Wednesday, September 29, 2021

LÀO ĐẨY MẠNH CÁC DỰ ÁN ĐẬP LỚN, MẶC DÙ VIỆC MUA ĐIỆN BẤP BÊNH

 (Laos Pushes Ahead With Large Dam Projects, Despite Uncertainty of Power Purchases)

Roseanne Gerin – Bình Yên Đông lược dịch

RFA’s Lao Service – September 8, 2021


Vị trí của đập Luang Prabang cho thấy việc ủi đất và 

bắt đầu các hoạt động xây cất, tháng 5 năm 2021.

 

Chánh phủ Lào đẩy mạnh các đập thủy điện mặc dù Thái Lan chưa muốn mua điện do chúng sản xuất, các viên chức Lào và những người am hiểu tình hình cho biết.

Lào có 78 đập đang hoạt động và đã ký các biên bản ghi nhớ cho 246 dự án thủy điện khác trong việc truy lùng để trở thành “bình điện của Á Châu”, xuất cảng điện sang các quốc gia láng giềng, phần lớn là Thái Lan.

Nhưng Thái Lan chưa có quyết định liệu sẽ mua thêm điện do các dự án đập mới sản xuất từ Lào và có thể không ký thỏa thuận để mua điện từ 4 đập quan trọng được dự trù trên sông Mekong ở Luang Prabang, Sanakham, Pak Lay và Pak Beng, Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT) nói với RFA trong một email đề ngày 26 tháng 8.

“Quyết định mua hay không mua điện từ Lào tùy thuộc vào sự cần thiết của Thái Lan, sản xuất [kỹ nghệ] ở Thái Lan và giá cả,” EGAT nói.

Ủy hội Chánh sách Năng lượng Quốc gia thuộc Bộ Năng lượng xác nhận rằng họ chưa ký bất cứ thỏa thuận mua điện nào (PPAs (power purchase agreements)) từ 4 dự án đập, Chalermsri Prasertsri, một luật sư của Trung tâm Tài nguyên Cộng đồng và đại diện của Hệ thống Người dân từ Tám tỉnh Mekong, gồm có người dân sống ven sông Mekong.

“Chúng tôi chống lại kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch mua điện từ các đập Pak Beng, Pak Lay, Luang Prabang và Sanakham ở Lào,” bà nói với RFA hôm 27 tháng 8.

Trước đây, hệ thống đã trích dẫn các ảnh hưởng môi trường xuyên biên giới của nhũng dự án đó, gồm có dao động mực nước sông Mekong, gây xáo trộn việc di chuyển theo mùa của cá, và thiếu phù sa.

Ngoài ra, EGAT nói họ sẽ thêm một điều kiện trong các PPAs trong tương lai là các nhà phát triển đập phải chịu trách nhiệm cho bất cứ ảnh hưởng môi trường và xã hội nào mà đập gây ra ở Thái Lan, bà nói.

Witoon Permpongsacharoen, giám đốc của Hệ thống Sinh thái và Năng lượng Mekong, nói rằng các PPAs mới không cần thiết vì dự trữ năng lượng của Thái Lan quá lớn nên họ phải tái xét tất cả các hợp đồng.

Nhưng một viên chức của Bộ năng lượng và Hầm mỏ Lào, yêu cầu được dấu tên vì ông không có quyền nói chuyện với truyền thông, nói với RFA rằng chánh phủ Lào chưa nhận được thông báo chánh thức từ Bộ Năng lượng Thái Lan cho biết họ sẽ không ký các PPAs từ 4 đập của Lào.

“Hiện nay, Thái Lan vẫn là thị trường số một và là một khách hàng tốt,” ông nói.

“Nếu Thái Lan không mua điện từ 4 đập đó, chúng tôi sẽ bán cho Trung Hoa, Việt Nam và Cambodia,” viên chức nói.

Hồi đầu tháng 8, chánh phủ Lào đề nghị bán 1.200 MW điện cho Thái Lan ngoài 9.000 MW hiện hữu, ông nói.

“Hiện nay, 2 phía đang ở trong tiến trình thương thảo,” ông nói.

Lào có tiềm năng để sản xuất đến 28.000 MW điện vào năm 2030.

Đập Luang Prabang

Một số quan sát viên đang thắc mắc về sự khôn ngoan của Lào để tiếp tục chương trình xây đập vì các ảnh hưởng môi trường và xã hội của các dự án trong quá khứ cũng như tần suất của thảm họa lũ lụt, một số gây chết người.

Hồi đầu năm nay, Xaysomphone Phomvihanh, chủ tịch của Mặt trận Xây cất Quốc gia Lào, nói dự án đập Luang Prabang, được dự trù hoàn tất vào năm 2027, là một trong các dự án phát triển quan trọng nhất của chánh phủ, Lao Economic Daily tường trình hồi tháng 3.

Nhưng ông thúc giục nhà phát triển đập Ch. Karchang PCL nên chú ý đến ảnh hưởng của dự án đối với môi trường và người dân địa phương.  Công ty xây cất Thái cũng xây đập Xayaburi, dự án thủy điện đầu tiên trên dòng chánh Mekong đã bị chỉ trích vì ảnh hưởng môi trường và xã hội của nó.

Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã kêu gọi tạm ngưng dự án đập Luang Prabang cho đến khi đánh giá ảnh hưởng di sản (heritage impact assessment (HIA)) hoàn tất, Monthira Unakul, một chuyên viên văn hóa và nghệ thuật của UNESCO ở Thái Lan, nói với RFA hôm Thứ Ba.

Cố đô Luang Prabang được bảo tồn rất tốt ở trong tỉnh có cùng tên ở thượng Lào, được biết qua các chùa Phật và tu viện, nằm trong một thung lũng ở hợp lưu của sông Mekong và Nam Khan.

Thành phố của thế kỷ thứ 7th, là một trung tâm du lịch quan trọng mang lại 900 triệu USD mỗi năm trước khi đóng cửa vì đại dịch trong năm 2020, được UNESCO công nhận là Khu Di sản Thế giới trong năm 1995.

“Ủy ban Di sản Thế giới đã có quyết định trong tháng 7 năm nay rằng việc xây cất đập Luang Prabang nên được ngưng lại cho đến khi HIA hoàn tất,” Monthira Unakul nói.

Ủy ban muốn có một nghiên cứu về ảnh hưởng của đập đối với Khu Di sản Thế giới được hoàn tất và đệ trình trước ngày 1 tháng 2 năm 2022, bà nói.

Monthira Unakul nói bà biết việc xây cất đập chưa bắt đầu, mặc dù đường dẫn vào vị trí và hạ tầng cơ sở khác đã được xây.

Raweewan Bhuridej, thư ký của Ủy ban Bảo vệ Khu Di sản Thế giới Quốc gia Thái, nói với RFA hôm Thứ Ba rằng Lào đã nhận được 70.000 USD từ Quỹ Di sản Thế giới và chánh phủ Trung Hoa để thực hiện HIA.

Lào “phải cứu xét tất cả các ảnh hưởng và yếu tố rủi ro dựa trên thiết kế của đập,” bà nói.  “Rồi, phúc trình nghiên cứu được gởi đến Trung tâm Di sản Thế giới để cứu xét thêm.”

Chánh phủ Lào đang thu thâp dữ kiện về ảnh hưởng tiềm tàng của đập Luang Prabang đối với Khu Di sản Thế giới, một viên chức ở Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch cho biết, không cho biết tên để được nói tự do.

“Vâng, chúng tôi đang thảo luận tiến trình với Trung tâm Di sản Thế giới, và chúng tôi đang đệ trình với chánh phủ,” ông nói.  “Các bộ liên hệ đang soạn HIA, có thể được hoàn tất vào tuần nầy.”

Cư dân trong thành phố Luang Prabang nói họ lo ngại về dự án, cách thành phố 55.000 dân chỉ có 12 dậm (20 km).

“Chúng tôi lo ngại rằng khi đập xả nước, nó có thể làm ngập nhà cửa của chúng tôi hay một phần của thành phố,” một người địa phương nói.

Môt cư dân khác nói, “từ cái chúng tôi thấy, nước sẽ làm ngập vườn rau cải dọc theo bờ sông Mekong.”

Than phiền vì bồi thường thấp

Đập Sanakham, dự trù hoàn tất vào năm 2028, sẽ là đập thứ 7th trên dòng chánh Mekong ở Lào sau đập Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay, Luang Prabang và Phougnoi.

Các dự án thủy điện khác đang được xây cất để cung cấp điện cho láng giềng Việt Nam.

Công ty Điện Chareun Sekong, hợp tác với Công ty Sông Đà 5 của Việt Nam, đang xây đập Nam Emoon và đường dây cao thế từ đập trong tỉnh Sekong đến biên giới Việt-Lào, một nhân viên của Chareun nói với RFA hôm 2 tháng 9.

Việc xây cất đập trị giá 235 triệu USD bắt đầu vào đầu năm 2019 và dự trù hoàn tất trong năm nay.  Đập có công suất 131 MW điện sẽ bán cho Việt Nam, nhân viên nói.

Một công ty Việt Nam khác, Sông Đà 6, đang xây đập Sekong A trong huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu ở hạ Lào và sẽ hoàn tất trong năm 2023.

Có đến 160 gia đình sẽ mất tổng cộng 20 hectares đất canh tác trong 5 làng của huyện Sanamxay, mặc dù 80% bồi thường đã được trả, một viên chức của Sở Năng lượng và Hầm mỏ tỉnh Sekong cho biết.  Huyện là nơi xảy ra vụ vỡ đập Xe Pian Xe Namnoi trong tháng 7 năm 2018.

Một chủ đất mất khoảng 1 hectare ruộng lúa vì dự án nói với RFA rằng nhà phát triển trả tiền bồi thường cho gia đình ông là 3 triệu kip (300 USD) mỗi hectare, khoảng 1/5 giá thị trường.

“Với số tiền đó, chúng tôi không thể mua đất ở bất cứ nơi nào trong vùng,” ông nói.

Một dân làng sống gần sông Sekong trong huyện Sanamxay nói rằng các nhà phát triển chưa quyết định liệu phải dời cư các gia đình ở đó, mặc dù dự án sẽ làm ngập khoảng 3.342 hectares đất.

Những gia đình nầy phải chờ cho đến khi đập hoàn tất trước khi nhà phát triển có thể xác định liệu nhà cửa và đất đai của họ có bị ngập hay không, một viên chức của huyện Sanamxay cho biết.  Nếu bị ngập, họ sẽ được đưa đến một nơi khác.

Hiện nay, các nhà thầu đang ủi đất trên đất cao hơn cho họ vì đất canh tác bị phủ đầy bụi và họ không thể trồng bất cứ thứ gì.

Công ty Sông Đà 6 đang đầu tư 49 triệu USD để xây đập Sekong A có công suất 86 MW.  Việc xây cất bắt đầu hồi đầu năm nay và dự trù hoàn tất trong năm 2023.  Điện của dự án sẽ được bán cho Điện lực Lào, một công ty điện quốc doanh của Lào.

.

CKP TIẾN HÀNH NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN ĐƯỢC DỰ TRÙ Ở LÀO

 

(CKP moves forward with planned Laos hydro plant)

Yuthana Praiwan – Bình Yên Đông lược dịch

Bangkok Post – 16 September 2021

 

Nhà máy thủy điện Xayaburi có công suất 1.285 MW ở Lào.

 

CK Power PLC (CKP), một chi nhánh sản xuất điện của CH Karchang PLC, tiến hành với nghiên cứu khả thi để xây một nhà máy thủy điện trên sông Mekong gần Luang Prabang ở thượng Lào, tiếp theo sau việc trì hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch hồi năm ngoái.

Muntana Auekhitkarjorn, phó giám đốc phụ trách quy hoạch của CKP, nói dự án Luang Prabang, nhà máy thủy điện thứ 3rd của CKP ở Lào, có trị giá khoảng 150-160 tỉ baht.  Bà nói nghiên cứu sẽ được thực hiện cùng với việc thương lượng về giá tiền điện với công ty quốc doanh Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)), là khách hàng mua điện.

Dự án Luang Prabang được dự trù trên dòng chánh Mekong ở làng Houygno, cách Luang Prabang khoảng 25 km, theo trang mạng của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).

Nó là một đập dòng chảy (run-of-the-river) với công suất 1.460 MW.  Nhà phát triển dự trù bán điện cho Thái Lan và Việt Nam.

Việc xây cất nhà máy thủy điện mới sẽ bắt đầu trong năm 2020 và hoàn tất vào năm 2027, trang mạng cho biết.

CKP trước đây đã phát triển nhà máy thủy điện Nam Ngum 2 với công suất 615 MW.  Nhà máy bắt đầu hoạt động trong tháng 1 năm 2013.

Công ty cũng xây nhà máy thủy điện Xayaburi có công suất 1.285 MW hoạt động từ tháng 10 năm 2019.

CKP vừa loan báo kinh phí lên đến 2-4 tỉ baht cho 2 năm sắp tới.

Một phần ngân sách sẽ hỗ trợ nghiên cứu khả thi đang diễn ra và các dự án của công ty để mở rộng doanh nghiệp sản xuất điện của mình.

Bà Muntana nói việc mở rộng gồm có các dự án phát triển mới và mua tài sản.

Thitipat Nananukool, phó giám đốc phụ trách tài chánh và kế toán, nói CKP muốn gia tăng khả năng sản suất điện từ 2,16 GW hiện nay lên đến 5 GW vào năm 2025.

Điện được sản xuất từ 16 nhà máy điện, gồm có 12 trang trại điện mặt trời và 2 nhà máy điện khí đốt ở Thái Lan và 2 nhà máy thủy điện ở Lào.

.

Wednesday, September 22, 2021

HẠN HÁN VÀ HẠN HÁN TRONG LƯU VỰC SÔNG MEKONG

Nguyễn Minh Quang

9 tháng 9 năm 2021


Phần giới thiệu

Hạn hán là một trong những thiên tai tàn khốc nhất – gây tê liệt việc sản xuất lương thực, làm kiệt quệ các đồng cỏ, gây xáo trộn thị trường, và ở cao điểm, có thể làm chết người và thú vật tràn lan.  Hạn hán cũng có thể đưa đến việc di cư từ vùng nông thôn vào đô thị, tạo thêm áp lực cho việc sản xuất lương thực đã suy giảm.  Những người chăn nuôi thường tìm các nguồn nước và thực phẩm thay thế cho thú của họ, có thể tạo nên xung đột giữa các cộng đồng canh tác và chăn nuôi [1].

Các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương vì hạn hán.  Trên 80% thiệt hại kinh tế do hạn hán trong các quốc gia đang phát triển từ năm 2005 đến 2015 liên quan đến súc vật, mùa màng và thủy sản lên đến 29 tỉ USD.  Hạn hán trong các quốc gia đang phát triển tạo nên mất an ninh nước và lương thực và làm tồi tệ thêm những vấn đề có trước chẳng hạn như nạn đói và bất ổn xã hội.  Hạn hán cũng có thể góp phần vào việc di cư tập thể làm toàn thể dân số thay đổi chỗ ở. [2]

Ở Hoa Kỳ, hạn hán là dạng thiên tai gây thiệt hại nhiều nhất chỉ đứng sau bão, với thiệt hại trung bình 9,6 tỉ USD cho mỗi trận hạn hán.  Trong trận hạn hán lịch sử năm 2012 (trận hạn hán rộng lớn nhất của quốc gia kể từ thập niên 1930s), gần 2/3 lãnh thổ bị ảnh hưởng vào lúc cao điểm.  Hạn hán ở Hoa Kỳ có thể kéo dài.  Từ năm 2012 đến 2016, mưa ít và nhiệt độ phá kỷ lục ở California khiến nó trở thành trận hạn hán tồi tệ nhất của tiểu bang trong 1.200 năm [2].

Chỉ riêng trận hán hạn và nhiệt độ cực đoan trong năm 2012 đã làm cho mùa màng bị thiệt hại 17 tỉ USD.  Hạn hán cũng có thể đưa đến các vấn đề riêng của khu vực.  Thí dụ như ở California, một số lớn cá bản địa dựa vào Vịnh San Francisco-Cửa sông Châu thổ - từ cá cơm châu thổ đến cá hồi Chinook – đã tụt giảm rõ ràng vì lưu lượng giảm trong trận hạn hán lịch sử gần đây [2].

Bài viết nầy tìm hiểu về hạn hán nói chung và hạn hán trong lưu vực sông Mekong và trận hạn hán lịch sử trong năm 2019.

Hạn hán là gì?

Theo Hệ thống Tin tức Hạn hán Kết hợp Quốc gia (National Integrated Drought Information System) của Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA)), hạn hán là vì thiếu mưa trong một thời gian dài, gây ra tình trạng thiếu nước [3].  Mặc dù hạn hán xảy ra một cách tự nhiên, hoạt động của con người, chẳng hạn như việc sử dụng và quản lý nước, có thể làm cho hạn hán thêm tồi tệ.

Hạn hán thay đổi từ vùng nầy sang vùng khác và phần lớn tùy thuộc vào thời tiết.  Thí dụ, hạn hán có thể xảy ra chỉ sau 6 ngày không có mưa trên hòn đảo nhiệt đới Bali, nhưng ở sa mạc Lybia thì cần lượng mưa hàng năm dưới 7 inches (178 mm) [2].

Các loại hạn hán

Hạn hán có định nghĩa khác nhau tùy theo quan niệm của mỗi người.  Các chuyên viên khí tượng định nghĩa hạn hán là không có mưa trong một thời gian dài.  Nông dân mô tả hạn hán là thiếu độ ẩm ngăn cản sự tăng trưởng của hoa màu.  Các chuyên viên thủy học định nghĩa hạn hán là ít mưa và dòng chảy thấp trong một thời gian dài.  Các định nghĩa nầy đưa đến các loại hạn hán chánh như sau [4]:

1.      Hạn hán khí tượng

Loại hạn hán nầy xảy ra khi thời tiết khô hạn vượt quá các tình trạng khí hậu khác.  Nó thường được xác định bởi sự vắng mặt của độ ẩm trong khí quyển, thí dụ, thiếu mưa cùng với các điều kiện thời tiết khác như nhiệt độ cao và gió khô.  Hạn hán khí tượng là dấu hiệu báo động của tình trạng thiếu nước tiềm tàng nếu tình trạng vẫn không thay đổi trong một thời gian dài.  Loại hạn hán này có thể ngắn hạn, có nghĩa là nó có thể bắt đầu và chấm dứt trong một thời gian ngắn.

Hạn hán khí tượng có thể xác định bằng số ngày có lượng mưa dưới mức được ấn định.  Hạn hán cũng có thể được xác định bằng sự chênh lệch với mức trung bình hàng tháng, theo mùa, hay hàng năm [5].

2.      Hạn hán nông nghiệp

Loại hạn hán nầy xảy ra khi độ ẩm của khí quyển giảm đến mức ảnh hưởng đến độ ẩm của đất.  Việc sụt giảm đô ẩm của đất gây thiệt hại cho hoa màu và thú vật.  Hạn hán nông nghiệp là dấu hiệu đầu tiên mà con người chứng kiến khi hạn hán khí tượng xảy ra.  Hạn hán nông nghiệp phát xuất từ thiếu mưa và các hoạt động canh tác của con người.

3.      Hạn hán thủy học

Loại hạn hán nầy xảy ra khi thiếu nguồn cung cấp nước, thường ở trong các sông và hồ thiên nhiên, hồ chứa nước, suối, và tầng nước ngầm.  Hạn hán thủy học xảy ra sau hạn hạn khí tượng nhiều tháng.  Hạn hán thủy học không xảy ra cùng lúc.  Sự sụt giảm phẩm và lượng của nước mặt là ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán khí tượng.

Hạn hán thủy học phát xuất từ thiếu mưa, sử dụng quá mức nguồn nước cho nông nghiệp, năng lượng và các nhu cầu khác.  Việc điều hành các đập hay chuyển nước ra khỏi sông ở thượng lưu cũng có thể gây hạn hán thủy học ở hạ lưu.

4.      Hạn hán kinh tế xã hội

Loại hạn hán nầy liên quan đến cung cầu.  Việc cung cấp các dịch vụ và hàng hóa như nước uống, lương thực và năng lượng bị ảnh hưởng hay đe dọa bởi những thay đổi khí tượng và thủy học.  Tình trạng nầy thỉnh thoảng cùng với dân số gia tăng và bùng nổ của nhu cầu hàng hóa và dịch vụ có thể đưa đến việc tranh giành số nước ít ỏi hiện có.  Loại hạn hán nầy cần nhiều thời gian để trở nên nghiêm trọng và cần một thời gian tương tự để hồi phục.  Hạn hán kinh tế xã hội là hậu quả của hạn hán khí tượng, thủy học và nông nghiệp.

5.      Hạn hán sinh thái

Hạn hán sinh thái, một loại hạn hán mới được đề cập đến gần đây, do sự thiếu hụt nguồn nước tự nhiên kéo dài trong nhiều vùng rộng lớn – gồm có những thay đổi trong tình trạng thủy học – tạo nên nhiều áp lực trên khắp hệ sinh thái [5].  Hạn hán sinh thái là hậu quả của hạn hán khí tượng và thủy học.

Nguyên nhân của hạn hán

Có nhiều nguyên nhân đưa đến hạn hán [4].  Các nguyên nhân đó gồm có:

1.      Không có mưa hay mưa ít

Đây là nguyên nhân chánh của hạn hán trong hầu hết mọi nơi.  Không có mưa trong một thời gian kéo dài có thể làm cho cả vùng khô hạn.  Lượng hơi nước trong khí quyển ảnh hưởng đến lượng mưa trong vùng.  Vùng có áp suất thấp và ẩm thường có nhiều mưa, mưa đá và tuyết.  Vùng có áp suất cao và khô thường không có mưa.  Nông dân đoán có mưa khi trồng hoa màu, và vì thế nếu không có mưa, và các hệ thống thủy nông chưa sẵn sàng, do đó hạn hán nông nghiệp xảy ra.

2.      Thay đổi khí hậu

Thay đổi khí hậu, chẳng hạn như hâm nóng toàn cầu, có thể góp phần vào hạn hán.  Hâm nóng toàn cầu hầu như ảnh hưởng toàn thế giới, nhất là thế giới thứ ba.  Hầu hết các chánh phủ cố gắng để hạ thấp tầm quan trọng của sự hâm nóng toàn cầu.  Nhưng các nhà khoa học đã chứng minh, không còn nghi ngờ, rằng hoạt động của con người đã đóng góp phần lớn vào lượng khí nhà kiếng gia tăng trong khí quyển.  Sự gia tăng nầy làm nhiệt độ ấm lên, một yếu tố cho sự khô hạn và cháy rừng.  Tình trạng nầy có thể làm cho hạn hán kéo dài.

3.      Hoạt động của con người

Rừng là thành phần cốt yếu của chu kỳ nước.  Chúng giữ nước, giảm thiểu độ bốc hơi, và góp phần lớn vào độ ẩm của khí quyển qua dạng bốc thoát.  Điều nầy ngụ ý rằng phá rừng, nhằm mục đích nâng cao tình trạng kinh tế của một vùng, sẽ khiến cho một số lớn nước dễ bốc hơi.  Đốn cây cũng lấy đi khả năng giữ nước của đất và giúp sa mạc hóa dễ dàng.  Phá rừng cũng làm giảm tiềm năng của lưu vực.  Thâm canh là một hoạt động khác của con người góp phần gây hạn hán.  Thâm canh vỡ đất gây sạt lỡ.  Sạt lỡ làm giảm khả năng giữ nước của đất.

4.      Lạm dụng nguồn nước mặt

Nhiều vùng đặc biệt được trời ban cho các nguồn nước mặt như sông và suối bắt nguồn trong lưu vực và vùng núi non.  Các nguồn nước mặt nầy có thể cạn nếu chúng bị can thiệp.  Các hệ thống thủy nông và đập thủy điện chỉ là một vài khía cạnh góp phần vào việc lạm dụng nguồn nước mặt.  Chúng cũng cắt nguồn cung cấp nước của các cộng đồng ở hạ lưu.

5.      Chuyển nước sang lưu vực khác

Khi nước trong sông ở thượng lưu được chuyển một phần hay toàn phần sang lưu vực khác, hạn hán thủy học có thể sẽ xảy ra ở hạ lưu.  Việc chuyển nước nầy có thể do dự án cấp thủy, thủy nông hay thủy điện được thực hiện ở thượng lưu sông.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP