Tuesday, January 12, 2021

Sao Gọi Là Miệt Thứ? Bùi Quý Chiến

 (Đặc San Lâm Viên)

4/1/2021

Trong bài ca "Em về miệt thứ", tác giả Hà Phương dùng ca dao để tả nỗi lòng của cô gái Tiền giang theo chồng về miệt thứ Cà mâu.

Tuy yêu chồng nhưng sống giữa cảnh "chim kêu vượn hú, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh" cô không khỏi chạnh lòng nhớ quê nhà và ba má.

Với giọng ca mềm mại nhưng lắng sâu, ca sĩ Hương Lan hạ hai câu cuối:

Sương khuya ướt đọng giàn bầu

Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai?

Người nghe được truyền cảm nỗi sầu cô quạnh của cô gái Tiền giang theo chồng về miệt thứ hoang vu.

Quê Tiền giang của cô gái là vùng đã được khai phá vài đời trước, nay trở thành miệt ruộng, miệt vườn xanh tươi.

Miệt thứ của chồng cô là những vùng còn hoang dại ở Hậu giang, chưa có dấu chân người. Đó là những rừng nguyên sinh chỉ thích hợp với những loại ưa nước phèn nhiễm mặn như sác, gừa, đước, tràm... Ngoài ra còn có muỗi bay vo ve như tiếng huýt sáo, đỉa lội lềnh bềnh tựa bánh canh, chim kêu như ma quái đem tới điềm xấu, vượn hú nghe tuyệt vọng não lòng. Thêm nữa, những lưu dân tiên phong tới khai phá còn phải đối đầu với cá sấu và cọp (theo Gia định thành thông chí của Trịnh hoài Đức, dân Gia đỊnh dùng đòn xóc đánh cọp, đàn bà cũng chống cọp bằng liềm cắt cỏ).

Nhưng tại sao vùng đang khẩn hoang gọi là miệt thứ?

Từ này đã xưa, nay không còn dùng nên chúng tôi tra cứu cuốn "Đại nam quấc âm tự vị"  của Huỳnh tịnh Paulus Của, ấn hành tại Sài gòn năm 1895.

Theo cuốn này, thứ do từ quân thứ có nghĩa là nơi đóng binh.

Kế hoạch Quân thứ của Nguyễn cư Trinh

Quân thứ là hệ thống doanh trại quân đội trong kế sách "tằm ăn dâu" do Nguyễn cư Trinh đệ trình chúa Nguyễn phúc Khoát và được chúa chấp thuận cho thi hành.

Năm 1750, Nặc Nguyên ngả theo Xiêm và thông sứ với chúa Trịnh, mưu toan đồng loạt tấn công chúa Nguyễn. Chúa Phúc Khoát biết âm mưu này liền cử Nguyễn cư Trinh đem quân sang trừ diệt kẻ phản trắc.

Nguyễn cư Trinh nguyên là tuần vũ phủ Quảng ngãi có công dẹp được giặc Mọi Đá vách nên được chúa Phúc Khoát phong làm Điều khiển (như chức Tư lệnh) 5 dinh là Bình khang (Khánh hòa), Bình thuận (Phan rang), Trấn biên (Biên hòa), Phiên trấn (Gia định) và Long hồ (Mỹ tho).

Với khí thế như vũ bão, Nguyễn Cư Trinh và phụ tá Trương phúc Du tiến quân tới đâu là nơi đó đầu hàng, Nặc Nguyên phải chạy ra Phú quốc. Nhờ trung gian Mạc thiên Tứ, Nặc Nguyên xin nhượng xứ Lôi lạp (Gò công) và Tầm bôn (Tân an) để được tha tội và trở về Nam vang.

Chúa Nguyễn không nhận, muốn Cư Trinh tiếp tục đuổi đánh cho tới khi giết được Nặc Nguyên.

Cư Trinh dâng sớ xin chúa nhận điều kiện đầu hàng của Nặc Nguyên, viện những lẽ như sau:

"Từ xưa sở dĩ dùng đến binh chẳng qua là muốn giết đứa kỳ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Nay Nặc Nguyên đã hối lỗi nạp đất xin hàng, nếu tìm mãi sự giả dối của nó thì nó sẽ chạy trốn. Thế mà từ Gia định tới thành La bích (thuộc Chân lạp) đường xá xa xôi không tiện đuổi đến cùng.

Muốn mở mang đất đai nên trước hết phải lấy 2 phủ này để củng cố mặt sau cho 2 doanh (Phiên trấn và Trấn biên). Nếu bỏ gần cầu xa e rằng tình thế cách trở, quân dân không tiếp xúc, lấy được dễ mà giữ được thật khó.

Năm xưa mở mang đất Gia định, trước hết mở mang đất Hưng phú (Biên hòa) rồi đến Lộc dã (Đồng nai) khiến cho quân dân đông đủ rồi sau mới mở tới Sài côn (Sài gòn). Đó là kế tằm ăn dâu vậy.

Nay đất cũ từ Hưng phú tới Sài côn chỉ 2 ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân giữ vẫn chưa được đủ huống chi từ Sài côn tới Tầm bôn (Tân an) xa 6 ngày đường, đường địa rộng rãi, dân số đến vạn người, quân đóng giữ thật sự chưa đủ.

Thần xem người Côn man (người Chàm lưu vong) giỏi thuật bộ chiến, người Chân lạp cũng đã e sợ. Nên cho họ ở đất ấy để họ chống giữ, lấy người Man đánh người Man (Côn Man chống Chân lạp) cũng là đắc sách.

Vậy xin cho Chân lạp chuộc tội, lấy 2 phủ ấy ủy cho phiên thần xem xét tình thế, đặt thành trại đóng quân (quân thứ), chia cấp ruộng đất cho quân lính và nhân dân, vạch rõ biên giới cho lệ vào châu Định viễn để thu lấy toàn khu".

Bấy giờ chúa Nguyễn mới lập được 3 dinh (doanh) là Trấn biên (Biên hòa), Phiên trấn (Gia định) và Long hồ (Mỹ tho). Trấn biên và Phiên trấn ngăn cách với Long hồ bởi phủ Lôi lạp (Gò công) và Tầm bôn (Tân an) thuộc chủ quyền của Chân lạp. Nay thu nhận Lôi lạp và Tầm bôn và sát nhập 2 phủ này vào châu Định viễn thuộc dinh Long hồ khiến trọn miền Đông từ đó thuộc chủ quyền của chúa Nguyễn.

Tổ chức hành chánh và quân sự bấy giờ song song với nhau: Biên hòa có huyện Phước long và dinh Trấn biên, Gia định có huyện Tân bình và dinh Phiên trấn, Mỹ tho có châu Định viễn và dinh Long hồ. Trấn thủ dinh là quan võ kiêm chỉ huy hành chánh.

Sau này tổng thống Ngô đình Diệm cũng đặt chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng và quận trưởng kiêm chi khu trưởng. 

Khai triển quân thứ

Khi Nguyễn cư Trinh làm tuần vũ phủ Quảng ngãi, giặc Mọi Đá Vách thường từ rừng sâu xuống đánh phá và cướp bóc dân chúng. Quan quân tới đánh dẹp, chúng rút vào rừng sâu rất khó đuổi theo. Khi quan quân rút về, chúng lại từ rừng sâu xuống cướp phá.

Để chấm dứt tình trạng bất ổn dai dẳng, Cư Trinh chia quân ra làm 6 đạo, mỗi đạo đóng quân tại một nơi hiểm yếu về quân sự nhưng có tiềm năng về nông nghiệp. Quân lính vừa giữ an ninh vừa khai hoang để tự túc. Mỗi đạo như vậy gọi là quân thứ.

Dân nghèo không có ruộng được chiêu mộ tới khẩn hoang lập ấp chung quanh đồn trại. Được quân thứ bảo vệ, dân tin cậy nên tham gia khẩn hoang ngày càng đông. Di dân được huấn luyện thành dân binh làm lực lượng trừ bị cho quân thứ.

Giặc Mọi Đá Vách bị bao vây phải thương thuyết đầu hàng, Cư Trinh phủ dụ và giúp đỡ họ, từ đó an ninh được vãn hồi.

Do kết quả kế hoạch dùng quân thứ làm hạt nhân để phát triển, chúa Nguyễn phúc Khoát bổ nhiệm Nguyễn cư Trinh làm Điều khiển (Tư lệnh) 5 dinh từ Khánh hòa vào tới Mỹ tho.

Sau khi nhượng xứ Lôi lạp và Tầm bôn cho chúa Nguyễn, nội bộ Chân lạp rối loạn về việc nối ngôi Nặc Nguyên.

Qua trung gian Mạc thiên Tứ, Nặc Nhuận xin nhượng xứ Trà vang (nay là Trà vinh và Bến tre) và Ba thắc (nay là Sóc trăng và nam Bạc liêu) để được chúa Nguyễn cho nối ngôi.

Nội bộ Chân lạp lại rối loạn do Nặc Nhuận bị con rể giết để cướp ngôi. Cháu Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà tiên nhờ Mạc thiên Tứ xin chúa Nguyễn giúp lên ngôi vua Chân lạp. Chúa ủy nhiệm Mạc thiên Tứ và Trương phúc Du giải quyết. Trương phúc Du cất quân sang dẹp loạn, Mạc thiên Tứ đưa Nặc Tôn về làm vua. Nặc Tôn dâng chúa Nguyễn xứ Tầm phong long để đền ơn.

Trọn miền Hậu giang từ đó thuộc chủ quyền chúa Nguyễn.

Nguyễn cư Trinh chia Hậu giang ra làm 5 đạo: Đông khẩu đạo (nay là Sa đéc), Tân châu đạo, Châu đốc đạo, Kiên giang đạo (nay là Rạch giá) và Long xuyên đạo (nay là Cà mâu). Riêng Kiên giang và Long xuyên đạo được đặt trực thuộc trấn Hà tiên của Thiên Tứ.

Phần lớn dọc 2 bờ sông Tiền và Hậu giang bấy giờ còn hoang vu, Nguyễn cư Trinh cho lập đồn trại (quân thứ) và mộ dân từ Quảng ngãi và Phú yên vào để cùng binh lính khẩn hoang lập ấp. Việc khẩn hoang tại Kiên giang và Long xuyên đạo, Cư Trinh ủy nhiệm cho Thiên Tứ.

Áp dụng kế hoạch an ninh kết hợp với sản xuất, di dân được huấn luyện thành dân binh làm lực lượng trừ bị cho quân thứ.

Việc trấn giữ biên giới với Chân lạp về đường bộ, Cư Trinh giao cho người Côn Man (người Chàm lưu vong) đảm nhiệm. Người Côn Man lập đồn trại từ Tây ninh tới Hồng ngự. Tây ninh và Hồng ngự phân cách bởi vùng sình lầy Đồng tháp nên họ phải xuyên qua lãnh thổ Chân lạp mỗi khi liên lạc với nhau.

Ngày nay địa danh "miệt thứ" chỉ còn một vùng ở Cà mâu. Trong cuốn "Tìm hiểu đất Hậu giang", nhà văn Sơn Nam viết:

"Người dân từ Long xuyên, cù lao Ông Chưởng, đi theo kinh đào núi Sập đến Rạch giá rồi men theo bờ biển xuống phía nam đến miệt thứ, trên 10 con rạch chạy song song từ U Minh đổ ra vịnh Xiêm la".

Qua đoạn văn này, miệt thứ đúng là một địa danh ở Cà mâu.

Cũng theo nhà văn Sơn Nam, lưu dân ở Sóc trăng, Bạc liêu, Cà mâu và Rạch giá phần đông là người Tàu do Mạc Cửu và Mạc thiên Tứ mộ từ Triều châu, Phước kiến và Quảng đông. Tới nay họ đã đồng hóa thành người Việt, chỉ còn giữ một phần phong tục và tập quán.

Kế hoạch đồn điền của Nguyễn tri Phương

Kết quả kế hoạch quân thứ của Nguyễn cư Trinh là những xóm làng tập trung chung quanh các đồn gần sông Cái như Châu đốc, Tân châu, Đông khẩu (Sa đéc).

Kế hoạch này bị ngưng trệ vì cuộc chiến giữa chúa Nguyễn với Tây sơn và Xiêm.

Khi vua Gia long lên ngôi, kế hoạch quân thứ được tiếp tục, vùng Thủ thảo (rạch Long xuyên) và Lấp vò (Cường thành đạo) được thành lập.

Đời vua Minh mạng lập được vùng Chợ Thủ (Chiêu sái đồn).

Năm 1849 vua Tự Đức phong Nguyễn tri Phương làm Kinh lược đại sứ Nam kỳ.

Tri Phương trình vua và được vua chấp thuận kế hoạch đồn điền.

Đồn điền theo kế hoạch này không có nghĩa như ngày nay. Tương tự kế hoạch quân thứ, cũng lập đồn binh và mộ dân tới khẩn hoang chung quanh đồn nhưng binh và dân do cá nhân tự nguyện đứng ra tuyển mộ thay vì các quan địa phương tuyển mộ theo lệnh triều đình. 

Dân chúng từ Bình thuận ra Bắc được triều đình thông sức:

1.      Tuyển mộ người đồn điền: ai mộ được 50 người sẽ được tổ chức và huấn luyện thành một đội và người đứng mộ được bổ nhiệm chức "Xuất đội". Ai mộ được 500 người sẽ được bổ nhiệm chức "Chánh đội thí sai phó quản cơ" (thí sai là chức sắp được vào chính ngạch), số 500 người này được tổ chức và huấn luyện thành một cơ. Số đội và cơ tân tuyển này được ưu tiên bổ sung cho 2 tỉnh địa đầu là Hà tiên và An giang, còn dư chia cho kinh Vĩnh tế, Ba xuyên và Tịnh biên. Lính đồn điền vừa giữ an ninh vừa khẩn hoang như quân thứ.
Sau khi đồn điền ổn định về an ninh và sản xuất , lính đồn điền được lập sổ bộ dân sự , Đội trở thành một ấp , Xuất đội được bổ nhiệm làm ấp trưởng ; Cơ trở thành một tổng và Quản cơ được bổ nhiệm làm tổng trưởng (chánh tổng).

2.      Mộ dân lập ấp: dân được khuyến khích vào Nam kỳ khẩn hoang nhưng phải tập hợp từ 10 người trở lên và muốn khai phá ở đâu đều được tự do. Chính sách này thuận tiện cho việc lập ấp. Trước đây dân họp thành nhóm lẻ tẻ và rải rác nên khó lập sổ bộ và thu thuế. 

Người Tàu cũng được phép mộ dân tới khẩn hoang. Ngoài ra còn người Thiên chúa giáo vào lánh nạn cấm đạo của triều đình.

Năm 1854 Nguyễn tri Phương trình về triều đình đã lập được 100 làng.

Qua 2 kế hoạch của Nguyễn cư Trinh và Nguyễn tri Phương chúng ta được biết Tiền nhân đã hoạch định cuộc khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ như thế nào.

Bùi Quý Chiến

(Đặc San Lâm Viên)

THAM KHẢO

- Văn học Nam Hà của Nguyễn văn Sâm

-Tìm hiểu đất Hậu giang của Sơn Nam 

- Đại nam quấc âm tự vị của Huỳnh tịnh Paulus Của

 

No comments:

Post a Comment