Tiến sĩ Darshan Brar (Viện Lúa quốc tế) kiểm tra ruộng lúa AS 996 (lai từ lúa ma) ở Tiền Giang - Ảnh tư liệu |
Thế nhưng hiện nay nhà khoa học
chuyên sâu về lúa ma trên thế giới không nhiều, chỉ hơn 20 người, chủ yếu là
Nhật Bản, Trung Quốc và VN.
Trong khi bí ẩn về lúa ma vẫn chưa
được giải mã hết thì số nhà khoa học trong lĩnh vực này ngày càng ít đi do tuổi
cao, sức yếu. Bên cạnh đó, lúa ma trong tự nhiên cũng không còn nhiều, đặt ra
vấn đề cần phải gấp rút bảo tồn, giữ gìn nguồn gen quý cho mai sau.
Chục năm chưa xong
Người ta vẫn hay hỏi: “Người Mỹ có
thích ăn gạo thơm Jasmine 85 do nhà khoa học của nước họ là Hank Beachell lai
tạo thành công từ năm 1989 (năm đăng ký nhãn hiệu độc quyền) không? Những người
dân giàu có ở Trung Đông thích ăn gạo thơm Khao Dawk Mali của Thái Lan hay
Basmati của Ấn Độ không?”.
Câu trả lời là: “Không hoàn toàn như
vậy!”.
Nếu họ đã hài lòng với những loại
gạo cao cấp nhất thế giới mà chúng tôi vừa nêu thì họ đã không đặt hàng các nhà
khoa học di truyền và chọn giống lai tạo cho họ những loại lúa gạo mà bố phải
là lúa ma.
Những đơn đặt hàng này đã có từ
nhiều năm nay nhưng không ai tiết lộ bởi vì nó quá khó và cho đến nay chưa có
giống lúa nào ra đời được.
“Người Mỹ thích ăn gạo có kích cỡ
hạt trung bình nhưng có tính chất dược liệu. Còn người ở xứ sở dầu mỏ giàu có
Trung Đông thì thích ăn gạo thơm, hạt dài. Một số nước thì muốn có gạo mà trên
hạt phải có vết đục.
Nhiệm vụ của các nhà khoa học di
truyền và chọn giống là phải nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa mà từng thị
trường có nhu cầu để nông dân sản xuất. Khi nào mình đáp ứng được nhu cầu đó
thì họ mới nhập khẩu với giá cao, sản lượng lớn” - GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện
Lúa ĐBSCL) nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người
Mỹ đã đặt hàng các nhà khoa học lai tạo giống lúa ma của Mỹ với các loại gạo
khác để cho ra đời loại lúa gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao để sản xuất thực
phẩm chức năng.
Đó là xu thế tất yếu của thế giới
khi mà người ta giàu có hơn, dư dả hơn, không còn lo nghĩ đến chuyện chỉ cần
“ăn đủ no, mặc đủ ấm” nữa.
Bà Lang nói thêm: “Hiện nay không có
giống lúa nào đạt được các tiêu chuẩn mà Mỹ đặt ra. Chúng tôi bắt tay nghiên
cứu hơn 10 năm rồi vẫn chưa đạt kết quả. Cái khó nhất là họ yêu cầu gạo phải có
hàm lượng acid phytic thấp. Tuy nhiên trong thực tế dù được coi
là ngon xuất sắc thì hàm lượng acid phytic vẫn cao hơn ngưỡng mà Mỹ đặt ra.
Acid phytic cao sẽ làm phân hủy protein nên cơ thể không hấp thu được dưỡng
chất từ thức ăn.
Do đó ăn cơm và thức ăn ngon, giàu
dinh dưỡng thì... cũng như không. Họ muốn có gạo mà hàm lượng acid phytic cực
thấp là điều dễ hiểu, nhưng lại không dễ thực hiện”.
Chỉ riêng việc đi tìm giống lúa dược
liệu làm thực phẩm chức năng, bà Lang và cộng sự đã làm cả trăm tổ hợp lai
nhưng vẫn chưa tìm được.
Còn người Trung Đông thì đặt hàng
gạo thơm, cơm ngon mà... dễ bốc. Lý do là dân ở vùng này có truyền thống dùng
tay bốc cơm, cho nên họ cần gạo vừa thơm, ngon, dễ bốc ăn.
Theo bà Lang, lúa thơm VN đem qua
Trung Đông trồng cho năng suất tới 10 tấn/ha nhưng họ lại không thích trồng mà
muốn nhập khẩu cho nhanh.
Đơn đặt hàng của họ là phải dùng lúa
ma Ai Cập và lúa ma VN lai với lúa thơm đặc sản Basmati của Ấn Độ và cho ra gạo
phải ngon bằng hoặc hơn Basmati.
Nhìn vào yêu cầu này ai cũng tưởng dễ
nhưng kỳ thực đó là đơn đặt hàng siêu khó. Bà Lang giải thích:
“Lúa ma thì có gen để lai, nhưng lúa
Basmati đưa vào lai với bất kỳ giống lúa nào đều bị dội trở ra hết. Con lai của
tổ hợp này không còn giữ được các đặc tính nổi trội của mẹ Basmati, tức là con
giống cha nhiều hơn. Chúng tôi đã lai lúa ma Ai Cập, VN với Basmati nhưng chưa
thành công. Đau đầu nhất là ở chỗ gạo không thơm bằng Basmati”.
Đơn đặt hàng dễ hơn một chút là tạo
ra giống lúa mà hạt gạo có vết đục để làm rượu thì sắp có kết quả.
Theo bà Lang, loại gạo này được dùng
để làm rượu, nhưng phải là gạo thơm, ngon chứ không phải gạo cấp thấp dùng để
nấu rượu như ở VN.
Vết đục trên hạt gạo có tác dụng
giúp lên men tốt hơn, làm cho rượu ngon hơn. Ở VN giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào
có vết đục trên hạt nên cũng được dùng làm mẹ trong phép lai này.
Bộ sưu tập các loại gạo của Viện Lúa quốc tế - Ảnh: IRRI |
Cấp thiết bảo tồn lúa ma
Theo TS Dương Văn Ni - chuyên gia về
đa dạng sinh học Trường ĐH Cần Thơ, từ những năm 1960, nhiều nước đã bắt đầu
chương trình thu thập nguồn gen của các loài cây có giá trị kinh tế như bắp,
đậu nành, mía, mè, lúa... trên khắp thế giới.
Mục đích của việc làm này là nhằm sở
hữu các nguồn nguyên liệu di truyền để sau này có thể tạo ra giống mới hay cải
thiện chất lượng các giống đang có.
Tuy nhiên sau gần chục năm thực
hiện, các nhà khoa học đã kết luận là việc lưu trữ mẫu trong các kho lạnh hay
quy tập về trồng trong các trại thực nghiệm đã làm suy thoái các nguồn gen này.
Để các nguồn gen này giữ được các
đặc tính ưu việt vốn có của nó, cách tốt nhất là duy trì loài đó tại nơi tìm
thấy chúng và tìm cách bảo vệ nguyên trạng cả hệ sinh thái đó. Lúa ma cũng vậy.
Tuy nhiên ĐBSCL đang đứng trước nguy
cơ bị mất rất nhiều loài đặc biệt trên đất phèn nặng. Lý do là chúng ta đã và
đang tìm mọi cách để cải tạo đất phèn làm đất nông nghiệp.
Với hệ thống kênh mương chằng chịt
nhằm thoát lũ, tháo chua, xổ phèn nên diện tích đất phèn nặng đã giảm nhanh
chóng.
Đặc biệt là chế độ khô - ngập và
chất lượng nước không còn theo quy luật tự nhiên, do đó những loài tồn tại được
nhờ vào khả năng thích nghi với môi trường đất - nước khắc nghiệt đã bị biến
mất nhanh chóng.
“Dù chúng ta đã rất nỗ lực trong
việc bảo vệ những vùng đất phèn tự nhiên như Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam
Nông, tỉnh Đồng Tháp), song tính đa dạng sinh học của nơi này suy giảm rất đáng
kể.
Chẳng hạn vì sợ cháy rừng tràm mà
các nhà quản lý luôn tìm cách đào kênh, đắp đê để giữ mực nước mùa khô càng cao
càng tốt.
Chế độ thủy văn này làm thay đổi đặc
tính hóa - lý của lớp đất mặt như: đất ít chua hơn, thời gian khô ngắn hơn...
nên các loài chịu ngập có điều kiện phát triển nhanh và lấn lướt các loài tự
nhiên, trong đó có loài lúa ma” - TS Ni nói.
Trong hệ sinh thái Vườn quốc gia
Tràm Chim, lúa ma đóng vai trò là một loài chủ lực. Chúng là nguồn thức ăn quan
trọng để duy trì sự sống cho các loài khác trong những giai đoạn đặc biệt khó
khăn như khi nước ngập sâu hay lúc khô hạn.
Rễ, thân, lá, hạt lúa ma là nguồn
thức ăn cho rất nhiều loài trong lúc nước ngập mênh mông. Hạt lúa ma trong đất
là nguồn tinh bột cho nhiều loài sống sót trong lúc khô hạn. Vì vậy, khi loài
lúa ma bị biến mất thì chuỗi thức ăn của hệ sinh thái này sẽ bị xáo trộn trầm
trọng.
Dễ thấy là các loài sống nhờ vào lúa
ma trong lúc nước ngập sâu hay khô hạn sẽ bị giảm về số lượng và dần biến mất
trước tiên.
Việc lúa ma ngày càng mất dần cũng
đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn gen quý giá để lai tạo ra những giống lúa
mới ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do vậy việc quy
hoạch, bảo tồn lúa ma cho thế hệ tương lai là rất cấp thiết.
VÂN TRƯỜNG
(vantruong@tuoitre.com.vn)
Source:
https://tuoitre.vn/lua-ma-huyen-thoai-ky-cuoi-lua-ma-va-nhung-don-hang-moi-1012606.htm
No comments:
Post a Comment