Một dự án đập gây nỗi lo sợ từ lâu ở phía biên giới Lào đang được tiến hành, bất chấp sự phản đối của cư dân địa phương.
Tom Fawthrop
The Diplomat, 14.02.2025
[Bản tiếng Việt của Tâm Bình]
18/02/2025
Song ngữ Việt Anh
Một cuộc biểu tình phản đối đập tại trường Mekong, tỉnh Chiang Khong, Thái Lan.
[Nguồn: Nhóm Bảo Tồn Chiang Khong]
Tại huyện Chiang Khan, một thị trấn du lịch đẹp như tranh của Thái Lan giáp với sông Mekong, sang năm mới đã mang đến những điềm báo ảm đạm về một dự án thủy điện dự kiến sẽ được xây bên phía nước láng giềng Lào chỉ cách đó 2 km.
Thanusilp Inda, người đứng đầu làng Ban Klang ở huyện Chiang Khan, đã bày tỏ sự lo lắng về tương lai. “Đập Sanakham sẽ là một thảm họa đối với hệ sinh thái và cá, nó sẽ gây ra lũ lụt tồi tệ hơn”, ông nói với tờ Diplomat.
Ngay trước Giáng sinh, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia (ONWR) của chính phủ Thái Lan thuộc Văn phòng Thủ tướng đã thông báo rằng quá trình tham vấn của Ủy ban Sông Mekong MRC sẽ diễn ra, bất chấp cảnh báo từ Ủy ban Nhân quyền Thái Lan (THRC) yêu cầu phải thận trọng.
Trong một bức thư gửi cho Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra vào tháng 11 năm 2024, THRC đã khuyến cáo không nên hành động vội vàng cho đến khi hoàn thành đánh giá kỹ lưỡng về tác động xuyên biên giới đối với người dân Thái Lan và sinh kế của họ.
Báo cáo nêu ra nhiều tác động, bao gồm lũ lụt và xói mòn bờ sông, sẽ gây thiệt hại cho hai địa điểm du lịch quan trọng ở Thái Lan: Kaeng Khut Khu ở huyện Chiang Khan và Phan Khot Saen ở tỉnh Nong Khai.
Toàn cảnh biên giới Lào-Thái Lan, nhìn từ phía Thái Lan qua sông Mekong đến Lào.
[Ảnh của Tom Fawthrop]
Dự án đập thủy điện Sanakham công suất 684 MW trên sông Mekong, gần biên giới Thái Lan-Lào tại huyện Chiang Khan, tỉnh Loei, với tổn phí khoảng 2,07 tỷ đô la. Nếu hoàn thành, đập sẽ tác động trực tiếp đến 3 trong số 8 tỉnh của Thái Lan giáp sông Mekong.
Ủy ban sông Mekong MRC liệt kê đây là đập thủy điện thứ sáu ở hạ lưu sông Mekong do chính phủ Lào đề xuất. Hai trong số sáu dự án đã hoàn tất và hiện đang hoạt động phát điện [ *ghi chú của người dịch: Xayaburi và Don Sahong ] và dự án thứ ba, đập Luang Prabang, đang được xây dựng.
Chính phủ Lào đang phải gánh khoản nợ khổng lồ tuyên bố rằng việc xây dựng đập của họ sẽ thúc đẩy nền kinh tế bằng cách xác định Lào là một “bình phát điện của khu vực”, bán điện sang các nước láng giềng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và chuyên gia về nghề cá sông Mekong cho biết các con đập sẽ ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của dòng sông, làm suy yếu sự đa dạng sinh học phong phú của nó.
Bản đồ các đập dòng chính trên sông Mekong đang hoạt động (màu đỏ) và đang được quy hoạch (màu vàng).
[ Nguồn: International Rivers]
Thái Lan đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ hầu hết các con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. (Riêng Trung Quốc đã hoàn thành 12 con đập trên sông Lan Thương, là khúc thượng nguồn sông Lancang-Mekong.)
Gulf Energy là nhà đầu tư lớn của Thái Lan vào các đập Sanakham và Pak Beng trong hạ lưu sông Mekong, công ty này liên doanh với Datang Overseas Investment của Trung Quốc.
Các Xã hội dân sự đấu tranh giành tiếng nói
Vào ngày 21 tháng 1, 2025 chính phủ Thái Lan đã tổ chức vòng tham vấn thứ ba theo thủ tục PNPCA của Ủy ban sông Mekong. Tại khách sạn Sunee ở Ubon Ratchathani, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự với quan điểm bảo vệ môi sinh đã xung đột với nhóm lợi ích của chính phủ Thái Lan trong việc khai thác tài nguyên nước của sông Mekong.
Các nhóm Ubon Flood Watch và Mekong River Network (MRN) đã đặt phòng tại cùng một khách sạn, với hy vọng tổ chức được một diễn đàn song song. Các quan chức chính phủ Thái không chấp nhận cuộc cạnh tranh này và đã ra lệnh cho ban quản lý khách sạn hủy đặt phòng của MRN cho diễn đàn về đập Sanakham.
Giáo sư Kanokwan Manorom, giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) tại Đại học Ubon Ratchathani, đã tham dự diễn đàn ONWR. Bà nhận thấy sự thiếu sót các dữ liệu cụ thể và rất hời hợt khi đề cập tới tác động môi trường đối với người dân Thái Lan.
Như Manorom đã nói với Transborder News, “Đập Sanakham sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đến thủy văn, sinh thái, xã hội, kinh tế, văn hóa và sinh kế”. Ngoài ra, bà lưu ý rằng “68 ngôi làng ở tỉnh Loei và 47 ngôi làng ở tỉnh Nong Khai, với dân số 70.000 người, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì chúng nằm trong vòng bán kính 15 km vùng dự án. Nhưng điều này đã không được diễn đàn ONWR làm rõ và minh bạch”.
Cả Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia / ONWR và Gulf Energy đều không trả lời yêu cầu bình luận từ tạp chí The Diplomat.
Sau khi diễn đàn xã hội dân sự song song bị hủy bỏ, khoảng 200 nhà hoạt động từ tỉnh Ubon Ratchathani đã tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa bên trong khách sạn, mặc áo sơ mi xanh và mang theo những tấm biểu ngữ với nội dung như “Ngưng xây đập sông Mekong” và “Ngưng tham vấn giả tạo”.
Một cuộc biểu tình phản đối xây đập bên ngoài trường Mekong ở Chiang Khong, bên bờ Thái Lan của sông Mekong.
[ Nguồn: Nhóm Bảo tồn Chiang Khong. ]
Brian Eyler, một chuyên gia về các vấn đề nước xuyên biên giới trong khu vực sông Mekong tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã nói với The Diplomat, “Tôi e rằng quá trình tham vấn này có vẻ như là quá vội vã với kết quả tiêu cực, vì vậy ONWR của chính phủ Thái Lan có nghĩa vụ phải thực hiện một quá trình tham vấn được cân nhắc kỹ lưỡng hơn”.
Diễn đàn ONWR thứ tư và cũng là cuối cùng được lên lịch tại Bueng Kan vào ngày 14 tháng 2, sẽ mở đường cho các Diễn đàn những bên liên quan trong khu vực của Ủy ban sông Mekong / MRC. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ than phiền rằng tất cả các diễn đàn này đều hạn chế tranh luận và không cho phép đặt câu hỏi về lý do tại sao cần có con đập này, ai được hưởng lợi và liệu dự án có nên bị hủy bỏ hay không.
Di sản đập thủy điện Xayaburi
Nhiều người phản đối con đập mới Sanakham, họ chỉ ra sự thiệt hại do đập Xayaburi đã gây ra ở Lào kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2019. Đập nằm cách biên giới Lào-Thái khoảng 200 km về phía thượng nguồn tại huyện Chiang Khan.
Người đứng đầu Nhóm ngư dân huyện Chiang Khan, Prayoon Saen-ae, nói với The Diplomat, “Khi Xayaburi vận hành [năm 2019], chúng tôi đã phải chịu những tác động rất lớn. Sự lên xuống thất thường của mực nước, những biến động đã gây ra sự hỗn loạn cho các loài cá”.
Channarong Wongla, một người đứng đầu Nhóm bảo tồn Rak Chiang Khan (“Yêu Chiang Khan”), nhớ lại, “Chúng tôi từng có hơn 100 loài cá. Bây giờ, trong sáu năm qua, số lượng loài cá đã giảm xuống còn 20 loài”.
Đập Xayaburi được hoàn thành vào năm 2019.
[ Ảnh do Công ty Thủy điện Pöyry cung cấp]
Đập Xayaburi công suất 1.285 MW là con đập dòng chính đầu tiên được xây dựng ở hạ lưu sông Mekong, với chi phí 4,5 tỷ đô la. Đập được tài trợ bởi bốn ngân hàng lớn của Thái Lan và 95 % lượng điện được xuất cảng sang Thái Lan kể từ khi bắt đầu hoạt động.
Channarong thúc giục diễn đàn do ONWR tổ chức tại huyện Chiang Khan: “Chúng ta phải có báo cáo đầy đủ về tác động của đập Xayaburi đối với người dân Thái Lan và nếp sống của họ trước khi chúng ta xem xét tới một con đập mới”. Ông không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.
Cả Ủy ban sông Mekong quốc gia Thái Lan (TNMC) và ONWR đều chưa bao giờ kêu gọi đánh giá độc lập về thiệt hại do đập Xayaburi gây ra.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng tác động của nước đọng (backwater impact) đã gây ra quá nhiều xói mòn bờ sông xung quanh Khu Di sản Thế giới Luang Prabang đến mức cần phải có một dự án phục hồi do Ngân hàng Thế giới tài trợ theo yêu cầu của UNESCO.
Người nghèo Thái liệu có thể ngăn cản kế hoạch của giới chức năng lượng ở Bangkok?
Đáp lại những lời chỉ trích, Chính phủ Thái và các nhà phát triển đập đã bảo vệ việc đầu tư vào các đập trên sông Mekong như một phần của “Chính sách Carbon thấp / Low Carbon Policy”, nhằm cung cấp các giải pháp thay thế “xanh và sạch” cho nhiên liệu hóa thạch.
Kế hoạch năng lượng quốc gia (NEP) của Thái Lan, một bản thiết kế cho chiến lược năng lượng của đất nước từ năm 2023-2037, tuyên bố mục tiêu chính của kế hoạch là tăng cường sử dụng năng lượng sạch, tái tạo và mở rộng năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Nhưng dù năng lượng mặt trời ngày càng tăng, Thái Lan vẫn sẽ mua thêm nhiều kilowatt từ các đập sông Mekong như một thành phần chính trong hỗn hợp năng lượng của đất nước.
Tuy nhiên, việc chính phủ Thái bảo vệ thủy điện như một nguồn “năng lượng tái tạo sạch” đang bị thách thức bởi nghiên cứu về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho thấy các đập lớn cũng thải ra khí Methane có hại không kém. [*ghi chú của người dịch: Khí Methane là nguyên nhân gây ra khoảng 30% sự gia tăng nhiệt độ hâm nóng toàn cầu hiện nay.] Tại COP29, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2024, 159 quốc gia đã ký vào Cam kết khí Methane toàn cầu. Duy có Thái Lan và Lào đã từ chối tham gia.
Các quyết định về chính sách năng lượng của Thái Lan – bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án thủy điện ở Lào – được đưa ra bởi một nhóm nhỏ các bộ trưởng chính phủ, các nhà đầu tư tư nhân giàu có và các nhà chuyên gia năng lượng.
Nikkei Asia Review đã mô tả Sarath Ratanavadi, Tổng giám đốc điều hành của Gulf Energy, là một doanh nhân thành đạt được mệnh danh là “ông vua năng lượng” của Thái Lan. Theo Forbes, ông ta có tài sản trị giá 14,4 tỷ đô la. Công ty của ông là nhà đầu tư chính vào cả hai đập Sanakham và đập Pak Beng.
Những người đánh cá nghèo và nông dân thu nhập thấp của Thái Lan có cơ hội nào để tác động đến việc ra quyết định về một con đập có thể gây thiệt hại cho mùa màng, làm giảm sản lượng đánh bắt cá và làm suy kiệt sinh kế của họ?
Các con đập ở thượng nguồn đã làm giảm đáng kể lượng cá đánh bắt được, buộc nhiều ngư dân phải tìm việc làm ở thị trấn.
[Photo by Tom Fawthrop]
Brian Eyler, tác giả của “Những ngày cuối cùng của dòng sông Mekong hùng vĩ”, thừa nhận rằng cuộc đấu tranh chống đập Sanakham là một cuộc ganh đua rất không cân sức. “Đây thực sự là câu chuyện David đấu với Goliath, nhưng chúng ta đều biết câu chuyện này đòi hỏi lòng dũng cảm, sự thách thức và sức mạnh của kẻ yếu. Dù có công bằng hay không, thì đây vẫn là cuộc chiến xứng đáng để đấu tranh”.
Brian nói thêm, “Không thể có lợi ích thống nhất của Thái Lan [quốc gia] đối với con đập này hay bất kỳ con đập nào, nơi có những khác biệt và xung đột lợi ích”.
Trang web của Gulf Energy chỉ ra một giải pháp khả thi để tránh xung đột. Nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Thái Lan tuyên bố “Gulf Energy là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời”. Công ty này nắm giữ trực tiếp cổ phần tại các trang trại năng lượng mặt trời và gió ở Việt Nam, với tổng công suất là 245,8 MW. Họ cũng nắm giữ 50% cổ phần trong một dự án năng lượng mặt trời tại Borkum Riffgrund, Đức với công suất là 464,8 MW.
Tại sao không thay thế các kế hoạch xây dựng đập sông Mekong bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió an toàn hơn và tiết kiệm chi phí hơn nhiều? Các nguồn năng lượng này đã đi vào hoạt động tại Thái, với tổng công suất là 600 kilowatt cho đến nay. Con số này vô cùng gần với công suất 684 KW dự kiến từ đập Sanakham, nhưng không có tất cả các rủi ro và xung đột đi kèm với thủy điện.
Giáo sư danh dự về Địa lý Nhân văn Tiến sĩ Philip Hirsch đã kết luận sau 40 năm nghiên cứu về sông Mekong rằng “Các đập lớn đã lỗi thời. Có rất nhiều lựa chọn cho năng lượng thay thế rẻ hơn. Không có lý do gì để xây dựng một con đập trên sông Mekong hay bất kỳ con sông nào ngày nay”.
Nhưng Premrudee Daoroung, điều phối viên của Dự án Sevana Mekong về Văn hóa và Môi trường, không lạc quan rằng các lập luận và phân tích hợp lý sẽ giành chiến thắng. Theo bà, “Có quá đủ khoa học và trí tuệ để chứng minh thiệt hại nghiêm trọng từ những tác động xuyên biên giới này, nhưng lại không đủ ý chí chính trị để áp dụng khoa học nhằm ngăn chặn các con đập”.
Tom Fawthrop
The Diplomat, 14.02.2025
[Bản tiếng Việt của Tâm Bình]
PLEASE CLICK "READ MORE" TO READ ORIGINAL ARTICLE