Sunday, November 29, 2020

LÀO ĐƯỢC THÚC GIỤC TÁI THẨM ĐỊNH ĐẬP

 (Laos urged to reassess dam)

Niem Chleng – Bình Yên Đông lược dịch

Phnom Penh Post – 26 November 2020

Dự án thủy điện Sanakham có trị giá khoảng 2 tỉ USD. [Ảnh: MRC]

Chánh phủ Lào và nhà phát triển dự án thủy điện Sanakham đã được thúc giục để nới rộng việc thẩm định ảnh hưởng của dự án và đề nghị thêm các biện pháp để làm giảm ảnh hưởng bất lợi tiềm tàng của đập có công suất 648 MW.

Trong một diễn đàn khu vực công khai do Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) tổ chức với các bên liên hệ vào ngày 24 tháng 11 ở Pakse, Siem Reap, Bangkok, và Hà Nội, cũng như ở trên mạng, khoảng 200 tham dự viên bày tỏ lo ngại của họ về dự án.

Một thông báo báo chí của MRC nói họ đề nghị rằng tiến trình tham vấn trước phải được thực hiện có ý nghĩa hơn và bảo đảm rằng các ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của dự án phải được cứu xét.

Trị giá của đập Sanakham được ước tính là 2,073 tỉ USD, trong đó 27,7 triệu USD sẽ được dành cho các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng môi trường và xã hội và các chương trình theo dõi.  Nó là dự án thứ 6th được đệ trình lên MRC để tham vấn trước.

Đập được đề nghị sẽ nằm giữa Xayaburi và tỉnh Vientiane ở Lào, khoảng 155 km về phía bắc của thủ đô Vientiane, và khoảng 2 km về phía thượng lưu của biên giới Thái-Lào trong tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan, MRC cho biết.

Được dự trù hoạt động vào năm 2028, đập sẽ cao 58 m và dài 350 m, gồm có 12 turbines, mỗi cái sản xuất 57 MW điện, theo lời của MRC trong tháng 5.

Các tham dự viên ở diễn đàn nói chánh phủ Lào và nhà phát triển dự án Datang (Lao) Sanakham Hydropower Co Ltd nên nới rộng thẩm định về phạm vi môi trường và xã hội khác nhau.

Một duyệt xét tổng thể hơn về ảnh hưởng có thể có của các đập khác và việc phát triển dự án cũng phải được chia sẻ.

“Họ cũng khẳng định rằng các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng được nhà phát triển đề nghị hiện nay là không đầy đủ, đề nghị thêm các biện pháp, bao gồm các cơ chế bồi thường để đối phó với việc thay đổi cuộc sống, được cung cấp với dữ kiện cập nhật và các nghiên cứu gần đây,” MRC nói.

Hạn hán hồi năm ngoái và năm nay đã kéo dài mùa khô và ảnh hưởng việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap và sản xuất thủy sản ở Cambodia.  Các tham dự viên ở diễn đàn kêu gọi các quốc gia thành viên MRC xả nước từ các hồ chứa thủy điện trên các phụ lưu trong những năm sắp tới.

Điều nầy cho phép phù sa chảy nhiều hơn, hỗ trợ việc di chuyển của cá ở hạ lưu, và duy trì cân bằng sinh thái trong dòng chánh Mekong, MRC nói.

Các tham dự viên ở diễn đàn cũng đề nghị MRC nên cứu xét cách thức để bảo đảm tính sẵn sàng của tài liệu và dữ kiện đầy đủ và cập nhật cho các dự án trong tương lai trước khi bắt đầu tiến trình tham vấn trước.

Họ nói điều nầy sẽ cho phép cứu xét các tài liệu đệ trình có ý nhĩa hơn.  Các cơ chế chia sẻ tin tức, họ nói, nên được cải thiện và ý kiến của các bên liên hệ nên được cứu xét như một phần của tiến trình tham vấn trước và về sau.

“Các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng của dự án Sanakham quan trọng hơn bao giờ,” Giám đốc Điều hành An Pich Hatda của MRC nói.  Ông nói thêm rằng các hoạt động xây cất và ảnh hưởng, thường ở địa phương, có thể có ảnh hưởng xuyên biên giới.

Ông nói các quốc gia thành viên MRC gần đây đã đồng ý thăm dò một cơ chế tài trợ khu vực để hỗ trợ các dự án phục hồi cuộc sống và hệ sinh thái trong Hạ Lưu vực Mekong.

Bounkham Vorachit, thứ trưởng Bộ Thủy lợi và Môi trường Lào, cho biết trong diễn văn khai mạc diễn đàn rằng Lào hoan nghênh các ý kiến và đề nghị của các bên liên hệ.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng các vấn đề nghiêm trọng sẽ được cứu xét trước khi chúng tôi tiến hành dự án,” bà nói.

Dự án là một phần trong kế hoạch của chánh phủ Lào để xuất cảng khoảng 20 GW điện đến các nước láng giềng vào năm 2030, trọng tâm là phát triển thủy điện.

Trong thời kỳ 2020-2030, chánh phủ Thái dự định nhập cảng khoảng 9 GW điện từ Lào, Cambodia khoảng 6 GW, Việt Nam khoảng 5 GW, Myanmar khoảng 300 MW và Malaysia khoảng 300 MW, tờ Vientiane Timnes tường trình, trích lời của Bộ Năng lượng và Hầm mỏ Lào.

MRC là một tổ chức liên chánh phủ thành lập vào năm 1995 để “cộng tác trực tiếp với các chánh phủ Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để cùng quản lý nguồn nước chung và phát triển khả chấp sông Mekong”.

CỨU TÂY TẠNG KHỎI ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG HOA RẤT QUAN TRỌNG CHO TƯƠNG LAI CỦA Á CHÂU

 (Saving Tibet from CCP is vital for Asia's future)

Binay Kumar Singh – Bình Yên Đông lược dịch

Hans News Service - 15 November 2020

Xi Jinping (Tập Cận Bình), lãnh tụ trọn đời của Đảng Cộng sản Trung Hoa (Chinese Communist Party (CCP)), gần đây đã chỉ thị cho các đảng viên của ông “hình thành một thành trì vững chắc trong việc duy trì sự ổn định” bằng cách củng cố vai trò của CCP ở Tây Tạng.  Ông cũng tuyên bố rằng “trung thành tuyệt đối (với CCP) rất cần thiết để chống lại các trận chiến quan trọng (ở Tây Tạng) và ngăn ngừa các nguy cơ quan trọng.”  Trong cùng công văn, ông cũng nói rằng “Phật giáo Tây Tạng phải thích ứng với xã hội chủ nghĩa và điều kiện của Trung Hoa.”

Công văn đến lãnh đạo cao cấp của đảng trong lúc những căng thẳng biên giới đang diễn ra với Ấn Độ dọc theo Đường Kiểm soát Thật sự cho thấy CCP hầu như sẽ làm mạnh thêm các chương trình Trung Hoa hóa trong khu vực núi non nầy.  Các hệ quả chiến lược, kinh tế, môi trường và văn hóa của những hành động nầy rất đáng kể và có thể có ảnh hưởng mạnh đến tương lai của Á Châu.

Hai thập niên trước, thế kỷ 21st được ví như Thế kỷ của Á Châu, vì các quốc gia đang phát triển trong khu vực sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.  Nhưng trong tình hình hiện nay, nếu các quốc gia trên khắp Á Châu không tập hợp lại để đánh bại các kế hoạch của CCP ở Tây Tạng, Á Châu có thể sớm chứng kiến một thế kỷ của mất mát.

Trung tâm của cuộc khủng hoảng tiềm tàng nầy là dự trữ nước ngọt của thế giới: “Cực Thứ ba (Third Pole)”.  Từ hàng ngàn năm nay, các hồ nước ngọt của Tây Tạng đã cung cấp nước cho các hệ thống sông chảy về phía Đông, Đông-Nam, Nam và Tây, nuôi dưỡng các nền văn minh lâu đời trên khắp khu vực.  Ngoài Trung Hoa, các hệ thống sông chánh được các hồ nước ngọt nầy cung cấp nước gồm có Mekong, Brahmaputra và Sutlej.

Tuy nhiên, trong một số thập niên, CCP đã thực hiện rộng rãi công tác hạ tầng cơ sở trên khắp Tây Tạng, ra vẻ là để nâng cao sự nối kết khu vực và giảm nhẹ nguy cơ lũ lụt.  Tuy nhiên, bằng cách kết hợp sự mờ ám của dữ kiện mực nước và lẩn tránh thực tế của các dự án nầy, CCP đã cố gắng để rút đa số dự trữ nước ngọt cho họ, mà ít để ý đến nhu cầu của các quốc gia duyên hà ở hạ lưu trên khắp khu vực.

Nhiều thí dụ gần đây kiểm chứng cho điều nầy.  Việc thay đổi dòng sông ở Bắc Nepal đã đưa đến việc tái ấn định biên giới Trung Hoa-Nepal trên thực tế (chuyện đã rồi cho người dân Nepal).

Zhao Lijian, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao CCP được trích lời tuyên bố rằng cộng đồng quốc tế đã cáo buộc sai trái CCP đã kiểm soát sông Mekong.  Tuy nhiên, tình trạng giống như hạn hán hiện đang xảy ra dọc theo sông Mekong trong lúc các hồ chứa trên khắp Tây Tạng đầy tràn và gây ngập lụt trên diện rộng ở Tây và Trung Trung Hoa.

Mặc dù vẫn còn hy vọng cho một mùa lũ trễ trong Mekong trong năm nay, mực nước trong hồ chứa cho đến nay tương tự như năm 2019, khi toàn thể khu vực bị hạn hán nghiêm trọng.  Nền kinh tế của Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc chuyển nước của sông Mekong như thế.

Tương tự, việc đổi màu thường xuyên của nước trong sông Brahmaputra tạo ra lo ngại ở Ấn Độ về việc xây cất không được thông báo ở thượng lưu, có thể làm tổn thưởng cả Ấn Độ lẫn Bangladesh.  Với “khủng hoảng lương thực” đang lù lù hiện ra, Xi Jinping và CCP của ông hầu như tăng tốc các nỗ lực để rút dự trữ nước ngọt của Tây Tạng để sử dụng.  Nỗ lực quốc tế cấp bách, có phối hợp và bền bĩ rất cần thiết để đánh bại chiến lược nầy của CCP.

Hơn nữa, các nỗ lực chánh trị-xã hội hiện đang diễn ra của CCP ở Tây Tạng cũng cần được cứu xét.  Kể từ Quân đội CCP sát nhập trái phép Tây Tạng trong năm 1950, người dân Tây Tạng bị buộc thay đổi lối sống của họ.  Họ bị buộc phải từ bỏ làng mạc, cuộc sống cổ truyền và tự do tín ngưỡng, để sống sót dưới chế độ CCP.  Tái định cư đại qui mô các cán bộ của CCP đến Tây Tạng làm cho nhân khẩu học trong khu vực thay đổi.

Trong những năm gần đây, cũng có việc quân sự hóa nhanh chóng toàn khu vực Tây Tạng, tăng cường vị thế chánh trị của CCP và tính dễ tổn thương của người bản xứ.  Đây là một trò đùa vì Tây Tạng là thành trì của Phật giáo, một trong các tôn giáo hòa bình nhất đang tồn tại.

Với Lãnh tụ Tinh thần, Dalai Lama thứ 14th Tenzin Gyatso đã 85 tuổi và Panchem Lama Gedhun Choekyi Nyima hiện thời bị CPP bắt giữ từ năm 1995, cộng đồng Phật giáo Tây Tạng quả thật có thể đối mặt với sự trống vắng lãnh đạo trong thời gian đến.  CCP “chấp nhận” Panchem Lama được nhận thấy ở Trung Hoa nhưng nhận được ủng hộ giới hạn của cộng đồng Phật giáo Tây Tạng.  Vấn đề nầy tồi tệ thêm vì CCP khăng khăng rằng Dalai Lama kế tiếp phải được đảng “chấp thuận”.  Nói đơn giản, Xi Jinping sẽ quyết định ai sẽ là “thánh sống” của phật tử Tây Tạng!

Hơn thế, lời kêu gọi gần đây để củng cố “Chủ nghĩa Xã hội và tầm quan trọng của Trung Hoa” ở Tây Tạng ám chỉ rằng các trại cải tạo ở Xinjiang, nơi hàng triệu người Uighurs đã bị “tuyên truyền” hầu như sẽ được sao y ở Tây Tạng.  Điều nầy sẽ có hệ quả mạnh mẽ đối với toàn thể cộng đồng Phật giáo Tây Tạng, đang đối mặt với một tương lai bấp bênh và dễ tổn thương.

Do đó, cộng đồng toàn cầu phải cấp bách công nhận mối đe dọa của các kế hoạch bất chính của CCP ở Tây Tạng.  Một lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu để chống lại CCP rất cần thiết cho sự sống còn của cộng đồng cũng như sự tăng trưởng tiếp tục và an ninh của các nền kinh tế đang phát triển trên khắp Á Châu.

Đáp ứng toàn cầu sẽ đòi hỏi 3 hành động của CCP để biểu lộ ý định và sự tin cậy – phi quân sự hóa có ý nghĩa Tây Tạng để bảo vệ cộng đồng địa phương, thỏa thuận quản lý và chia sẻ nước tồng quát với tất cả các quốc gia duyên hà ở hạ lưu và giám sát quốc tế độc lập các hoạt động xây cất hạ tầng cơ sở ở Tây Tạng để tránh thảm họa kinh tế và môi trường ở Á Châu.

Xi Jinping và lãnh đạo của CCP đang ở trước ngả ba đường, nơi khẩu hiệu sai trái “sự trỗi dậy hòa bình của Trung Hoa” cuối cùng bị vứt bỏ.  Với bất mãn trên toàn cầu gia tăng đối với CCP, một đáp ứng toàn cầu có phối hợp để cứu Tây Tạng sẽ cho thấy rằng sự nhã nhặn của các quốc gia có thể thi hành “các quy tắc dựa trên trật tự toàn cầu”.  Về lâu dài, hành động như thế cũng sẽ bảo đảm rằng “Thế kỷ của Á Châu” sẽ đem lại tiềm năng bao la của nó, mang thêm thịnh vượng trên khắp thế giới.

Thursday, November 26, 2020

Chiếu Cà Mau – Nam Sơn Trần Văn Chi

Năm nào trúng mùa, mẹ tôi đặt một đôi chiếu Bông và đôi chiếu Cỗ theo kích thước và màu sắc riêng do bà chọn. Bà nói: Để “ăn Tết” với người ta! Hồi đó sống dưới quê, nhà chỉ dám xài chiếu trắng. Sáng nào ngủ dậy, mẹ cũng dặn phải cuốn chiếu lại đem cất trong buồng (phòng ngủ). Thỉnh thoảng thấy mẹ đem chiếu ra sông giặt rồi đem phơi nắng. Còn chiếu Bông bà để dành, chỉ trải khi nhà có khách hoặc có lễ lộc.

Chiếu có mặt trong mọi gia đình người Việt Nam mình từ lâu lắm rồi.

Chiếc chiếu tuy là vật vô tri, vật dùng để trải, đã trở thành vật có tâm hồn, đi vào trong tâm thức của người Việt Nam mình từ lâu lắm rồi.

Chiếc chiếu tuy là vật vô tri, vật dùng để trải, đã trở thành vật có tâm hồn, đi vào trong tâm thức của người Việt Nam chúng ta qua tục ngữ ca dao:

Buồn ngủ gặp chiếu manh.

Chiếu bông mà trải góc đền,

Muốn vô làm bé, biết có bền hay không?

Giường lèo mà trải chiếu mây,

Làm trai hai vợ như dây buộc mình.

Và vân vân……

Thuở mới sanh ra chúng ta đã được mẹ đặt nằm trên chiếc chiếu manh và từ đó chiếc chiếu trở thành vật gần gũi gắn bó với từng cặp vợ chồng cho đến ngày răng long đầu bạc.

Chiếu Cà Mau có mặt hồi thuở nào? – Chính xác thì không ai biết!

“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,

Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.

Chiếu này tôi chẳng bán đâu,

Tìm em không gặp…,

Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm…”

(Viễn Châu, Ghe Chiếu Cà Mau)

Chỉ biết rằng, từ khi có mặt, chiếu được người đời đặt cho nó nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo vật liệu làm ra chiếu, tùy theo kích thước, tùy màu sắc, và tùy theo chiếu dùng vào việc gì, vân vân.

Như:

Tên chiếu Lát là chiếu đan bằng sợi lác có nhiều ở Cà Mau và Lục Tỉnh. Gọi là chiếu Trắng là chiếu đan bằng sợi lát có màu “trắng xanh” tự nhiên, không nhuộm màu.

Chiếu Bông là chiếu đan bằng những sợi lát tốt, sợi màu trắng đan xen kẽ với những sợi nhuộm màu xanh đỏ…, tạo nên những hoa văn, một bông hoa, hình ảnh… với đường nét sắc sảo, xài lâu cả 3, 4 năm và đặc biệt không phai màu. Có loại chiếu Bông rẻ tiền, là chiếu đan bằng lát thường, có in lên hình ảnh, bông hoa (thay vì đan xen những sợi lác nhuộm màu sẵn), nên đường nét lem nhem, mau bay màu, giá rẻ và sài không bền. Các bậc ông bà cha mẹ ngày xưa thường sắm sửa cho cặp vợ chồng mới cưới một cặp chiếu Bông có hình đôi chim Loan Phượng hay có hai chữ Song Hỷ, như ước mong cho hai trẻ sống tâm đầu ý hợp (Loan Phượng) hoặc vui vẻ bên nhau (Song Hỷ) trọn đời!

Chiếu Mây là chiếu đan bằng dây mây chẻ nhỏ – mịn như sợi lát. 

Còn chiếu Gon là chiếu dệt bằng một loại lá Gon (thường dùng đan chiếu, đan buồm, đan bao…) ở ngoài Bắc.

“Ả ở đâu bán chiếu gon

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn

Xuân xanh nay được chừng bao nả

Đã có chồng chưa được mấy con”.

“Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon

Can chi ông hỏi hết hay còn

Xuân xanh nay được trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con”.

(Giai thoại Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi)

Chiếu Manh (buồn ngủ gặp chiếu manh), là chiếu cũ và đã rách, thuở xưa người nhà nghèo thường dùng trải ăn cơm, trải trên đất, trải võng cho em bé, hoặc trải giường cho người bịnh người sanh đẻ, vân vân. Nay chiếu manh là chiếu dệt khổ nhỏ, cỡ: 60cmx80cm.

Chiếu Cỗ là chiếu nhỏ mà dài, khổ chừng 0, m50x1m80, chỉ dùng để trải bàn thờ, hoặc dùng dọn cỗ cúng trong các lễ nghi gia đình và chùa đình miếu. Chiếu cỗ cũng dùng trải trên chiếu Bông để dọn cỗ đãi khách trong những bữa tiệc sang trọng. Ngày xưa, nhà có tiền, trong các có lễ lộc chủ nhà đem những chiếc chiếu Bông đẹp nhứt, với những chiếc chiếu cỗ tốt nhất trải ra, mời những người lớn tuổi, người có chức sắc trong làng ngồi lên để ăn uống, nói chuyện với nhau trông oai quyền.

Chiếu Cà Mau: Từ đời thường đến chiếu tân hôn

Cà Mau nguyên là lãnh thổ của người Phù Nam, sau đó thuộc Thủy Chân Lạp, vương quốc Cao Miên. Cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu được Chúa Nguyễn cho đến ở vùng Hà Tiên tập họp đám quân phản Thanh phục Minh cùng lưu dân lập nên 7 xã trong đó có Cà Mau. Tên Cà Mau do tiếng Miên là “Tuk-Khmâu” nghĩa là vùng nước đen.

Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lát mọc tự nhiên và hoang dã. Nên thuở xưa có câu ca dao: Cà Mau là xứ quê mùa/Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu.

Thế rồi từ những cọng lát, ai đó dệt nên những chiếc chiếu dùng để xài trong gia đình hoặc gởi cho con cháu như là món quà Cà Mau. Theo thời gian, chiếu theo ghe thương hồ lên tận Sài Gòn, chiếu cũng đi khắp vùng Lục tỉnh rồi rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước. Và chiếu dự phần trong đời sống thường của từng gia đình người mình một cách lặng lẽ như bao vật dạng khác trong nhà.

Cho tới khi bài ca vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu được nghệ sĩ Út Trà Ôn thâu vào đĩa hát máy, thì “Chiếu Cà Mau” đã thật đi vào tâm tư tình cảm và đánh động hàng triệu con tim người mình.

Soạn giả Viễn Châu đã nâng chiếc chiếu đời thường thành “đôi chiếu bông bề dài 2 thước”, tức là chiếu Tân Hôn, “thiêng liêng”!

Lời ca Út Trà Ôn đã đưa mối tình của anh bán chiếu “với cô gái mỹ miều trên vàm sông Ngã Bảy” từ đất Cần Thơ, lên Sài Gòn, vào tận Đồng Tháp, Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Đồng Nai… ra tận miền Trung xa xôi nơi mà nhiều người chưa hề biết Cà Mau!

Và Chiếu Cà Mau từ đó đã trở thành huyền thoại.

“Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước,

Có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng.

Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng.

Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy,

Tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai…”

Chiếc chiếu Bông Tân Hôn với đôi Loan Phượng từ lâu như là nhân chứng cho bao mối tình trai gái, khác nào ông Tơ bà Nguyệt xe duyên nồng thắm cho đôi trẻ cho đến ngày răng long tóc bạc. Nếu có gặp vợ chồng nào đó mà ăn ở với nhau “chưa rách chiếc chiếu” mà thôi nhau, thì lỗi tại bà mai trải chiếu đêm tân hôn, chớ nào tại chiếu Tân Hôn!

“Ghe Chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy

Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào.

Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào.

Tôi đã vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm Rẩy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi.

Nhà của cô sau trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều đông, bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm…”

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP