Sunday, May 31, 2020

KHAI THÁC CÁT GÂY NGUY HIỂM CHO NÔNG DÂN ĐÔNG NAM Á



(How sand mining puts Southeast Asia’s farmers at risk)

Skylar Lindsay – Bình Yên Đông lược dịch
Asean Today – May 19, 2020

Nguồn: Sumaira Addulali

Nông dân Đông Nam Á (ĐNA) đối mặt với áp lực gia tăng để nuôi sống khu vực trong đại dịch, nhưng trên cả hạn hán và thay đổi khí hậu, họ đang đối mặt với ảnh hưởng của việc khai thác cát.

“Đất nầy của tôi, nó sạt lở dần từ bờ sông và một lúc sau, toàn bộ khối đất hoàn toàn sụp đổ,” Than Zaw Oo, một nông dân ở ven sông Salween trong vùng đông nam Khu Hành chánh Mon, Myanmar, nói với Reuters mới đây.  Ông nói ông mất ¾ đất vì sạt lở, và nay đang thiếu vài ngàn USD nợ dùng cho việc gia cố bờ, trong cố gắng để duy trì nông trại của ông.

Trong khi Covid-19 gây chấn động kinh tế và việc đóng cửa tạm thời khiến nhiều người không có thu nhập, đại dịch nêu câu hỏi về an ninh của nguồn lương thực.  Nông nghiệp ở ĐNA cho đến nay vẫn ổn định, mặc dù nông dân trong vùng đã chật vật với những thách thức đáng kể từ hạn hán và thay đổi khí hậu trước khi có đại dịch.

Nhưng nay,nông dân cũng đang nhận thấy ảnh hưởng từ việc khai thác cát, một kỹ nghệ đang vươn ra được thúc đẩy bởi nhu cầu cát cho bê tông và kiếng cho các thành phố và dự án hạ tầng cơ sở.

Dọc theo các sông và duyên hải trên khắp ĐNA, những người khai thác cát dùng máy xúc để lấy cát, đổ đống trên các xà lan để mang sang các thành phố khổng lồ như Bangkok hay Jakarta hay xa hơn.  Quốc gia nhập cảng cát lớn nhất thế giới là Singapore, dùng cát cho các dự án cải tạo đất.  Những nguồn lớn nhất cho việc khai thác cát ở trong vùng là Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

Theo một phúc trình của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Environmental Programme (UNEP)), nhu cầu cát toàn cầu gia tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua đến 50 tỉ tấn mỗi năm, nhiều hơn bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào khác.  Phúc trình cũng cho thấy việc khai cát cát gây ô nhiễm, ngập lụt, hạ thấp mực nước ngầm và hạn hán. [Lời người dịch:  Khai thác cát có thể gây ô nhiễm; nhưng nó chưa được chứng minh là gây ngập lụt, hạ thấp mực nước ngầm, và gây hạn hán.]

Ảnh hưởng của việc khai cát cát làm cho hệ thống lương thực của ĐNA giảm sức chịu đựng và khiến cho nông dân trong vùng dễ bị tổn thương hơn là ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và những chấn động như đại dịch Covid-19.

Khi cát được xúc từ lòng sông, nó thay đổi tình trạng thủy học của sông và gây thiệt hại cho hệ sinh thái.  Nó hủy hoại nơi cư trú của cá và lấy đi chất dinh dưỡng cho thú và nông nghiệp.  Khai cát cát từ lòng sông cũng gây sạt lở, dọc theo sông nơi khai thác cát hay dọc theo bờ biển, nơi phù sa từ sông bồi đất.  Ở các châu thổ, việc khai thác cát cũng có thể làm cho xâm nhập của nước mặn trở thành mối đe dọa. [Lời người dịch: Điều nầy cũng chưa được chứng minh.]

Nông dân ĐNA đang mất đất vì sạt lở

Sạt lở do khai thác cát đang gập nhấm đất đai của nông dân như Than Zaw Oo và nó có thể gây nguy hiểm cho nguồn lương thực của Myanmar.  Cư dân dọc theo sông Salween và Irrawaddy, nơi Myanmar trồng hầu hết lương thực, nói với các phóng viên và nhà nghiên cứu rằng sạt lở đã gia tăng nhanh chóng từ khi có việc khai thác cát.

Marc Goichot, một chuyên viên về nước ở Á Châu Thái Bình Dương của WWF, nói với Frontier Myanmar rằng các nhà nghiên cứu của ông nhận thấy Châu thổ Irrawaddy đã bị mất dần vì phù sa bị lấy đi từ hệ thống sông.  Năm 2008, châu thổ bị tàn phá bởi bão Nargis, làm cho 138.000 người chết.  Ông Goichot nói, nếu châu thổ, một vùng sản xuất lương thực quan trọng, bị một cơn bão tương tự trong lúc nầy, ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều.  Khi thay đổi khí hậu khiến cho giông bão mạnh hơn và thường xuyên hơn trên khắp vùng, nguy cơ đối với các châu thổ cạn kiệt như Irrawaddy gia tăng.

Sự bùng phát khai thác cát hiện nay ở Myanmar bắt đầu một phần vì Philippines, Malaysia, Cambodia và Việt nam đã hạn chế hay cấm xuất cảng cát sang Singapore, nâng cao nhu cầu ở Myanmar.

Khai thác cát làm cho nước mặn tràn ngập nông nghiệp ở châu thổ

Ảnh hưởng của việc khai thác cát cũng khiến cho các châu thổ hệ trọng của khu vực dễ bị tổn thương vì xâm nhập của nước mặn từ biển, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL).  Đây là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất của ĐNA và thiết yếu cho hệ thống lương thực trong khu vực và toàn cầu.

Nhưng việc khai thác cát làm lòng sông sâu thêm, nó cho phép nước biển thâm nhập càng ngày càng sâu hơn vào hệ thống sông trong mùa khô.  Lòng sông sâu hơn và lưu lượng thấp hơn cũng có nghĩa là nước biển ở trong ĐBSCL lâu hơn, và hủy hoại mùa màng.  Giữa thu hoạch ít hơn và thu nhập thấp hơn của nông dân, sự xâm nhập của nước mặn là một đe dọa lớn đối với nông nghiệp của ĐBSCL: năm nay, nó gây thiệt hại cho mùa màng sâu đến 110 km vào đất liền. [Lời người dịch: Đây có vẻ là mức xâm nhập của nước mặn trong sông Vàm Cỏ Tây.  Việc gây thiệt hại cho mùa màng không được chứng minh.]

Nguồn: Chmee2

Vấn đề thêm nghiêm trọng vì hạn hán và mực nước thấp kỷ lục trong sông Mekong và hồ Tonle Sap ở Cambodia, cung cấp 1/3 nhu cầu nước của ĐBSCL.  Không có lưu lượng thêm vào đó, nước biển có thể xâm nhập sâu thêm 30-40% vào đất liền trong mùa khô năm nay.

ĐBSCL cũng dễ tổn thương đối với những thay đổi thủy học nhiều hơn dự đoán trước đây, như một nghiên cứu của Đại học Utrecht ở Netherlands cho thấy là ĐBSCL, trên trung bình, chỉ cao hơn mực nước biển 0,8 m, thấp hơn 2 m so với các đo đạc trước đây. [Lời người dịch: kết quả nghiên cứu của Đại học Utrecht không phù hợp với thực tế.]

Theo WWF và Ủy hội Sông Mekong, cát được khai thác từ Mekong lên đến trên 55 triệu tấn mỗi năm – gần gấp đôi số lượng được sông mang đến.  Nhưng số lượng phù sa tự nhiên cũng giảm nhanh với việc xây cất các đập thủy điện: một nghiên cứu của UNEP và Viện Môi trường Stockholm năm 2017 cho thấy rằng, nếu các chánh phủ Mekong tiếp tục với 11 đập dự trù trên dòng chánh Mekong, nó có thể ngăn chận 94% phù sa đến ĐBSCL.

Lòng sông ở nhiều nơi trong hạ lưu Mekong sâu thêm từ 20 đến 30 cm mỗi năm.  Giữa khai thác cát và ảnh hưởng của đập, ĐBSCL có thể mất hầu hết phù sa để ngăn chận sự sục sạo của nước biển.

Nhu cầu cao thúc đẩy khai thác trái phép, ngay trong Covid-19

Indonesia, Cambodia, Malaysia và Việt Nam tất cả đã cấm hay kiểm soát việc khai thác cát, một số để bán cho Singapore.  Nhưng hầu hết đều trái phép: từ năm 2007 đến 2016, chỉ có 3,5% cát xuất cảng từ Cambodia sang Singapore được chánh phủ Cambodia ghi nhận.

Ở Việt Nam, mức độ khai thác cát trái phép gia tăng đáng kể trong lúc quốc gia nầy đóng cửa vì Covid-19, theo cư dân địa phương.  Cư dân ở huyện Ba Vì, Hà Nội báo cáo một sự gia tăng lớn các xà lan khai thác cát ở trong vùng của sông Hồng.  Người địa phương trong tỉnh Bình Phước ở phía nam cũng báo cáo một sự gia tăng tương tự, với xe vận tải đến và rời cộng đồng mỗi ngày.

Giới chức Việt Nam cố gắng theo dõi việc khai thác trái phép và bắt giữ một số người vi phạm, nhưng vấn đề vẫn như trước.  Kế hoạch sắp tới của chánh phủ là nâng mức phạt đối với việc khai thác trái phép và có thể sửa luật để xếp việc vi phạm thành tội ăn trộm.

Nhưng mặt khác, trong một nền kinh tế bấp bênh, khai thác cát cho thu nhập rất nhanh.  Một mẻ cát có thể mang lại từ 700 đến 1.000 USD, so với lợi tức trung bình hàng tháng của người Việt Nam là 269 USD.  Giá cát cũng đang gia tăng nhanh chóng - ở Việt Nam, giá cát tăng gấp 4 lần trong năm 2017.  Với ảnh hưởng kinh tế của đại dịch, các chánh phủ sẽ phải hỗ trợ các người khai thác cát để tìm sinh kế khác.

Từ sạt lở đến nước mặn xâm nhập, vét lòng sông tạo thêm nguy hiểm khiến nông dân trong vùng dễ bị tổn thương hơn – vào lúc nhiều người đang lo lắng về sự ổn định của nguồn lương thực.  Khai thác cát đặt nông nghiệp ĐNA vào nơi nguy hiểm, và nếu không có luật lệ cẩn thận, thi hành luật pháp và những bước để giảm nhu cầu, nông dân ở nhiều nơi sẽ rất chật vật để nuôi sống cả vùng.


.

TRUNG HOA KHÓA VÒI NƯỚC MEKONG? DỮ KIỆN RẤT QUAN TRỌNG CHO VIỆC HỢP TÁC


(Did China close Mekong tap? Data matters for cooperation)

Tarek Ketelsen, Timo Räsänen and John Sawdon – Bình Yên Đông lược dịch
The Thirdpole – May 29, 2020

Những người đàn bà đi qua vũng đánh cá trên sông Mekong gần Chiang Saen
[Ảnh: Zuma/Alamy]

Tranh cãi về hạn hán Mekong cho thấy mức nguy hiểm của việc thiếu minh bạch và bí mật về các dòng sông chung.

Các phúc trình gần đây đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy hạn hán Mekong trong năm 2019-20 do Trung Hoa gây ra – các nhà nghiên cứu của Hợp tác Australia-Mekong về Hệ thống Tài nguyên Môi trường và Năng lượng (Australia Mekong Partnership for Environmental Resources and Energy Systems (AMPERES) không đồng ý.  Phân tích gây tranh cãi sẽ phân hóa thêm các bên liên hệ, hay khủng hoảng có thể chuyển sự hợp tác khu vực sang không gian phong phú hơn?

Mekong là một trong những sông lớn trên thế giới.  Tâm điểm của hệ thống nầy là nhịp lũ – một chu kỳ nước theo mùa khi dòng chảy của Mekong phình ra với mưa mùa, mang nước, chất dinh dưỡng và phù sa từ thượng nguồn đến các đồng lụt và châu thổ.  Hầu hết các năm, nhịp lũ duy trì năng suất và đa dạng sinh học của lưu vực ở mức độ cao, nhưng trong các năm cực đoan, hạn hán hay lũ lụt có thể tàn phá các cộng đồng trong lưu vực.

Mưa ít trong năm 2019 và tình trạng hạn hán vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay khiến cho mực nước sông xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.  Tình hình nghiêm trọng đến mức Việt nam phải công bố tình trạng khẩn cấp trong Đồng bằng sông Cửu Long, và Thái Lan phải huy động quân đội để hỗ trợ các nỗ lực cứu hạn.

Một đánh giá, được công bố trong tháng 4 bởi công ty theo dõi nguồn nước Eyes on Earth, về mực nước đo đạc tại Chiang Saen ở bắc Thái Lan nhằm mục đích tìm hiểu những gì đang xảy ra trong lưu vực Lancang (tên gọi sông Mekong ở Trung Hoa).  Một bình luận của cơ quan nghiên cứu Trung tâm Stimson ngay sau đó cho rằng nghiên cứu của Eyes on Earth là bằng chứng thuyết phục chứng minh chánh sách quản lý nước của Trung Hoa gây ra hạn hán.

Không ảnh sông Mekong ở Ubon Ratchathani, Thái Lan 
trong trận hạn hán nặng nề năm 2019. [Ảnh: Zhang Keren/Xinhua/Alamy]

Những quyết đoán táo bạo nầy nói lên những nghi ngờ từ lâu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa đối với dòng chảy ở hạ lưu Mekong, được châm ngòi bởi sự thiếu minh bạch chung quanh các hoạt động của Trung Hoa ở thượng lưu.  Vấn đề là cái nghiên cứu mới thì không thuyết phục, và những kết luận đi ra ngoài bằng chứng.

Dù thế, các kết quả và bình luận sau đó được phổ biến rộng rãi và tạo sự chú ý đáng kể trong giới truyền thông.  Phần tường trình châm ngòi cho một làn sóng tranh luận công khai cần thiết về các nguyên nhân của tình trạng thiếu nước tồi tệ trong năm nay ở lưu vực.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chung quanh việc phân tích kỹ thuật và mức độ hỗ trợ các cáo buộc về chánh sách quản lý nước của Trung Hoa.  Nó nêu lên các câu hỏi rộng hơn liên quan đến việc sử dụng và lạm dụng dữ kiện trong lưu vực sông và các hệ quả cho việc hợp tác khu vực.

Duyệt xét nghiên cứu của Eyes on Earth

Nghiên cứu của Eyes on Earth dùng dữ kiện vệ tinh để tìm hiểu về dòng chảy của sông Lancang.  Phân tích dùng ảnh vi sóng (microwage imager) để khai triển “chỉ số số ướt (wetness index)”, dùng để ước tính số lượng nước trong lưu vực sông.  Sau đó, phân tích thống kê được dùng để thiết lập sự liên hệ giữa “độ ướt” của lưu vực và mực nước hàng tháng tại trạm Chiang Saen.

Nhiều quan ngại về nghiên cứu đã được nêu lên, gồm có quan ngại của Văn phòng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission Secretariat (MRCS)), của các học giả, cũng như của AMPERES chúng tôi.

Thứ nhất, một mô hình hồi quy (regression model) đơn giản có thể không thích hợp để mô phỏng các tiến trình thủy học phức tạp (thí dụ như động lực học của nước ngầm) của sông Lancang.

Thứ hai, sử dụng dữ kiện mực nước không thôi không đủ để biết rằng nước chảy trong sông hay được trữ trong các hồ chứa rồi được xả ra.

Thứ ba, nghiên cứu giả thiết mực nước và lưu lượng có thể thay cho nhau, nhưng chúng không thể. [Lời người dịch:  Mực nước và lưu lượng có liên hệ với nhau qua đường biểu diễn mực nước-lưu lượng (rating curve).]

Thứ tư, dữ kiện mực nước hàng tháng quá thô để phản ánh các hoạt động thủy điện xảy ra trong một thời gian ngắn hơn.

Thứ năm, dòng nước trong sông Mekong thay đổi rất lớn, và thời gian dùng trong nghiên cứu quá ngắn để cho phép xác định đáng tin cậy về sự liên hệ giữa mực nước trong sông và độ ướt trong lưu vực ở thượng lưu.

Cuối cùng, nghiên cứu không tham khảo một tài liệu được duyệt xét nhóm (peer-reviewed) về hệ thống Mekong trong 15-20 năm qua, hay bất cứ bằng chứng cho thấy nghiên cứu đã được duyệt xét nhóm – hai bộ phận bảo vệ sinh tử trong tiến trình khoa học.

Nghiên cứu của Eyes on Earth không đưa ra bằng chứng tuyệt đối về trách nhiệm của Trung Hoa, nhưng nó tiêu biểu cho một sự minh họa mới lạ (novel illustration) về tiềm năng của kỹ thuật ảnh vệ tinh để vượt qua các biên giới quốc gia và khám phá một cách độc lập tình trạng thủy học của lưu vực.  Cần phải nghiên cứu thêm để khai triển và biến thành hiện thực tiềm năng nầy.

Duyệt xét bình luận của Trung tâm Stimson

Mặc dù có những quan tâm nầy, các khám phá kỹ thuật chánh của nghiên cứu Eyes on Earth phù hợp với kiến thức khoa học hiện thời.  Thí dụ, nghiên cứu đồng ý rằng dòng chảy ở Chiang Saen bắt đầu tách rời tình trạng tự nhiên trong năm 2012 khi đập Nouzhadu (Nọa Trát Độ) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), Trung Hoa bắt đầu trữ nước.  Alan Basist, tác giả chánh của nghiên cứu, cũng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn trên mạng (live stream) rằng lưu lượng thấp ở hạ lưu Mekong phần lớn là do hạn hán trong phần hạ lưu vực bên ngoài Trung Hoa, nhưng trầm trọng thêm vì sự kiểm soát của các đập trên Lancang.

Đánh cá truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long. 
[Ảnh: Uwe R. Zimmer]

Với sự phù hợp rộng rãi giữa các khám phá của nghiên cứu của Eyes on Earth và kiến thức khoa học hiện thời, tại sao nghiên cứu lại gây ra nhiều tranh cãi đến thế?

Câu trả lời nằm ở chỗ nghiên cứu được sử dụng ra sao để làm bằng chứng cho một cốt chuyện đơn giản hóa để cáo buộc Trung Hoa gây hạn hán.  Với nghiên cứu của Eyes on Earth trong tay, Trung tâm Stimson cáo buộc rằng hạn hán ở hạ lưu Mekong là kết quả trực tiếp của chánh sách quản lý nước của Trung Hoa; rằng Trung Hoa đang tích trữ nước.

Trung tâm Stimson cũng cáo buộc rằng lập trường của Trung Hoa về nước Mekong là “không có một giọt nước nào của Trung Hoa được chia sẻ nếu Trung Hoa chưa dùng trước hay các nước ở hạ lưu phải trả giá,” và rằng tuyên bố của Trung Hoa để đoàn kết với các láng giềng ở hạ lưu là sai.

Cơ quan nghiên cứu kết luận rằng mặc dù lưu vực Lancang nhận một lượng nước mưa và tuyết tan trên trung bình, gần như tất cả nước bị chận ở phía sau các đập của Trung Hoa.  Điều nầy mâu thuẫn với một nghiên cứu trước đây.  Thật vậy, tính toán của chúng tôi cho thấy rằng tất cả 11 đập trong chuỗi chỉ có thể chứa khoảng 35-37% lưu lượng trong mùa mưa của năm trung bình, và ít hơn trong năm có nhiều nước hơn trung bình.

Các kết luận chánh trị được Trung tâm Stimson rút ra và phổ biến rộng rãi không được nghiên cứu của Eyes on Earth chứng minh.  Những cáo buộc nầy đại diện cho việc chánh trị hóa dữ kiện.  Một hành động có nguy cơ đục khoét sự toàn vẹn của các nỗ lực mà cộng đồng nghiên cứu đã xây dựng qua nhiều thập niên, một nền tảng với bằng chứng đáng tin cậy về hoạt động của hệ thống Mekong.

Hạn hán giống nhau

Trong khi dữ kiện châm ngòi cho việc tranh cãi 2019-20 thì mới, kiểu mẫu mà hạn hán nghiêm trọng trong lưu vực gây tranh cãi thì không.  Các trận hạn hán trong năm 2010 và 2016, và mối liên hệ của chúng với vai trò của thủy điện, cũng là nguyên nhân của việc tranh cãi chánh trị trong lưu vực.  Kiểu mẫu là một khủng hoảng vì thiếu nước quan trọng tàn phá các cộng đồng địa phương, và phản đối và lo ngại bùng lên khiến cho các quốc gia Mekong ở hạ lưu yêu cầu Trung Hoa minh bạch hơn về các hoạt động của họ ở thượng lưu.

Trung Hoa bị châm chích bởi sự chỉ trích, và trong một cố gắng để ngăn ngừa tình thế, công bố dữ kiện giới hạn về hoạt động thủy điện trong tỉnh Yunnan.  Nhưng dữ kiện không đủ để kết luận, và đối với các chánh phủ và xã hội dân sự ở hạ lưu Mekong, vẫn còn mơ hồ về vai trò của chuỗi đập Lancang đối với sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu.  Khi tình trạng hạn hán dịu bớt, sự thúc đẩy để theo đuổi hợp tác khu vực cũng giảm theo, cho đến lần khủng hoảng tới.

Dữ kiện trở thành tâm điểm của việc thương thảo giữa nhiều diễn viên chia sẻ cùng nguồn nước nhưng có quyền lợi, giá trị và ưu tiên khác nhau.  Nó cũng làm cho dữ kiện dễ bị bóp méo hay giấu kín.  Lạm dụng dữ kiện có thể truy ngược về một nỗ lực để kiểm soát kết quả của quyết định, để che đậy ảnh hưởng của các dự án đầu tư, quy hoạch và chánh sách, và chế ngự tranh luận.

Các cáo buộc trong bài viết của Stimson là một sự diễn dịch quá lố các bằng chứng.  Các kết luận được rút ra ngoài cái mà dữ kiện thật sự cho biết.  Nhưng việc sử dụng dữ kiện như vậy đã trở nên một hiện tượng phổ biến trong việc tranh luận chung quanh Mekong.

Thí dụ, 10 năm trước, giữa lúc các lo ngại rằng các đập ở hạ lưu Mekong có thể làm sụp đổ nền ngư nghiệp Mekong, các nhà phát tiển tư nhân thường dùng nghiên cứu về các đường cá đi ở Bắc Mỹ, được xây cho cá hồi, như bằng chứng rằng “các thang cá” sẽ thành công cho hàng trăm loài di ngư của Mekong.

Dữ kiện cũng thường bị giữ lại để che dấu sự hiểu biết về hệ thống và đục khoét việc thảo luận các vấn đề xuyên biên giới trong hệ thống Mekong.  Sự do dự lâu đời của Trung Hoa trong việc chia sẻ tất cả dữ kiện với các quốc gia ở hạ lưu là một thí dụ điển hình của việc lạm dụng loại nầy.  Nhưng đây cũng là một hành động rất quen thuộc với tất cả mọi người trong lưu vực.  Thí dụ, đầu thập niên 2000s, Việt Nam do dự trong việc chia sẻ tin tức về việc xả nước từ chuỗi đập Sesan gây ảnh hưởng lớn lao cho các cộng đồng Cambodia ở hạ lưu.

Động lực để lạm dụng

Việc sử dụng chọn lọc hay bóp méo dữ kiện như thế tiêu biểu cho các nỗ lực của tất cả mọi người để ảnh hưởng việc tranh luận và đưa kết quả về phía mình.  Tác động của tình trạng thiếu nước tạo nên các cơ hội chiến lược cho các bên liên hệ dùng dữ kiện để leo thang hay xuống thang một vấn đề nhằm thực hiện mục đích chánh trị của họ.

Dàn dựng những thay đổi dòng chảy như một mối đe dọa sinh tử đối với các quốc gia ở hạ lưu để leo thang vấn đề và cho phép diễn dịch như khủng hoảng, trong đó việc sử dụng các biện pháp khẩn cấp là hợp lý.  Hạn hán và an ninh nguồn nước trở thành một đe dọa đối với chủ quyền, quan hệ ngoại giao, ổn định chánh trị quốc gia và trong các cộng đồng bị ảnh hưởng.  Việc xử lý tình trạng thủy học trong đợt hạn hán 2019-20 của Trung tâm Stimson tiêu biểu cho ý định như vậy để leo thang vấn đề.

Ngược lại, các nỗ lực để xoa dịu các quốc gia ở hạ lưu và xuống thang sự thay đổi dòng chảy có mục đích ngăn ngừa việc xem xét vấn đề như mối đe dọa cho an ninh hay ổn định và đưa nó trở lại trong khuôn khổ “chánh trị bình thường”.  Năm 2010, Trung Hoa công bố dữ kiện mực nước trong mùa khô trong các hồ chứa ở thượng lưu trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh MRC có thể xem như một nỗ lực đi trước để ngăn ngừa leo thang vấn đề.

Đối với các cộng đồng và chánh phủ ở hạ lưu Mekong, đây là một chuyện quen thuộc.  Một bên, các diễn viên leo thang vấn đề để cố gắng và thúc đẩy hành động tốt hơn. Bên kia, một số tìm cách làm êm và xuống thang để tiếp tục mọi việc không xáo trộn như cũ.  Dữ kiện không có hay ở lưng chừng.

Đây là trường hợp của các trận hạn hán trước đây, chẳng hạn như năm 2010.  Khi tình trạng hạn hán đi qua, các yêu cầu chánh trị để hành động cũng đi qua, và không có sự cải thiện đáng kể trong việc hợp tác khu vực để đối phó tốt hơn với thình trạng thiếu nước.

Giải pháp thay thế ra sao?

Ngày nay, Mekong và sự lên xuống hàng năm của nhịp lũ đang ở trọng tâm của những trao đổi liên quan đến việc phát triển lưu vực.  Trong quá khứ, nó đánh dấu sự thay đổi mùa, nay nó truyền đạt những ẩn ý xuyên biên giới về quyết định phát triển quốc gia.

Các tiến trình then chốt làm nền tảng cho hoạt động của hệ thống, chẳng hạn như sự lên xuống của Mekong, đảo ngược dòng chảy trong sông Tonlé, và vận chuyển phù sa và chất dinh dưỡng từ thượng nguồn đến các đồng lụt và châu thổ, và đường di chuyển của cá và các loại thủy sản khác tất cả đều bị đe dọa khi sự can thiệp của con người điều tiết, phân khúc và loại trừ sự nối kết.

Thủy điện, đúng vậy, ở hàng đầu của việc tranh luận.  Cùng lúc, các áp lực phát triển khác bao gồm việc nới rộng dẫn thủy và thoát thủy, đô thị hóa, phát triển hạ tầng cơ sở đại qui mô, và phá rừng đang tăng tốc.  Thay đổi khí hậu cũng mang đến những thay đổi bất định và không thể đoán trước đối với thủy học của lưu vực.  Khi tầm mức thay đổi trên hệ thống Mekong gia tăng, ảnh hưởng cũng gia tăng.  Ngày nay, lưu vực Mekong đang đối mặt với những thay đổi chưa từng thấy, từ hạn hán đến lũ lụt và sụt lún đất ở châu thổ, dòng chảy ngược trong Tonlé yếu đi và sự sụp đổ của nền ngư nghiệp nội địa.

Dữ kiện cung cấp một khí cụ giúp hiểu biết phạm vi và tính nghiêm trọng của những thách thức nầy.  Nhưng như việc tranh cãi hiện nay chung quanh  mực nước thấp trong năm 2019-20 cho thấy, làm thế nào để chúng ta tạo ra, sử dụng và diễn dịch dữ kiện rất quan trọng.

Chúng tôi thấy 5 nguyên tắc để kiến tạo và quản lý dữ kiện là cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của nền tảng bằng chứng Mekong: minh bạch, công khai (open access), duyệt xét nhóm, vô tư, và rất quan trọng, tách biệt việc tạo nên dữ kiện với toan tính chánh trị.

Dữ kiện và bằng chứng phải nhắm vào những vấn đề của tính khả chấp rộng lớn hơn liên quan đến những quyết định phát triển lớn và ảnh hưởng cộng dồn của chúng.  Như được kêu gọi nhiều lần bởi xã hội dân sự, phải có sự thảo luận rộng rãi và công khai.

Chúng tôi đề nghị học hỏi từ nỗ lực thành công nhất của con người, có thể tranh luận, để xây dựng một nền tảng bằng chứng về chánh sách đối phó – Nhóm Liên Chánh phủ về Thay đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC)).  IPCC đại diện cho một trong những nỗ lực thành công và sâu rộng nhất để áp dụng phương pháp khoa học để mang môi trường và tính khả chấp vào tiến trình quy hoạch và quyết định chánh sách.

Sự thành công của nó trong việc triệu tập duyệt xét nhóm của nhiều nghiên cứu khoa học độc lập và sự tổng hợp vào một kiến thức tổng hợp và liên kết về thay đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó.  Phương pháp xây dựng đồng thuận nầy không chỉ đóng góp vào những tiến bộ đáng kể trong khoa học và kiến thức về thay đổi khí hậu, nó còn đưa đến sự kết hợp mạnh mẽ giữa khoa học và chánh sách. [Lời người dịch: IPCC mang rất nhiếu tai tiếng trong các quyết định khoa học, nhất là nguyên tắc “đồng thuận”.]

Đối với Mekong, một sự thẩm tra kiểu IPCC sẽ đòi hỏi trách nhiệm và giám sát của tất các các chánh phủ Mekong, một diễn đàn cho việc tham gia có ý nghĩa của xã hội dân sự và một tiến trình độc lập để đánh giá khoa học.  Phải có sự toàn vẹn trong khoa học, trách nhiệm đối với người dân của lưu vực và hợp tác thật sự giữa các chánh phủ để thành công.  Một cơ cấu như vậy sẽ ung cấp một tiến trình từ đó kiến thức về những tác động và sự chọn lựa để quản lý Mekong có hiệu quả có thể được thăm dò.

Tuy nhiên, tiến trình khoa học đến chánh sách kiểu IPCC không cần phải bắt đầu từ số 0.  Trong tháng 4 năm 2020, Thái Lan kêu gọi một nghiên cứu hỗn hợp giữa các quốc gia duyên hà để nghiên cứu vấn đề hạn hán.  Nếu nghiên cứu đó được hướng dẫn bởi các chánh phủ duyên hà, với điểm bắt đầu có ý nghĩa với xã hội dân sự vào việc thiết kế và duyệt xét sự lựa chọn chánh sách, và được hỗ trợ bởi một tiến trình khoa học độc lập và minh bạch, nó có thể hình thành một kiểu mẫu đầu tiên cho sự liên hệ phong phú hơn rất nhiều giữa khoa học, toan tính và chánh sách.

Hạn hán năm 2019-20, giống như các trận hạn hán trước đây, cung cấp một ý thức của tính khẩn cấp và có thể khích động một sự đáp ứng có phối hợp và liên kết.

Câu hỏi là: chúng ta có thể bắt đầu một tiến trình điều tra minh bạch và mạnh mẽ vào các vấn đề sẽ tạo động lượng để tiếp tục vượt qua giới hạn của khủng hoảng hiện nay?  Hay chúng ta sẽ, một lần nữa, rơi vào chu kỳ của leo thang và xuống thang theo khủng hoảng, trong đó sự nghiêm trọng của khủng hoảng nước tiếp tục leo thang trong khi sự hợp tác ngưng trệ?

.

Tuesday, May 26, 2020

Nguyễn Ngọc Trân - Dòng chảy ngược tại Châu Đốc, Tân Châu và Vàm Nao


25/5/2020

Tọa độ ba trạm thủy văn. (Ảnh vệ tinh nền từ Google Map)


Tóm tắt. Vào mùa khô hàng năm có những giai đoạn nước từ sông Tiền, sông Hậu chảy ngược về phía thượng nguồn. Tác giả, qua số liệu lưu lượng giờ đo đạc trong 24 năm, xem xét hiện tượng này tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vàm Nao, xác định tai các trạm đó có dòng chảy ngược vào lúc nào, trong thời gian bao lâu, với lưu lượng bao nhiêu và xu hướng diễn biến trong những năm gần đây. Bài viết còn cho thấy, đi đôi với chức năng chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu, sông Vàm Nao còn truyền triều Biển Đông từ sông Hậu sang sông Tiền. 

Mở đầu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn, tác giả đã xem xét mực nước đo đạc, do Ủy hội sông Mekong công bố tại một số trạm thủy văn trên dòng chính sông Mekong và sông Bassac đến Tân Châu và Châu Đốc ở thời điểm giữa mùa khô năm 2019-2020 ngay sau khi đập thủy điện Xayaboury đi vào hoạt động. Bài viết đã chỉ ra rằng biên độ mực nước cao nhất tháng trong bốn tháng đầu mùa khô những năm gần đây tại các trạm Châu Đốc và Tân Châu cho thấy triều Biển Đông truyền đến các trạm này ngày càng sớm hơn, với biên độ mực nước rộng hơn. Những thay đổi này rõ nét hơn trên sông Bassac [2].

Một bài viết khác sau đó đã phân tích, thông qua lưu lượng giờ thực đo, những diễn biến gần đây của nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long, trong cả năm, trong 6 tháng mùa mưa và trong 6 tháng mùa khô [3]. Một trong những kết quả của phân tích cho thấy chức năng chuyển tải nguồn nước cho vùng hạ của châu thổ theo nhánh Bassac – sông Hậu đang ngày càng suy giảm.

Tiếp tục theo dõi diễn biến của chế độ thủy văn tại các trạm thủy văn đầu nguồn của đồng bằng sông Cửu Long, trong bài viết này, tác giả xem xét dòng chảy tại ba trạm Tân Châu, Châu Đốc và Vàm nao. Trạm Vàm Nao được đưa vào khảo sát vì một vai trò quan trọng của nó: chuyển một lượng nước đáng kể từ sông Tiền sang sông Hậu. Bài viết đặc biệt làm rõ diễn biến của dòng chảy ngược trong mùa khô, làm sáng tỏ thêm các nhận xét đã nêu trên đây, và chức năng truyền triều Biển Đông từ sông Hậu sang sông Tiền.

Số liệu thực đo, vị trí ba trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc và Vàm Nao

Số liệu được bài viết xem xét là lưu lượng giờ thực đo tại ba trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc và Vàm Nao (Hình 1) trong 23 năm 6 tháng, từ 0giờ ngày 01.01.1996 đến 23giờ ngày 30.06.2019 [4].
Ở mỗi trạm có 205.968 số liệu lưu lượng giờ thực đo, ký hiệu Qijk. Chỉ số i chỉ giờ chạy từ 0 đến 23. Chỉ số j chỉ ngày, chạy từ 1 đến 365/366. Có thể chia 365/366 ngày thành 12 tập con là 12 tháng, ký hiệu từ I đến XII. Chỉ số k chỉ năm từ 1996 đến 2019. 
 Lưu lượng giờ được đo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc thủy văn, QCVN 47: 2012/BTNMT [5].

Chế độ đo, thực hiện chung cho ba trạm Tân Châu, Châu Đốc, Vàm Nao, được chia hai thời kỳ mùa cạn và mùa lũ.
Mùa cạn, từ ngày 15/11 năm trước đến 31/7 năm sau (8 tháng rưỡi). Mùa lũ, từ ngày 01/8 đến 15/11 hàng năm (3 tháng rưỡi).
Thời gian chuyển chế độ đo giữa hai mùa còn tùy theo diễn biến lũ hàng năm. Trạm Châu Đốc chuyển sang chế độ đo lũ trễ hơn Tân Châu trung bình khoảng 10 ngày, và sang chế độ đo cạn sớm hơn trạm Tân Châu cũng trung bình khoảng 10 ngày. Hai trạm Tân Châu và Vàm Nao chuyển chế độ đo cùng ngày.
Theo quy ước của ngành KTTV, nếu Q > 0 tại một thời điểm tại một trạm thì tại thời điểm đó dòng sông chảy xuôi qua trạm từ thượng lưu xuống hạ lưu. Điều này cũng có nghĩa là nếu Q < 0, tại một thời điểm tại một trạm thì tại thời điểm đó, qua trạm đó, dưới tác động của thủy triều, dòng sông chảy trong chiều ngược lại.

Bảng 1 minh họa một mảng số liệu lưu lượng giờ thực đo trong đó có các trị số âm (nền màu tím do tác giả tô)

Bảng 1

Tìm dòng chảy ngược từ tập dữ liệu Qijk

Khảo sát dòng chảy ngược tại một trạm là tìm xem tai trạm đó có hay không dòng chảy ngược, vào lúc nào, trong thời gian bao lâu, với lưu lượng giờ là bao nhiêu. Bài toán được đưa về tìm tại trạm đó trong số 205.968 trị số lưu lượng giờ Qijk tất cả các trị số âm. Thuật toán để giải rất cơ bản trong Tin học.

(1) Bảng dòng chảy ngược mạnh nhất theo giờ trong tháng
Bảng 3 là kết quả tìm dòng chảy ngược mạnh nhất theo giờ trong 12 tháng của năm 2017 tại trạm Vàm Nao.
Các dòng của Bảng 3 là 12 tháng. Các cột là 24 giờ trong ngày. Trị số ở mỗi ô (j, i) là Min của lưu lượng giờ tháng j, vào giờ i. 

Bảng 3

Các ô có trị số âm (màu nền tím) là lưu lượng của dòng chảy ngược mạnh nhất vào giờ i và tháng j.
Trong Hình 2, bên trái là đường lưu lượng ở giờ thứ 8, tháng 1 năm 2017, tại trạm Vàm Nao. Min của lưu lượng giờ thứ 8 trong tháng 1/2017 là -459 m3/s, 


Hình 2. Đường lưu lượng giờ thứ 8 trong tháng I/2017 tại trạm Vàm Nao (trái);
Quá trình lưu lượng giờ ngày 31/1/2017 tại trạm Vàm Nao (phải)

(2) Bảng dòng chảy ngược mạnh nhất trong tháng của năm
Bảng 3a cung cấp thông tin vể dòng chảy ngược tại trạm Châu Đốc. Các dòng là 24 năm từ 1996 đến 2019. Các cột là 12 tháng, từ tháng I đến tháng XII.
Trị số tại một ô (k, j) là lưu lượng giờ nhỏ nhất tại trạm trong tháng j, năm k. Nếu trị số là âm (ô có nền màu cam), trị số ghi trong ô là lưu lượng giờ dòng chảy ngược lớn nhất trong tháng j, năm k. Ví dụ trị số trong ô (IV, 2017) là -1740 m3/s.
Bảng 3b và 3c, có cấu trúc tương tự với 3a, trình bày về dòng chảy ngược tại hai trạm Tân Châu và Vàm Nao. 

Bảng 3a

Bảng 3b

Bảng 3c

(3) Tháng bắt đầu có dòng chảy ngược và tháng kết thúc DCN tại ba trạm
+ Tại Châu Đốc, dòng chảy ngược bắt đầu vào tháng XII năm 2004, 2010, 2012 và từ 2014-2018. Năm 2015, năm hạn hán gay gắt, dòng chảy ngược bắt đầu từ tháng XI. Có dòng chảy ngược trong tháng I trong tất cả các năm trừ 1996, 1997, 2000 – 2003. Từ tháng II đến tháng VI trong tất cả cac năm đều có dòng chảy ngược trừ tháng 6 hai năm 1999, 2000. Trong 13/23 năm trong tháng VII có dòng chảy ngược. Từ tháng VIII đến tháng X không có dòng chảy ngược tại Châu Đốc.

+ Tại Tân Châu, dòng chảy ngược bắt đầu vào tháng XII năm 2015. 8/24 năm, dòng chảy ngược bắt đầu trong tháng I. 19/24 năm dòng chảy ngược bắt đầu trong tháng II, liên tục từ năm 2003 đến 2018. Trong các tháng III, IV, V tất cả 24 năm đều có dòng chảy ngược. Trong tháng VI còn dòng chảy ngược trong 10/24 năm. Duy nhất trong tháng VII năm 2010 là còn dòng chảy ngược. Các tháng còn lại, không còn dòng chảy ngược.

+ Tại Vàm Nao, dòng chảy ngược bắt đầu vào tháng XII ba năm 2014, 2015, 2018. Có dòng chảy ngược trong tháng I trong 14/24 năm; trong tháng II trong 23 năm trừ năm 1997. Trong 24 năm có dòng chảy ngược trong các tháng III, IV, V. Trong 19/24 có dòng chảy ngược trong tháng VI (trừ các năm 1998 – 2000 và 2017). Trong 3/24 năm có dòng chảy ngược trong tháng VII. Từ tháng VIII không còn dòng chảy ngược tại Vàm Nao.

Một số đặc trưng của dòng chảy ngược tại ba trạm

(1) Dòng chảy ngược diễn ra sớm nhất và kết thúc muộn nhất tại trạm Châu Đốc. 


Bảng 4

Bảng 4 cho thấy từ tháng II, tại Châu Đốc, 24/24 năm (100%) đã có dòng chảy ngược. 24/24 năm tháng III, IV, V tại ba trạm đều có dòng chảy ngược.
(2) Dòng chảy ngược có lưu lượng giờ lớn nhất tháng vào tháng III tại cả ba trạm với ngoại lệ tại trạm Tân Châu, năm 2016, tháng V (-4780 m3/s).
(3) Lưu lượng giờ lớn nhất tháng của dòng chảy ngược từ tháng I đến tháng VI có xu hướng ngày càng tăng.

Xu hướng biến động tuyến tính của lưu lượng giờ lớn nhất tháng của dòng chảy ngược từ tháng I đến tháng VI trong 24 năm (1996-2019) tại ba trạm Châu Đốc, Tân Châu và Vàm Nao được trình bày trong Bảng 5. 

Bảng 5. Xu hướng biến động tuyến tính của Qgiờ lớn nhất của dòng chảy ngược tại Châu Đốc, Tân Châu, Vàm Nao, từ tháng I đến tháng VI trong 24 năm (1996-2019)

Xu hướng biến động tuyến tính của lưu lượng giờ lớn nhất tháng, từ tháng I đến tháng VI tại trạm Châu Đốc, có hệ số R2 khá cao, từ 0.711 đến 0.863.
Tại trạm Tân Châu trong 3 tháng II, III, IV hệ số R2 là 0.5148, 0.5085 và 0.51.
Tại trạm Vàm Nao, trong 4 tháng II, III, IV, V, hệ số R2 là 0.4992, 0.5622, 0.4926 và 0.5434.
Đồ thị của lưu lượng giờ lớn nhất tháng, tháng II, III, IV, V và đường xu hướng tuyến tính tai Châu Đốc, Tân Châu và Vàm Nao được thể hiện trong các Hình 3a và 3b.  

Hình 3a. Qgiờ lớn nhất tháng của DCN tháng II, III tại Châu Đốc, Vàm Nao, Tân Châu



Hình 3b. Qgiờ lớn nhất tháng của DCN tháng IV, V tại Châu Đốc, Vàm Nao, Tân Châu

Thảo luận

(1) Tuy có hai quy cách đo khác nhau ở mùa cạn và mùa lũ, nhưng trong thời gian diễn ra dòng chảy ngược tại ba trạm, số liệu lưu lượng giờ được đo với quy cách mùa cạn. Mặt khác, thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc quy cách đo mùa lũ tại Châu Đốc tuy có khác với tại hai trạm Tân Châu và Vàm Nao, sự chênh lệch này càng khẳng định dòng chảy ngược diễn ra sớm nhất và kết thúc muộn nhất tại trạm Châu Đốc.

(2) Liên thông giữa sông Tiền và sông Hậu, đi đôi với chức năng chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu, sông Vàm Nao còn có chức năng gắn liền theo đó, là truyền triều Biển Đông từ sông Hậu sang sông Tiền vào mùa khô.
Kết quả khảo sát tại trạm Vàm Nao thể hiện khá rõ sự liên thông này. Vàm Nao là trạm thủy văn duy nhất ở ĐBSCL mà dòng chảy ngược chịu ảnh hưởng vừa của sông Hậu, vừa của sông Tiền. Ngược lại, thông qua sông Vàm Nao, vào mùa khô, chế độ triều sông Hậu cũng ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Tiền.
Đi đôi với chức năng chuyển nước từ sông Tiền sang sông Hậu (được nói đến nhiều), sông Vàm Nao còn có chức năng gắn liền theo đó, là truyền triều Biển Đông từ sông Hậu sang sông Tiền vào mùa khô (hầu như không được nói đến).

(3) Xác nhận yếu tố triều tại các trạm Châu Đốc và Tân Châu những năm gần đây
Bài viết đã trích dẫn ở phụ chú 2, thông qua khảo sát mực nước thực đo đã đi đến nhận xét triều Biển Đông truyền đến các trạm Châu Đốc và Tân Châu ngày càng sớm hơn, với biên độ mực nước rộng hơn. Những thay đổi này rõ nét hơn trên sông Bassac. Nguyên nhân của dòng chảy ngược là truyền triều. Như vậy thông qua khảo sát lưu lượng thực đo các kết quả (1), (2), (3) trên đây xác nhận nhận xét này.

(4) Truyền triều đến sớm hơn, dòng chảy ngược với lưu lượng ngày càng tăng có nghĩa là trong tương quan giữa Sông và Biển, yếu tố sông đang yếu đi và/hoặc yếu tố biển đang mạnh lên.
Trong cả hai tình huống, có nguyên nhân khách quan như hạn hán, lượng mưa trên lưu vực sông, biến đổi khí hậu toàn cẩu, nước biển dâng, đồng thời có nguyên nhân do hoạt động của con người trong lưu vực, từ thượng nguồn và tại châu thổ gây ra. Vấn đề quan trọng này cần được làm rõ, không chỉ về học thuật bởi lẽ nó rất thiết thân đối với việc sử dụng có hiệu quả đầu tư công trong xây dựng hạ tầng cơ sở, và khái quát hơn, đối với sự phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long đúng với tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ./

CHÚ THÍCH:

[1] Giáo sư đại học, Đại biểu Quốc hội (1992-2007).
[2] Nguyễn Ngọc Trân, Sông Mekong, đập Xayaboury và ĐBSCL ở nửa đầu mùa khô 2019-2020, 19.03.2020:  https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/Song-Mekong-dap-Xayaboury-va-DBSCL-o-nua-dau-mua-kho-20192020-23073.
[3] Nguyễn Ngọc Trân, Nguồn nước về ĐBSCL, những diễn biến gần đây, 28.04.2020:
https://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nguon-nuoc-ve-dbscl-nhung-dien-bien-gan-day-3401121/
[4] Tác giả chân thành cảm ơn Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang và Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ đã tạo điều kiện để tác giả tham khảo và kiểm tra số liệu.
[5] QCVN 47: 2012/BTNMT được ban hành theo Thông tư số 26/2012/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2012.


.