ở Pangong Tso vì nó ở gần thung lũng Shaksgam, một vùng có nhiều silica được dùng như nguyên liệu thô cho kỹ nghệ chip điện tử hàng tỉ USD và được Pakistan tặng cho Trung Hoa trong năm 1963.

Ngoài ra, Nhóm Liên Chánh phủ về Thay đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC)) đã nhấn mạnh trong các phúc trình của họ rằng vùng Himalayas rất dễ bị động đất và các thảm họa thiên nhiên do các chuyển động địa chấn không thể đoán trước.  Bất cứ sự can thiệp nào với địa hình và sinh thái của nó của các dự án hạ tầng cơ sở hiện đại sẽ đặt toàn thể khu vực và hàng tỉ người trong nhiều quốc gia vào sự nguy hiểm chết người.

Tuy thế, Trung Hoa vẫn lập luận rằng việc xây cất thủy điện trên sông Bramaputra là các đập dòng chảy, không có trữ nước hay chuyễn nước.  Tuy nhiên, các chuyên viên độc lập nói rằng không thể bảo đảm các dự án đó không làm giảm dòng chảy xuống hạ lưu, nhất là trong mùa khô hay ngược lại gây lũ lụt trong mùa mưa.  Vì thế, những lo ngại của các quốc gia ở hạ lưu có vẻ thành thật vì họ cần phải đối phó với lưu lượng quá nhiều trong mùa mưa có thể gây ngập lụt và châm ngòi cho lũ lụt tàn khốc.

Với tình huống toàn cầu hiện nay và đe dọa của thay đổi khí hậu, băng tan, hệ sinh thái mong manh, sạt lở đất phì nhiêu, đất chuồi thường xuyên và kinh tế yếu kém, cần phải nới rộng phạm vi hợp tác ra ngoài các tay chơi quốc gia để đạt được những khát vọng của khu vực.  Với một địa hình tự nhiên hiểm trở, việc xây đập là một thách thức kỹ thuật trong giới hạn của kỹ thuật xanh.  Khi bài viết nầy được in, một phần lớn băng của cao nguyên Tây Tạng tiếp tục tan và có lẽ sẽ biến mất không lâu.  Thật vậy, phúc trình của IPCC nói rằng số băng còn lại trên cao nguyên Tây Tạng sẽ sớm biến mất nếu mức hủy hoại hiện nay tiếp tục không ngừng gây ra hâm nóng toàn cầu và thay đổi khí hậu.  Gia tăng tuyết tan, mực nước biển dâng và nhiệt độ lên cao cũng gia tăng tần suất của thảm họa thiên nhiên.  Giới chức Trung Hoa thú nhận rằng họ cũng biết các rủi ro liên quan đến việc xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng điều đó không ngăn chận họ theo đuổi những nỗ lực gây thiệt hại môi trường.  Không chỉ thế, trong quá khứ Trung Hoa được biết đã phá hoại một con sông xuyên biên giới bằng cách gây ô nhiễm đến mức không thể dùng trong gia đình, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp và kinh tế thủy sản.

Đánh giá cấp bách

Từ một tư thế đặc quyền, là một quốc gia duyên hà ở thượng lưu, Trung Hoa là kho tin tức về tình trạng của các sông và nước trong sông, nếu được dùng đúng có thể giúp quản lý lũ lụt tốt hơn cho các quốc gia duyên hà và các sông ở hạ lưu.  Vì sự lệ thuộc vào Trung Hoa để có tin tức cần thiết khiến nước nầy có lợi thế trong việc thao túng và giữ lại dữ kiện nước.  Như trong trường hợp của Ấn Độ, vì thiếu cơ chế dàn xếp hỗ tương về chia sẻ nước cho các sông xuyên biên giới, và với việc Trung Hoa từ chối việc dàn xếp quốc tế, có rất ít giải pháp ngoại giao cho các quốc gia có quan tâm.  Ấn Độ nay có những lựa chọn miễn cưỡng trong việc sử dụng hữu hiệu các sông ở trong nước và thu hoạch tối đa nước mưa là một.  Các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) khác cũng báo động vì Trung Hoa từ chối tham vấn với các nước láng giềng ở hạ lưu.  Đã đến lúc các quốc gia Nam và ĐNA thương thảo với Trung Hoa như một nhóm thống nhất để sống còn.  Sau cùng, đặc tính của thiên nhiên là không biết các biên giới và Trung Hoa phải chấp nhận rằng việc sử dụng khả chấp của họ không phải trỗi dậy từ bá quyền của một quốc gia mà là bổn phận tập thể của các quốc gia có trách nhiệm.

.

No comments:

Post a Comment