Monday, December 26, 2016

Tây Nguyên: Hướng đến quy hoạch, sử dụng bền vững nguồn nước



Thứ Hai, 25/07/2016

(GLO)- Hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên” đã tập họp hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trong cả nước đến Gia Lai cùng thảo luận nguyên nhân suy giảm nguồn nước vùng Tây Nguyên; bài toán cân đối trong khai thác sử dụng nước; biến động thảm rừng và nguồn thủy sinh trên địa bàn; giải pháp khắc phục tác động thủy điện đến đa dạng sinh học, môi trường, tài nguyên nước...
Dịp này, P.V Báo Gia Lai đã trao đổi và ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học này.


Tiến sĩ Đào Trọng Tứ-Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Cewarec): 
“Xây dựng thủy điện trong vườn quốc gia là phạm pháp”

Nền tảng cho sự phát triển Tây Nguyên chính là những con sông. Tây Nguyên được ưu ái 4 con sông lớn (sông Sêrêpốk, Sê San, Đồng Nai và sông Ba) với lượng nước dồi dào trên 50 tỷ m3/năm. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, chúng ta đã bằng mọi cách khai thác bằng được những tiềm năng thủy điện trên các dòng sông này. Câu chuyện thủy điện luôn có 2 mặt, là bài toán đánh đổi lợi ích kinh tế với mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế không hề nhỏ.

Bài học về việc dừng xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là ví dụ điển hình. Thủy điện này không xây dựng được bởi một trong những lý do chính là đã vi phạm Luật Bảo tồn và Đa dạng sinh học, làm ngập hơn 200 ha Vườn quốc gia Cát Tiên. Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng mạnh mẽ nên thủy điện Đrăng Phốk (Đak Lak) định đặt trong Vườn quốc gia Yok Đôn đã phải dừng lại. Đây là quyết định đúng đắn và từ nay về sau tuyệt đối không để bất cứ công trình thủy điện nào được xây dựng trong vùng cấm. Đấy là vấn đề phạm pháp, đã phạm pháp thì không xây dựng được.
 
Tiến sĩ Nguyễn Huy Dũng-Phó Viện trưởng Viện Điều tra và Quy hoạch rừng: 
“Giữ được rừng thì mới giữ được nước”

Trong thời gian gần đây, rừng Tây Nguyên suy giảm về diện tích và chất lượng, rừng còn lại thì nghèo kiệt. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn sinh thủy cho các hệ thống hồ đập, sông suối trên toàn vùng Tây Nguyên. Diện tích rừng giảm làm cho khả năng tạo mưa của rừng cũng giảm. Theo tính toán của các nhà khoa học khi gia tăng 10% độ che phủ của rừng thì lượng mưa sẽ tăng 2,5%. Do rừng mất nên toàn bộ hệ thống sông suối ở Tây Nguyên hứng chịu nhiều đợt lũ lụt vì rừng không giữ được nước.

Ngoài ra, dòng chảy bề mặt ở rừng không lớn hơn 2% so với tổng lượng mưa, nhưng khi rừng bị phá hủy, dòng chảy bề mặt tăng lên rất lớn, có thể lên đến 30%. Lượng nước ngầm cũng giảm đáng kể vì nước giữ ở tán cây, thân cây, thảm thực vật trong đất giảm. Hiện nay, các tỉnh Tây nguyên cũng đang tích cực trồng rừng, tuy nhiên rừng trồng với các loài cây mọc nhanh, đơn loài, đơn tầng thì không có khả năng giữ nước. Do vậy cần bảo vệ hệ thống rừng tự nhiên còn lại, tăng cường trồng rừng nguyên liệu, rừng gỗ lớn; giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Bởi có giữ được rừng thì mới giữ được nước.

Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Đặng Trung Thuận-Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam: 
“Nước là sự sống còn, trữ nước là cần thiết cho Tây Nguyên 
hướng tới tương lai bền vững hơn”

Tây Nguyên có rất nhiều công trình thủy lợi kể cả những công trình đại thủy nông. Tuy nhiên, những công trình thủy lợi trên đất Tây Nguyên chỉ phát huy hiệu quả ở những vùng trũng và tương đối bằng phẳng như ở Ea Soup (Đak Lak), Ayun Pa (Gia Lai), Đak Hà (Kon Tum)... Nếu làm công trình thủy nông lớn giữa các vùng đồi giống như ở vùng đất Gia Lai này thì cái khó khăn nhất không phải là tạo ra cái hồ mà là hệ thống kênh dẫn. Nước chỉ chảy theo đường đồng mức, ra địa hình đồi (lên đồi, xuống dốc, xuống trũng, lên đồi) thì không làm kênh dẫn được nên không phát huy tác dụng.

Do vậy, những công trình lớn chỉ nên xây dựng ở vùng đất bằng, còn vùng đất gò, đồi thì xây dựng hồ nhỏ ở sát các chân núi, bìa rừng để trữ nước. Nơi nào núi còn cây xanh tốt thì đảm bảo hồ chứa luôn đầy nước quanh năm. Đây là kinh nghiệm quản lý nguồn nước của tỉnh Bình Định.

Tiến sĩ Nguyễn Tiền Giang-Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội): “Thiếu nước do tác động của con người”

Hiện nay, Tây Nguyên đang thiếu nước mặc dù tổng lượng nước của 5 tỉnh Tây Nguyên, tính cả nước mưa, là khoảng 100 tỷ m3/năm. Sau khi trừ các khoản tổn thất chỉ còn lại 48 đến 50 tỷ m3, trong khi đó lượng nước dùng theo tính toán chỉ khoảng 11 tỷ m3/năm (tính cả dòng chảy môi trường). Tuy nhiên, chính sự phân bố không đồng đều, cộng với yếu tố địa chất, khí hậu đã gây nên hiện tượng thiếu nước. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do tác động của con người, việc chặt phá rừng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác vô hình trung đã làm giảm điều kiện trữ nước ở tầng nước ngầm để cung cấp cho mùa khô.

Khi chúng ta phát triển “nóng” các loại cây công nghiệp vượt ngoài quy hoạch được công bố yêu cầu lượng nước tưới rất cao, trong khi chủ yếu Tây Nguyên đang khai thác hệ thống nước ngầm. Chỉ hai yếu tố này đã làm tăng thêm nguyên nhân thiếu nước trầm trọng ở Tây Nguyên. Vào mùa mưa, hàng chục tỷ m3 nước chảy xuôi dòng xuống vùng duyên hải Nam Trung bộ rồi đổ ra biển gây lũ lụt nhưng về mùa khô Tây Nguyên lại hạn.
 

  
Ông Trịnh Lê Nguyên-Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên: “Cơ hội để đánh giá lại các vấn đề trong việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước Tây Nguyên”

Trong bối cảnh tình hình khô hạn diễn ra tại Tây Nguyên, Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi tổ chức hội thảo này như một cơ hội để đánh giá lại các vấn đề trong việc quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước; tập hợp các nhà khoa học am hiểu trên các lĩnh vực khác nhau để bàn các giải pháp quản lý nguồn nước, quy hoạch phát triển. Đồng thời chia sẻ thông tin, kiến thức cập nhật nhất trả lời câu hỏi tại sao tình hình hạn hán lại diễn ra như năm vừa rồi. Ngoài những nguyên nhân do hiện tượng Elnino thì còn có nguyên nhân nào khác? Chúng ta có thể làm gì về lâu dài sử dụng kiến thức khoa học, về quản lý chính sách để giải quyết các bất cập trong thực thi chính sách giữa tài nguyên nước và phát triển kinh tế xã hội?

Nguồn: