"Việc xây cống Cái Lớn – Cái Bé trong lúc này là chưa cần thiết!" -
TS Dương Văn Ni góp ý về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Nhận được góp ý tâm huyết của TS
Dương Văn Ni, Khoa MT&TNTN, Đại học Cần Thơ về Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái
Bé , báo Đất Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
"Ngày 28/5 tại Cần Thơ, tôi được
nghe nhóm chuyên gia tư vấn độc lập trình bày những tóm tắt và nhận xét dự án
và đọc Báo cáo ĐTM - Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) của
Viện Kỹ thuật Biển - năm 2017, tôi xin góp các ý sau:
1. Về cơ sở pháp lý, thì Nghị
quyết 120/NQ-CP ra đời ngày 17/11/2017 là một nghị quyết rất tiến bộ về mặt sử
dụng tài nguyên và môi trường như: Xem biển là một phần không tách rời của
ĐBSCL, xem nguồn nước mặn là tài nguyên, và phát triển trên nguyên tắc “thuận
thiên” (Mục 4. Các giải pháp tổng thể, phần b.). Trong khi đó quyết định
498/QĐ-TTg phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án ký ngày 17/4/2017, tức là trước
khi có nghị quyết 120 đúng 7 tháng. Vậy dự án Cái Lớn – Cái Bé có điều chỉnh gì
theo nghị quyết 120 không?
Tiến sĩ Dương Văn Ni
2. Về mục tiêu “kiểm soát nguồn
nước mặn” thì không rõ ràng, bởi chưa chứng minh được các câu hỏi sau:
- Nguồn nước mặn nào? Nếu nhìn
vào bản đồ ĐBSCL thì phía Tây-Nam sông Hậu từ Châu Đốc đến Sóc Trăng không có một
nhánh sông nào từ sông Hậu chảy ra đến biển Tây. Vì vậy, đất vùng bán đảo Cà
Mau không phải do phù sa sông Hậu bồi lắng trực tiếp, mà là do phù sa từ phía
biển (coastal plain), như mũi Cà Mau mấy năm trước mỗi năm kéo dài ra hàng chục
mét mà nước sông Hậu đâu có chảy tới đó. Đất ở đây được bồi tụ trong môi trường
nước mặn, tức là trong đất có sẵn muối. Mỗi năm khi mùa khô đến thì muối trong
đất bị mao dẫn lên mặt đất. Khi các trận mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan các
muối này và đổ vào sông rạch. Như vậy là có hai nguồn nước mặn: Nước mặn từ
phía biển và nước mặn hình thành tại chỗ do muối tan ra từ trong đất. Vậy mục
tiêu của dự án chỉ kiểm soát nguồn nước mặn từ phía biển (xây cống) liệu có
đúng?
- Tại sao phải kiểm soát nguồn
nước mặn từ phía biển? Vùng bán đảo Cà Mau, mỗi năm lượng nước mưa >2,000 mm
và người dân ở đây biết cách tận dụng nước mưa rửa mặn lớp đất mặt (20-30 cm) để
trồng lúa; hoặc lên liếp cao ráo rồi sau vài năm hết mặn thì có thể trồng rau
màu hay cây ăn trái.
Cũng vì đất được phù sa bồi lắng
trong môi trường nước mặn hoặc lợ nên trong đất hình thành vật liệu sinh phèn
(pyrite-FeS2), người dân gọi là đất phèn tiềm tàng. Tức là vật liệu sinh phèn
này nếu được giữ trong môi trường yếm khí thì vô hại, nhưng nếu để tiếp xúc với
không khí thì chúng bị oxy hóa và sinh ra phèn làm nước và đất trở nên rất
chua, cây trồng và vật nuôi không thể sống được.
Do đó, tại các vùng đất phèn tiềm
tàng này không ai dám để bị khô, người dân đã biết cách đưa nước mặn vào ruộng
vừa để “ém phèn”, vừa để khai thác thủy sản tự nhiên có sẵn trong nguồn nước mặn
như cá kèo, cá đối, cua, tép bạc và hiện nay là nuôi tôm sú. Kiểm soát nguồn nước
mặn từ phía biển thì ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản này ra sao?
Nếu không cho nước mặn vào thì cũng
phải có nguồn nước khác thay thế để ém phèn. Nguồn nước ngọt từ sông Hậu thì chảy
không tới nên chỉ còn nước mưa, vậy nếu hạn hán xảy ra thì lấy nguồn nước nào để
ém phèn?
Một cánh đồng lúa đang trổ bông tại
huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bị “xèo” do mặn trong đất xì lên vì không có
mưa. Người dân chấp nhận bỏ vụ lúa, sên mương để chuẩn bị đưa nước mặn vào nuôi
vụ tôm sú. Ảnh: TS Dương Văn Ni
3. Mục tiêu “giải quyết mâu thuẫn
giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh
Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng thuộc lưu vực sông Cái Lớn -
Cái Bé.
- Mâu thuẫn ở đây là gì? Trong đề
cương dự án phân tích đó là mâu thuẫn mặn-ngọt. Ở đây, nơi nào gò hơn thì xẻ
mương phèn trồng lúa do dễ tiêu thoát nước còn nơi nào đất trũng thấp (đất
láng) thì bao vuông nuôi tôm sú, nên đất nông nghiệp xen kẻ với đất nuôi trồng
thủy sản.
Cách sử dụng nước là nếu cần bơm nước ngọt cho lúa thì người dân chọn
lúc nước ròng và nếu cần bơm nước mặn cho tôm thì người ta chọn lúc nước lớn,
có mâu thuẫn gì đâu?
Trong thời gian qua có xảy ra xung đột
là do các hộ nuôi tôm thâm canh giữ nước mặn quanh năm, nên lúc xung quanh người
ta trồng lúa thì họ vẫn giữ mặn và làm mặn xì ra ảnh hưởng đất nông nghiệp xung
quanh. Nếu giữ cách canh tác truyền thống là trên cùng một thửa ruộng, mùa nắng
thì lấy nước mặn vào nuôi tôm, mùa mưa xổ mặn xong trồng lúa (mô hình lúa-tôm),
tức là người dân biết cách canh tác theo mặn-ngọt ngay trên cùng một thửa ruộng
và cả xóm làng làm nhịp nhàng hết vụ lúa đến vụ tôm nên mấy chục năm qua đâu có
mâu thuẫn gì. Bây giờ kiểm soát mặn trên sông rạch để giữ nước ngọt nhiều hơn,
liệu người dân có đồng thuận?
Lưu ý là người dân rất muốn kiểm soát
mặn, nhưng cần hỏi cho rõ là họ muốn kiểm soát mặn ở đâu? Lúc nào? Trên cây trồng
vật nuôi nào? Bài học về việc người dân đòi phá bỏ cống Láng Trâm (dự án Ngọt
hóa bán đảo Cà Mau) để có đủ nguồn nước mặn cho nuôi trồng thủy sản vẫn còn
nguyên giá trị.
- Ảnh hưởng đến đất lúa: Vùng
này trước năm 1980 chỉ canh tác một vụ lúa mùa/năm chủ yếu dựa vào nước mưa và
trên đất có địa hình cao do dễ tiêu nước nên rửa phèn mặn nhanh hơn đất ở địa
hình trũng thấp.
Khi phát triển những giống lúa cao sản
ngắn ngày, thì các ruộng ở địa hình cao là nơi đầu tiên tăng từ một vụ lúa mùa
lên hai vụ lúa cao sản trong năm, gọi là vụ một và vụ hai; vụ một khoảng tháng
Bảy đến tháng Chín và vụ hai từ tháng Mười đến tháng Mười Hai, dần dà do có các
cống đập giữ được nước ngọt trong mùa khô nên vài nơi làm cả vụ ba từ khoảng
tháng Giêng đến tháng Tư.
Dù có nguồn nước ngọt nhưng người dân
hạn chế canh tác từ khoảng tháng Năm đến tháng Sáu là để “né” nguồn nước bị ô
nhiễm phèn mặn vào đầu mùa mưa. Riêng các vuông trũng thì mô hình Lúa – Tôm đã
được áp dụng và còn duy trì cho đến ngày nay.
Đáng quan tâm là việc tăng vụ đó làm
kéo dài thời gian canh tác cây lúa sang đầu mùa khô nên cần nước ngọt tưới bổ
sung cho lúa vụ hai và vụ ba trong suốt thời gian không có mưa từ tháng Mười Một
đến tháng Tư.
Do đó, nguồn nước mặn xâm nhập từ biển
nếu có gây ra thiệt hại thì chỉ xảy ra trên lúa vụ hai muộn hoặc lúa vụ ba xuống
giống sớm, mà diện tích này không nhiều, nên hiệu quả kinh tế của dự án cho sản
xuất nông nghiệp là không rõ ràng!
4. Mục tiêu “góp phần phát triển thủy
sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang”.
Thủy sản này là nuôi trồng hay đánh bắt
tự nhiên? Năng suất thủy sản nuôi trồng của khu vực này là rất thấp so với thủy
sản đánh bắt tự nhiên trên sông rạch và vùng biển tiếp giáp. Trong đó có rất
nhiều loài thủy sản sử dụng sông rạch như là bãi đẻ và vùng biển tiếp giáp là
bãi ăn, và nhiều loài thì sử dụng ngược lại. Vì vậy lúc nước lớn là lúc nhiều
loài thủy sản từ biển vào sông rạch để sinh sôi và kiếm ăn. Vậy việc đóng cống
lúc này sẽ làm ảnh hưởng ra sao?
5. Mục tiêu “chủ động ứng phó với
BĐKH-NBD, tạo nguồn ngọt cho vùng ven biển”.
Nếu xảy ra hạn hán kéo dài, mặn-phèn
trong đất xì lên làm ảnh hưởng cây trồng thì nguồn nước ngọt giữ được (?) trong
các sông rạch liệu có đủ để bơm vào đồng ruộng mà pha loảng độ mặn-phèn này
không? Rồi thì rửa lượng mặn-phèn này đi đâu?
Giả như hạn hán kiểu năm 2015-2016
thì mực nước sông Hậu thấp hơn bình thường rất nhiều, vậy nếu có xây thêm trạm
bơm bổ sung từ Cần Thơ thì chưa chắc có đủ nước ngọt mà bơm, mà có bơm thì chưa
chắc nước chảy được vì nếu bơm thì phải bơm lúc nước ròng từ sông Hậu để không
bị mặn, nhưng phía biển Tây coi chừng lại là nước lớn vì có hai chế độ triều
khác nhau. Những tình huống này trong đề cương của dự án chưa đưa ra được giải
pháp, chứ chưa nói là đánh giá giải pháp đó có khả thi hay không?
6. Mục tiêu “tăng cường khả năng
thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn”.
Có lẽ đây là mục tiêu mà từ các giải
pháp đến tính khả thi đều rất kém thuyết phục nhất. Sự di chuyển nước của vùng
bán đảo Cà Mau là nhờ hai chế độ triều khác nhau giữa biển Đông (bán nhật triều)
và biển Tây (nhật triều) và mực nước trên sông Hậu, mà chúng tạo ra lực hút - đẩy
rất nhịp nhàng, làm cho nước di chuyển trong toàn vùng và di chuyển theo hướng
từ Đông sang Tây (1).
Hệ thống cống đập trên quốc lộ 1 (dự
án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau), vận hành theo cách đóng cống lúc nước lớn và mở cống
lúc nước ròng trong mùa khô, đã làm mất sức đẩy nước từ biển Đông sang biển Tây
rất nhiều, nên tạo ra những vùng nước không chảy (giáp nước). Do các khu vực
đông dân cư, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…của nơi đây chưa có hệ thống xử lý
nước thải, nên đã gây ra ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Bây giờ thêm cống Cái Lớn
– Cái Bé cũng vận hành như trên thì sẽ mất luôn sức đẩy của nước từ phía biển
Tây, vậy tình trạng ô nhiễm nguồn nước nơi đây sẽ ra sao?
Tốc độ lún sụt hiện nay của khu vực
Cà Mau nhanh hơn nơi dự kiến xây cống Cái Lớn – Cái Bé, tức là trong tương lai
rất gần thì vùng Cà Mau sẽ thấp hơn, vậy làm sao cho nước chảy từ chỗ thấp lên
chỗ cao mà gọi là tiêu úng? Rồi có phải xây thêm trạm bơm không?
7. Vùng Tây Nam sông Hậu đã có ba dự
án thủy lợi “khủng” là: Thoát lũ ra biển Tây, Ô Môn – Xà No và Ngọt hóa bán đảo
Cà Mau. Vậy thì dự án Cái Lớn – Cái Bé này sẽ có những tác động tích cực và
tiêu cực nào đối với các dự án nói trên?
8. Đề nghị Bộ NN-PTNT, cơ quan được
giao nhiệm vụ chủ trì dự án, công bố tất cả các tài liệu liên quan về dự án lên
cổng thông tin điện tử cho mọi người được tham gia đóng góp ý kiến.
9. Với quá nhiều điểm chưa rõ ràng,
chưa chứng minh được về mặt khoa học và với số tiền hơn 3,300 tỷ đồng của giai
đoạn 1 (giai đoạn 2 khoảng 5,000 tỷ đồng). Số tiền này chính phủ phải đi vay và
người dân phải đóng góp để trả nợ, nên tôi xin kết luận là: Việc kiểm soát mặn
khu vực này là cần thiết, nhưng nên làm bằng cách chọn giống chịu mặn + kỹ thuật
canh tác + quản lý đồng ruộng phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái, việc xây cống
Cái Lớn – Cái Bé trong lúc này là chưa cần thiết!
Chú
thích:
(1) Nguồn: Accelerating Poverty
Elimination through Sustainable Resource Management in Coastal Lands Protected
from Salinity Intrusion: A Case Study in Vietnam, IRRI ref: DPPC2000-02.
TS Dương Văn Ni
Source:
.
Các bạn nên cập nhật thêm Dự Án Asahi Tower tọa lạc Mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt
ReplyDelete