Sunday, July 25, 2021

AN NINH NƯỚC

 Nguyễn Minh Quang

20 tháng 7 năm 2021

Phần giới thiệu

An ninh nước là một khái niệm mới được đưa ra từ thập niên 1990s để bày tỏ lo ngại về những vấn đề của nguồn cung cấp nước như mức tin cậy, phẩm chất, số lượng, an toàn và sử dụng bình đẳng, và môi trường.  Khái niệm nầy càng ngày càng được dùng trong các quỹ đạo chánh sách, từ Quỹ Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF)) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum (WEF)) cho đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) (United Nations (UN) (WWF, 2009; UNEP, 2009; WEF, 2011; UN-Water, 2013; UNESCO, 2013) [1].

Từ ngữ ‘an ninh nước’ và các ý niệm tiềm ẩn đã thu hút sự chú ý của các tổ chức chánh phủ và phi chánh phủ, thành phần tư nhân và học thuật trong việc soạn thảo chánh sách lẫn trong thực hành.  Mặc dù việc sử dụng nước gia tăng rõ rệt, một sự hiểu biết tổng quát về cách mà an ninh nước được nhận thức và sử dụng trong các lãnh vực khác nhau trên thế giới vẫn còn hạn chế.

Bài viết nầy có mục đích tìm hiểu về an ninh nước nói chung và hiện trạng an ninh nước ở Việt Nam hiện nay.

An ninh nước là gì?

Theo UN-Water, một cơ chế phối hợp nhiều cơ quan của LHQ về tất cả các vấn đề liên hệ đến nước, an ninh nước nên được định nghĩa như: “Khả năng của một dân số để bảo vệ việc tiếp cận khả chấp những số lượng nước thích hợp với phẩm chất chấp nhận được để duy trì cuộc sống, phúc lợi của nhân loại, và phát triển kinh tế; để bảo đảm việc bảo vệ chống lại ô nhiễm nước và các bệnh tật liên quan đến nước; và để bảo tồn các hệ sinh thái trong không khí hòa bình và ổn định chánh trị”  Định nghĩa nầy hàm ý rằng nước phải được quản lý một cách khả chấp trong suốt chu kỳ nước và được thực hiện với sự tập trung liên ngành, để nó đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội và nâng cao tính chịu đựng của xã hội đối với các ảnh hưởng môi trường và các bệnh tật do nước truyền nhiễm mà không làm tổn thương sức khỏe của dân số và hệ sinh thái hiện tại và tương lai [2].

Đàm luận về an ninh nước trong những năm gần đây bao gồm nhiều yếu tố phổ biến và then chốt.  Sau đây là tóm lược các yếu tố cốt lõi cần thiết để thực hiện và duy trì an ninh nước [2]: 

·        Tiếp cận với nước uống đầy đủ và an toàn với giá phải chăng để đáp ứng các nhu cầu căn bản như điều kiện về sức khỏe và vệ sinh, và bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc;

·        Bảo vệ cuộc sống, nhân quyền, và văn hóa và các giá trị giải trí;

·        Bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái trong việc phân phối nước và các hệ thống quản lý để duy trì khả năng hoạt động của các dịch vụ sinh thái cần thiết;

·        Cung cấp nước cho việc phát triển và các hoạt động chẳng hạn như năng lượng, vận chuyển, kỹ nghệ và du lịch;

·        Thu thập và thanh lọc nước đã dùng để bảo vệ đời sống của con người và môi trường không bị ô nhiễm;

·        Cộng tác để quản lý nguồn nước xuyên biên giới bên trong và giữa các quốc gia để cỗ vũ tính khả chấp và hợp tác về nước nước ngọt;

·        Khả năng đối phó với những bấp bênh và rủi ro của những nguy hiểm liên quan đến nước, chẳng hạn như lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm, cùng các nguy hiểm khác; và

·        Cai quản và trách nhiệm tốt, và cứu xét thích đáng quyền lợi của tất cả các bên liên hệ qua: các chế độ pháp lý thích hợp và hữu hiệu; các tổ chức minh bạch, được tham gia rộng rãi và có trách nhiệm; hạ tầng cơ sở được hoạch định, điều hành và bảo trì đúng cách; và phát triển khả năng.

Những yếu tố của an ninh nước được trình bày trong Hình 1.

Hình 1: Những yếu tố của anh ninh nước (UN-Water, 2003)

Hiện trạng an ninh nước ở Việt Nam

Hiện trạng an ninh nước ở Việt Nam được báo chí trong nước mô tả phần nào trong những năm gần đây.

Bài báo trên tờ Công Thương cho biết: “Với tổng dòng chảy nước mặt hàng năm từ 830-840 tỉ m3, Việt Nam là một quốc gia được đánh giá có tiềm năng tài nguyên nước.  Tuy nhiên, an ninh nguồn nước lại đang đứng trước nguy cơ không được bảo đảm.  Mặc dù có hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm tới khoảng 63%, còn lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ chỉ khoảng 37%, tương đương từ 310 - 315 tỷ m3/năm.  Trong khi đó, dòng chảy ở trong nước lại phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng - Thái Bình (khoảng 16%), còn lại ở các lưu vực sông khác.  Đáng lo ngại, việc khai thác nước tập trung quy mô lớn dẫn đến hạ thấp mực nước sâu và gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung. Kèm theo đó, nước thải không được xử lý đúng quy chuẩn, kỹ thuật… gây sức ép lớn đến số lượng, chất lượng nguồn nước các sông, suối. Nhiều sông chính, khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, làng nghề… bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng nhanh, càng đặt ra nhiều thách thức về an ninh nguồn nước.” [3]

Hình 2: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. [4]

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà (Hình 2), trong mùa khô, “… nếu các quốc gia thượng nguồn sông Mekong chỉ cần giữ lại 20% nước trong các hồ chứa thủy điện, thì an ninh nguồn nước của Việt Nam sẽ bị đe dọa… những nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra thể chế về nước của Việt Nam đang có vấn đề.  Cụ thể, Việt Nam chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có đầu tư để đảm bảo được hạ tầng cơ sở về nước; chưa có chánh sách kinh tế, tài chính nước…  Hiện nay, 80% lượng nước sử dụng của Việt Nam là dùng cho nông nghiệp.  Hiệu quả sử dụng trên một đơn vị m3 ở nước ta mới có 2,37 USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 19,57 USD, thậm chí còn thấp hơn các nước trong khu vực là Lào 2,57 USD và Philippines 2,58 USD.” [4]

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới Tiêu Việt Nam và Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, Việt Nam “… chỉ sử dụng có 10% tổng số lượng nước được khai thác hàng năm là 830 tỉ.  Nguy cơ thiếu nước rõ ràng và ở mức nghiêm trọng.  Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.  Hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y Tế.” [5]

Hình 3: Sông Nhuệ-Đáy bị ô nhiễm. (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Một báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia của Bộ TN&MT cho biết, “… chỉ 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hàng ngày thải ra môi trường khoảng 900.000 m3 nước, khiến nguồn nước mặt tại nhiều con sông, điển hình như sông Nhuệ, sông Đáy (Hình 3) bị ô nhiễm từ trung bình đến nặng.  Còn theo thống kê của Bộ Y Tế, trong các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở Việt Nam thỉ bệnh tiêu chảy (là bệnh có liên quan đến ô nhiễm môi trường nước) đứng đầu danh sách về tổng số ca bệnh bị mắc trên toàn quốc.  Thậm chí đã xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho các nhà máy nước sinh hoạt, làm gia tăng chi phí sản xuất nước sạch.  Một số nhà máy không đủ khả năng xử lý đã phải dừng hoạt động.” [6]

Để bảo đảm cho an ninh nước của Việt Nam, Bộ TN&MT đã xây dựng một đề án “… để giải quyết 6 vấn đề chính theo xu thế chung của an ninh nguồn nước: Đảm bảo nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt; đảm bảo cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và giao thông; chủ động ứng phó với tác động của hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm, biến đổi khí hậu; tác động từ nước ngoài đối với nguồn nước xuyên biên giới và các mối nguy hiểm khác liên quan đến nước cho môi trường, thoát nước, xử lý nước thải đô thị và giao thông thủy và các hoạt động liên quan.

Mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2030 là giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc, tối ưu hóa lợi ích do nguồn nước mang lại từ các nguồn nước liên quốc gia; chủ động điều tiết nước, phòng ngừa, ứng phó với các sự cố ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; khắc phục có hiệu quả, bền vững tình trạng hạn hán thiếu nước vào mùa khô các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo; Nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân và các ngành sử dụng nước; kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, an toàn, công bằng, hợp lý, gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Kiểm soát trên 90% các nguồn thải vào nguồn nước có vai trò quan trọng trong cấp nước được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng; bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái ngập nước quan trọng; Cải thiện việc cung cấp dịch vụ cấp nước đô thị, nông thôn, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt khoảng 95 - 100%, nông thôn đạt khoảng 93 - 95%; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc vận hành hiệu quả các công trình thuỷ lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu; cấp đủ nước cho hoạt động sản xuất công nghiệp và nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong công nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc điều hòa phân bổ hợp lý nguồn nước khai thác cho thủy điện, nhiệt điện; đẩy mạnh sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao khả năng tích trữ, an toàn hạ du; từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào diễn biến nguồn nước; 90% hồ chứa thủy điện được bổ sung nhiệm vụ tham gia phòng lũ, cấp nước cho hạ du và điều tiết vận hành theo thời gian thực; …” [7]

Phần kết luận

An ninh nước là một khái niệm mới mẻ để bày tỏ lo ngại về những vấn đề liên quan đến nước.  Khái niệm nầy càng ngày càng được các tổ chức quốc tế như WWF, WEF và LHQ sử dụng.  An ninh nước được UN-Water định nghĩa là khả năng cung cấp một số lượng nước thích hợp và có phẩm chất để duy trì cuộc sống và phúc lợi của nhân loại; phát triển kinh tế; bảo vệ môi trường; và bảo tồn các hệ sinh thái.

Dựa theo định nghĩa của UN-Water và tin tức đăng tải trên báo chí, Việt Nam chưa có an ninh nước vì những lý do như quá lệ thuộc vào nguồn nước ở nước ngoài; suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt và nước ngầm; thiếu nước hay khan hiếm nước; 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch; và ô nhiễm trong các sông.

Để bảo đảm an ninh nước cho Việt Nam, Bộ TN&MT đã xây dựng một đề án để bảo đảm nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng và giao thông; để chủ động ứng phó với hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm, biến đổi khí hậu; để đối phó với tác động của nguồn nước xuyên biên giới; và để bảo vệ môi trường, thoát nước, và xử lý nước thải đô thị.  Đề án có vẻ giải quyết 6 vấn đề chung của an ninh nước, nhưng thực hiện được hay không mới là điều quan trọng và đây chính là những thách thức lớn lao cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

 .

Tài liệu tham khảo

 

[1]       UNESCO/UNESCO i-WSSM. 2019. Water Secutity and the Sustainable Development Goals (Series I).  Global Water Security Issues (GWSI) Series, UNESCO Publishing, Paris. https://digitallibrary.un.org/record/3807832

[2]       UN-Water. October 2013.  Water Security & the Global Water Agenda.  A UN-Water Analytical Brief.  United Nations University, Ontario, Canada.  https://www.unwater.org/publications/un-water-annual-report-2013/

[3]       Thanh Tâm. 18 tháng 6 năm 2020. “An ninh nguồn nước đang đứng trước nhiều nguy cơ.”  Công Thương.  https://congthuong.vn/an-ninh-nguon-nuoc-dang-dung-truoc-nhieu-nguy-co-159186.html

[4]       Trọng Phú – Đức Minh. 15 tháng 6 năm 2020. ‘Anh ninh nguồn nước đang lệ thuộc nước ngoài’.  Vietnambiz.  https://vietnambiz.vn/an-ninh-nguon-nuoc-dang-le-thuoc-nuoc-ngoai-20200615221600919.htm

[5]       Thùy Linh. 29 tháng 10 năm 2020.  Báo động an ninh nguồn nước ở Việt Nam.  Lao Động.  https://laodong.vn/moi-truong/bao-dong-an-ninh-nguon-nuoc-o-viet-nam-849779.ldo

[6]       Nguyễn Nhàn.  4 tháng 8 năm 2020. “An ninh nguồn nước – vấn đề sống còn.”  Nông nghiệp Việt Nam. https://nongnghiep.vn/an-ninh-nguon-nuoc--van-de-song-con-d270083.html

[7]       Kim Oanh. 16 tháng 6 năm 2021. “Hoàn thiện đề án đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.”  Môi trường Đô thị.  https://www.moitruongvadothi.vn/tai-nguyen/nuoc/hoan-thien-de-an-dam-bao-an-ninh-tai-nguyen-nuoc-quoc-gia-a84010.html

 

 

 

 

Monday, July 19, 2021

ỦY HỘI SÔNG MEKONG KÊU GỌI CẢI THIỆN VIỆC CHIA SẺ DỮ KIỆN THỦY ĐIỆN

(Mekong River Commission Calls for Improved Hydropower Data Sharing)

Sebastian Strangio – Bình Yên Đông lược dịch

The Diplomat – July 1, 2021

Lòng sông Mekong khô trong tháng 3 năm 2020, vào lúc cao điểm của mùa khô năm ngoái. [Ánh: Depositphotos]

 

Mực nước ở hạ lưu Mekong lên xuống bất thường trong 2 năm qua.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) đã thúc giục Trung Hoa và các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ kiện về việc điều hành thủy điện đang góp phần vào sự dao động lung tung ngày càng tăng của mực nước trong thủy lộ quan trọng.

Trong phúc trình tình hình mới nhất, công bố ngày hôm qua, MRC nói rằng mực nước thay đổi một phần do nước xả từ các hồ chứa thủy điện trên thượng lưu Mekong.  MRC ghi nhận rằng các hồ chứa giữ nước vào đầu mùa khô năm nay – trong tháng 2, ủy hội mô tả tình hình của sông “đáng lo ngại” – nhưng việc xả nước sau đó làm cho dòng chảy cao hơn trung bình trong những tháng gần đây.

Phúc trình của MRC bao gồm thời kỳ khô nhất, từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.  Trong thời gian nầy, phúc trình cho biết, mực nước sông Mekong ở Lào và Thái Lan dao động, trong khi mực nước trong Biển Hồ ở Cambodia, nới rộng và thu hẹp theo dòng chảy của Mekong, thấp hơn bình thường.

Nói chung, lưu lượng trong Mekong trong 5 tháng đầu năm 2021 cao hơn trung bình nhiều năm, phúc trình cho biết, do nước xả từ các hồ chứa.  Mặc dù lưu lượng gia tăng trong các tháng khô có một số lợi ích cho nông dân dọc theo Mekong, và có thể ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, MRC nói rằng lưu lượng không thể đoán trước gần đây đã ảnh hưởng đến thủy vận, hệ sinh thái sông, và sự ổn định của bờ sông ở hạ lưu Mekong, nơi trên 60 triệu người dựa vào sông để sinh sống.

Do đó, MRC thúc giục Trung Hoa, cũng như 4 quốc gia thành viên – Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – chia sẻ dữ kiện với nhau để giảm nhẹ ảnh hưởng tiềm tàng của việc xả nước.

“Để quản lý lưu vực tốt hơn và hợp tác chân thành, các quốc gia thành viên và Trung Hoa nên thông báo bất cứ những thay đổi quan trọng trong việc điều hành các dự án thủy điện và chia sẻ tin tức với Văn phòng MRC,” An Pich Hatda, giám đốc điều hành của Văn phòng, cho biết trong một tuyên bố theo sau phúc trình.

Mặc dù phúc trình của MRC có tính kỹ thuật và ngoại giao, ảnh hưởng quan trọng đối với dòng chảy của sông đến từ chuỗi 11 đập mà chánh phủ Trung Hoa đã xây trên thượng lưu Mekong, được gọi là Lancang ở Trung Hoa.

Các đập của Trung Hoa không phải là nguyên nhân duy nhất cho các vấn đề của Mekong: Khu vực đã trải qua một loạt hạn hán do hệ thống thời tiết El Nino, và cũng đối mặt với ảnh hưởng lâu dài của thay đổi khí hậu.  Nhưng có bằng chứng ngày càng tăng là việc xây đập điên cuồng của Trung Hoa đã làm cho vấn đề thêm tồi tệ.

Tháng 4 năm rồi, nhóm cố vấn và nghiên cứu Eyes on Earth ở Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu nói rằng các hồ chứa của Trung Hoa đã giữ lại lượng nước mưa thừa thãi trong 6 tháng vào giữa năm 2019, làm cho tình trạng hạn hán trong 5 quốc gia ở hạ lưu thêm tồi tệ.

Năm rồi, một phần vì áp lực gia tăng từ chánh phủ Hoa Kỳ, Trung Hoa đồng ý chia sẻ dữ kiện mực nước và lượng mưa với MRC, hứa cảnh báo với ủy hội và các quốc gia thành viên những điều bất thường.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Wang Wenbin của Trung Hoa, hôm qua, nói rằng Beijing (Bắc Kinh) đã “hoàn toàn cởi mở và minh bạch” trong việc cung cấp dữ kiện qua cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), làm dễ dàng việc hợp tác giữa Trung Hoa và các quốc gia hạ lưu Mekong. (Trung Hoa không phải là thành viên của MRC.)

“Từ tháng 11 năm 2020, Trung Hoa đã cung cấp tin tức thủy học của sông Lancang cho các quốc gia Mekong trên căn bản hàng ngày… và đã thông báo các thay đổi quan trọng trong lượng nước xả xuống hạ lưu,” Wang nói.

Nhưng do một số lý do, chánh phủ Trung Hoa chưa cung cấp mức minh bạch cần thiết cho phép cư dân ở Thái Lan, Lào, Cambodia và miền nam Việt Nam chuẩn bị cho những ảnh hưởng không thể tránh của việc điều hành chuỗi đập Lancang.

Hồi đầu tháng 1, ngay sau khi mực nước thình lình tụt giảm, Beijing đã thông báo cho các láng giềng ở hạ lưu rằng các đập của họ đang làm đầy hồ chứa và lưu lượng sẽ được phục hồi lại “tình trạng bình thường” – nhưng chỉ sau khi thiệt hại đã xảy ra.

THAM VỌNG VÀ CHIẾN THUẬT CỦA BẮC KINH ĐỂ KIỂM SOÁT ĐÔNG NAM Á

 Beijing’s Ambitions and Tactics to Control Southeast Asia


Wang He – Bình Yên Đông lược dịch

The Epoch Times – June 30, 2021

 

Lãnh đạo Trung Hoa Xi Jinping (Tập Cận Bình) đọc diễn văn qua truyền hình tại buổi lễ khai mạc Thượng đỉnh Doanh nghiệp và Đầu tư Trung Hoa-ASEAN, ở Nanning (Nam Ninh), phía nam Guangxi (Quảng Tây), Trung Hoa, ngày 27 tháng 11 nm8 2020. [Ảnh: STR/AFP]

 

Các chiến thuật để thống trị toàn cầu của chế độ Trung Hoa phần lớn tập trung vào ngoại giao vòng ngoài, chú trọng đến Đông Nam Á (ĐNA), nơi Beijing (Bắc Kinh) đã có một số tiến bộ qua sự thay đổi quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duarte đối với Trung Hoa.

ĐNA bao gòm Bán đảo Đông Dương và Quần đảo Malay.  Nó là giao diem063 của Châu Đại Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi eo biển Malacca dược dùng như một trạm kiểm soát, và bao gồm 1 diện tích khoảng 1,76 triệu mi2.  Mười thành viên của ASEAN (Association of Southeast Asian Nations) gồm có Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.  Năm 2019, mười quốc gia thành viên ASEAN có GDP tổng cộng là 3.170 tỉ USD, ít hơn ¼ GDP của Trung Hoa, và một dân số 655 triệu người, gần ½ dân số của Trung Hoa và nhiều hơn dân số của Liên hiệp Âu Châu (EU) 142 triệu người.

Các quốc gia thành viên ASEAN có GDP rất khác nhau.  Indonesia, thí dụ, là quốc gia Asean duy nhất và lớn nhất với GDP vượt quá 1.000 tỉ USD và, trong năm 2019, là 1.120 tỉ USD với dân số 267 triệu người.  Brunei, quốc gia ASEAN nhỏ nhất, có dân số 460.000 người và GDP là 13,47 tỉ trong năm 2019.  Sức sống và ảnh hưởng của ASEAN chỉ đứng sau EU như một phát triển chung của khu vực kể từ khi được thành lập vào năm 1967.

Ngăn chận sự bành trướng của cộng sản trong khu vực là một trong những mục đích chánh của việc thành lập ASEAN.  Đảng Cộng sản Trung Hoa (Chinese Communist Party (CCP)) đã xuất cảng cách mạng đến các quốc gia ĐNA kể từ thời Mao Zedong (Mao Trạch Đông).  Hậu quả là, nhiều phong tráo chống Trung Hoa đã xảy ra trong một vài quốc gia, nhưng thế lực của CCP tiếp tục bành trướng ở ĐNA, mà trong chừng mực nào đó, được chứng tỏ với sự thất bại của Tổ chức Liên phòng ĐNA (Southeast Asia Treaty Organization (SEATO)).  Ngày nay, Philippines vẫn còn thống khỗ vì chiến tranh du kích của Đảng Cộng sản Philippines.

Từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, CCP đã có tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển mối liên hệ với ASEAN, thiết lập bang giao với mỗi quốc gia thành viên ASEAN, và giới hạn không phận quốc tế của Taiwan (Đài Loan).

 

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong màn hình bên phải khi ông phát biểu trong Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Khu vực Tổng quát lần thứ 4th (RCEP) tại Thượng đỉnh ASEAN được tổ chức trên mạng ở H2 Nội, Việt Nam ngày 15 tháng 11 năm 2020. [Ảnh: Nhac Nguyen/AFP}

 

Trung Hoa đã trở thành đối tác mậu dịch lớn nhất của ASEAN trong 12 năm liên tiếp.  Ngoài ra, trong năm 2019, ASEAN trở thành đối tác mậu dịch lớn thứ 2nd của Trung Hoa, vượt qua Hoa Kỳ, và trong năm 2020, nó vượt qua EU như là đối tác mậu dịch lớn nhất của Trung Hoa.

Năm 2004, một bài viết được đăng trên China Report Weekly phân tích rằng ĐNA không chỉ quan trọng đối với Beijing, mà là quan trọng “sống chết”.  Trước hết, ĐNA là bàn đạp của CCP để trở thành siêu cường thế giới; thứ hai, ĐNA là cao điểm của việc ngăn chận Hoa Kỳ và Nhật Bản của Trung Hoa.

Kể từ “Kỷ nguyên Mới của Xi Jinping,” CCP đã chuyển từ “ngoại giao tham gia” ở ĐNA sang “ngoại giao uốn nắn,” sử dụng cách thức “tấn công có kiểm soát, dân sự lẫn quân sự.”  CCP đã thành công trong việc uốn nắn tình thế hya thay đổi và phức tạp ở ĐNA.  Thật vậy, khi chiều hướng chiến lượ của thế giới chuyển sang cuộc đối đầu 2 cực giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ và việc bao vây và đán áp của CCP, các quốc gia ASEAN do dự để chọn bên vì sự độc lập kinh tế của Trung Hoa.  Điều nầy, trong chừng mực nào đó, cho thấy ảnh hưởng kéo dài của ý định kiểm soát ĐNA của CCP.

Tứ chánh sách đối với ASEAN của CCP trong những năm gần đây,  các chiến thuật của CCP có thể được phân loại như sau.

Thu hút kinh tế

Nói chung, ASEAN là một nền kinh tế đang trỗi dậy.  Tồng số GDP của các quốc gia thành viên lúc thành lập ASEAN vào năm 1967 là 20 tỉ USD, chiếm 3,3% kinh tế toàn cầu.  Sau trên 50 năm phát triển, tổng số GDP của họ lên đến 3.000 tỉ USD trong năm 2018, tăng gấp đôi phần đóng góp của kinh tế toàn cầu lên 6,9%, được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ 5th trên thế giới và thứ 3rd ở Á Châu.  Các quốc gia ASEAN là các nền kinh tế xuất cảng.  Năm 2018, mậu dịch bên trong ASEAN chỉ tăng 23% trong khi sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Hoa gia tăng trong nhiều năm.

Sự thu hút kinh tế của Trung Hoa thấy rõ trong sự tăng trưởng lớn lao của mậu dịch song phương.  Theo dữ kiện chánh thức, năm 2004, khối lượng mậu dịch song phương giữa Trung Hoa và ASEAN vượt quá 100 tỉ USD lần đầu tiên; năm 2007, nó vượt quá 200 tỉ USD; năm 2011, nó vượt quá 300 tỉ USD; năm 2012, nó vượt quá 400 tỉ USD.  Và trong năm 2020, giữa đại dịch Covid-19, mậu dịch tăng lên 684,6 tỉ USD, một mức gia tăng 6,8%, theo Bangkok Post.

Sự di chuyển của kỹ nghệ chế biến Trung Hoa đến ĐNA là một yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng lớn lao của mậu dịch song phương.  Từ năm 2009 đến 2018, mức tăng trưởng trung bình hành năm của đầu tư trực tiếp Trung Hoa trong ASEAN tăng 19,8%, 10,9% cao hơn tổng số đầu tư ngoại quốc trong cùng thời kỳ, theo dữ kiện chánh thức.  Tính đến tháng 8 năm 2019, Trung Hoa và ASEAN có khoảng 230 tỉ USD đầu tư hỗ tương và thiết lập 25 khu hợp tác kinh tế và mậu dịch hải ngoại, thu hút trên 600 doanh nghiệp, theo truyền thông quốc doanh Xinhua.  Như thế, điều nầy có hai ngụ ý trực tiếp: thứ nhất, mậu dịch của Trung Hoa với ASEAN đã chuyển từ tình trạng thâm thùng trước năm 2011 sang thặng dư; thú hai, các sản phẩm điện cơ hiện đang chiếm trên ½ hàng hóa mậu dịch hỗ tương, cho thấy rằng các nền kinh tế Trung Hoa-ASEAN bổ sung nhau rất cao với các chuỗi cung cấp và kỹ nghệ kết hợp.  CCP nay đang khuyến khích cơ chế thanh toán đồng yuan trong mậu dịch Trung Hoa-ASEAN, nâng cao việc quốc tế hóa tiền tệ của Trung Hoa.

CCP có ý định thống trị sự kết hợp kinh tế của ĐNA và Á Châu để cạnh tranh với khu vực kinh tế Bắc Mỹ và khu vực kinh tế Âu Châu.  Sự thu hút kinh tế của ĐNA đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chánh sách kinh tế hải ngoại của CCP.

Làm đẹp vấn đề Biển Đông với chiến lược mềm

Vấn đề Biển Đông liên hệ đến 6 quốc gia và 7 bên, gồm có Taiwan, Beijing, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, ảnh hưởng đến quyền lợi cốt lõi của CCP.  Do đó, CCP cần phải ngăn chận các quốc gia ASEAN một cách cấp bách.

Thái độ cứng rắn và độc đoán về vấn đề Biển Đông của CCP được xem là một hành động mãnh liệt để làm nản lòng các quốc gia ASEAN khi so sánh với hành động khoan dung của thu hút kinh tế.  Điều nầy được bày tỏ trong 3 lãnh vực.  Thứ nhất, Beijing phớt lờ các điểu khoản của Quy ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS)), tuyên bố đước chủ quyền 9 đoạn, và từ chối công nhận, tham gia, hay chấp nhận Hòa giải Biển Đông giữa Philippines và Trung Hoa trong năm 2016.  Thứ hai, Trung Hoa tiếp tục xây cac1 đảo trong Biển Đông để làm căn cứ bán quân sự.  Thứ ba, Trung Hoa thỉnh thoảng đe dọa các quốc gia liên hệ.  Thí dụ, vào tháng 3 năm nay, trên 200 tàu đánh cá Trung Hoa neo ở bãi đá ngầm đang tranh chấp giữa Trung Hoa và Philippines; và vào ngày 31 tháng 5, Malaysia khám phá 16 máy bay quân sự Trung Hoa bay vào không phận của họ, bên trong 60 hải lý ở phía đông bang Sarawak của Malaysia.

 

Tàu đánh cá của Trung Hoa ở bãi đá ngầm Scarborough 

ngày 5 tháng 4 năm 2017. 

[Ảnh: Erik De Castro/Reuters]

 

CCP chơi trò chánh trị dưới danh nghĩa của “hòa bình và nguyên tắc.”  Đầu tiên, họ ký Tuyên cáo về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC)) không có ràng buộc pháp lý với ASEAN, và rồi tham gia vào việc thương thảo Quy tắc Ứng xử (Code of Conduct (CoC)) cho Biển Đông để kếm chế các quốc gia ASEAN.  Trong khi thương thảo, CCP nhấn mạnh đến lập trường của họ với thương thảo kéo dài và thái độ độc đoán để tạo nên một cái bẫy thương thảo, thảo luận các vấn đề của việc áp dụng CoCs, cho dù CoC sẽ có hình thức của một hiệp ước ràng buộc pháp lý, và sự diễn dịch của tự chế không làm cho tranh chấp thêm phức tạp hay tồi tệ thêm.  Trong lúc đó, CCP tiếp tục bành trường các căn cứ bán quân sự ở Biển Đông, nơi họ xây một pháo đài nước sâu có thể ngăn chận nguyên tử trên toàn thế giới, buộc các quốc gia phải chấp nhận chuyện đã rồi.  Một số chuyên viên cho thấy rằng tình hình trong Biển Đông đang trở thành “bấp bênh của hóa bình (fog of peace),” một phiên bản mới của “bấp bênh của chiến tranh (fog of war).”

Vũ khí hóa nguồn nước

Được biết như “Tháp Nước của Á Châu,” cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng ảnh hưởng đáng kể đến việc phân phối nguồn nước của Á Châu là nơi bắt nguồn của 10 hệ thống sông quan trọng – tám trong số đó là các sông quốc tế chảy qua Trung Hoa, ĐNA và Nam Á ngoài sông Yangtze (Dương tử) và Yellow (Hoàng).  Trong số đó, sông Lancang-Mekong ở ĐNA, chảy qua Trung Hoa, Myanmar, lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam rồi đổ vào Biển Đông, và sông Nujiang-Salween, chảy qua Trung Hoa, Thái Lan, Myamar rồi đổ vào Biển Andaman, có khối lượng nước lớn lao ảnh hưởng đến các quốc gia mà chúng chảy qua.  Do đó, CCP vũ khí hóa nguồn nước, khai thác lợi thế của thượng lưu để đe dọa và thao tùng các chánh sách của các quốc gia nầy theo Trung Hoa.

Đây là điểm nổi bật nhất của vấn đề sông Mekong.  Sông Mekong, với phần thượng lưu ở Trung Hoa gọi là sông Lancang, được biết như “Danube của phương Đông.”  CCp đã xây các trạm thủy điện trên dòng chánh sông Lancang, được bao gồm trong 13 kế hoạch thủy điện quốc gia của Trung Hoa.  Mười một đập trên sông Lancang cho phép CCP kiểm soát vòi nước sông Mekong.  Hạn hán Mekong năm 2010, 2016 và 2019 liên quan đến việc dùng hồ chứa nước để trữ nước của CCP, đã được xác nhận bởi nhiều nghiên cứu khác nhau.

Từ lâu, CCP đã xem sữ kiện thủy học sông Lancang và việc điều hành đập là bí mật.  Dưới áp lực, CCP ký một thỏa thuận vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, với Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), được thành lập bởi Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam vào tháng 4 năm 1995, với Myanmar là đối tác đối thoại.  Trung Hoa đồng ý chi sả dữ kiện thuỷa học quanh năm ở 2 trạm thủy điện ở thượng lưu Mekong.  Một trong 2 trạm, tuy nhiên, là Trạm Thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) trên dòng chánh sông Lancang và là đập dưới cùng của chuỗi đập xây trên thượng lưu sông Mekong.  Không phải lưu ý về dung tích của hồ chứa vì nó không lớn nhất.  Thay vào đó, các quốc gia hạ lưu Mekong cần có thêm dữ kiện về các trạm thủy điện với sức chứa lớn nhất ở phía thượng lưu, kể cả lượng nước xả và thời điểm xả nước, để có thể tiên đoán lũ lụt và hạn hán có hiệu quả hơn. [Lời người dịch: Chỉ cần biết lượng và thời điểm xả nước từ đập Jinghong là đủ.]

CCP, mặc dù ký kết thỏa thuận, đã không tuân thủ.  Chuyên viên thủy học Tiến sĩ Wang Weiluo cho thấy rằng vào ngày 6 tháng 1 năm nay, Trung Hoa thông báo cho một số quốc gia ở hạ lưu sông Lancang về 20 ngày hạn chế nước, bắt đầu từ ngày 5 đến 25 tháng 1.  Giới chức Trung Hoa sau đó giải thích rằng lưu lượng xả duoc85 giảm ½ để bảo trì đường dây dẫn điện.  MRC ra tuyên bố nói rằng tông báo ngày 6 tháng 1, nhưng Trung Hoa đã giảm lưu lượng ngày 5 tháng 1 và rằng họ đã giữ lại nước kể từ cuối tháng 12 năm 2020 khi MRC nhận thấy mực nước tụt giảm phù hợp với hệ thống theo dõi.  Lý do bảo trì đường dây dẫn điện trong lưới điện không thể biện minh cho việc hạn chế nước.

Việc khai thác vòi nước Mekong của CCP đã cho họ ưu thế mặc cả chánh trị để hạn chế các quốc gia ASEAN vì 5 quốc gia Mekong ở hạ lưu chiếm ½ thành viên của ASEAN.  Năm 2016, CCP cầm đầu việc thành lập cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) và tở chức nhiều phiên họp cấp cao từ đó.  Vũ khí hóa nguồn nước của CCP áp đặt những hạn chế bất thường cho các quốc gia ASEAN.

Kết luận

Các quốc gia thành viên ASEAN có lập trường quốc tế phức tạp – họ tự túc, nhưng khôi phục bên trong khối với sức mạnh tương ứng; họ ước mơ về CCP, nhưng lo sợ sức mạnh của nó; họ tìm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, nhưng lo ngại bị lọi dụng.  Trong những năm gần đây, gia tăng đầu tư ở ĐNA của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ đã không che lấp sức mạnh của đường lối 3 điểm của CCP: ngoại giao, sức mạnh kinh tế, và sức mạnh quân sự.

Các quốc gia ASEAN cần có một thừa nhận tổng quát đối với CCP, để họ có những quyết định chiến lược đúng đắn trong thời gian sắp đến.