Thursday, June 20, 2019

‘TÁI CAM KẾT’ CỦA MỸ VỚI CÁC QUỐC GIA MEKONG CÓ QUÁ ÍT VÀ QUÁ TRỄ? TRUNG HOA ĐÃ CÓ MẶT Ở ĐÓ



(Too little, too late for US ‘recommitment’ to Mekong countries? China’s already there)

Trong khi Bắc Kinh tràn ngập Mekong với tiền mặt, Mỹ phải chống chọi với sóng gió để duy trì ảnh hưởng
Nhưng một số quốc gia trong vùng nghĩ rằng sự cạnh tranh có thể mang lợi cho họ

Jitsiree Thongnoi – Bình Yên Đông lược dịch
South China Morning Post – 16 Jun 2019

Đại Phân vùng Mekong là một vùng rộng 2,6 triệu km2 bao gồm 5 quốc gia ASEAN, vùng Quảng Tây và tỉnh Vân Nam của Trung Hoa. Ảnh: AFP


Giới chức Mỹ nói rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ “tái cam kết” với 5 quốc gia dọc theo con sông dài nhất Đông Nam Á (ĐNA), sông Mekong, khi ông chánh thức viếng thăm Bangkok trong tháng 7.
Pompeo đã lên tiếng lo ngại rằng Trung Hoa đang cố gắng để “kiểm soát từng bước đều đặn” toàn khu vực.  Mark Clark, quyền phụ tá ngoại trưởng về ĐNA, cho biết thượng cấp của ông dự tính sẽ nhấn mạnh đến những thành quả của Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) do Hoa Kỳ hỗ trợ trong thập niên qua.

Pompeo sẽ tham dự một phiên họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) và thảo luận về LMI, được phát động 10 năm trước bởi người tiền nhiệm Hillary Clinton để thúc đẩy hợp tác giữa Washington với Cambodia, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Lào.
Nhưng giới chuyên viên cảnh báo rằng lời hứa của Mỹ có thể quá ít và quá trễ vì quyền lợi của Trung Hoa đã cố thủ trong vùng.

Mike Pompeo lên tiếng lo ngại rằng Trung Hoa đang cố gắng để kiểm soát từng bước đều đặn trong khu vực Mekong. Ảnh: AFP

Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA (Southeast Asia programme) của Trung tâm Stimson (Stimson Center) có trụ sở ở Washington, nói rằng Mỹ đã âm thầm thúc đẩy những chánh sách ngoại giao trong vùng, mặc dù các quốc gia Mekong mong muốn có những hiệp ước “thực tế và rõ ràng” với Hoa Kỳ.
Eyler cho biết, “Có rất ít cơ hội cho LMI.  Sự cam kết lỏng lẻo tạo một khoảng trống lớn để Trung Hoa điền vào bằng cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).”
Lancang là tên của con sông trong tiếng Quan Thoại (Mandarin).  Có hơn 300 triệu người sống trong Đại Phân vùng Mekong, một khu vực rộng 2,6 triệu km2 bao gồm 5 quốc gia ASEAN, vùng Quảng Tây và tỉnh Vân Nam.

Bắc Kinh đã dành hơn 22 tỉ USD cho LMC để hỗ trợ các dự án từ kết nối kỹ thuật và phát triển kỹ nghệ cho đến mậu dịch, nông nghiệp và giảm nghèo.

Mekong là một khu vực trọng yếu cho hầu hết các hạ tầng cơ sở to lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình hình dung trong chiến lược đầy tham vọng của ông để thúc đẩy mậu dịch và nối kết với Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)).  Một kế hoạch 5 năm công bố vào năm rồi cho biết LMC sẽ hoạt động mật thiết với BRI.

Brian Harding, phó giám đốc và học giả của Chương trình ĐNA (Southeast Asia Programme (SAP)) ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Centre for Strategic and International Studies (CSIS)), nói rằng, “ĐNA là trục cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, và là một trọng điểm cho [BRI].”

Khu vực Mekong có một số dự án BRI quan trọng nhất của Trung Hoa.  Nó cũng có các đường ống dẫn dầu và khí đốt từ cảng Kyaukphyu của Myanmar đến Vân Nam.
Những dự án khác gồm có đường sắt giữa Trung Hoa, Lào và Thái Lan, cũng như cái được gọi là hành lang Trung Hoa-ĐNA, một kế hoạch hợp tác gồm tất cả các quốc gia Mekong ngoại trừ Việt Nam.

Một phần của việc thúc đẩy hạ tầng cơ sở của Bắc Kinh là sự bành trướng mạnh mẽ hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong trong thập niên vừa qua để theo kịp với nhu cầu điện năng tăng vọt ở trong nước.

Hạ lưu của Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng ở Tây Song Bản Nạp, tây nam tỉnh Vân Nam. Ảnh: Xinhua

Nhưng các nhà hoạt động cáo buộc rằng các đập gây thiệt hại cho hệ sinh thái và dây chuyền thực phẩm, ảnh hưởng cuộc sống và nguồn lương thực của các cộng đồng ở hạ lưu, hay bắt buộc phải dời cư hoàn toàn.

Tổ chức bất vụ lợi International Rivers nói rằng “bậc thang” 14 đập trên thượng lưu sông Mekong trong tỉnh Vân Nam có thể có “những ảnh hưởng tàn khốc cho các cộng đồng ở hạ lưu.  Các con đập sẽ giết con sông có nhiều cá và cướp đi nguồn sống của người dân.”
Theo Eyler, những thiệt hại có thể gây khủng hoảng kinh tế cho Cambodia và Việt Nam.


Ngư dân Cambodia chèo thuyền trên sông Mekong ở ngoại ô Phnom Penh. 
Ảnh: AFP.


Ở Thái Lan, quốc gia duy nhất trong khu vực Mekong đã ký hiệp ước với Hoa Kỳ, các nhà hoạt động kêu gọi Trung Hoa tái xét việc “phá nổ” ghềnh thác dọc theo sông.
Khi Việt Nam lâm vào nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm vào năm 2016, những nhà phê bình cáo buộc các đập của Trung Hoa làm tăng mức bốc hơi của sông ở thượng lưu.
Trong khi đó, Bắc Kinh đang tạo áp lực lên Myanmar để tái tục dự án Myitsone trong lưu vực sông Irrawaddy để cung cấp điện cho một khu kinh tế được Trung Hoa hỗ trợ, mặc dù có nhiều quan ngại ở trong nước về những thiệt hại môi trường do ngập lụt rộng lớn.
Suy thoái môi trường và áp lực của Trung Hoa đã cho các quốc gia Mekong nhìn thấy những cạm bẫy trong việc làm ăn với người láng giềng lớn hơn ở phía bắc, và đã tạo cơ hội cho Hoa Kỳ nhảy vào.

Để đẩy lui ảnh hưởng của Trung Hoa, năm 2017, Hoa Kỳ đưa ra Sáng kiến Dữ kiện Nguồn nước Mekong (Mekong Water Data Initiative (MWDI)), một diễn đàn nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại của việc xây đập ở thượng lưu.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng Hoa Kỳ không thể sánh được với mức đầu tư của Trung Hoa.
Thitinan Pongsudhirak, phó giáo sư chánh trị học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói với Nikkei Asian Review rằng, “Hoa Kỳ với nội các Trump đang đứng trước nguy cơ chiến tranh mậu dịch và kỹ thuật sẽ không thể ngăn chận tham vọng toàn cầu của Trung Hoa và có thể làm hỏng kế hoạch của Hoa Kỳ.”
Và dấu chân kinh tế của Trung Hoa có thể nhìn thấy rất xa bên ngoài kỹ nghệ năng lượng.
Chủ tịch Tập đã hứa hỗ trợ cho lãnh vực quốc phòng Cambodia một ngân khoản 90 triệu USD tại hội nghị thượng đỉnh BRI trong tháng 4.

Bắc Kinh đang áp lực với Myanmar để tái tục dự án Myitsone trong lưu vực sông Irrawaddy. Ảnh: Handout

Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn nhất ở Cambodia bỏ xa các nhà đầu tư khác, tổng cộng lên đến 12,6 tỉ USD từ năm 2014, phần lớn trong vài năm gần gây.  Theo Hội đồng Phát triển Cambodia (Council for Development of Cambodia, mức đầu tư trong năm 2016 lên đến 3,6 tỉ USD.  Một năm sau, con số đó tăng lên gần gấp đôi là 6,3 tỉ USD.  Chỉ trong tuần lễ đầu tiên của 2018, Trung Hoa ký 19 thỏa thuận đầu tư với Phnom Penh.

Bắc Kinh cũng hỗ trợ tài chánh cho dự án đường sắt Trung Hoa-Lào dài 414 km với chi phí 7 tỉ USD.  Tuyến đường nầy sẽ chạy từ Boten, một thành phố ở bắc Lào nằm cạnh biên giới với Trung Hoa, đến thủ đô Vientiane.  Đây cũng là một phần của tuyến đường Côn Minh-Singapore đang được xây cất.  Việc xây cất bắt đầu từ tháng 12 năm 2016 và dự trù chấm dứt vào tháng 12 năm 2021.

Về mậu dịch, Trung Hoa cũng vươn dài các vòi của nó.  Trong 3 tháng đầu năm nay, số đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam tăng 86%, gần ½ từ Trung Hoa là sản phẩm được chuyển xuống phía nam để tránh thuế quan do Hoa Kỳ áp đặt.  Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản vừa cho biết, Việt Nam là người thắng cuộc lớn nhất từ những thay đổi nguồn cung cấp do cuộc chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa, với tổng sản lượng nội địa tăng gần 8%.
Nhưng các chuyên viên nói rằng, Việt Nam, giống như các quốc gia khác, cũng muốn cân bằng ảnh hưởng của 2 siêu cường để hưởng lợi từ hai phía.  Hà Nội đã xây đảo nhân tạo ở Biển Đông như một chiến lược chống lại sự hiện diện quân sự càng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong vùng biển nầy.  Việt Nam cũng củng cố mối quan hệ quốc phòng và an ninh với Hoa Kỳ.  Sang năm, Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN, và các quan sát viên cho rằng thái độ thờ ơ có thể xem như là một lá chắn chống lại ảnh hưởng ngày càng sâu đậm của Trung Hoa ở trong vùng.

Harding ở CSIS nói rằng, “Các quốc gia ĐNA đất liền, là một phần của LMI được Hoa Kỳ hỗ trợ, thì gần với quỹ đạo của Trung Hoa hơn các quốc gia ĐNA hải đảo, với Việt Nam là quốc gia rất xông xáo để tìm cách cân bằng Trung Hoa.”
Dulyapak Preecharush, phó giáo sư về nghiên cứu ĐNA của Đại học Thammasat ở Bangkok nói rằng, Việt Nam không thể làm tổn thương các giao kết với Hoa Kỳ hay Trung Hoa.  Và các quốc gia Mekong khác có thể cũng làm tương tự vì các quyền lợi từ 2 cường quốc nầy không có tính độc quyền hỗ tương.
Ông nói, “Một cách tổng quát, LMI có thể hoạt động trong những lãnh vực mà Trung Hoa không chú ý, như cai quản, phát triển xuyên quốc gia (transnational development), nhân đạo, lương thực và dân chủ, là những trụ cột không truyền thống của an ninh.  Trong khi Trung Hoa chú trọng đến việc hiện đại hóa qua việc đầu tư có lợi rõ ràng, LMI có thể chú trọng hơn về tổng thể, các lãnh vực về con người, mặc dù Hoa Kỳ không có những lợi thế về địa dư và hậu cần ở trong khu vực như Trung Hoa.”
“Qua LMI, Hoa Kỳ có thể là một nhà phát triển và bảo đảm an ninh trong lúc Trung Hoa đang bành trướng.”


Joshua Muravchik – Bình Yên Đông lược dịch

Sơ lược về tác giả (Bình Yên Đông =Nguyễn Minh Quang)

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

***

No comments:

Post a Comment