Saturday, February 27, 2016

Chương 15: Lời kết


Những nền văn minh cổ mất dấu hẳn đã để lại bài học kinh nghiệm cho người hậu thế, nhưng các quốc gia trên thượng nguồn Mekong chỉ vì tham lợi trước mắt mà không quan tâm đến di họa về sau, để rồi trật tự thiên nhiên và con người bị xáo trộn về mọi mặt: những ngư phủ ngửa mặt nhìn Trời mà than "Không có nước, thì làm sao có cá!”, sản lượng lúa, cá, mùa màng thất thu, rừng, sông biến mất và con người sẽ phải đối đầu với thiên tai khốc liệt, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng và không có cách gì cứu chữa được. Dòng sông đã được thuần hóa phần nào, nay vì lòng tham của con người mà dòng sông đã thay đổi, để cuối cùng hậu quả sẽ là những chuỗi ngày đầy nhân tai đến rất gần.

Mekong là nguồn lương thực của 20 triệu người Thái, 5 triệu người Lào, 10 triệu người Cambodia và 20 triệu người Việt Nam theo dòng chảy gần 5000km mà nền nông nghiệp và ngư nghiệp dựa theo dòng sông ấy sẽ bế tắc nếu dòng sông bị cắt khúc, phân đoạn bởi những đập thủy điện trong suốt quãng đường thiên lý của nó. Đó là chưa kể từ cây lúa đến thủy sản và con người của lưu vực dòng Mekong đã và đang lao đao từ khi có sự hiện diện của những con đập mà phần lớn do Trung quốc và Lào đã xây dựng. Những con đập ấy như lưỡi hái tử thần đối với cư dân khi càng ngày hiểm họa càng tiến gần. Đập thủy điện không dừng lại ở mức độ đã xây rồi mà còn dự định xây thêm nữa.

Thiên nhiên bị xáo trộn và từ đó, dĩ nhiên đời sống con người sẽ bị xáo trộn theo. Dư mặn, thiếu ngọt. Khi cần nước thì bị cạn kiệt nguồn nước, vào mùa lũ của thiên nhiên thì lũ nhân tạo tràn về. Ngay đến cả những loài cá có tự ngàn xưa trên dòng sông cũng dần dần tuyệt chủng. Sự tham lam của con người đã chận đứng đường di cư, sinh tồn của cá. Liệu những bất an ấy sẽ kéo dài trong bao lâu nữa để rồi hồi kết thúc sẽ trở thành một trận đại hồng thủy diệt vong?

Nhìn lại vùng đất cực Nam của Việt Nam chúng ta mà không khỏi chạnh lòng. Bao nhiêu trân châu ngọc quý của thiên nhiên ban cho dòng sông đã bị vùng đất thượng nguồn chiếm đoạt, để rồi hôm nay dòng chảy phù sa đã cạn, không còn xuôi về Nam như món quà quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho dân tộc Việt Nam nữa.

Dân cư khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 hàng năm đóng góp 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam sẽ phải làm gì để trường tồn với những hiểm họa đang đến khi nước mặn đang tràn sâu vào đất liền? Có thể sống với lũ, nhưng sẽ không sống chung với nước mặn được. Biết đâu mai này tên gọi Cửu Long của dòng sông quen thuộc trong lịch sử, địa lý của Việt Nam sẽ chỉ còn tồn tại trong sách vở như huyền thoại...

Liệu có bao giờ 60 triệu người sẽ tiếc nuối rằng tại sao mình không đồng lòng đứng lên đòi hỏi những người xây đập thủy điện hãy dừng ngay những dự định hủy hoại môi sinh, hủy hoại cuộc sống bình an và hài hòa mà thiên nhiên đã tạo dựng?

Xin thế giới hãy tiếp tục gióng hồi chuông tử cho đến bao giờ dòng Mekong được cứu thoát khỏi những mưu đồ chiếm đoạt làm của riêng dẫu đó là con sông quốc tế, nếu không con người sẽ sống chung với nhân tai!




(Update March 1, 2016) 

 

No comments:

Post a Comment