Monday, April 5, 2021

CÁC ĐẠI SỨ THÁI LAN, CAMBODIA VÀ VIỆT NAM THÚC GIỤC ASEAN VÀ HOA KỲ ỦNG HỘ VIỆC QUẢN LÝ MEKONG

 (Thai, Cambodia, Vietnam Ambassadors Urge ASEAN, US support for Mekong Management)

Seourn Vathana – Bình Yên Đông lược dịch

VOA Khmer – 25 March 2021

Sông Mekong ở biên giới Thái Lan và Lào. [Ảnh: Reuters]

 

Washington D.C. – Các đại sứ của Thái Lan, Cambodia và Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ và khối ASEAN để đối phó với các đe dọa môi trường cấp bách của sông Mekong.  Họ cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết để cải thiện việc chia sẻ dữ kiện nước giữa tất cả các quốc gia duyên hà, kể cả Trung Hoa.

Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc phát biểu, trong một cuộc hội thảo trên mạng do Trung tâm Đông-Tây tổ chức hồi cuối tháng 2, rằng hỗ trợ của Hoa Kỳ để đối phó với các thách thức của sông Mekong nên được nới rộng trong khi nói thêm rằng Hà Nội cũng muốn ASEAN tham gia để giúp vượt qua thách thức.

“Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng sự lãnh đạo và cam kết của Hoa Kỳ sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc hợp tác để trợ giúp cho Mekong,” ông nói.

“ASEAN cần phải đặt ưu tiên cao hơn cho vấn đề nầy.  Trong khu vực của chúng tôi, chúng tôi có một số vấn đề ưu tiên hàng đầu, gồm có Nam Hải, cái mà chúng tôi gọi là Biển Đông.  Đối với Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực, Mekong cũng có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh, thịnh vượng, và ổn định của toàn khu vực.”

Chia sẽ dữ kiện nước và cai quản xuyên biên giới

Hà Kim Ngọc nói có khoảng 20 triệu người Việt Nam sống dựa trực tiếp vào Đồng bằng sông Cửu Long.  Từ năm 2015, 2 trận hạn hán lịch sử đã gây thiệt hại gần 1 tỉ USD.

“Nó sẽ xảy ra thường xuyên hơn nếu chúng ta không hành động nhanh chóng, nhất là trong việc tăng cường việc cai quản nguồn nước xuyên biên giới,” ông nói, và thêm rằng Việt Nam muốn tất cả các quốc gia duyên hà chia sẻ dữ kiện nước, quản lý tài nguyên có trách nhiệm, và thiết lập ‘các quy định và tiêu chuẩn’ trong việc quản lý sử dụng nước của mỗi quốc gia.

Việt Nam, Thái Lan, Cambodia và Lào là thành viên của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), dựa trên thỏa ước 1995 để khuyến khích hợp tác, nhưng không ràng buộc pháp lý với việc sử dụng nước.  Trung Hoa và Myanmar cũng nằm trong lưu vực, nhưng không là thành viên của MRC.

Cuộc hội thảo, cũng gồm có một đại diện hàng đầu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Á Châu và Dân biểu Ted Lieu (D-CA) của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, thảo luận một phúc trình mới của Trung tâm Đông-Tây được Quốc hội tài trợ.  Phúc trình nhấn mạnh đến sự cần thiết việc việc quản lý xuyên biên giới ở Mekong để đối phó với những thách thức của thay đổi khí hậu, biến đổi điều kiện thủy học, hạn hán kéo dài và thiên tai.

 

Một dân làng địa phương chèo thuyền ở vị trí tương lai của đập Luang Prabang trên sông Mekong, ở ngoại ô Luang Prabang, Lào ngày 2 tháng 2 năm 2020.

[Ảnh: Reuters]

 

Trong những năm gần đây, hạn hán nghiêm trọng đã gây thiệt hai cho năng suất tự nhiên khác thường của Mekong, rất quan trọng cho hàng chục triệu người sống bằng việc đánh cá và canh tác.

Đại sứ Thái Lan Manasvi Srisodapol nói, “Cần có nhiều phát triển dọc theo sông Mekong.  Chúng tôi cảm thấy rằng ASEAN, với khả năng hạn chế, không thể tự mình phát triển Mekong.  Chúng tôi cần đối tác.  Chúng tôi có nhiều đối tác muốn giúp chúng tôi phát triển, song phương hay trong khuôn khổ phân vùng, kể cả Sáng kiến Hạ lưu Mekong [do Hoa Kỳ cầm đầu] và các hợp tác khác với Hoa Kỳ.”

“Củng cố cai quản và minh bạch sông là trọng tâm” để đối phó với những thách thức của Mekong, ông nói, và thêm rằng, “Thái Lan hỗ trợ việc chia sẻ dữ kiện nước đúng lúc và phẩm chất cao trên dòng chánh sông Mekong.”

Đại sứ Cambodia Chum Sounry hoan nghênh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho khu vực, nhưng không kêu gọi cho việc cai quản xuyên biên giới.  Ông trích dẫn một tuyên bố mới đây của Văn phòng MRC để kêu gọi “Trung Hoa và các quốc gia ở hạ lưu Mekong chia sẻ dữ kiện nước với MRC để giúp các quốc gia hạ lưu Mekong quản lý nguy cơ có hiệu quả hơn.”

 

Một ngư dân thăm lưới trong sông Mekong ở Sangkorn, trong tỉnh Nong Khai ở đông bắc Thái Lan ngày 31 tháng 10 năm 2019. [Ảnh: AFP]

 

Lo ngại về đập của Trung Hoa và Lào

Trong năm qua, Văn phòng MRC, Việt Nam và Thái Lan đã bày tỏ lo ngại sâu xa về ảnh hưởng của các đập thủy điện lớn ở thượng lưu Trung Hoa và Lào đối với nhịp lũ của sông ở hạ lưu.

Lào đã phủi sạch những lo ngại nầy, trong khi Trung Hoa bác bỏ các đập của họ ảnh hưởng đến mực nước ở hạ lưu.  Chỉ gần đây, sau nhiều than phiền liên tiếp, Beijing (Bắc Kinh) đồng ý chia sẻ dữ kiện nước với MRC mặc dù câu hỏi vẫn chưa được trả lời.

Hoa Kỳ đã phản ánh mạnh mẽ các lo ngại về việc thiếu hợp tác và minh bạch của Trung Hoa trong việc sử dụng Mekong và có ảnh hưởng tiêu cực ở hạ lưu, và vấn đề có vẻ trở nên một phần của sự kình địch Trung Hoa-Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.

Trong cuộc hội thảo, Dân biểu Ted Lieu và Atul Keshap, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nhắc lại lập trường nầy.

“Chúng tôi vẫn còn lo ngại… rằng (Mekong) hạn hán lịch sử và các đập ở thượng lưu ở Trung Hoa làm tồi tệ thêm, đang gây thiệt hại cho các cộng đồng và hệ sinh thái mà trong nhiều thế hệ đã dựa vào nhịp lũ của sông Mekong,” Keshap nói.

Ông thắc mắc liệu Trung Hoa có chia sẻ dữ kiện nước với MRC đúng lúc và có hiệu quả, nói rằng, “Rõ ràng… những cam kết nầy không được thực hiện.”

Từ năm 2009, chánh phủ Hoa Kỳ đã cộng tác trong các chương trình hợp tác với các quốc gia Mekong.  Hoa Kỳ vừa mới phát động các chương trình mới trị giá 150 triệu USD để đối phó với những thách thức môi trường trong lưu vực sông và hỗ trợ thị trường năng lượng và chống tội phạm xuyên biên giới.

Vào tháng 12, Bọ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng hỗ trợ việc phát động Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor (MDM)), sử dụng các vệ tinh xuyên mây để theo dõi mực nước ở 11 đập ở thượng lưu Trung Hoa và các quốc gia Mekong khác.  Trung tâm nghiên cứu Stimson, cơ quan điều hành MDM, nói dữ kiện cho thấy các đập tối đa hóa quyền lợi và không cứu xét các ảnh hưởng ở hạ lưu..

No comments:

Post a Comment