Wednesday, September 12, 2018

Biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Việt Nam ngày nay




05/09/2018 


Tác giả: Laure Siegel, Luke Duggleby và Hugo Leenhardt
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
1-9-2018

Sau những kinh hoàng của chiến tranh, Việt Nam ngày nay phải đối mặt với thử thách lớn nhất của thế kỷ 21: thích nghi với biến đổi khí hậu. Dải đất hình chữ S kéo dài từ Bắc chí Nam này đang phải vật lộn với các đợt hạn hán, mưa bão và lũ lụt ngày càng khắc nghiệt, cũng như với những thay đổi dài hạn như ngập mặn vùng ĐBSCL, xói lở bờ biển và mực nước biển dâng lên. Nhịp tăng trưởng kinh tế nhanh, đô thị hoá và công nghiệp hóa thiếu kiểm soát, mà chẳng lưu tâm gì đến môi trường, tất cả đều là những gánh nặng rất lớn cho các hệ sinh thái.
Thêm vào đó, việc xây các đập thủy điện trên sông Cửu Long đã đe dọa vấn đề bảo đảm lương thực cho tương lai. Từ Cần Thơ qua thành phố Hồ Chí Minh cho đến các tổ chức xuyên quốc gia của vùng sông Mekong, các nhà nghiên cứu, các nhà bảo vệ môi trường và tầng lớp nông dân đang cố gắng vận động dư luận. Mục tiêu của họ là khai triển những giải pháp thay thế để hạn chế tối đa các thiệt hại cho môi trường và các tác hại về kinh tế – xã hội của chúng, nhằm bảo vệ sự sinh tồn cho dân chúng.
Phần 1: Đồng bằng sông Cửu Long – một ca cấp cứu vì biến đổi khí hậu
Sông Mekong, sau sông Amazon là dòng nước có tính đa dạng sinh học nhất trên thế giới, nó uốn khúc trên 4.500 km xuyên qua Đông Nam Á. Từ hàng thế kỷ qua, nó là mạch sống xã hội và văn hóa của khu vực. Nó chuyên chở các nhà trên sông, các chợ nổi, nó là nơi tổ chức các lễ hội, là đường giao thông sông nước, dự trữ cá, nó cũng là trục chính của vệ sinh và của ngành du lịch.
Ở miền Nam Việt Nam, sông Mekong xòe ra như các nan quạt trong một vùng đồng bằng rộng lớn, trước khi đổ ra Biển Đông. Trước đây 3 thế kỷ, những ngôi làng đầu tiên mọc lên trong vùng đồng bằng ẩm thấp này, một vùng rộng lớn bằng nước Thụy Sĩ và được bao phủ bởi rừng rậm vào thời điểm đó. Có đến 18 đến 20 triệu dân hiện sinh sống trong 12 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long, ba phần tư trong số họ sống về nghề nông.
Nhịp điệu của dòng sông cho phép nông dân thâm canh lúa khắp vùng châu thổ với 2-3 vụ mùa mỗi năm. Vô số các mương lạch, đê điều, kênh rạch và hệ thống khóa nước đã biến vùng đồng sông Cửu Long trở thành một trong những vùng nông nghiệp sản xuất hiệu quả nhất trên thế giới. Năm 1997, Việt Nam trở thành nước sản xuất gạo lớn thứ hai sau Thái Lan, nhờ vào sự lựa chọn của các giống lúa có năng suất cao và nhờ cơ sở hạ tầng tiên tiến. “Lúa thần nông” đã mang lại sự thịnh vượng. Phương pháp canh tác truyền thống lúa nước dần dần bị bỏ rơi trước những cái lợi của việc dẫn thủy nhập điền.
Tuy nhiên năm 2017 Việt Nam tuột hạng xuống vị trí thứ 5 về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ và Pakistan. Lý do là vì đồng bằng sông Cửu Long phải vật lộn với một lô vấn đề nghiêm trọng làm tổn hại đến chất lượng lúa gạo. Chúng ta có thể xem đất vùng châu thổ giống như một miếng xốp khổng lồ: Vào mùa mưa nó hút nước vô đầy lòng đất, rồi vào mùa khô nó lại thải nước ra dần dần. Cho nên nước khi nào cũng đục, đục nhiều hay ít là tùy theo mùa mà thôi. Trong hệ thống sinh thái đặc biệt này, muối luôn luôn là một thành tố. Nhưng vài năm trở lại đây, độ mặn của đất đã bị mất kiểm soát.
Vào tháng 1/2016, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua một thời kì hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử cận đại. Nguyên nhân là vì hiện tượng El Nino và vì mùa mưa đến quá trễ. Nhưng nguyên nhân cũng là vì tác hại của vô số các đập nước trên sông Mekong và các nhánh của nó (xin xem Chương 3). Mực nước ở vùng đồng bằng nay hạ còn thấp hơn cả hồi năm 2006, thấp nhất kể từ năm 1926. Và như thế tình trạng nhiễm mặn đã lan đến một nửa trong số 2,2 triệu ha đất đai canh tác, phá hủy mùa màng và phá cả nguồn nước uống.

Tầm quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long đối với nền kinh tế Việt Nam: ĐBSCL chiếm
12% lãnh thổ quốc gia và 19% dân số
50% sản lượng gạo
65% nuôi trồng thủy sản
70% sản lượng trái cây
95% xuất khẩu gạo
60% xuất khẩu cá
(Nguồn: Ủy ban sông Mekong – 2017)


Độ mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong vụ hạn hán nghiêm trọng vào mùa đông 2015-2016 (cây lúa chỉ chịu đựng tối đa 4 gram muối mỗi lít). Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Việt Nam về nguồn nước. 

Ngoài hiện tượng bị nhiễm mặn thì theo WWF, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những khu vực bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi mực nước biển dâng cao, vì nó nằm cao hơn mặt nước biển chỉ một đến hai mét mà thôi: “Ngay cả trong trường hợp mực nước biển dâng lên chỉ một mét trong tương lai, thì việc này cũng là một hiểm họa đối với sự đa dạng các giống loài sinh vật trong những khu vực vốn đã bị các sinh hoạt của con người làm suy yếu, thậm chí hủy diệt lâu nay”.
Trong kịch bản xấu nhất, nếu mực nước dâng lên một mét cho tới năm 2100 (so sánh với mực nước năm 1986), thì tất cả các khu vực màu đỏ – tức là một phần ba đồng bằng – sẽ bị biển ngập vĩnh viễn và do đó không còn trồng trọt gì cả và không thể sinh sống được nữa.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Việt Nam về nguồn nước

Một số nghiên cứu khác đánh giá các giả định này một cách tương đối hơn và ước tính rằng vào cuối thế kỷ này, nước biển sẽ “chỉ” dâng cao tối đa 77 cm. Nhưng lại có một hiện tượng thứ hai nghiêm trọng hơn nhiều và làm các chuyên gia lo lắng hơn nhiều: Đó là hiện tượng đất lún sụt của toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long.
Kể từ khi mở cửa kinh tế vào cuối những năm 1980, với nhu cầu gia tăng nhanh chóng về nước uống và nước cho nông nghiệp cũng như cho nuôi trồng thủy sản trong tiến trình hiện đại hóa, Việt Nam đã bơm hút lấy hàng triệu mét khối nước ngọt để dùng. Hậu quả là đồng bằng lún sụt xuống từ 1 đến 4 cm mỗi năm, nhanh gấp ba hoặc bốn lần tốc độ mực nước biển dâng lên.
Bản đồ đầu tiên là một mô hình computer cho thấy sự lún sụt đất tại ĐBSCL trong 25 năm, giữa năm 1991 và 2016. Bản đồ thứ hai cho thấy sự tăng tốc của tiến trình lún sụt đất trong năm 2015.



Nguồn: Tác hại của 25 năm rút nước ngầm trên sự lún sụt đất tại Đồng bằng sông Cửu Long
Đối với một nước bị chiến tranh và đói kém tàn phá trong nhiều thập kỷ như Việt Nam thì việc bảo đảm lương thực là điều khó thực hiện nếu không có thâm canh lúa. TS Dương Văn Ni, một nhà nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ cho biết ông đã sống với một bát cơm mỗi ngày trong thời chiến tranh. Cho nên ông hiểu việc thâm canh lúa là điều cần thiết trước đây, nhưng ngày nay chính ông cho rằng phải từ bỏ phương pháp độc canh này, càng sớm càng tốt: “Chúng ta phải đa dạng hóa việc cach tác, phải bớt sử dụng hóa chất lại và phải tiết kiệm nước hơn. Mục tiêu chiến lược sản xuất gạo và các sản phẩm xuất khẩu khác để được càng ngày càng nhiều như hiện nay là hoàn toàn không khả thi trong dài hạn nữa”.

Dương Văn Ni nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu từ cuối những năm 1990. “Tôi thấy rõ rằng nông dân của chúng tôi đặc biệt chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Họ đã phải đối mặt với mùa màng thất bát trong nhiều năm trời, mặc dù họ vẫn sản xuất theo kinh nghiệm được hình thành qua bao thế hệ, bằng cách gieo trồng đúng thời điểm và chọn đúng giống cây.”

Kết luận của ông dựa trên những quan sát thường xuyên và tích cực của người nông dân. Họ nhận ra thời tiết, khí hậu đã thay đổi, không còn như xưa nữa, cho nên nông dân vùng ĐBSCL đang rơi vào tình trạng kiệt quệ. Ông Dương Văn Ni nói: “Biến đổi khí hậu không phải là những cơn bão kinh hồn mà bạn thấy trên TV, mà nó thể hiện hàng ngày qua biết bao nhiêu là thảm họa nhỏ, những thảm họa cá nhân, chúng làm cho người nông dân mắt ăn mất ngủ, vì họ biết lương thực sẽ không kéo dài đủ cho đến cuối năm.”

Năm 2013 nhà nước đã ban hành “Kế hoạch cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Kế hoạch này muốn cứu vãn ĐBSCL bằng cách xây thêm các đê đập, các hồ chứa nước ngọt và các vựa chứa ngũ cốc, đào kênh lạch mới, nâng cao các nền nhà và giúp đỡ nông dân trong việc chuyển sang một mô hình nông nghiệp mới. Kế hoạch này được bổ sung bằng một nghị quyết năm 2017, trong đó nhà nước cam kết “phát triển bền vững và an toàn Đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở nông nghiệp chất lượng cao, cùng với các dịch vụ, du lịch sinh thái và việc thành lập các ngành công nghiệp thích hợp với môi trường, đặc biệt là ngành chế biến nông sản”.

Riêng phần mình, ông Dương Văn Ni và các đồng nghiệp của ông đứng ra thành lập “Dragon-Mekong Intitute” (viện Rồng Mekong), được đặt tên theo tên tiếng Việt của sông Mekong là Cửu Long. Cửu Long là chín con rồng, tượng trưng cho chín cửa sông Mekong đổ ra biển. Bước đi tiếp đến của Dragon-Mekong Intitute là xây dựng một mạng lưới toàn cầu để nghiên cứu và theo dõi các châu thổ lớn, bằng cách sát nhập tám trung tâm nghiên cứu trên thế giới: về sông Mississippi ở Mỹ, sông Nil ở Ai Cập, Châu giang ở Trung Quốc, sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh, sông Danube ở Ukraine, sông Amazon ở Brazil và sông Irrawaddy ở Myanmar. “Tất cả những gì chúng ta đang gây ra cho vùng châu thổ hiện nay sẽ có tác hại trong nhiều thập kỷ tới nữa. Biến đổi khí hậu chỉ là một trong nhiều vấn đề. Muốn nghiên cứu về các châu thổ, chúng ta không thể không đề cập đến các vấn đề đói nghèo, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và việc di cư của dân vùng nông thôn. Tính bền vững và sự thích ứng là các nguyên tắc chính yếu để cứu vãn các vùng châu thổ hiện nay“.

Biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Việt Nam ngày nay (Phần 2)
05/09/2018 

Trên các mạng xã hội đầy rẫy những thông tin như khúc video hồi tháng 4 năm 2017, chiếu thảm nạn sạt lở kinh hoàng với một loạt 14 ngôi nhà đã bị nhào xuống sông Vàm Nao chỉ trong vòng một phút. Cũng trên Facebook, các hành vi phá hoại môi trường ngày càng bị lên án gay gắt.
Nhưng bên cạnh các tiến bộ này trong ý thức của dân chúng, thì cũng vào tháng Tư năm đó, một tòa phúc thẩm đã tuyên bố y án 14 năm tù cho blogger Hoàng Ðức Bình, chỉ vì ông Bình đã quay phim một cuộc biểu tình phản đối của ngư dân đối với các hành động ô nhiễm môi trường của Formosa. Theo phán quyết của tòa án này thì ông Bình đã “lạm dụng quyền tự do dân chủ để phá hoại lợi ích công cộng”.

Tác giả: Laure Siegel, Luke Duggleby và Hugo Leenhardt
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
1-9-2018
Tiếp theo Phần 1

Phần 2: Việt Nam giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi sinh
Cả châu Âu đang rên rỉ dưới cái nóng của mùa hè này, còn California thì phải chống chọi với những vụ cháy rừng lớn nhất trong lịch sử của nó: Biến đổi khí hậu đang là đề tài bàn luận khắp nơi.
Từ năm 2009 WWF đã xác định rằng Việt Nam là một trong mười quốc gia phải đối mặt nghiêm trọng nhất với biến đổi khí hậu. Lý do là vì Việt Nam có một bờ biển dài vượt bực – đến 3.400 km- vùng ven hải chiếm 15% lãnh thổ quốc gia. Lý do khác là sự phụ thuộc quá cao của Việt Nam vào nông nghiệp và mức độ phát triển thấp kém của vùng nông thôn.
Sự khác biệt lớn về khí hậu, địa hình và rủi ro cụ thể trong cả nước khiến cho việc lập ra một chiến lược thống nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu trở nên nan giải. Tuy nhiên, trong một thập kỷ nay, Việt Nam đã thể hiện một mong muốn thực sự phải lưu tâm đến biến đổi khí hậu trong chính sách phát triển kinh tế của mình.

Với 6,7% trong năm 2017, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự phát triển nhanh chóng đó có cái giá của nó: Do việc dân nông thôn ào ạt bỏ ruộng vườn để lên các khu đô thị, nên các thành phố gặp các vấn nạn về giao thông mãn tính, ùn tắc khắp mọi nẻo đường và ô nhiễm môi trường đạt kỷ lục. Chính sách công nghiệp hóa vô kiểm soát đã làm cạn kiệt đất đai, làm chết các dòng sông vì rác rưới và nước thải, cũng như sự tăng trưởng quá nhanh của dân số – 95 triệu dân trong năm 2017 – đang phá vỡ sự cân bằng của hệ sinh thái xung quanh.

Bà Hồng Hoàng đã đứng ra thành lập một tổ chức môi trường mang tên là “Change Vietnam” tại thành phố Hồ Chí Minh, một trong những tổ chức bào vệ môi sinh quan trọng nhất trong cả nước. Bà cho biết: “Biến đổi khí hậu là một kẻ thù, nó không đứng đối đầu với chúng ta, mà nó ở trong chính chúng ta. Chúng ta đang cứ làm những điều mặc dù chúng ta biết rất rõ rằng chúng sẽ làm tình hình tồi tệ hơn nữa”.

Tổ chức môi trường này đang chiến đấu trên ba mặt trận: chống buôn lậu động vật hoang dã, mà Việt Nam hiện nay là thị trường trao đổi chính; đấu tranh cho các nguồn năng lượng tái tạo, mà Việt Nam đã quá lơ là phát triển mặc dù có tiềm năng năng lượng mặt trời và gió rất cao; và đấu tranh để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu thông qua các chiến lược phát triển bền vững.

Nhu cầu điện ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới. Đất nước này phụ thuộc nặng vào than đá. Các rủi ro liên quan được một nghiên cứu của Đại học Harvard mô tả như sau: “Đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tỷ lệ tử vong sớm do ô nhiễm từ nhà máy điện đốt than. Ước tính ô nhiễm than sẽ dẫn đến 20.000 ca tử vong mỗi năm, gấp năm lần so với năm 2011“. Ngày càng có nhiều người Việt Nam cảm nhận những hậu quả tiêu cực của kết hợp tai hại giữa sự biến đổi khí hậu và tốc độ công nghiệp hóa không kiểm soát.

Trên các mạng xã hội đầy rẫy những thông tin như khúc video hồi tháng 4 năm 2017, chiếu thảm nạn sạt lở kinh hoàng với một loạt 14 ngôi nhà đã bị nhào xuống sông Vàm Nao chỉ trong vòng một phút. Cũng trên Facebook, các hành vi phá hoại môi trường ngày càng bị lên án gay gắt.

Nhưng bên cạnh các tiến bộ này trong ý thức của dân chúng, thì cũng vào tháng Tư năm đó, một tòa phúc thẩm đã tuyên bố y án 14 năm tù cho blogger Hoàng Ðức Bình, chỉ vì ông Bình đã quay phim một cuộc biểu tình phản đối của ngư dân đối với các hành động ô nhiễm môi trường của Formosa. Theo phán quyết của tòa án này thì ông Bình đã “lạm dụng quyền tự do dân chủ để phá hoại lợi ích công cộng”.

Nhà nước Việt nam xem các cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường như là các hành vi đe dọa sự phát triển kinh tế nhanh chóng, mà Việt Nam đã quen bấy lâu nay. Nhưng bất chấp mọi rủi ro, gần đây phong trào bảo vệ môi trường đang dần dần lớn mạnh và công khai kêu gọi chính phủ phải giảm các chỉ tiêu phát triển ngắn hạn của mình lại.

44% dân Việt Nam đều trẻ dưới 24 tuổi. Bà Hồng đặt hy vọng ở giới trẻ: “Ai mà biết trong năm tới đây Ngân hàng Thế giới sẽ quan tâm đến chuyện gì? Tôi thì muốn dựa vào sức mạnh của chính mình, vào người dân tôi và huy động các công ty của chúng tôi để giải quyết các vấn đề môi trường ngay tại nơi đây. Không có nhà tài trợ nước ngoài nào sẽ ở lại lâu dài mãi đâu. Đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi phải tự giúp đất nước mình thích ứng và giảm thiểu những tác hại của biến đổi khí hậu, bằng cách tăng cường các phong trào môi trường tại địa phương”.

Biến đổi khí hậu, cuộc chiến của Việt Nam ngày nay (Phần 3)
05/09/2018
 “Chúng tôi đã lấy tất cả những thứ gì chúng tôi tìm được để lót ra ngủ, rất nhiều người phải ngủ thẳng trên mặt đất. Nhưng hầu hết chúng tôi không ngủ được. Chúng tôi chỉ nằm đó mà khóc thôi. Nhà cửa chúng tôi đã mất sạch, những người thân yêu của chúng tôi đã mất biến không còn dấu tích, chúng tôi biết là chúng tôi đã mất tất cả. Toàn cơ thể tôi mệt rã rời, đầu óc tôi hoang mang. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những khổ đau này đây?“

Tác giả: Laure Siegel, Luke Duggleby và Hugo Leenhardt
Dịch giả: Nguyễn Văn Vui
1-9-2018

Tiếp theo Phần 1Phần 2

Phần 3: Đàm phán về một tương lai bền vững cho khu vực Mekong
Lối sống của 60 triệu người phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên của lưu vực sông Mekong đang bị đe dọa bởi việc xây hàng chục cái đập trên dòng chính và các dòng nhánh của nó. Các đập thủy điện này được lên kế hoạch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về điện và nước. Một dự án lớn với 11 cái đập trên hạ lưu sông Mekong hiện đang gây căng thẳng giữa các quốc gia ven sông.
 

Tổ chức “Sông ngòi Quốc tế”, internationalrivers.org

Năm 1995, Ủy ban sông Mekong (MRC) được thành lập với nhiệm vụ là phối hợp việc điều hành và sử dụng các nguồn tài nguyên của lưu vực sông Mekong. Sự cần thiết cho hợp tác xuyên biên giới trở nên rõ ràng khi Trung Quốc bắt đầu ngăn nước trên thượng nguồn sông Mekong, mà chẳng thèm tham khảo ý kiến ​​gì cả với các quốc gia vùng hạ lưu. Trong mười năm qua, các công ty Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp và đặc biệt là Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực.

Năm 2009, MRC đã ủy nhiệm chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện và hai mươi chuyên gia khác tiến hành một cuộc nghiên cứu về tác động môi trường của 11 kế hoạch đập nước trên hạ lưu của sông Mekong. Các chuyên gia đã đề nghị nên hoãn dự án khổng lồ này thêm mười năm nữa. Lý do là vì các kiến thức hôm nay không đủ để đưa ra một quyết định mà sẽ không còn đảo ngược được nữa, nhất là khi quyết định đó có thể phá sự đa dạng sinh học đến một mức độ không thể lường.

Ông Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Các đập sông Mekong trên lãnh địa Trung Quốc đã làm giảm lượng phù sa ở vùng hạ lưu hơn một nửa, từ 160 triệu tấn năm 1992 xuống chỉ còn 75 triệu tấn vào năm 2014. Mười một con đập mới sẽ làm giảm thêm một nửa nữa. Việc thiếu phù sa sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng lên sự đa dạng sinh học: rừng ngập mặn sẽ biến mất, chất lượng nước sẽ giảm đáng kể, chim và cá chết hàng loạt“.

Tuy vậy tất cả các khuyến nghị đó coi như chỉ để gởi cho gió mang đi, vì trong MRC chỉ có mặt của các quốc gia vùng hạ lưu Mekong mà thôi (Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) và vì Ủy ban chỉ đóng một vai trò tư vấn. Cho nên hai con đập trên dòng chính đang trong tiến trình xây dựng, và hàng chục con đập khác nữa đã được lên kế hoạch cho các dòng nhánh của Mekong. Chúng đe dọa sẽ biến dòng sông giàu có giống loài sinh học này trở thành một chuỗi hồ chứa nối tiếp với nhau.

Theo một nghiên cứu từ Thái Lan, nếu 40 đập thủy điện trên sông Mekong và các nhánh của nó được hoàn thành cho đến năm 2030, thì bốn nước thành viên của MRC sẽ chịu thiệt hại 6,4 tỷ Euro và dân chúng của họ sẽ nghèo thêm lên. Campuchia sẽ mất một nửa số phù sa là môi trường sống của cá, nếu 11 con đập được xây xong cho đến năm 2040 trên dòng chính sông Mekong -2 cái trên lãnh địa của mình và 9 cái tại Lào.

Suốt 20 năm qua, quốc gia nhỏ và khép kín là Lào đã dựa vào tiềm năng thủy điện của mình và đề ra mục tiêu trở thành “cục pin của Đông Nam Á” vào năm 2025, xem việc khai thác thủy điện như là nguồn thu nhập chính của mình. Một nửa số điện từ các nhà máy thủy điện này là để bán cho những nước lân bang. Chính phủ Lào thường ca ngợi đó là một vũ khí trong cuộc chiến chống đói nghèo của họ.

Tuy nhiên, một thảm họa gần đây có thể làm chết yểu cái chương trình khổng lồ xây dựng đập trên khắp Đông Nam Á. Vào ngày 23 tháng 7 2018 tỉnh Attapeu của Lào, một con đập thủy điện đang xây dựng đã bị vỡ sau những trận mưa to. Đập này do công ty Hàn Quốc Xepian-Xe Nam Noy xây. Năm tỷ mét khối nước đã tràn xuống ngập các làng xung quanh và gây ra lũ lụt tận đến nước láng giềng ở hạ lưu là Campuchia. Riêng tại Lào, 6.600 gia đình rơi vào tình cảnh mất nhà cửa do nước lũ, ở Campuchia 5.000 người khác cũng bị số phận tương tự. Hàng trăm người đã mất tích và tử vong.

Ông Nguyễn Hữu Thiện chỉ trích: “Đúng ra các cơ quan chức năng phải có kế hoạch cho các tình huống khẩn trương và kế hoạch sơ tán trong trường hợp vỡ đập. Đánh giá thảm họa đã xảy ra cho con đập Xepian Xe Nam Noy thì người ta thấy các kế hoạch như vậy đã không có. Sự thiếu an toàn của tất cả các đập này làm cho chúng tôi rất lo lắng. Nếu Campuchia thực sự sẽ xây đập Sambour, thì có một nguy cơ là nó sẽ bị vỡ nếu có một con đập khác ở thượng nguồn bị vỡ, y hệt các con cờ Domino. Đặc biệt, con đập Xayaburi là một hiểm họa lớn, vì về mặt địa chất nó lại nằm trên một đứt gãy (còn gọi là biến vị)“.

Sự đàn áp ngày càng tàn bạo đối với các phương tiện truyền thông ở Đông Nam Á mấy năm trở lại đây đã đưa đến một tình trạng bi thương khác: Những thảm họa tương tự như vậy đã xảy ra, nhưng tin tức bị ém nhẹm, không có nhân chứng và không có thông tin ra ngoài cho công luận biết. Tuy vậy, có hai phụ nữ trẻ người Lào đã vào được trong một khu vực bị quân đội canh phòng cẩn mật. Họ đã tìm thấy ở đó một vùng hoang vu vô cùng hỗn loạn, với nhiều xác người chết trong bùn lầy và gần đó là một số người sống sót bị bỏ mặc lây lất và cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Một trong số người thoát chết trong đường tơ kẽ tóc này là Yae, một phụ nữ trẻ đang mang thai và sống trong một trại bị binh lính bao vây và canh phòng, đã nói với họ: “Chúng tôi đã lấy tất cả những thứ gì chúng tôi tìm được để lót ra ngủ, rất nhiều người phải ngủ thẳng trên mặt đất. Nhưng hầu hết chúng tôi không ngủ được. Chúng tôi chỉ nằm đó mà khóc thôi. Nhà cửa chúng tôi đã mất sạch, những người thân yêu của chúng tôi đã mất biến không còn dấu tích, chúng tôi biết là chúng tôi đã mất tất cả. Toàn cơ thể tôi mệt rã rời, đầu óc tôi hoang mang. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những khổ đau này đây?”

Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á thì cho đến năm 2030 các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải cần tổng cộng 21 tỷ Euro, (nghĩa là bình quân 1,4 tỷ Euro mỗi năm), để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nếu các nước này muốn duy trì tăng trưởng kinh tế của mình, xóa đói giảm nghèo và thích nghi với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các dự án lớn như trên lại đe dọa đời sống của hàng trăm triệu người dân vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi, đói khó trong lưu vực sông Mekong.

Nhà nghiên cứu người Pháp Sophie Boisseau du Rocher đã mô tả tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này trong quyển sách “Đông Nam Á trong bẫy sập” như sau: “Làm thế nào để dung hòa được việc xây dựng xã hội và nền dân chủ lâu dài, với các áp lực ngắn hạn và khó tránh được của sự phát triển kinh tế với hậu quả là sự bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng?“

Source:






No comments:

Post a Comment