Tôi là con rạch cạn. Từ hồi vùng quê này còn hoang phế, tôi vốn là một lối mòn
do các loại thú rừng lội qua biết bao nhiêu bận mà thành đường nước cạn chảy
qua nơi này. Có người còn cho rằng con rạch này là do trời sanh nên uốn khúc
cong queo. Hồi xa xưa ấy cách nay hằng vài ba trăm năm khi nơi đây mới lập ấp lập
làng thì nước trong lòng rạch chưa sâu lắm; nhưng nhờ có bàn tay con người khai
mở thêm nên lần hồi rạch chứa nhiều nước và thông thương từ vàm chí ngọn. Mà phải
xa xăm gì cho cam, chiều dài của tôi từ vàm chí cuối ngọn đâu chừng năm ba cây
số là nhiều.
Hồi đó, người ta vui miệng ví tôi với hình dáng con rồng mà vàm rạch là miệng rồng
và cuối rạch là đuôi rồng. Nhớ mấy năm sau này có mấy bậc tiền bối trong làng bảo
rằng con rạch cạn này linh thiêng lắm, nhưng từ khi các vị làng ấp bắt đầu mở
thêm đường nước có tên là Xáng Nhỏ, lúc bấy giờ cái đuôi rạch cạn bị Xáng Nhỏ cắt
ngang, nên con rồng rạch cạn hết còn hưng thịnh như hồi còn dáng vẻ nguyên sơ
ngày trước nữa.
Từ hồi tạo thiên lập địa vùng này thì có vài chiếc xuồng bé bỏng thả trôi theo
nước rồi tấp vô một gốc bằng lăng hay bụi ráng, bụi choại nào đó và họ bắt đầu
dựng chòi, dựng trại che nắng che mưa. Ít lắm, hồi ấy chỉ vài người, và tôi
cũng vẫn là con rạch cạn vừa mới định hình. Phủ phục cả một vùng hoang vu này sậy
là sậy, đế là đế… Rồi còn nữa, những giống dây leo như dây cổ rùa, dây bìm bìm
hắc sửu, dây mây; giống dây bò trên mặt đất có dây choại dài thậm thượt; giống
cây hoang dại khi tay chân chạm vào có thể bị ngứa như nưa rừng san sát. Thêm nữa,
có nhiều loại cây ráng mọc dày đặc nhiều lúc người ta phải bườn qua gai góc mà
đi . Với cả một vùng rộng bao la mà hoang vu như vậy thì ôi thôi, biết bao
nhiêu loại chim chóc thú rừng gọi nhau ơi ới giữa một bầu trời lúc mặt trời vứa
ló dạng hay những buổi chiều về… Lúc mặt trời hừng hừng mọc thì chim chóc lo
bay nhảy kiếm ăn; khi mặt trời xuống thấp chúng lại bay về tìm cành nhánh cũ
nghỉ ngơi sau một ngày bay nhảy…
|
Rạch Trầu khúc nhà anh Ba Nhung
(Hình Trần Nhiếp)
|
Lúc bấy giờ với chút nước của con rạch
nguyên thủy ấy là nguồn nước mát cung cấp cho các loại chim hoang dại . Chúng
lúi húi rủ nhau chạy lên chạy xuống dòng rạch cạn hớp vài hớp nước mát vào những
lúc trưa hè. Vui lắm! Rồi còn chuột, còn rùa, còn rắn nữa đủ loại bò tới chỗ
này, xoay qua chỗ khác, mọi loài tìm kiếm cho mình chỗ nào mà chúng cảm thấy vừa
bụng nhứt. Mà cũng lạ lắm, dường như trời đất sanh ra loài này thì lại sanh ra
loài khác để nương dựa vào nhau hoặc đôi khi lại kình chống lẫn nhau, không
loài nào tự sống một mình nơi hoang sơ rậm rạp này ráo trọi.
|
Rạch Trầu trước nhà HT. (Hình Trần
Nhiếp)
Ngay như tôi là con rạch cạn nơi đây
rồi cũng có người tím đến cất vài mái chòi bên bờ rạch. Rồi lần hồi người ta mới
phá thêm những miếng đất hoang để cày bừa sạ tỉa các giống lúa kề cận bên căn
chòi nằm nép mình dưới những tàn cây bằng lăng tàn nhánh um tùm. Nơi đây lúc khởi
thủy như vậy, do khế hợp với đời sống giữa vùng hoang vu mới mở, người ta đi lại
bằng xuồng. Muốn đi từ nhà này sang nhà kia mà cách nhau hai bờ rạch, người ta
gác khúc cây nối hai bờ và dùng cây sào ngắn cắm ngay khoảng giữa làm tay vịn rồi
vịn vào đó mà nương cây đi qua bờ nọ. Trường hợp khúc rạch nào phình rộng ra với
chiều dài khúc cây không vói tới, người ta phải nghĩ ra cách xốc trụ và nối nhiều
khúc gỗ lại với nhau thành những cây cầu khỉ để tiện dụng việc qua bên kia bờ.
Cầu khỉ bắc ngang con rạch cạn khúc
nhà Hai Khá (Hình Trần Nhiếp)
Hồi đó, con rạch cạn chưa có tên; rồi
lần hồi người ta mới đặt thêm tên. Tên của tôi là Rạch Trầu, có lẽ vì đời trước
mấy người tới đây trước nhứt họ ưa ăn trầu với cau nên họ trồng nhiều trầu lá
vàng cả một vùng và người ta ùn ùn gọi cái tên quê mùa của tôi theo loài dây
leo ấy tới hôm nay, không cách gì dời đổi cái tên rất quê mùa ấy được!
Ví có mặt nơi vùng đất này từ khá lâu, có tới mấy trăm năm nên tôi cũng nhìn ngắm
được bóng dáng của thời cuộc qua những ngày tháng ấy. Trước nhứt là thời lập ấp
lập làng, dân ở đây dĩ nhiên là không nhiều lắm và vì ít người nên tình chòm
xóm láng giềng cũng cần có nhau nên hồi ấy người ta thương nhau dữ lắm; rồi mấy
chục năm sau thì dân làng sanh con đẻ cháu đông hơn nên cùng nhau mở mang thêm
đất lâm thành đất thuộc nhiều hơn và tình láng giềng lúc bấy giờ cũng không
thay đổi nhiều; vẫn khắng khít đùm bọc nhau khi tối lửa tắt đèn.
Đến mấy chục năm sau này khi có Tây vô, rồi có bóng dáng của thị thành len lỏi
vào thôn xóm thì có chút chút thay đổi ở các vùng chợ búa còn ở nơi có con rạch
cạn này nhà cửa vẫn ít ỏi và dân quê vùng này cũng vẫn vậy, họ vẫn hiền và giữ
lấy nếp nhà từ thủa ông cha mới dừng chân khai hoang mở ruộng.
Nhớ hồi mấy năm có Tây ở quận thì Tây hay ruồng bố, nhưng dường như chưa lần
nào Tây đi vô rạch cạn này lần nào. Có lẽ con rạch cạn này không như nhiều con
rạch khác là có một vàm rạch rộng và ngay nơi vàm có vài căn nhà dù nho nhỏ bên
bờ lau sậy ấy. Còn con rạch cạn của tôi thì vàm rạch bít bùng những đám ráng,
đám sậy không có lấy một chỗ trống; hơn nữa từ vàm vô tới khoảng gần cả cây số
mà vẫn không có lấy một căn chòi hay một túp lều chứ nói chi tới một mái nhà;
thành ra Tây cứ tưởng trong rạch này không có dân làng cư ngụ. Thế là chúng tôi
tránh được nạn Tây bố lội qua đây và dân tình cũng bớt được cảnh lính tráng vô
nhà xúc lúa bắt heo. Thế nhưng sau này, mấy năm cận đại, sự yên bình ấy không
còn nữa khi nơi các làng quê vùng này phải trải qua nhiều phe phái tranh giành
quyền sinh sát làm cho dân chúng bồng chống bỏ nhà cửa ruộng vườn tản cư tứ tán
khắp mọi nơi. Hồi ấy chúng tôi buồn lắm vì nhà trống vườn hoang nhiều quá và dù
lúc bấy giờ con rạch tới mùa nước lên vẫn có nước nhưng dường như thiếu vắng
bóng người nên nhiều bến nước đượm vẻ hoang phế tiêu điều đến buồn thảm biết
bao!
Bến nước hoang phế ngày nào (Hình Trần
Nhiếp)
Hồi những năm loạn ly ấy không có được
vài người, nước trong rạch lặng thinh không thấy bóng một chiếc xuồng nào qua lại.
Những cua quẹo cong cong vào mùa nước lên là cả một vùng cá tôm trú ẩn. Không
ai giăng lưới cấm câu gì nên cá tôm nơi con rạch cạn này nhiều lắm. Sau này có
vài người nhớ xứ nhớ nhà len lén về đốn cây chặt lá che một mái chòi giữ vườn rồi
đêm đêm họ nghe cá ụp móng dưới rạch nên bày ra cách cắm câu bắt cá lăng, cá kết
hoặc đốn tre làm ống trúm đặt lươn nơi lung trấp ngoài đồng. Vậy mà rồi mỗi cử
thăm câu dỡ trúm cá lươn biết cơ man nào mà kể cho xiết! Hồi ấy dường như dân
quê nơi làng quê bắt cá bắt lươn chỉ để ăn, ít ai đem ra chợ bán nên nhà nào cá
tôm cũng đầy rộng, đầy khạp.
Vùng quê Tân Bình có con sông chảy qua làng, mấy năm loạn lạc muốn ngăn tàu sắt
chạy vô làng, người ta mới đốn dừa, đốn sao xốc trụ làm hàng rào ngăn ngang con
sông lớn trong làng và nhờ vậy mà có thời nước sông lớn bị dội lại và đổ vô rạch
cạn của tôi làm con rạch của tôi lúc nào cũng đầy nước và chảy xiết nên ghe xuồng
muốn xuống Sa Đéc, Vĩnh Long để đi Sài Gòn thảy đều phải dùng dòng nước con rạch
của tôi mà đi nên rạch thời ấy rất sâu và nhộn nhịp. Nhưng chỉ được mấy năm
thôi rồi hàng rào trên sông lớn không còn và con rạch cạn dần dần ít ai đi qua
và nước lại chảy chậm lại rồi lần hồi đất bùn lại lắng xuống và lòng rạch lại cạn
như ngày trước. Cái số là vậy, nên mãi tới mấy năm sau này cũng như ngay
bây giờ. Các bạn thấy tôi vẫn cạn và có lẽ còn cạn hơn ngày trước nữa vì ngay
con sông cái Cửu Long còn không có nước đủ để bò lên đồng vào những mùa nước ngập
thì làm sao con rạch nhỏ như tôi có thể sâu thêm được?
Theo dòng thời gian, mỗi mỗi phút giây trong trời đất này lúc nào cũng dời đổi.
Thiên nhiên thay đổi, con người thay đổi rồi mọi sanh hoạt của những loài chim
muông cá mú gì cũng thay đổi theo. Một trong những sự đổi thay ấy là cách làm
ruộng. Hồi đời xưa, người ta chỉ phát cỏ, cấy lúa rồi cắt gặt là có lúa ắn rồi;
về mấy chúc năm sau, tiến bộ hơn, người ta không còn khom lưng cấy từng bụi mạ
như hồi còn sơ khai nữa mà chỉ sạ hật giống xuống là có lúa đầy bồ. Hồi ấy mỗi
năm làm lúa một mùa, nhàn hạ lắm mà lại ít bị nạn đói vì đất còn phì nhiêu, làm
chơi ăn thiệt nên nhà nào cũng có ví bồ đựng lúa. Rồi sau này, dân quê bắt chước
các nhà khoa học cải tiến cách cày bừa sạ tỉa theo lối mới là làm ruộng nhiều
mùa. Mới đầu làm loại lúa ba tháng, mỗi năm làm hai mùa. Làm hai mùa họ thấy đất
còn khỏe quá, có mấy tháng đất ở không nên họ mời nghĩ ra cách đấp đập ngăn
sông làm lúa ba mùa. Thành ra vì làm lúa nhiều mùa quá nên trời đất bao la như
vậy mà rồi cũng phải chạy theo con ngưởi và thiên nhiên rồi cũng thành loạn là
vậy. Chẳng hạn vào mùa nước lên với cảnh những cánh đồng đầy nước với lung vũng
chập chùng bông súng mênh mang cả một vùng bao la như biển lớn thì nay nước bị
ngăn lại bên những bờ đất nhân tạo làm thành những bờ bao không cách nào vào được
bên trong những cánh đồng ngày cũ…
Mà nói gì nơi xa nguồn dưới này như cánh đồng tôi đang ở, chẳng hạn như nay tại
cánh đồng làng Vĩnh Ngươn thuộc vùng Châu Đốc, tức là vùng gần với sông Cửu
Long giáp với ranh giới bên Cao Miên mà còn trơ ngọn cỏ vào những ngày
mùa nước ngập, thì đủ biết ngày nay mực nước trên các cánh đồng nó cạn đến mức
nào rồi!
|
Mực nước trên cánh đống Vĩnh Ngươn
(Châu Đốc) giáp với Campuchia rất thấp,
có nơi chưa vượt ngọn cỏ.(Hình
chụp và chú thích của bạn Thái Lý)
Đó là tôi mới kể nguyên nhân gần của
tình cảnh trong lòng tôi lúc nào cũng cạn queo để trơ ra những bãi bùn, những đống
chà phơi mình cùng với những vạt nắng vàng quanh năm thiếu nước. Còn nguyên
nhân xa hơn của lòng rạch tôi nay rất cạn chính là vì lòng tham của các nước có
con sông Mekong chảy ngang qua họ cố đắp đập ngăn dòng nước chảy làm ra điện để
họ xài. Thành ra cả một vùng hạ lưu dưới này nước cạn kiệt dần và rồi dân quê mấy
chục tỉnh miền Tây ngày nay thiếu nước ngọt cho ruộng lúa xanh tươi, cho con
người nấu ăn, tắm mát như thuở nào. Do vậy mà tôi dạo này bao giờ cũng cạn queo
như sắp khô rang khô khốc vậy!
Mấy nhịp cầu tre bắc qua con rạch cạn (Hình
Trần Nhiếp)
Rạch cạn rồi thì làm gì còn có cá có tôm như ngày trước nữa! Xuồng ghe không
còn ai muốn bơi qua bơi lại như lúc hưng thời! Thành ra, nhiều đêm khi không
trung tĩnh mịch tôi thường ngồi trầm tư suy ngẫm lại đời mình, tôi mới nhận ra
một điều là dù con người sống nhờ vào thiên nhiên trời đất nhưng trời đất thiên
nhiên không phải lúc nào cũng được con người thương tưởng như tôi thường nghĩ ;
mà người ta chỉ biết chạy theo cái lợi trước mắt nhứt thời mà quên đi sự di hại
nhiều đời sau! Con rạch cạn nơi tôi có mặt mấy trăm năm nay tại vùng Tân Bình
này cũng không là một ngoại lệ vậy!
Hai Trầu
Tân Bình, những ngày tháng hạn mùa Hè
năm 2016
(30-05-2016)
No comments:
Post a Comment