Monday, July 19, 2021

ỦY HỘI SÔNG MEKONG KÊU GỌI CẢI THIỆN VIỆC CHIA SẺ DỮ KIỆN THỦY ĐIỆN

(Mekong River Commission Calls for Improved Hydropower Data Sharing)

Sebastian Strangio – Bình Yên Đông lược dịch

The Diplomat – July 1, 2021

Lòng sông Mekong khô trong tháng 3 năm 2020, vào lúc cao điểm của mùa khô năm ngoái. [Ánh: Depositphotos]

 

Mực nước ở hạ lưu Mekong lên xuống bất thường trong 2 năm qua.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) đã thúc giục Trung Hoa và các quốc gia thành viên ở Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ kiện về việc điều hành thủy điện đang góp phần vào sự dao động lung tung ngày càng tăng của mực nước trong thủy lộ quan trọng.

Trong phúc trình tình hình mới nhất, công bố ngày hôm qua, MRC nói rằng mực nước thay đổi một phần do nước xả từ các hồ chứa thủy điện trên thượng lưu Mekong.  MRC ghi nhận rằng các hồ chứa giữ nước vào đầu mùa khô năm nay – trong tháng 2, ủy hội mô tả tình hình của sông “đáng lo ngại” – nhưng việc xả nước sau đó làm cho dòng chảy cao hơn trung bình trong những tháng gần đây.

Phúc trình của MRC bao gồm thời kỳ khô nhất, từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.  Trong thời gian nầy, phúc trình cho biết, mực nước sông Mekong ở Lào và Thái Lan dao động, trong khi mực nước trong Biển Hồ ở Cambodia, nới rộng và thu hẹp theo dòng chảy của Mekong, thấp hơn bình thường.

Nói chung, lưu lượng trong Mekong trong 5 tháng đầu năm 2021 cao hơn trung bình nhiều năm, phúc trình cho biết, do nước xả từ các hồ chứa.  Mặc dù lưu lượng gia tăng trong các tháng khô có một số lợi ích cho nông dân dọc theo Mekong, và có thể ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, MRC nói rằng lưu lượng không thể đoán trước gần đây đã ảnh hưởng đến thủy vận, hệ sinh thái sông, và sự ổn định của bờ sông ở hạ lưu Mekong, nơi trên 60 triệu người dựa vào sông để sinh sống.

Do đó, MRC thúc giục Trung Hoa, cũng như 4 quốc gia thành viên – Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – chia sẻ dữ kiện với nhau để giảm nhẹ ảnh hưởng tiềm tàng của việc xả nước.

“Để quản lý lưu vực tốt hơn và hợp tác chân thành, các quốc gia thành viên và Trung Hoa nên thông báo bất cứ những thay đổi quan trọng trong việc điều hành các dự án thủy điện và chia sẻ tin tức với Văn phòng MRC,” An Pich Hatda, giám đốc điều hành của Văn phòng, cho biết trong một tuyên bố theo sau phúc trình.

Mặc dù phúc trình của MRC có tính kỹ thuật và ngoại giao, ảnh hưởng quan trọng đối với dòng chảy của sông đến từ chuỗi 11 đập mà chánh phủ Trung Hoa đã xây trên thượng lưu Mekong, được gọi là Lancang ở Trung Hoa.

Các đập của Trung Hoa không phải là nguyên nhân duy nhất cho các vấn đề của Mekong: Khu vực đã trải qua một loạt hạn hán do hệ thống thời tiết El Nino, và cũng đối mặt với ảnh hưởng lâu dài của thay đổi khí hậu.  Nhưng có bằng chứng ngày càng tăng là việc xây đập điên cuồng của Trung Hoa đã làm cho vấn đề thêm tồi tệ.

Tháng 4 năm rồi, nhóm cố vấn và nghiên cứu Eyes on Earth ở Hoa Kỳ công bố một nghiên cứu nói rằng các hồ chứa của Trung Hoa đã giữ lại lượng nước mưa thừa thãi trong 6 tháng vào giữa năm 2019, làm cho tình trạng hạn hán trong 5 quốc gia ở hạ lưu thêm tồi tệ.

Năm rồi, một phần vì áp lực gia tăng từ chánh phủ Hoa Kỳ, Trung Hoa đồng ý chia sẻ dữ kiện mực nước và lượng mưa với MRC, hứa cảnh báo với ủy hội và các quốc gia thành viên những điều bất thường.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Wang Wenbin của Trung Hoa, hôm qua, nói rằng Beijing (Bắc Kinh) đã “hoàn toàn cởi mở và minh bạch” trong việc cung cấp dữ kiện qua cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), làm dễ dàng việc hợp tác giữa Trung Hoa và các quốc gia hạ lưu Mekong. (Trung Hoa không phải là thành viên của MRC.)

“Từ tháng 11 năm 2020, Trung Hoa đã cung cấp tin tức thủy học của sông Lancang cho các quốc gia Mekong trên căn bản hàng ngày… và đã thông báo các thay đổi quan trọng trong lượng nước xả xuống hạ lưu,” Wang nói.

Nhưng do một số lý do, chánh phủ Trung Hoa chưa cung cấp mức minh bạch cần thiết cho phép cư dân ở Thái Lan, Lào, Cambodia và miền nam Việt Nam chuẩn bị cho những ảnh hưởng không thể tránh của việc điều hành chuỗi đập Lancang.

Hồi đầu tháng 1, ngay sau khi mực nước thình lình tụt giảm, Beijing đã thông báo cho các láng giềng ở hạ lưu rằng các đập của họ đang làm đầy hồ chứa và lưu lượng sẽ được phục hồi lại “tình trạng bình thường” – nhưng chỉ sau khi thiệt hại đã xảy ra.

No comments:

Post a Comment