Friday, May 19, 2017

Tìm cách "cứu" Tứ giác Long Xuyên



Bài và ảnh: Thốt Nốt | 17/05/2017 


Lần đầu tiên lãnh đạo các tỉnh, thành trong khu vực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tập trung bàn về kế hoạch liên kết vùng để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, thủy điện làm cạn nguồn nước, khai thác quá mức tài nguyên đất...

Trong 2 ngày 16 và 17-5 tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã tổ chức hội thảo "Liên kết tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên - thách thức và tầm nhìn".

Sống chung với hạn, mặn
Theo các chuyên gia nông nghiệp, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên đang trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước, có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn các tiểu vùng khác ở ĐBSCL để phát triển thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt.
Tuy vậy, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, cho rằng hiện Tứ giác Long Xuyên cũng như vùng ĐBSCL đang chịu  ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và tình trạng xây dựng chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Trong khi đó, ngành nông nghiệp lại khai thác quá mức về tài nguyên đất, nước bằng việc tăng vòng quay của đất (làm nhiều vụ/năm).

Tỉnh Kiên Giang đang cần khoảng 2.300 tỉ đồng để đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu, cần nhìn nhận đúng để tránh những quan niệm sai lầm về biến đổi khí hậu khi đưa ra các biện pháp ứng phó không phù hợp, không hiệu quả và làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên vốn có. Tổng dòng chảy trung bình hằng năm của sông Mê Kông là 475 tỉ m3. Trong đó, nguồn nước từ Trung Quốc và Myanmar chỉ cung cấp 18%, phần còn lại do lượng nước mưa bổ sung của các nước hạ lưu vực. Trong số này, phần lượng mưa bổ sung của Việt Nam khoảng 11%.
"Trong quá khứ cũng có những thời điểm đỉnh lũ suy giảm đáng kể làm xâm nhập mặn nhưng chúng ta đừng vội cho rằng ĐBSCL hết lũ để rồi vội vàng xây đập ngăn mặn, trữ ngọt mà làm mất đi dòng chảy tự nhiên với bên ngoài. Vừa qua, khi Kiên Giang đắp đập ngăn mặn thì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cho nhiều loại thủy sản bên trong chết hàng loạt. Vấn đề ở đây là chúng ta tìm cách ứng phó theo kiểu "sống chung với hạn, mặn" để biến mặn thành lợi thế riêng của vùng, chứ không phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho các công trình ngăn mặn" - ThS Thiện khuyến cáo.

Đa dạng cây trồng, vật nuôi
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đưa ra phân tích tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên tuy vẫn còn nhiều diện tích đất bị nhiễm phèn nặng và thường xuyên bị xâm nhập mặn nhưng đây là lợi thế riêng để các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý trong điều kiện giá cả thị trường bấp bênh.
"Ngay cả những vùng đất bị nhiễm phèn nặng, chúng ta vẫn tạo ra thu nhập cho người dân bằng cách khuyến khích họ lên liếp trồng cỏ để bán cho các doanh nghiệp nuôi bò. Bởi lẽ, nếu chúng ta đầu tư xây dựng nhiều công trình ngăn mặn, trữ ngọt hay dẫn ngọt thì rất tốn kém và làm cho giá thành sản xuất tăng cao, người trồng lúa vẫn cứ nghèo vì giá cả bấp bênh" - GS-TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng.

Tâm đắc với những chia sẻ của GS-TS Võ Tòng Xuân, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng hiện có nhiều nông dân phải bỏ xứ ra đi vì làm ruộng không đủ sống, nói chi đến chuyện làm giàu.
Ghi nhận thực tế, TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh này đã chuyển đổi được một số mô hình trồng lúa chất lượng cao, lúa Nhật được hơn 30.000 ha xuất khẩu, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Bên cạnh đó, tỉnh không khuyến khích nông dân tham gia trồng lúa vụ 3 để giảm áp lực về nguồn nước tưới cũng như tránh thiệt hại do hạn, mặn gây ra đối với vùng Tứ giác Long Xuyên và cả vùng Tây sông Hậu.

Về vấn đề này, đại diện IUCN hứa sẽ tài trợ hàng trăm triệu USD cho các tỉnh thực hiện liên kết vùng với điều kiện là giảm sản xuất lúa vụ 3 và tận dụng nguồn nước lũ cho sản xuất để tốt cho hệ sinh thái.
Nhiều nhà khoa học cũng nhận định rằng chính hệ thống đê bao khép kín ngăn lũ để các địa phương tăng cường sản xuất lúa vụ 3 đã làm mất đi không gian chứa nước cho vùng, gây thiếu hụt phù sa, gia tăng chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cuối cùng là gây hệ lụy của tình trạng xâm nhập mặn. Do đó, đối với những vùng thường xuyên chịu hạn, mặn thì nên đầu tư nuôi tôm hoặc cây trồng khác có giá trị hơn để giảm lệ thuộc vào cây lúa. Riêng những vùng chuyên canh cây lúa thì nên sản xuất theo hướng tiết kiệm nguồn nước, nâng cao chất lượng và giá trị xuất khẩu. 

*****
  • ĐBSCL chia thành 4 vùng:

·  Vùng phù sa nước ngọt: Diện tích hơn 1 triệu Ha. Lưu vực tại Châu Đốc và Hồng Ngự, Mỹ Tho, Bến Tre.

·  Vùng phù sa nước mặn: Diện tích khoảng 900.000 Ha.  Lưu vực các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

·  Vùng bán đảo Cà Mau: Diện tích chừng 1 triệu Ha. Mảnh đất cuối của miền Nam Việt Nam hằng năm nhận được phù sa của sông Hậu.

·  Vùng Đồng Tháp Mười: Rộng 1 triệu Ha, được coi như là những hồ chứa nước thiên tạo. Lưu vực các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, rộng gần 700.000 Ha) và Khu Tứ Giác Long Xuyên Trong các tài liệu cũ của người Pháp, Đồng Tháp Mười được gọi là Plaine des Joncs, tức Đồng cỏ lác/Đồng cỏ bàng.
Tứ giác Long Xuyên là một vùng đất hình tứ giác, trên địa phận của ba tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Bốn cạnh của tứ giác này là biên giới Việt Nam - Campuchia, vịnh Thái Lan, kênh Cái Sắn và sông Hậu.


(Source: Chương 8 - Blog Mekong-Cửu Long)

Tứ giác Long Xuyên





No comments:

Post a Comment