Monday, March 19, 2018

Lúa ma huyền thoại - Kỳ 3: Người Nhật đi tìm lúa ma


28/11/2015 11:12 GMT+7 

TT - Từ năm 2006 đến nay đã có hàng chục chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản sang VN để săn tìm lúa ma, lấy mẫu ADN mang về nước nghiên cứu.


GS Ryuji Ishikawa (thứ ba từ phải qua) và các nhà khoa học Nhật Bản trong một chuyến sang VN tìm lúa ma lấy mẫu về nghiên cứu - Ảnh: tư liệu

Mới đây nhóm của GS.TS Ryuji Ishikawa tiết lộ trong mẫu ADN lúa ma lấy tại Tiền Giang và TP Cần Thơ mấy năm trước có một gen cực quý, chưa từng được phát hiện trên thế giới.
Mặc dù chưa công bố chi tiết thông tin về gen này, nhưng chỉ với việc họ đã công nhận học vị tiến sĩ cho hai nghiên cứu sinh giải mã gen “lạ” này cho thấy đây không phải là một phát hiện tầm thường.

Niềm đam mê của người Nhật

GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) kể năm 2006 bà bắt đầu hợp tác với chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản nghiên cứu sâu về lúa ma tại VN và nhiều nơi khác trên thế giới. Giáo sư Taka của Trường ĐH Kobe là người thường xuyên sang VN nhất. Ông đi rất nhiều tỉnh, thành phía Nam để tìm và lấy mẫu ADN lúa ma về phân tích.
Kết quả ban đầu của sự hợp tác này là Trường ĐH Kobe mời bà sang giảng dạy về sự tiến hóa của lúa ma cho cán bộ và sinh viên ngành nông nghiệp trường này vào năm 2008. Sau đó Bộ Nông nghiệp và Bộ Giáo dục Nhật Bản đã thông qua dự án hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL nghiên cứu chuyên sâu về lúa ma.
Bà Lang kể mặc dù ở Nhật Bản hiện không có lúa ma, nhưng các nhà khoa học và sinh viên của họ say mê tìm hiểu loài này một cách kỳ lạ. Khi bà nói về lúa ma VN, họ rất quan tâm ghi chép tỉ mỉ và hỏi rất nhiều. Sau đó họ lần lượt đặt vé máy bay sang VN, đi thực tế để được nhìn thấy lúa ma VN như thế nào rồi lấy mẫu về nghiên cứu.
Do không thể mang hết những cây lúa ma ở VN về nước nghiên cứu, các nhà khoa học Nhật Bản lấy lá lúa ma ép vào giữa hai miếng giấy thấm rồi đập nhẹ cho dịch (ADN) trong lá thấm vào giấy. Giấy chứa dịch ADN lúa ma được họ bảo quản kỹ càng để mang về nước phân tích và lưu trữ.
Ngoài ra, các nhà khoa học Nhật Bản và Viện Lúa ĐBSCL còn mang một số bụi lúa ma đã được lấy mẫu về trồng trong nhà lưới của viện nhằm bảo tồn và tiếp tục lấy mẫu phân tích khi cần thiết. Bà Lang kể: “Họ mang về trồng trong chậu đặt chỗ nào thì họ nhớ rất rõ. Có lần chúng tôi thay chậu, thay đất cho lúa phải di dời một số chậu đi chỗ khác. Khi sang VN, họ phát hiện ngay có sự thay đổi vị trí chậu lúa ma mà ông Taka mang về và lập tức tỏ thái độ không hài lòng. Ông yêu cầu phải sắp xếp lại đúng vị trí ban đầu để ông theo dõi, đánh giá, so sánh với các chậu lúa ma khác. Phải nói là họ làm việc rất khoa học, nghiêm túc và có sự đam mê rất lớn”.
Nhóm của GS.TS R. Ishikawa (phó khoa nông nghiệp và khoa học cuộc sống Trường ĐH Hirosaki) dẫn đầu là một trong nhiều nhóm sang VN nghiên cứu lúa ma, nhưng đây là nhóm say mê nhất, làm việc chăm chỉ nhất và đương nhiên thu được nhiều kết quả nhất.
Năm 2013 nhóm này bay sang VN nhờ vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu và Nguyễn Thị Lang đưa đi các tỉnh để tìm và lấy mẫu ADN lúa ma đem về Nhật. Bà Lang kể: “Mỗi năm nhóm này sang VN 2-3 lần, họ rất quý và trân trọng các loài lúa ma VN và nghiên cứu rất kỹ. Họ làm việc rất bí mật, mình chỉ thấy họ quan sát, ghi chép tỉ mỉ, lấy mẫu mang về Nhật Bản nghiên cứu. Kết quả thế nào thì họ không nói. Một lần trao đổi email với tôi, họ có gửi kèm bức ảnh cho thấy gen lúa ma VN khác hẳn với gen lúa ma ở những nơi khác trên thế giới. Họ rất hạnh phúc về phát hiện này”.
Có lần sang VN gặp lúc vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu bận đi công tác không hướng dẫn được nên ông R. Ishikawa không thể vào được Đồng Tháp Mười để tìm lúa ma. Do ông không biết đường đi và lịch công tác tại VN cũng sắp kết thúc nên ông phải hủy chuyến đi này.
Tuy nhiên ngay sau khi về nước, ông lập tức lên kế hoạch trở lại VN và tự thuê xe đi thẳng vào Đồng Tháp Mười. Chỉ riêng chuyện này cũng đủ thấy các nhà khoa học của Nhật Bản say mê công việc nghiên cứu lúa ma, đặc biệt là lúa ma VN như thế nào!
GS.TS Nguyễn Thị Lang kể thêm khi sang Nhật công tác bà đã nhìn thấy GS Kato hơn 80 tuổi rồi nhưng vẫn chăm sóc và bảo quản cây lúa ma ông mang về từ Lào như chăm cháu của mình vậy.
Chỉ có một bụi lúa ma thôi nhưng ông Kato làm cho nó nhà kính và bảo vệ chẳng khác gì một báu vật, vì loài lúa ma ở Lào có gen chịu nóng rất quý. Bà Lang buông giọng buồn buồn: “Nhìn thấy mấy người Nhật chăm chút, trân trọng, say mê nghiên cứu lúa ma tôi thấy chạnh lòng lắm. Tôi đã làm đề nghị xin nhiều lần nhưng chưa bao giờ được duyệt chi một đồng để nghiên cứu lúa ma. Còn các cán bộ trẻ của viện thì không mấy người thích nghiên cứu lúa ma...”.

Các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu lúa ma tại Viện Lúa ĐBSCL - Ảnh: tư liệu
Lo cho tương lai

Nhóm nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy gen quý trong lúa ma VN đến từ nhiều trường ĐH khác nhau. Trưởng nhóm là GS.TS R. Ishikawa ở Trường ĐH Hirosaki. Các thành viên còn lại là PGS.TS Tadashi Sato (ĐH Tohoku) và các cộng sự ở ĐH Chiba...
Các chuyên gia này đặt mối quan hệ hợp tác với Viện Lúa ĐBSCL từ năm 2012 với mục đích thu thập mẫu tất cả các loài lúa hoang ở ĐBSCL và ở một vài vị trí đã biết để làm đối chứng. Đem các loài này trồng trong nhà lưới của viện lúa để kiểm soát và xác định đặc tính sinh học, chu kỳ tăng trưởng, phân tích hình thái. Ly trích ADN từ mẫu lá tươi của lúa ma. Phân tích ở cấp độ phân tử để đánh giá đa dạng di truyền của lúa ma.
Mang tiếng là hợp tác nhưng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn không duyệt chi kinh phí theo đề nghị của Viện Lúa ĐBSCL, phía Nhật Bản phải hỗ trợ một phần, GS.TS Nguyễn Thị Lang xin một phần từ các dự án khác của nước ngoài để theo đuổi sự hợp tác này.
“Tôi thấy hợp tác nghiên cứu với Nhật rất có lợi cho VN. Họ có chuyên gia giỏi, có máy móc, thiết bị cực kỳ hiện đại và tâm huyết với công việc này. Đây là cơ hội rất tốt để mình nghiên cứu, học hỏi và đào tạo được một số cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong 5 - 6 năm hợp tác với Nhật Bản nên dù ngân sách không chi tiền tôi vẫn cố gắng theo đuổi, cũng vì đam mê thôi” - bà Lang nói.
Theo bà Lang, hiện nay các nhà khoa học Nhật Bản đặc biệt quan tâm nghiên cứu lúa ma tại VN, Thái Lan, Lào và Campuchia bởi vì chỉ ở bốn nước này mới còn nhiều lúa ma mọc hoang dại và có nguồn gen quý. Chẳng hạn lúa ma VN có gen kháng rầy nâu, chịu phèn, mặn và chịu ngập giỏi; lúa ma Lào thì chịu nóng...
Nguồn gen vô cùng quý này không có ở bất kỳ giống lúa hiện đại nào. Cho nên các nhà khoa học Nhật Bản mong muốn khám phá càng nhiều gen quý của lúa ma càng tốt để phục vụ cho việc nghiên cứu, lai tạo ra những giống mới để sống được trong các điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.
“Lúa ma tồn tại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác chưa bao giờ chết dù sống trong bất cứ môi trường tự nhiên nào, trong khi lúa cao sản hiện nay có vòng đời hơn ba tháng. Lúa cao sản cho dù kháng rầy, chịu mặn được nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó. Điều này chỉ có thể tìm thấy ở lúa ma mà thôi. Do đó các nhà khoa học Nhật Bản vẫn miệt mài đi tìm và bảo vệ nguồn gen quý của lúa ma để chuẩn bị cho tương lai” - bà Lang nói.

VÂN TRƯỜNG
 (vantruong@tuoitre.com.vn)
Source:

No comments:

Post a Comment