Wednesday, May 10, 2017

Việt Nam và Cam Bốt bị tố nhận hối lộ để làm ngơ nạn buôn lậu gỗ



Trọng Nghĩa
Đăng ngày 08-05-2017 Sửa đổi ngày 08-05-2017 15:38 


Tình trạng phá rừng bất hợp pháp tại tỉnh Koh Kong, Cam Bốt.

Ảnh minh họa. CC/Paul Mason USAID/Cambodia/OGD

Một tổ chức giám sát môi trường vào ngày 08/05/2017 đã lên tiếng tố cáo chính phủ Việt Nam và nhiều giới chức lãnh đạo quân đội đã nhận đút lót để nhắm mắt làm ngơ trước nạn buôn gỗ lậu từ nước láng giềng Cam Bốt.

Trong một bản báo cáo vừa được công bố, tổ chức Environment Investigation Agency, trụ sở tại Anh Quốc, cho biết hàng triệu đô la đã được giới buôn lậu gỗ ở Việt Nam chi ra cho cả các quan chức Việt Nam lẫn Cam Bốt.

Đút lót cho các viên chức Việt Nam là để bảo đảm có quota gỗ nhập, còn chi cho phía Cam Bốt là để mở rộng thêm vùng đốn cây và đường vận chuyển gỗ lậu. Việc đốn gỗ nhiều khi trái phép nhất là trong những nơi được bảo vệ như các công viên quốc gia.

Cam Bốt đã cấm xuất khẩu gỗ và từ đầu năm 2016 đã đóng biên giới với Việt Nam về việc chuyển gỗ. Việt Nam thì có quota về việc nhập gỗ và cũng đánh thuế trên mặt hàng này.

Theo hãng tin Mỹ AP, bộ Ngoại Giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo nói trên. Phía Cam Bốt, ông Sear Ra, thuộc cơ quan Lâm Nghiệp Cam Bốt, giải thích là việc xuất khẩu gỗ đã bị ngưng năm 2016, và nếu có tiếp tục sau đó thì chỉ là lén lút và bất hợp pháp.

Cam Bốt là một trong những quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao nhất thế giới, phần lớn là do khai thác gỗ bất hợp pháp và tham nhũng. Phần lớn việc buôn bán gỗ được quân đội bảo vệ, thương lượng hoa hồng với thương nhân.

Quota nhập gỗ chính thức của Việt Nam tạo điều kiện dễ dàng cho việc buôn lậu từ Cam Bốt, và Việt Nam, theo báo cáo, cũng hưởng lợi qua thuế đánh trên gỗ lậu. « Khoảng 300.000 mét khối gỗ đã được chuyển lậu từ Cam Bốt và được "rửa" ở Việt Nam dưới các quota này ». Tiền lại quả lên hơn 13 triệu đô la từ đầu tháng 11/2016. Đấy là một trong những vụ buôn lậu gỗ lớn nhất từ nhiều năm qua.

Bản báo cáo ghi nhận là vụ buôn lậu gỗ diễn ra trong lúc mà Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ rừng của mình, dù chính phủ Việt Nam « cổ vũ khuếch trương ngành xuất khẩu sản phẩm gỗ, đứng hàng thứ sáu thế giới ». Trị giá sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam năm nay dự kiến lên 8 tỷ đô la, trong lúc phải nhập đến 80% nguyên liệu sử dụng.

Cam Bốt và Lào là hai nước láng giềng cung cấp gỗ lậu cho Việt Nam, trị giá gần 3/4 tỷ đô la trong một năm, và một vụ truy bắt ở Lào khiến giới buôn lậu càng quay sang Cam Bốt.
Theo tổ chức giám sát môi trường nói trên, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu dự kiến ký thỏa thuận hầu bảo đảm là hàng gỗ xuất đi từ Việt Nam là gỗ hợp pháp.



No comments:

Post a Comment