03/12/2016 09:31 GMT+7
TTO - Mấy tuần nay ở thị trấn An Thới,
huyện Phú Quốc (Kiên Giang), những chiếc tàu đồ sộ từ nước ngoài đến nhận cát rồi
chở đi Singapore, trong khi các dự án tại Phú Quốc phải mua cát từ nơi khác về
san lấp mặt bằng. Vì sao vậy?
Khai thác cát ồ ạt ngoài biển ở
Phú Quốc (Kiên Giang) để xuất khẩu -
Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
|
Đêm 30-11 và sáng 1-12, phóng viên
Tuổi Trẻ đã thuê tàu ra tận nơi, xem tận mắt hoạt động bơm hút cát để xuất khẩu
đang diễn ra ngoài khơi thị trấn An Thới.
“Ăn cát” suốt ngày đêm
Từ cảng quốc tế An Thới và quân cảng
Vùng 5 hải quân nhìn ra hơn 1km là hai chiếc tàu khổng lồ đang neo đậu. Trong
đó tàu Turicum trọng tải hơn 58.000 tấn có mặt từ vài ngày trước đó và đã “no
hàng”, đang đậu chờ hoàn tất thủ tục để rời đi.
Cách tàu Turicum vài trăm mét về hướng
đông là tàu Yuan Shun Hai (Cosco Shipping) có tổng trọng tải tương đương đang
thả neo và nhận cát từ ba chiếc sà lan dừng cập hai bên mạn.
Trong khi đó chếch về phía bên phải,
ngay sát Mũi Dương có gần chục chiếc sà lan đang thả neo. Chúng tôi đếm được có
đến 4 chiếc đang bơm cát từ đáy biển lên, tiếng máy nổ ầm ầm.
Nước từ đáy biển cuộn lên và nước từ
các vòi bơm trên sà lan phun ra làm vùng biển xung quanh đục ngầu. Những chiếc
sà lan này luân phiên hút cát và cấp hàng cho các tàu nước ngoài đến chở sang
Singapore.
Người dân địa phương cho hay sau lần
báo Tuổi Trẻ phản ánh vào cuối năm 2015, hoạt động nạo vét, hút cát bán cho
Singapore đã tạm ngưng trong thời gian dài. Từ đầu tháng 11-2016, các sà lan
hút cát mới xuất hiện trở lại và tiếp tục bơm cát lên các tàu lớn chở ra nước
ngoài.
Trưa 1-12, chúng tôi có mặt ở cơ
quan đại diện của Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang tại Phú Quốc, khi các cán bộ cảng
vụ và Chi cục Hải quan Phú Quốc đang làm việc với đại diện của tàu Turicum để
hoàn tất thủ tục cho tàu này rời đi lúc 13g cùng ngày.
Đơn vị đứng tên xuất khẩu là Công
ty TNHH sản xuất xây dựng - thương mại Đức Long. Đây là chuyến tàu thứ ba chở
cát từ Phú Quốc đi Singapore trong vòng một tháng, tàu Yuan Shun Hai sẽ là chuyến
thứ tư. Mỗi chuyến tàu xuất gần 60.000 tấn cát.
Huyện “kịch liệt
phản
đối”
Nhìn những chuyến tàu khổng lồ chở
cát rời đảo, nhiều người dân Phú Quốc không giấu được bức xúc. Tại cuộc tiếp
xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang ngày 30-11, ông Nguyễn
Văn Nam - cử tri khu phố 1, thị trấn An Thới - nói khá gay gắt:
“Chúng ta cứ so sánh là diện tích
Phú Quốc tương đương Singapore, nhưng số liệu mới nhất cho thấy diện tích của họ
cứ lớn dần lên, gần 700km2 rồi. Sở dĩ Singapore mở rộng diện tích là nhờ
mua cát từ các quốc gia lân cận. Nhiều nước đã ngưng xuất khẩu sang Singapore,
nhưng tại sao Việt Nam vẫn xuất khẩu?”.
Ông Nguyễn Thanh Nghị - bí thư Tỉnh
ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang - yêu cầu các cơ quan liên
quan trả lời cử tri về vấn đề này.
Ông Phùng Quốc Bình - phó giám đốc
Sở TN&MT - cho hay từ tháng
10-2016
UBND huyện Phú Quốc đã báo cáo thường trực UBND tỉnh việc nạo vét và xuất khẩu
cát diễn ra tại thị trấn An Thới, sau đó tỉnh đã giao Sở TN&MT kiểm tra.
Sở ghi nhận việc khai thác cát ở
Phú Quốc và xuất khẩu qua Singapore là có thật. “Kết quả kiểm tra về mặt trình
tự, thủ tục, thẩm quyền thì đã thực hiện đúng theo quy định. Sở cũng đã báo cáo
tỉnh để tỉnh xem xét, có ý kiến với bộ” - ông Bình nói.
Ông Huỳnh Quang Hưng - phó chủ tịch
UBND huyện Phú Quốc - cho hay UBND huyện kịch liệt phản đối việc xuất khẩu cát
ra nước ngoài.
“Đồng ý rằng vì mục đích quốc phòng
nên phải nạo vét luồng tàu, nhưng lượng cát tận thu này phải được dùng cho các
công trình trên địa bàn huyện bởi nhu cầu cát san lấp ở Phú Quốc hiện nay rất lớn.
Chưa kể việc khai thác cát ở khu vực
này sẽ gây sạt lở đối với khu vực xung quanh. UBND huyện sẽ tiếp tục kiến nghị
dừng xuất khẩu cát ra nước ngoài” - ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, nhiều dự án hạ tầng,
du lịch ở Phú Quốc cần san lấp mặt bằng với khối lượng rất lớn mà nguồn tại chỗ
không đủ, phải mua từ đất liền chở ra với chi phí rất đắt đỏ.
Nạo vét theo cơ chế
“xã
hội hóa”
Trả lời Tuổi Trẻ ngày 30-11, một
lãnh đạo Vùng 5 hải quân cho hay việc nạo vét, xuất khẩu cát hiện đang được thực
hiện đúng thủ tục với sự kiểm tra, giám sát của Sở TN&MT và đề nghị phóng
viên làm việc với sở.
Ngày 1-12, bà Võ Thị Vân - phó giám
đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang - cung cấp cho Tuổi Trẻ công văn ngày
19-7-2016 của Bộ TN&MT thông báo kết quả kiểm tra việc nạo vét vùng nước
trong quân cảng Vùng 5 hải quân tại thị trấn An Thới.
Theo đó, đây là dự án nạo vét luồng
tàu vào quân cảng do Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân làm chủ đầu tư, được bộ trưởng
Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương thực hiện. Chủ đầu tư đã làm đủ các thủ tục
như: lập dự án, phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công; lập, trình phê duyệt báo
cáo đánh giá tác động môi trường.
Do đây là hạng mục công trình quốc
phòng nên các bước thẩm định hồ sơ, thủ tục, báo cáo đánh giá tác động môi trường
đều do Bộ Quốc phòng trực tiếp phê duyệt.
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã
xin ý kiến và được cấp có thẩm quyền cho phép ký hợp đồng với Công ty CP Hải Việt
và Công ty TNHH sản xuất xây dựng - thương mại Đức Long thi công nạo vét theo
cơ chế “xã hội hóa” để giảm gánh nặng vốn đầu tư.
Bà Vân cho biết khối lượng cát khai
thác ở dự án nạo vét luồng tàu tại quân cảng Vùng 5 hải quân do Bộ Xây dựng duyệt
cấp. Tổng khối lượng nạo vét toàn dự án ước tính khoảng 7 triệu m3, trong đó
các đơn vị thi công được phép xuất khẩu 1 triệu m3.
Tính đến thời điểm có báo cáo của Bộ
TN&MT, các đơn vị mới nạo vét được 296.868m3, xuất khẩu hơn 100.000m3. Các
đơn vị thi công đã nộp ngân sách trên 1,115 tỉ đồng tiền thuế xuất khẩu. Còn
hai khoản gồm thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác chưa nộp.
Những chuyến tàu khổng lồ chở cát
rời đảo Phú Quốc -
Ảnh: NGUYỄN TRIỀU
|
Gia hạn đến
cuối năm nay?
Một đại diện phòng khoáng sản thuộc
Sở TN&MT Kiên Giang cho Tuổi Trẻ biết ông có “nghe nói” giấy phép xuất khẩu
cát được Bộ Xây dựng cấp cho chủ đầu tư đã hết hạn vào cuối tháng 6, do còn thừa
khối lượng được cho phép lớn nên sau đó Bộ Xây dựng đồng ý gia hạn thêm 6
tháng, tức là việc xuất khẩu cát chỉ được thực hiện tới cuối năm nay.
Còn trong hồ sơ liên quan dự án nạo
luồng quân cảng Vùng 5 hải quân lưu tại Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang không có
giấy phép gia hạn xuất khẩu cát.
Bà Vân khẳng định sau khi báo Tuổi Trẻ
lên tiếng cuối năm 2015 về hoạt động nạo vét và xuất khẩu cát tại Vùng 5 hải
quân, sở đã cùng với Bộ TN&MT yêu cầu tạm dừng thi công để khảo sát, kiểm
tra.
Kết quả cho thấy việc giám sát của
chủ đầu tư chưa thật sự hiệu quả. Về phía sở cũng có khó khăn trong việc cử người
ra phối hợp giám sát thường xuyên.
“Lẽ ra chúng tôi đã sớm có báo cáo
gửi UBND tỉnh và UBND huyện Phú Quốc, nhưng do một số nguyên nhân khách quan mà
việc báo cáo có phần chậm trễ. Sắp tới sẽ khẩn trương làm báo cáo này.
Toàn bộ nội dung báo cáo sẽ được
công khai để người dân An Thới biết, đồng thời tạo điều kiện cho người dân giám
sát trực tiếp quá trình thực hiện dự án” - bà Vân nói. Trong khi đó ông Phùng
Quốc Bình trả lời cử tri là đã báo cáo thường trực UBND tỉnh.
Riêng hai khoản thuế tài nguyên và
phí cấp quyền khai thác, Sở TN&MT Kiên Giang cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị
cơ quan thẩm quyền yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương thực hiện
đầy đủ.
Dự
án đã kéo dài nhiều năm
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án
nạo vét luồng tàu được Bộ Quốc phòng duyệt chủ trương và Bộ tư lệnh Quân chủng
hải quân triển khai từ năm 2010, giao Vùng 5 hải quân làm chủ đầu tư. Vùng 5
hải quân ký hợp đồng thi công với Công ty TNHH SX-XD-TM Đức Long và Công ty cổ
phần Hải Việt.
Ngày 27-7-2010, Văn phòng Chính
phủ ban hành công văn truyền đạt chủ trương của Thủ tướng cấm xuất khẩu cát
nhiễm mặn tận thu từ các dự án nạo vét, thông luồng lạch các sông, cửa sông
giáp biển, cảng biển nên hoạt động nạo vét bị gián đoạn.
Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng,
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận cho phép xuất khẩu cát tận thu từ
dự án này, nên cuối năm 2015 hoạt động nạo vét mới được thực hiện trở lại.
Cuối năm 2015, Vùng 5 hải quân gửi
công văn đến UBND tỉnh Kiên Giang cho hay trong quá trình thực hiện, Công ty
Đức Long, Công ty Hải Việt có vi phạm, không đảm bảo cam kết nên giữa tháng
11-2015 chủ đầu tư đã chấm dứt hợp đồng và tạm ngừng thực hiện dự án, chờ ý
kiến của Quân chủng hải quân.
Tháng 11-2016, dự án nạo vét tiếp
tục được thực hiện và Công ty Đức Long tiếp tục đứng tên xuất khẩu cát cho
phía Singapore.
|
N.TRIỀU - D.KHÁNH - K.NAM
Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161203/vi-sao-cat-phu-quoc-van-chay-sang-singapore/1229737.html
No comments:
Post a Comment