Saturday, June 22, 2024

Hệ lụy khó lường của việc Campuchia làm kênh đào Phù Nam bất chấp Hiệp định Mekong 1995

RFA

21/6/2024

 Stimson Center / Brian Eyler

Kênh đào Phù Nam (Funan Techo) trong tổng thể lưu vực sông Mekong


Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore tổ chức hội thảo “Kênh Phù Nam: Xác định lại khả năng kết nối, định hình lại chính trị” trong ngày 21/6/2024. Theo nhiều chuyên gia quốc tế tại hội thảo, là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong, việc Campuchia bỏ qua quy trình Tham vấn trước mà Hiệp định Mekong 1995 quy định sẽ gây ra nhiều tiền lệ nguy hiểm cho dòng sông này.

Hệ lụy của việc bỏ qua Hiệp định Mekong 1995

Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố sẽ động thổ kênh đào Phù Nam (Funan Techo) vào ngày 5/8/2024. Chính phủ nước này cũng tuyên bố sẽ không thực hiện quy trình Tham vấn trước đối với Ủy hội Sông Mekong (MRC).

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, cho biết Campuchia vốn là quốc gia rất nhiệt huyết trong thúc đẩy Hiệp định Mekong 1995 và trong gần ba mươi năm qua, tích cực yêu cầu các bên liên quan tuân thủ Hiệp định này. Tuy vậy, với dự án kênh đào Phù Nam hiện nay, đất nước xứ chùa tháp lại cương quyết khước từ thực hiện quy trình Tham vấn trước mà Hiệp định Mekong 1995 yêu cầu.

Tiếp trả lời của Tiến sĩ Brian Eyler, RFA đặt câu hỏi rằng, điều này đặt ra một vấn đề là liệu hành động này của Campuchia có dẫn đến những tiền lệ không tốt trong tương lai? Đặc biệt là các quốc gia ở thượng nguồn Mekong vốn đã xây dựng rất nhiều dự án, trong đó có nhiều đập thủy điện. Liệu trong tương lai, tiếng nói của Campuchia còn có trọng lượng mạnh, nếu họ muốn các quốc gia thượng nguồn thực hiện các cam kết trong Hiệp định đó?

Trả lời câu hỏi này của RFA, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu cao cấp Viện ISEAS khẳng định rằng nếu Campuchia tạo ra tiền lệ này, rất rõ ràng đó sẽ là tiền lệ không tốt cho tương lai dòng sông Mekong, làm suy yếu cơ hội hợp tác của các quốc gia trong khu vực.

Trò chơi ngôn ngữ của Campuchia

Trong Thư thông báo gửi Ủy hội Sông Mekong (MRC) tháng 8 năm 2023, Campuchia đã mô tả dự án kênh đào Phù Nam là dự án lấy nước từ sông Bassac, chứ không phải là từ sông Mekong. Đồng thời, nội dung trong thư khẳng định sông Bassac là phụ lưu (tribunary), tức là dòng sông cung cấp nước cho dòng chính chứ không phải là dòng nhánh (distribunary), tức là dòng sông lấy nước từ Mekong.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Vannarith Chheang, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Chủ tịch Quốc hội Campuchia, cho rằng Campuchia hiểu sông Bassac là một  phụ lưu (tribunary) của sông Mekong. Theo định nghĩa thủy văn, đó là dòng chảy vào dòng sông chính, cung cấp nước cho dòng chính. Tuy vậy, Tiến sỹ Brian Eyler ở Stimson Center thì cho rằng cách hiểu này của Campuchia là sai. Bởi vì sông Bassac là một nhánh phân lưu, nghĩa là một dòng sông chảy ra từ dòng chính sông Mekong. Nói cách khác, nó lấy nước từ Mekong chứ không phải cung cấp nước cho nó.

Tại sao việc gọi tên dòng sông Bassac cho chính xác lại quan trọng, cũng là vấn đề cần được hiểu rõ như sau:

Điều 5 của Hiệp định Mekong 1995 khẳng định rằng các dự án sử dụng nước lấy từ dòng chính sông Mekong phải thực hiện Quy trình tham vấn trước của MRC. Quy trình tham vấn trước theo Hiệp định Mekong 1995 bao gồm quy trình đánh giá kỹ thuật do các chuyên gia thực hiện nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án.

Bằng cách khẳng định sông Bassac cung cấp nước cho sông Mekong chứ không phải lấy nước từ Mekong (trong Thư gửi MRC), Campuchia từ chối thực hiện Quy trình Tham vấn trước của Hiệp định Mekong 1995.

Tại hội thảo, chuyên gia độc lập về môi trường người Thái lan Apichai Sunchindah đặt câu hỏi vậy Campuchia và các bên liên quan nên xử lý thế nào vấn đề bản chất của sông Bassac cho hợp lý. Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp cho rằng nếu Việt Nam và Campuchia không thể thảo luận về bản chất của sông Bassac thì có thể đưa vấn đề ra Tòa Trọng tài Thường trực để nhờ Tòa đưa ra phán quyết: sông Bassac là dòng sông lấy nước từ sông Mekong hay là dòng sông cung cấp nước cho Mekong.

Tuy nhiên, TS. Brian Eyler khẳng định 100% nước của sông Bassac là được lấy từ sông Mekong. Do đó, nó là một nhánh của dòng chính Mekong, và Campuchia nếu thực hiện dự án kênh đào Phù Nam có nghĩa vụ thực hiện Quy trình Tham vấn trước. Ông giải thích thêm:

“Cựu Thủ tướng Hun Sen cho rằng kênh đào không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Mekong vì nó không nối trực tiếp với sông Mekong mà nối với sông Bassac. Nếu chúng ta nhìn lại bản đồ kênh đào, chúng ta thấy nó nối liền với sông Mekong rất rõ ràng.

Sông Bassac là một phần của dòng chính sông Mekong. Đây là một nhánh của dòng chính sông Mekong. Và nó phù hợp với hai phép phối kiểm. Tôi muốn quay lại với trích dẫn của Tiến sỹ Vannarith về định nghĩa của luật gia quốc tế về phụ lưu (tribunary). Ông nói rằng phụ lưu là dòng chảy tự nhiên có dòng chảy có tác động đáng kể đến dòng chính. Đó là bởi vì một nhánh sông góp nước vào dòng chính. Nó đưa nước vào dòng chính. Nó tác động đến dòng chính. Bassac không ảnh hưởng đến dòng chính. Nó không ảnh hưởng đến các dòng chảy khác mà mà mọi người đồng ý là dòng chính. Bởi vì bản thân nó là dòng chính. Nó lấy nước từ dòng chính. Nó là một phân lưu hoặc một nhánh của dòng chính theo định nghĩa địa chất.”

Kênh đào có giúp Campuchia thoát khỏi sự phụ thuộc vào sông Tiền của Việt Nam?

Lãnh đạo Campuchia nhiều lần khẳng định mục đích của dự án kênh đào Phù Nam là thoát khỏi sự phụ thuộc vào sông Tiền của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo thống kê, phần lớn hàng xuất khẩu của Campuchia đi về phía Biển Đông để vận chuyển đến Đông Bắc Á và Bắc Mỹ (Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc)

Ngoài ra, năm 2022, theo số liệu được đăng tải trên truyền thông, Việt Nam đứng thứ bảy trong số các nước nhập khẩu từ Campuchia. Và trong năm tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai cho sản phẩm của Campuchia, chỉ sau Mỹ. Điều đó có nghĩa là tàu vận tải chở hàng hóa từ Phnom Penh chủ yếu là đi đến Bắc Mỹ, Bắc Á và Việt Nam. Do đó, con đường đi qua sông Tiền là ngắn nhất, còn đi qua kênh đào Phù Nam thì sẽ vào Vịnh Thái Lan, sau đó vòng qua Mũi Cà Mau đi lên Biển Đông. Quãng đường đi qua kênh đào Phù Nam do đó có thể dài gần gấp ba quãng đường đi qua sông Tiền.

Để làm rõ vấn đề này, RFA đặt câu hỏi với Tiến sỹ Vannarith Chheang, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Chủ tịch Quốc hội Campuchia, rằng xét về mặt chi phí, liệu các hãng tàu có sử dụng kênh Phù Nam để đi tới Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và Việt Nam hay không. Tiến sỹ Vannarith cho biết theo một tính toán của Campuchia, chi phí vận tải từ Phnom Penh đi qua kênh đào Phù Nam, xuống Vịnh Thái Lan rồi vòng lên cảng Cái Mép ở Vũng Tàu của Việt Nam sẽ rẻ hơn là đi thẳng đến Cái Mép qua sông Tiền. Tuy nhiên, TS. Vannarith không giải thích cơ sở nào để quãng đường đi xa hơn gần gấp ba lần sẽ rẻ hơn quãng đường ngắn hơn.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Hoàng Thị Hà, nghiên cứu cao cấp tại Viện ISEAS, nói tất cả các học giả đều đồng ý rằng cần có thêm nhiều tranh luận, trao đổi giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách của các bên liên quan, đặc biệt là của Việt Nam và Campuchia. Còn rất nhiều câu hỏi quan trọng xoay quanh dự án này. Các cuộc tranh luận cần dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần luật pháp, vì những mối quan tâm chung đối với dòng sông Mekong, dòng sông mẹ của toàn khu vực.

SOURCE:

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-unpredictable-consequences-of-cambodia-building-the-funan-canal-despite-the-1995-mekong-agreement-06212024111713.html


No comments:

Post a Comment