Tuesday, November 20, 2018

Chỉ vì Nha Trang đã nát bét vì quy hoạch


19/11/2018

 
Một vài căn nhà bị hư hại do đất chuồi tại Nha Trang, 18 tháng 11

Hậu quả thảm khốc của trận mưa lớn sáng 18 tháng 11 năm 2018 trút xuống thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến người Việt sửng sốt, bàng hoàng.
Tuy nằm sát biển nhưng Nha Trang bị ngập nặng, lũ lớn, chưa kể đất đá từ các triền núi, sườn đồi đổ xuống, vùi lấp nhà cửa, đường sá.
Tính đến giữa ngày 19 tháng 11 năm 2018 đã có 13 người chết, 23 người bị thương, chưa kể vẫn còn bốn người mất tích và khả năng cả bốn đã tử nạn gần như chắc chắn.
Các viên chức hữu trách trong lĩnh vực dự báo khí tượng – thủy văn bảo rằng, trận mưa vừa kể thuộc loại hiếm có, chỉ trong sáu tiếng, vũ lượng đạt tới 319 mm.
Tuy nhiên mưa lớn, vũ lượng cao trong một khoảng thời gian ngắn không phải là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa kinh khủng như thế.

Lý do Nha Trang ngập lụt nặng nề là do đô thị hóa nhanh, lũ mạnh, sạt lở khắp nơi là vì độ dốc của triền núi, sườn đồi lớn nhưng ít cây cối, nước cuồn cuộn đổ từ trên cao xuống thấp, dễ dàng cuốn theo đất, đá (1).
Biến đối khí hậu có thể làm thời tiết trở nên dị thường, khắc nghiệt hơn nhưng trận mưa ngày 18 tháng 11 năm 2018 ở Nha Trang trở thành thảm họa, gieo rắc chết chóc, phá hủy tài sản của cả cá nhân lẫn cộng đồng là do con người. Chính xác là do những qui hoạch thiển cận, duy lợi không thể ngăn chặn vì không truy cứu trách nhiệm.

Sau trận mưa lớn ngày 18 tháng 11, một số viên chức hữu trách ở thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, bảo với báo giới, hậu quả “bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng” (2).
“Bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng” không phải là những yếu tố miễn trừ trách nhiệm. Các viên chức hữu trách ở Nha Trang và Khánh Hòa có nghĩa vụ phải thấy trước để chủ động ngăn ngừa những thảm họa loại này khi qui hoạch - phê duyệt – cho phép thực hiện hàng loạt dự án.
Nếu đừng bất chấp những cảnh báo về môi trường, hệ sinh thái của thành phố Nha Trang, vịnh Nha Trang, đừng phê duyệt – cho phép thực hiện vô số dự án từng bị khuyến cáo là không ổn, thành phố Nha Trang sẽ không ngập sâu trên diện rộng, lũ không khủng khiếp, núi đồi không sạt lở nhiều đến vậy.

Trong 13 người uổng tử, có sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng, ba ngụ ở phường Vĩnh Hòa, hai ngụ ở phường Vĩnh Trường, hai ngụ ở phường Vĩnh Thọ. Cả sáu nạn nhân ngụ tại xã Phước Đồng mất mạng trong vụ sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018 đều từng cư trú ở chỗ khác, sau khi bị giải tỏa nhà - thu hồi đất để giao cho các chủ đầu tư, họ cùng với nhiều gia đình đồng cảnh tìm đến chân dãy núi Hòn Rơ dựng nhà tạm để có chỗ chui ra, chui vào. Ba nạn nhân cư trú ở phường Vĩnh Hòa uổng mạng là vì hồ chứa nước của Khu Dân cư cao cấp Hoàng Phú đột ngột vỡ. 

Những Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ bị lũ lớn, sạt lở, dân lành thiệt mạng đều gắn với các dự án đình đám: Dự án Trồng rừng - Nuôi rong biển kết hợp Du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa, Dự án Champarama Resort & Spa, Dự án Ocean View, Dự án Công viên Văn hóa - Giải trí - Thể thao Nha Trang Sao,…

Giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, thành phố Nha Trang nát bét vì qui hoạch nhưng không ai có thể cản được các dự án cho dù lợi ích kinh tế vẫn nằm ở tương lai còn đại họa thì đã hiển hiện ở đủ mọi khía cạnh: Xã hội bất ổn, nhân tâm ly tán, hạ tầng rạn vỡ, môi trường, hệ sinh thái suy sụp, không có khả năng cứu vãn.

Tháng 4 năm 2014, chính quyền tỉnh Khánh Hòa công bố qui hoạch vịnh Nha Trang. Theo đó, tám dự án trong qui hoạch này đều xâm lấn vịnh Nha Trang – danh lam, thắng cảnh quốc gia. Các Kiến trúc sư và Đô thị gia gọi qui hoạch đó là kế hoạch “phá” Nha Trang, bê tông hóa bờ vịnh tuyệt đẹp với dải cây xanh, cát trắng, nắng vàng thành khu vực lộng lẫy nhưng ngược hướng với phúc lợi công cộng mà mọi người được hưởng từ xưa đến giờ (3)… 

Dự tính “phá” Nha Trang tưởng đã bị vứt bỏ nhưng đúng ba năm sau – tháng 4 năm 2017 - dự tính “phá” Nha Trang chính thức xuất hiện trong “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000”. Lần này, tuy chính quyền tỉnh Khánh Hòa bảo rằng, “Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000” là sản phẩm của các “chuyên gia quốc tế” nhưng sau khi đối chiếu, các Kiến trúc sư, Đô thị gia khẳng định, quy hoạch vừa kể là “anh em song sinh” với qui hoạch mà họ đã từng khuyến cáo nên loại bỏ hồi 2014 vì chỉ nhằm thỏa mãn đòi hỏi của “nhà đầu tư” (4).

Đâu chỉ có thế. Bên cạnh các qui hoạch bít hết tất cả lối thoát cho phát triển bền vững ở tương lai, giống như nhiều tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam, Nha Trang còn có hàng loạt dự án đang được triển khai ồ ạt với rất nhiều dấu hiệu bất minh: Trực tiếp giao đất cho nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu. Bỏ qua – không thu thập đủ góp ý từ các ngành hữu trách. Làm ngơ để các chủ đầu tư tự do lấp hàng chục héc ta mặt biển, xây dựng đủ thứ trên đó.

Tháng 4 vừa qua, chính phủ Việt Nam yêu cầu chính quyền tỉnh Khánh Hòa kiểm tra – báo cáo, Thủ tướng Việt Nam thì ra lệnh xem xét – truy cứu trách nhiệm những cá nhân để xảy ra các sai phạm như vừa kể và báo cáo trước ngày 30 tháng này (5). Trong những báo cáo ấy chắc chắn không có tương quan giữa qui hoạch, các dự án đã được phép thực hiện với thảm họa vừa xảy ra, dù rằng lấn biển, cho phép xây dựng đủ thứ dọc bờ biển, trên các triền núi, sườn đồi như Dự án Bảo Đại Resort Nha Trang (6) rõ ràng là nhân - quả với lụt, lũ, sạt lở hôm 18 tháng 11 năm 2018.

Uổng tử không phải do Trời mà vì những qui hoạch, dự án bất chấp hậu quả là chết oan. Song vẫn giống như trước hết tại chỗ này tới ở chỗ khác tại Việt Nam, sẽ không có ai phải chịu trách nhiệm, dù số nạn nhân không dưới hàng chục, số gia đình nhà tan, cửa nát, trắng tay vượt mức hàng trăm!

Chú thích

Sunday, November 11, 2018

-- Tình trạng sạt lở ở Việt Nam, nguyên nhân và làm sao để hạn chế?



RFA
2018-11-09

Bờ biển Cửa Đại, Hội An, bị xói lở nghiêm trọng.

Tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung ngày càng gia tăng nghiêm trọng thời gian gần đây. Các chuyên gia nói gì về hiện trạng này và đưa ra những giải pháp nào?

Gia tăng bất thường
Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung tại trụ sở chính phủ hôm 7 tháng 11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp với mức độ nhận định ngày càng gia tăng.
Từ Nghệ An đến Bình Thuận có 13 tỉnh, thành phố ven biển, với chiều dài bờ biển hơn 1.600 km cùng mạng lưới sông ngòi với 48 cửa sông đổ ra Biển Đông.
Tính đến tháng 7 năm 2018, toàn bộ bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Khu vực sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giảng dạy tại Đại học Cần Thơ đưa ra nhận định về vấn đề này:
 “Thật ra thì sạt lở đã xảy ra lâu rồi, nhưng những năm gần đây nó gia tăng rất là rõ rệt. Các báo cáo về sạt lở từ miền bắc miền trung đến miền nam xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Có rất nhiều cách để lý giải nguyên nhân sạt lở, thứ nhất là do thời tiết bất thường hơn, gió bão nhiều hơn, sóng mạnh hơn. Thứ hai là hoạt động con người, những chỗ xung yếu, chúng ta mất đi rừng bảo vệ, việc khai thác cát tràn lan, hoặc xây dựng công trình không chú ý việc thay đổi dòng chảy cũng làm khả năng sạt lở gia tăng. Tóm lại nguyên nhân gây sạt lở vừa là do con người và cũng do thiên nhiên.”
“Hoạt động con người, những chỗ xung yếu, chúng ta mất đi rừng bảo vệ, việc khai thác cát tràn lan, hoặc xây dựng công trình không chú ý việc thay đổi dòng chảy cũng làm khả năng sạt lở gia tăng”. -PGS. TS. Lê Anh Tuấn

Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tình trạng sạt sở không chỉ xảy ra ở bờ biển miền trung, miền bắc, mà còn xảy ra rất nhiều ở các sông đổ ra biển tại Việt Nam. Nguyên nhân theo bà là do biến đổi khí hậu, làm bầu khí quyển nóng lên, làm ảnh hưởng hoàn lưu khí quyển, tức làm các khối không khí gia tăng hoạt động gây mưa giông bão gió mùa ngày càng nhiều hơn và làm thay đổi các dòng chảy. Bà cho rằng, những xáo trộn khí hậu làm sạt lở ngày càng tăng lên, bà nói tiếp:
“Triều cường mỗi tháng hai lần ở Việt Nam, nhất là vùng ven biển miền trung cho đến Cà Mau là bán nhật triều, tức là ngày hai lần nước lớn và nước ròng, với biên độ triều biến động quá lớn và nhanh, tạo ra một cái lực tác động đến bờ biển Việt Nam, nhất là miền trung và miền nam do hai vùng này nằm gần xích đạo. Theo tôi,vì Việt Nam là kinh tế biển, nhất là ở miền trung, nên việc tác động đến bờ biển tương đối lớn. Ngoài ra do việc phát triển du lịch nên xây dựng ở khu vực bờ biển cũng ngày càng nhiều, mà đất ven biển thường yếu, nên nếu không nghiên cứu kỹ địa hình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, sạt lở tại Việt Nam hiện nay là vấn nạn quốc gia, vì rất nhiều nơi phải đối diện hiện trạng này. Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra một số tiền rất là lớn để khắc phục việc sạt lở, nhưng theo ông có vẻ như chưa hiệu quả.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở làm đổ cây
 Courtesy quangnam.gov.vn

Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển của chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân ở các khu vực như huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Hội An, Tuy Hòa, Phú Yên…
Chúng tôi hỏi chuyện Anh Thành, sống làm việc tại khu vực biển Cửa Đại và Cù Lao Chàm, Hội An và được Anh cho biết tình hình sạt lở tại địa phương như sau:
“Đoạn đường từ biển Cửa Đại đến Vinpearl người ta đang xây dựng kè lại cho nó khỏi sạt lở. Việc sạt lở cũng lâu rồi, chính quyền cũng cho kè một số, và các resort thì doanh nghiệp họ cũng tự làm. Biển Cửa Đại thì không có nhà dân nhiều, chỉ có những quán bán, nhưng nhà nước cũng không có hỗ trợ gì cho các hộ đó. Chỗ đường từ biển Cửa Đại xuống bến cảng là sạt lở nghiêm trọng nhất, họ đang kè, nếu sạt lở nhiều sẽ mất luôn con đường xuống bến cảng. Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm cũng bị nước biển xâm thực, mùa đông gió mạnh, nước biển vô cả nhà dân.”

Giải pháp
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn những giải pháp mà chính phủ đang thực hiện như xây dựng hệ thống bờ kè để bảo vệ hay quy hoạch những chỗ nguy cơ để di dời người dân đi chỗ khác, chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được toàn bộ vấn đề.
"Cần phải có kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng bờ kè, chứ không làm chắp vá, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy cần phải có cơ quan ban ngành có trình độ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng". -Lê Thị Xuân Lan
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 11, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, cũng đề nghị một số giải pháp:
“Trước mắt để giải quyết tình thế thì chỗ nào có sạt lở đe dọa cuộc sống thì nhà nước cần nghiên cứu phải pháp thích nghi hoặc giải pháp thích ứng. Thích nghi là nhà nước tập trung đầu tư một số công trình mềm, cứng để để giảm thiểu tác động ấy. Còn thích ứng là di dời người dân và cho chỗ đó phát triển tự nhiên như vậy. Còn lâu dài thì phải xem lại việc phát triển trong nội địa có gì bất cập, thí dụ như thủy điện, xây dựng đê điều có hợp lý chưa…”
Nếu muốn làm hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp thật là chặt chẽ giữa người dân địa phương và chính quyền. Đó là nhận định của Bà Lê Thị Xuân Lan, Bà nói:
“Vì nếu một bên làm và một bên phá thì không được. Cái thứ hai là cần phải có kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng bờ kè, chứ không làm chắp vá, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy cần phải có cơ quan ban ngành có trình độ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng. Còn nếu mỗi địa phương nào cứ bị sạt lở thì mạnh ai nấy đắp thì sẽ bị hoài, mỗi năm sạt lở hoài.”
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thì cho rằng trước mắt cần lập bản đồ các điểm sạt lở, bản đồ càng chi tiết càng tốt. Để phân biệt các điểm sạt lở, cái nào nguy cấp thì xử lý trước. Từ bản đồ sạt lở sẽ đưa ra các loại cảnh báo thích hợp cho tàu bè, người dân…

Source:

Monday, November 5, 2018

Đua nhau "hứng" cá đồng lũ lượt từ ruộng rút xuống kênh

02/11/2018


Ở Long An, nước lũ đang rút dần, cá đồng từ ruộng lũ lượt đổ ra kênh, rạch. Đây cũng là thời điểm người dân vùng lũ tập trung đánh bắt thủy sản.
Vào mùa nước nổi, nhiều người ở Đồng Tháp Mười đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập. Thời điểm này, trên đồng, dưới kênh, nơi nào cũng thấy người giăng lưới, đặt lọp,... Họ là dân địa phương, cũng có thể người từ nơi khác đến.

Tăng thu nhập mùa lũ rút
Theo chân ông Trương Văn Hường, ngụ thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An người có thâm niên “săn” cá sau lũ trên tuyến kênh Hồng Ngự, cứ sáng sớm, ông chuẩn bị tay lưới dài chừng 50-60m để bắt cá.

Giăng lưới mùa lũ rút, cá dính lưới rất nhiều phải huy động nhiều người cùng gỡ.
Mùa nước nổi năm nay, lượng thủy sản dồi dào giúp người dân vùng lũ có thêm thu nhập.Thời điểm này, cá theo con nước rút về kênh, rạch, chủ yếu là cá linh, mè vinh, dảnh xéo,... Chỉ cần thả lưới xuống kênh độ sâu 2-3m cho trôi theo dòng nước, cứ độ khoảng 150-200m thăm lưới một lần, mỗi lần như thế bắt được 5-10 con cá mè vinh, dảnh xéo.
Một ngày, ông Hường kiếm được từ 10-15kg cá, có khi lên tới 20-30kg. Với giá bán 12.000-15.000 đồng/kg như hiện nay, sau 1 ngày thả lưới, ngoài việc cải thiện bữa ăn, ông kiếm được 150.000-300.000 đồng, trang trải cuộc sống.
Còn anh Lê Bình Đông, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, không ruộng đất sản xuất, hơn 10 năm qua, anh làm mướn, lũ về thì giăng lưới, giăng câu. Theo anh, lũ năm nay về sớm, thời gian ngâm lũ trên ruộng kéo dài nên cá sinh sản và phát triển mạnh.
Theo kinh nghiệm của anh Đông, khi nước rút, cá trên đồng đổ về các vùng trũng thấp rồi theo nước kênh, rạch, khi đó có thể bắt được nhiều cá. “Với hơn 1.000 lưỡi câu, vào thời điểm này, mỗi đêm, tôi kiếm được khoảng 8-10kg cá (trèn, lăng, trê), bán với giá từ 60.000- 80.000 đồng/kg, kiếm được 300.000-500.000 đồng” - anh Đông nói.
Sau một đêm giăng câu, anh Lê Bình Đông có thu nhập từ 300.000-500.00 đồng từ việc thả 1.000 lưỡi câu bắt cá trèn, lăng, trê...

Báo động tình trạng đánh bắt cá đồng kiểu hủy diệt
Bên cạnh đánh bắt cá bằng cách giăng câu, thả lưới, vẫn còn nhiều trường hợp khai thác cá trái phép theo kiểu tận diệt. Dọc các tuyến kênh, rạch hay cánh đồng ở các huyệnTân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,... và thị xã Kiến Tường của tỉnh Long An, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân dùng xung điện để đánh bắt cá.
Trên cánh đồng thuộc xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, anh V.V.T đang dùng xung điện bắt cá, cho biết: “Nhiều người dân ở đây vẫn dùng xung điện đánh bắt cá, tôi bắt được hơn 5kg cá lớn, nhỏ”. Mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng xử lý nhiều trường hợp đánh bắt thủy sản trái quy định pháp luật, tịch thu dụng cụ, phạt tiền nhưng vì cuộc sống còn khó khăn, muốn có thêm thu nhập nên nhiều người vẫn vi phạm.
Trên cánh đồng thuộc xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, chỉ đoạn ngắn cặp Đường tỉnh 817, chúng tôi bắt gặp 2 trường hợp ngang nhiên dùng xung điện đánh bắt cá, khi chúng tôi tiến lại gần định chụp ảnh thì các đối tượng phát hiện và bỏ đi. Chỉ cần 1-2 triệu đồng là có thể mua một bình ắc-quy 12V và một bộ kích điện để đánh bắt cá. Với cách đánh bắt này, các loại cá lớn, nhỏ đều bị hủy diệt.
Lũ rút, cá từ ruộng theo con nước tràn xuống kênh, rạch, người dân đánh bắt cải thiện bữa ăn, có thêm thu nhập
Không chỉ dùng bình ắc-quy nhỏ, nhiều người còn sử dụng cào điện công suất lớn, trang bị cả ghe, lưới để “quét sạch” các loại thủy sản trên diện rộng. Trung bình mỗi ngày, người sử dụng xung điện bằng bình ắc-quy cầm tay có thể bắt cả chục kg thủy sản các loại, còn sử dụng ghe cào điện thì số thủy sản bắt được cao hơn 3-5 lần. Ngoài ra, người dân còn sử dụng lưới mắt nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản. Những cách khai thác kiểu tận diệt này làm nguồn lợi thủy sản trên vùng Đồng Tháp Mười bị suy giảm và nguy cơ cạn kiệt.
Từ đầu mùa lũ đến nay, công an xã Vĩnh Thạnh tổ chức 85 cuộc tuần tra, phát hiện, lập biên bản, xử lý 10 trường hợp sử dụng xung điện khai thác thủy sản trái phép, 24 trường hợp sử dụng lưới có kích thước mắt nhỏ hơn quy định đánh bắt cá, xử phạt hành chính, thu nộp ngân sách hơn 40 triệu đồng, đồng thời thu giữ 3 chài điện, 6 xuyệc điện, 10 bình ắc-quy.
Theo Trưởng Công an xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng - Võ Hoàng Em, vào mùa nước nổi, tình trạng sử dụng xung điện để đánh bắt cá xảy ra thường xuyên, không chỉ người dân địa phương mà còn có người dân ở các tỉnh lân cận: An Giang, Đồng Tháp,... sang đánh bắt.
Thời gian qua, công an xã Vĩnh Trị tăng cường kiểm tra, xử lý trên lĩnh vực này nhưng một số người vẫn cố tình vi phạm. Từ đầu mùa lũ đến nay, xã lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 42 triệu đồng, buộc tháo dỡ 19 dớn có mắt lưới nhỏ hơn quy định, thu giữ 6 xuyệc điện dùng để đánh bắt cá trái phép. Thời gian tới, công an xã tăng cường tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản trái pháp luật trên địa bàn, nhất là thời điểm lũ rút hiện nay.
Đang vào vụ đánh bắt thủy sản cuối mùa lũ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng vi phạm.
Tại các chợ vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, thời điểm này, lượng cá đồng (cá lóc, trê, trèn, rô,...) rất dồi dào. Giá cá lóc dao động từ 60.000-80.000đồng/kg, cá trèn, cá trê dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg, cá rô từ 30.000-50.000 đồng/kg,... 

Theo Báo Long An