Tuesday, October 30, 2018

Cà Mau: Mỗi năm mất từ 400-500ha rừng phòng hộ, do đâu?



Thứ Bảy, ngày 27/10/2018

Hằng năm tỉnh Cà Mau mất khoảng 400 – 500ha rừng phòng hộ do sạt lở. Cá biệt, trong vòng khoảng 1 năm, điểm sạt lở tại cửa biển Hố Gùi (huyện Năm Căn) bị sóng biển đánh mất đến 200m đất, ăn sâu vào đất liền.
Ngày 12.10, đoàn công tác do ông Cao Đức Phát - Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Tỉnh ủy Cà Mau về việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh này.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Tình hình BĐKH, nước biển dâng ảnh hưởng tới địa phương ngày càng nhanh, mạnh hơn và tác động trên diện rộng hơn. Nghiêm trọng nhất là tỉnh trạng sạt lở bờ biển, bờ sông.

Đoàn công tác của cũng đã đi khảo sát thực tế đoạn sạt lở ven biển nghiêm trọng từ cống Hương Mai đến cống Tiểu Dừa thuộc huyện U Minh. Ảnh: CTV.

Cũng theo ông Hải, diễn thế rừng ngập mặn Cà Mau không còn đúng theo đúng quy luật nữa; cây rừng không thể tái sinh, lấn biển mà diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Hằng năm tỉnh Cà Mau mất khoảng 400 – 500ha rừng phòng hộ do sạt lở. Cá biệt, trong vòng khoảng 1 năm, điểm sạt lở tại cửa biển Hố Gùi (huyện Năm Căn) bị sóng biển đánh mất đến 200m đất, ăn sâu vào đất liền.
Thực tế, BĐKH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đông đảo đời sống người dân địa phương. Để chủ động ứng phó với tỉnh hình này, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch lại dân cư, quy hoạch lại sản xuất nhưng gặp khó về nguồn lực.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hỗ trợ từ T.Ư cho BĐKH còn nhỏ giọt, không đáp ứng được yêu cầu. Trong việc ứng phó sạt lở bờ biển, cần làm đồng bộ nhưng hiện nay chỉ tiến hành làm từng đoạn, mà làm đoạn này thì sạt điểm kia. Chính phủ đã có lộ trình cấm khai thác nước ngầm, nhưng thực tế tại Cà Mau chỉ có nước ngầm để dùng, nếu cấm thì gây ra nhiều khó khăn. Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau cần đẩy nhanh thực hiện để cung cấp nước ngọt cho địa phương.
Mỗi năm tỉnh Cà Mau mất từ 400-500ha rừng phòng hộ do sạt lở. Ảnh: TH.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị, cần có cơ chế cần thông thoáng hơn. Trong đó, có những việc cần mạnh dạn giao việc cho địa phương thực hiện, như việc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ông Cao Đức Phát đánh giá cao công tác thực hiện thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh Cà Mau.
Ông Phát cho biết: Qua khảo sát thấy rõ tác động BĐKH ảnh hưởng rất lớn tới Cà Mau. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực Cà Mau đã đã thực hiện nhiều giải pháp chủ động ứng phó. Địa phương đã dùng nhiều nguồn lực để đảm bảo việc chống xói lở bờ biển, đe dọa khu dân cư, đảm bảo người dân yên tâm sản xuất. Công tác tăng cường quản lý tài nguyên, công tác bảo vệ môi trường địa phương này cũng đã thực hiện tốt.
“Thời gian tới những vấn đề về môi trường như vấn đề ô nhiễm nguồn nước, không khí cần được quan tâm hơn. Không chỉ Trung ương mà địa phương cần hành động quyết liệt hơn nữa để không biến đông rơi vào tình thế khó trước diễn biến BĐKH. Để ứng phó BĐKH, đầu tiên vẫn phải là người dân. Phải làm cho mỗi người dân hiểu rõ và thực hiện việc ứng phó ngay tại nhà mình, trên phần đất gia đình mình” - ông Phát lưu ý.
Về những kiến nghị của địa phương, ông Phát cho biết, sẽ báo cáo Bộ Chính trị chỉ đạo các Bộ ngành T.Ư tháo gỡ cho địa phương.

Ngọc Quyên 
Source: