Sunday, January 10, 2021

ĐẬP MEKONG: TRUNG HOA CẮT DÒNG CHẢY 50%, BỊ CHỈ TRÍCH VÌ THIẾU CẢNH BÁO

(Mekong dam: China cuts river flow 50 per cent, is slammed for lack of warning)

Catherine Wong and Maria Siow – Bình Yên Đông lược dịch

South China Morning Post – 9 January 2021


Các nhà quan sát và hoạt động sông Mekong vừa cảnh báo ảnh hưởng của các đập của Trung Hoa đối với các cộng đồng và đời sống hoang dã ở hạ lưu. [Ảnh: Pianporn Deetes]

  • Beijing (Bắc Kinh) nói với các quốc gia hạ lưu rằng dòng chảy sẽ giảm đến ngày 24 tháng 1 để bảo trì lưới điện
  • Quan sát viên đã báo cáo sự tụt giảm mực nước lớn lao trước đó và nói hệ sinh thái và cuộc sống lâm nguy

Quyết định của Trung Hoa để giữ dòng chảy của sông Mekong ở một đập thủy điện gần 1 tháng sẽ làm xáo trộn thủy sản và cuộc sống ở địa phương dọc theo thủy lộ là mạch sống của 60 triệu người, các quan sát viên và nhà hoạt động cảnh báo.

Bộ thủy lợi Trung Hoa hôm Thứ Ba nói với các quốc gia láng giềng ở hạ lưu trên con sông dài nhất Đông Nam Á rằng họ giảm dòng chảy cho đến ngày 24 để “bảo trì đường dây dẫn điện của lưới điện”.  Các nhà hoạt động nói việc loan báo quá trễ.

Trạm thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) đã cắt lưu lượng xuống 1.000 m3/sec (35.315 ft3/sec), một sự sụt giảm 47%, bộ loan báo trên một mạng được thành lập như một phần của thỏa ước chia sẻ dữ kiện nước giữa Trung Hoa và các láng giềng Mekong.

Điều nầy đến một ngày sau Theo dõi Đập Mekong, một hệ thống theo dõi mới, cho biết có một sự tụt giảm thình lình mực nước ở Thái Lan và nói Trung Hoa đã không thông báo cho các quốc gia ở hạ lưu về việc hạn chế nước được phát hiện lần đầu hồi 31 tháng 12.

Ảnh hưởng của việc giảm dòng chảy đã được nhận thấy ở Chiang Saen, một huyện ở đông bắc Thái Lan cách đập Jinghong khoảng 300 km (186 miles).  Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) nói mực nước ở đó đã tụt giảm khoảng 2 m từ ngày 2 đến 4 tháng 1.

John Roberts, một nhà hoạt động của Hiệp hội Voi Á Châu Tam giác Vàng (Golden Triangle Asian Elephant Foundation), có trụ sở ở huyện, nói đoạn sông không còn đi lại được, và ông tin rằng nó do một số đập của Trung Hoa ở thượng lưu gây ra, kể cả việc xây cất Jinghong bắt đầu trong năm 2003.

“[Dân làng] không còn đi lại được bằng thuyền nhỏ, cái mà chúng ta không mong đợi cho đến tháng 4,” ông nói.

“Đồng cỏ thường bị ngập mỗi năm trong 2 hay 3 tháng theo nước của Mekong; điều nầy đã ngưng trong năm [2008] mà nay chúng tôi biết đập lớn [đi vào hoạt động].  Từ đó, nước ngập 1 hay 2 ngày mỗi năm, và hoàn toàn không còn trong 2 năm vừa qua.”

Ông nói lũ lụt tự nhiên rất quan trọng để phục hồi các hệ sinh thái và cung cấp nơi cư trú thiết yếu cho cá, thủy cầm và đời sống hoang dã.

Các đoạn sông khác cũng bị ảnh hưởng.  Theo một ước tính của MRC, khúc sông chảy qua Vientiane và Paksane ở Lào, và Nong Khai ở Thái Lan, sẽ có mực nước giảm từ 22 đến 35 cm trong 5 ngày cuối tháng 1.

“Các hoạt động thủy vận trên sông Mekong, nhất là ở chung quanh các vùng gần Jinghong có thể bị ảnh hưởng,” Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, trưởng trung tâm lũ lụt và hạn hán khu vực của MRC, cho biết trong một tuyên bố.  “Một số hoạt động của cuộc sống ở địa phương như nhặt rong ở đáy sông và đánh cá cũng có thể bị ảnh hưởng.”

Trung Hoa đã bác bỏ các phúc trình nói rằng 11 đập khổng lồ được xây dọc theo thượng lưu Mekong, gọi là Lancang ở Trung Hoa, gây ra hạn hán ở hạ lưu trong những năm gần đây, và nói thay đổi khí hậu toàn cầu và ít mưa là nguyên nhân.

Nhưng các chuyên viên và nhà hoạt động nói hành động mới nhất, một lần nữa, cho thấy các hoạt động ở thượng lưu của Trung Hoa làm xáo trộn hệ sinh thái và cuộc sống trong các quốc gia Mekong ở hạ lưu.

“Điều nầy không mới.  Nó là một khẩn cấp triền miên,” Pianporn Deetes, giám đốc chiến dịch của nhóm International Rivers ở Thái Lan, cho biết.

“Việc tụt giảm nhanh chóng và thình lình của mực nước sông Mekong ở Chiang Saen, hạ lưu của đập Jinghong và chuỗi đập Lancang của Trung Hoa, đã được cư dân nhận thấy trong gần 2 thập niên.  Nhưng nó không được ghi nhận và thừa nhận chánh thức bởi các chánh phủ Trung Hoa [và các quốc gia Mekong].”

“Điều nầy đã tàn phá hệ sinh thái của Mekong.  Nó quan trọng hơn trong đại dịch Covid-19 khi người dân cần dựa vào Mekong để có lợi tức và an ninh lương thực.”

Bộ ngoại giao Trung Hoa không cho biết nhận xét.

Brain Eyler là trưởng dự án của Theo dõi Đập Mekong, một sáng kiến được phát động trong tháng 12 được tài trợ một phần bởi bộ ngoại giao Hoa Kỳ và là cơ quan đầu tiên báo cáo sự tụt giảm của mực nước ở Chiang Saen.  Ông cảnh báo việc giữ nước của Trung Hoa ở thượng lưu lần nầy sẽ có một “ảnh hưởng sâu đậm” đối với thủy sản địa phương ở Thái Lan, Lào và Myanmar và kêu gọi Beijing báo động trước đến các quốc gia ở hạ lưu.

“Sự tụt giảm mực nước bất thường nầy sẽ có những ảnh hưởng sâu đậm đến khả năng tăng trưởng của cá, và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm cộng đồng đánh cá dọc theo biên giới Thái-Lào, dựa vào số cá đánh được vào lúc nầy trong năm,” ông nói.

Eyler nói rằng thông báo của Trung Hoa hôm Thứ Ba đáng hoan nghênh, nhưng “đến trễ 5 ngày và không tham vấn trước với các bên liên hệ ở hạ lưu.”

“Không ai có thời giờ để chuẩn bị cho sông tụt giảm gần 1 m trong 1 đêm,” ông nói.  “Trung Hoa cần phải thông báo đúng lúc hơn và cũng cứu xét kỹ lưỡng nhu cầu ở hạ lưu để thật sự chứng tỏ rằng họ có trách nhiệm cao trong khu vực và giữ lời hứa trong quá khứ.”

.

No comments:

Post a Comment