Sunday, September 30, 2018

Lúa vụ 3


30/09/2018

Vùng tứ giác Long Xuyên có những cánh đồng đặc thù. Gọi là tứ giác vì cạnh của nó có chỗ thọc sâu tận Rạch Giá nhưng nói chung, nó nằm gần trọn ở An Giang.
 Tứ giác Long Xuyên là từ cũ, thời người ta còn gọi Nam kỳ lục tỉnh, hay Long Xuyên - Châu Đốc - Sa Đéc là Long Châu Sa.

Ảnh minh họa (Lê Hoàng Vũ)


Có đi Long Xuyên - Châu Đốc mùa khô mới thấy địa hình ở đây không dễ sống. Khô và nắng, cây me keo cây thốt nốt, nếu không có những cây dừa bỗng tha thướt thì sẽ nghĩ mình đang chạm chân vào đất bạn Campuchia. Dân Việt cũng phải sống nhà sàn như dân Khmer hoặc dân của nước người ta bên kia kênh Vĩnh Tế. Đi tàu dưới sông nhìn lên càng thấy ngỡ ngàng, mặt sông và mặt bờ cách nhau hàng ba bốn mét, chớn chở. Thảo nào người dân phải sống bằng nhà có chân, bởi nước về, nước cũng lên tầm ba bốn mét.
Những cánh đồng ở đây không bằng phẳng như đồng Chó ngáp mạn Bạc Liêu - Sóc Trăng. Đồng nhấp nhô, nhiều bưng, nhiều trấp. Và như mọi nơi, dân chỉ có biết sống bằng cây lúa cùng với mùa cá, việc đó cũng rất khác những nơi khác. Cũng không thể khác được, đồng ruộng mênh mông, không trồng lúa biết trồng gì. Và mới thấy mặt đồng đó nhưng chỉ vài tháng lũ lên là nước trắng xóa, như biển.
Ngày xưa, người ít, dân thưa, cũng chưa sinh ra cách mạng giống, lúa trời ban tặng như Đồng Tháp Mười. Sau dân biết làm thủy lợi nội đồng, bờ kênh, bờ vùng, lúa mùa ngự trị. Phát cỏ, chờ cỏ thối, trâu bừa, đàn ông nhổ mạ chở ra ruộng, đàm bà đi cấy. Lúa mùa nhiều tháng, thu hoạch xong trước sa mưa, đất nghỉ và người nghỉ. Mùa nước lên, dân ở đây không gọi là lũ mà gọi nước lên. Nước lên từ từ, mạn Tông-lê-sáp Campuchia đổ sang, sông không dốc, nước từ từ loang. Cá Biển Hồ cũng đổ sang, miên man. Trứng cá linh và nhiều loại cá nhỏ khác bây giờ mới nở, vài tháng nước ngập thì cá linh không biết làm gì cho hết.

Ảnh minh họa (Lê Hoàng Vũ)

Khi này, mùa làm mắm cá cũng bắt đầu. Mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá linh để dành cho thương trường vào mùa khô không cá. Bông súng bông điên điển rợp đất rợp trời và cây me bên góc nhà, cho trái non lúc lỉu. Ấy là lúc người ta bước xuống xuồng hay tam bản nhỏ đậu sát góc nhà, chèo ra sông ra kênh, vãi vài ba đường lưới là cá đủ cho cả ngày. Cá linh và bông điên điển nấu với me trái là món nức tiếng nhất của vùng này.

Cuộc sống nông dân không thể vực lên vì hệ sinh thái lúa - cá ở đây muôn đời như vậy. Thời thuộc Pháp vì sao chỉ có điền chủ nức tiếng ở Sa Đéc - Mỹ Tho - Vĩnh Long? Là vì sông Tiền ưu đãi, người dân sống bằng nghề vườn, cây lưu niên hiền hòa bên hai bờ sông hiền hòa. Vì sao mạn Sóc Trăng - Bạc Liêu xuất hiện nhiều phú hộ? Là vì đồng ở đó mênh mang nhưng bằng phẳng, lúa một vụ cũng khiến người giàu thêm giàu. Tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc đất có núi, đất cao cản trở thủy triều và như đã nói, Tông-lê-sáp đổ vào sông Hậu một lượng nước khổng lồ vào mùa mưa.

Nước lên cho cá, cho phù sa. Dân sinh sôi, cá cạn dần từ đầu nguồn Biển Hồ, cá tự nhiên không cho con người khấm khá. Châu Đốc miền biên, kênh Vĩnh Tế thương hồ nhưng chiến tranh mười năm đã làm cho vùng này gượng dậy khó khăn. Và rồi những con đập ở thượng nguồn Mekong làm cho lũ thấp, cá ít hẳn kể cả từ Campuchia. Chính quyền và người dân như ngồi trên đống lửa, xưa kêu lũ làm cho mệt làm cho nghèo, giờ chừng như không phải vậy. Người dân ngóng lũ như con ngóng mẹ đi chợ về.

Sức ép chỉ tiêu sản lượng lên cả tỉnh. Đó là niềm tự hào mà cũng là mục tiêu của thi đua. Mỗi năm hai vụ lúa chưa đủ, phải ba vụ cơ. Lũ thấp, có năm thấp một cách tuyệt vọng, không làm lúa thì làm gì? Đã có những nhà khoa học nhắc nhở, lúa vụ ba rất bấp bênh với lũ. Thiên nhiên không dễ lường, nếu lũ bỗng dưng cao bất thường thì sao? Mùa lũ bình thường đi dọc kênh Vĩnh Tế đã thấy chạnh lòng, nhà lênh khênh ốm yếu, có nhà kê gầm trên những cái phuy nước nổi thành nhà nổi, trẻ con nghỉ học hết. Nhìn ra ngoài đồng, ngọn cây lúp xúp, trâm bầu bình bát, đàn ông sớm tối lo be bờ giữ những đám ruộng lúa đang ửng chín, vụ lúa mà các nhà khoa học đã can ngăn.

Ảnh minh họa (Lê Hoàng Vũ)

Lũ năm nay do vỡ đập bên Lào, nước về nhanh kinh hoàng. Lúa vụ ba phá sản toàn tập. Đồng trắng xóa, dân đành vui với cá tép, kiểu phép thắng lợi tinh thần của AQ.
Vì sao dân không để cho đất nghỉ? Là vì họ không quen ngồi không mấy tháng trời chờ lũ. Và có người xem đánh bắt là nghề hạ bạc, không bền vững, không đem lại phúc phần. Nông nhàn ư, họ gọi đó là lúc nhàn cư vi bất thiện. Không biết làm gì để ra tiền, không biết xoay xở ra sao, ấy là câu chuyện của vùng đất nghe thấy sản lượng lúa của cả tỉnh tưởng là dân ở đó giàu lắm. Thật là bi kịch.

DẠ NGÂN (Kiến thức gia đình số 39)




Friday, September 28, 2018

Vùng cao miền Tây xứ Nghệ ngập lụt là do thủy điện?


28/09/2018, 13:15 (GMT+7) 

Nói đến những thảm họa mưa bão, lũ lụt… trước đây, là do thiên tai. Nhưng với những đợt lũ lụt gây hậu quả nặng nề cho miền Tây Nghệ An trong tháng 8/2018, ngoài lý do thiên tai, còn một vấn đề được đề cập là hệ lụy thủy điện!
Sau đợt lũ lụt từ ngày 29/8 - 1/9, UBND huyện Con Cuông có văn bản báo cáo tình hình thiệt hại và việc khắc phục gửi đến các cơ quan có thẩm quyền với tên gọi: “Báo cáo thiệt hại do xả lũ từ các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Nậm Mô”.

Thủy điện Nậm Mô xả lũ trong ngày 26/8/2019

Đặt ra câu hỏi: Căn cứ vào đâu UBND huyện Con Cuông khẳng định nguyên nhân “do xả lũ từ các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố và Nậm Mô”? Theo ông Lô Xuân Thao, PCT UBND huyện, đợt lũ lụt vừa qua là một nghịch lý, chỉ xảy ra sau khi trên dòng sông Lam có hệ thống các nhà máy thủy điện.
Ông Thao nói: “Trời thì nắng chang chang mà lại có lũ lụt, cùng thời điểm này, các nhà máy thủy điện xả lũ thì nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện chứ khó cho là có nguyên nhân nào khác. Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng cán bộ, nhân dân huyện Con Cuông đều xác định lũ lụt lớn thế này là do các nhà máy thủy điện xả lũ”.
Ông Thao phân tích, mùa mưa những năm trước ở các huyện núi cao cũng có những trận mưa lớn kéo dài, nước thượng nguồn về nhiều, nhưng dòng chảy của sông Lam thông suốt nên nước dâng chậm, cường lực dòng chảy không lớn nên ít tạo ra những tác động xấu. Còn hiện nay, do thủy điện ngăn dòng, khi có nước thượng nguồn về nhiều thì phải thực hiện xả lũ, lại xả với cường độ rất lớn.
“Lưu lượng nước xả về hạ lưu lớn, cường lực mạnh đã làm cho mực nước trên sông Lam dâng cao gây sạt lở đất 2 bên bờ sông Lam, gây ngập lụt trên diện rộng, phá hủy các công trình hạ tầng kinh tế kỹ thuật thiết yếu, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân…” - ông Thao trao đổi.
Với UBND huyện Tương Dương, sau đợt lũ lụt cuối tháng 8/2018 đã quy lỗi cho các nhà máy thủy điện mà theo địa phương là đã không thực hiện đúng quy định của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 2125/QĐ-TTg ngày 1/12/2015 về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả. Đó là, sau cơn bão số 4, thủy điện Bản Vẽ tích nước với cao trình 199,91m, cao hơn mực nước quy định là 7,4m (từ lúc 23 giờ 15 phút ngày 29/7/2018 đến ngày 31/8/2018).
Thủy điện Khe Bố xả chậm với lưu lượng ít hơn tổng lưu lượng của 2 thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Bản Ang xả về, gây ngập cao trình tại các xã Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái và thị trấn Hòa Bình. Công tác cảnh báo lũ qua trạm quan trắc của thủy điện Bản Vẽ rất hạn chế. Hiện nay chỉ có 1 trạm quan trắc đặt tại xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn), cách đập thủy điện khoảng 60km. Bởi vậy, không đủ thời gian để xử lý khi có lũ từ thượng nguồn về. Với thủy điện Khe Bố, không có trạm quan trắc kể cả thượng lưu và hạ lưu. Bên cạnh đó, các lòng hồ thủy điện theo từng năm đã bị bồi lắng, nhất là đối với lòng hồ của thủy điện Khe Bố. Do đó, việc duy trì mực nước cao trình như hiện tại đã không còn phù hợp.
Đặt ra câu hỏi thị trấn Mường Xén bị lũ lụt trong đợt hoàn lưu bão số 4 có tác động từ thủy điện hay không? Theo ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng NN-PTNT, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kỳ Sơn thì có tác động. Ông Trường cho biết, trên địa bàn có 5 nhà máy thủy điện đang hoạt động, gồm: thủy điện Ca Nan 1, Ca Nan 2, Nậm Mô, Nậm Cắn và Bản Cánh. Trong đó, thủy điện Nậm Mô xây đập chắn trên dòng Nậm Mộ, trên thị trấn chỉ gần 3km. Ngày 17/8/2018, hồi 8h sáng, thủy điện Nậm Mô báo cho Ban qua điện thoại, thông báo sẽ xả lũ cường độ 1.200m3/s. Hơn 1h đồng hồ sau đó, thị trấn Mường Xén bị ngập lụt. Ông Trường nói: “Nhà máy xả lũ với cường độ lớn mà chỉ báo trước 1h đồng hồ thì làm sao cán bộ, nhân dân thị trấn Mường Xén có sự chuẩn bị. Làm sao kịp thời ứng phó lũ lụt…”.
Về việc thị trấn Mường Xén bị lũ lụt, ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, sáng hôm đó (ngày 17/8 – PV) ông đang cùng Bí thư Huyện ủy Vi Hòe từ TP Vinh ngược lên Kỳ Sơn. Khoảng 8h sáng, khi đến địa bàn huyện Con Cuông thì nhận được điện thoại của Nhà máy thủy điện Nậm Mô thông báo sẽ xả lũ. Ông Hoàng đã nói ngay với Bí thư Huyện ủy, tình hình này thị trấn Mường Xén nguy rồi. Đang có mưa lớn, nước ở hạ du dâng cao, thêm thủy điện xả lũ với cường độ lớn làm sao tránh khỏi ngập lụt. Đến 9h30, thị trấn Mường Xén bị ngập…
Chỉ trong thời gian chưa đầy nửa tháng, các huyện Tây Nghệ An trên tuyến Quốc lộ 7 đã hai lần phải chịu thảm họa lũ lụt. Lũ lụt vùng núi cao là một nghịch cảnh. Qua những trận lũ lụt tháng 8/2018, cần phải nhận thấy rằng thủy điện đã “góp phần” gây nên những thiệt hại to lớn không chỉ đối với người dân mà cả với tài sản công; bên cạnh đó, còn tạo ra những băn khoăn, lo lắng trong nhân dân, cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, cần nhìn vào thực tế để có đánh giá chính xác; nghiên cứu xem xét những đề xuất của các huyện trực tiếp bị lũ lụt; để từ đó, có những giải pháp triệt tiêu được hệ lụy!

NHẬT LÂN
Source:




Wednesday, September 19, 2018

Thông cáo về việc tẩy chay tham vấn đập thủy điện Pak Lay


Vietnam Rivers Network
Mon, Sep 17, 2018, 4:52 PM
[VRN] Thông cáo về việc tẩy chay tham vấn đập thủy điện Pak Lay

Kính thưa quý vị,

Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC) dự kiến sẽ tổ chức diễn đàn tham vấn các bên liên quan cấp khu vực về dự án được đề xuất của thủy điện Pak Lay, dự kiến vào ngày 20 đến 21/9/2018 tại Viêng Chăn (Lào).

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và các thành viên của Mạng lưới đã quyết định không tham gia các buổi họp tham vấn về xây dựng đập thủy điện Pak Lay do MRC tổ chức tại Viêng Chăn vì những lý do:

– Chính phủ Lào đã không tôn trọng các ý kiến tham vấn đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực hạ lưu khi xây dựng đập thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng.

– Báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội của đập thủy điện Pak Lay đã sử dụng lại khoảng 90% nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội thủy điện của đập Pak Beng.

– Chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện tại Lào bằng mọi giá bất chấp các hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông Mê Công và tác động xấu tới sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông Mê Công.
  

Chi tiết quan điểm của VRN vui lòng xem tại đây.

VRN hi vọng nhận được sự ủng hộ cũng như những ý kiến đóng góp từ phía quý vị trong vấn đề này.

Trân trọng,
Ban thư ký VRN

Thông cáo báo chí về việc tẩy chay tham vấn đập thủy điện Pak Lay tại Viêng Chăn, CHDCND Lào
Đăng vào 17/09/2018 

Đập Pak Lay là đập thủy điện thứ tư trên dòng chính ở hạ lưu sông Mê Công được Chính phủ Lào đưa vào kế hoạch tham vấn với các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế (MRC), sau khi đã khởi công xây dựng các đập thủy điện Xayaburi (2012), Don Sahong (2015) và chuẩn bị xây dựng đập Pak Beng.

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) và các thành viên của Mạng lưới quyết định không tham gia các buổi họp tham vấn về xây dựng đập thủy điện Pak Lay do MRC tổ chức tại Viêng Chăn, CHDCND Lào vào ngày 20 tháng 9 năm 2018 vì những lý do như sau:
Chính phủ Lào đã không tôn trọng các ý kiến tham vấn đóng góp của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực hạ lưu khi xây dựng đập thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng

Các góp ý bao gồm cần đánh giá đầy đủ tác động môi trường và xã hội của ba đập thủy điện nêu trên, trong đó, cung cấp thông tin cụ thể về thay đổi thiết kế cầu dẫn cá của đập Xayaburi, chia sẻ kết quả sau tham vấn và hoãn thi công các dự án thủy điện này cho đến khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới của MRC. Năm 2015, VRN và các thành viên đã chia sẻ các quan ngại của cộng đồng sinh sống tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) về việc đập Don Sahong tác động nghiêm trọng tới môi trường và nguồn sinh kế của họ do MRC tổ chức tại Pak Se. Tuy nhiên, chúng tôi không nhận được phản hồi từ MRC và chính phủ Lào về việc này.

– Báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới môi trường và xã hội của  đập thủy điện Pak Lay đã sử dụng lại khoảng 90% nội dung của bản báo cáo đánh giá tác động xuyên biên giới  môi trường và xã hội thủy điện của đập Pak Beng. Báo cáo sử dụng phần lớn nội dung đánh giá tác động của đập Pak Beng, chỉ thay đổi tên địa danh và các địa điểm của dự án từ Pak Beng sang Pak Lay [1]. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư không nghiêm túc khảo sát thực tế và điều tra đánh giá thực trạng tác động môi trường và xã hội của dự án thủy điện Pak Lay. Như vậy có thể dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực, điều này sẽ gây ra các tổn thất to lớn tới hệ sinh thái,  môi trường và an ninh lương thực của người dân sống tại hạ lưu sông Mê Công (Các thông tin trong báo cáo đánh giá đập Pak Lay sao chép từ báo cáo của đập Pak Beng bao gồm: tham vấn công chúng thực hiện từ năm 2011, phân tích tốc độ dòng chảy (trang 219 – 222), các bảng về hiện trạng đập thủy điện tại Lào (trang 40; bảng 18, trang 135); chính sách xã hội và môi trường trong trích dẫn báo cáo của đập thủy điện Pak Lay hiện đang sử dụng Chính sách phát triển bền vững của Lào năm 2005, trong khi đó chính phủ Lào đã công bố chính sách thủy điện và thi hành các hướng dẫn sử dụng chính sách này vào năm 2015 và 2016, số  liệu về thủy sản, thủy văn đã sử dụng các số liệu cũ, không cập nhật…)

– Chính phủ Lào vẫn giữ quan điểm tiếp tục xây dựng các đập thủy điện tại Lào bằng mọi giá bất chấp các hệ lụy xấu gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái của sông Mê Công và tác động xấu tới sinh kế của người dân sống ở hạ lưu sông Mê Công. Sự cố vỡ đập Xe Pian Xe Namnoy ngày 23 tháng 07 năm 2018 đã làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho vùng hạ lưu của đập tại vùng đông nam Lào, đồng thời gây lo lắng về sự an toàn của các đập ở thượng nguồn sông Mê Công có thể tác động đến các vùng hạ lưu ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Chính phủ Lào đã họp khẩn cấp và đưa ra quyết định tạm dừng xem xét các thủy điện mới và tiến hành thanh tra an toàn tất cả các đập thủy điện hiện đã và đang xây dựng [2]. Mặc dù vậy, Chính phủ Lào vẫn thúc đẩy tiến trình tham vấn thủy điện Pak Lay – thủy điện lớn thứ tư trên dòng chính hạ lưu sông Mê Công, điều này đi ngược lại với những tuyên bố của Chính phủ Lào đưa ra trước đó vào ngày 07 tháng 08 năm 2018.

Từ những lý do chính nêu trên, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nhận thấy rằng việc đóng góp ý kiến từ các Tổ chức phi Chính phủ và các cộng đồng sinh sống tại khu vực hạ lưu sông Mê Công không được Chính phủ Lào tôn trọng và xem xét cẩn thận. Cuộc tham vấn thủy điện Pak Lay sắp tới một lần nữa cho thấy rằng việc tham vấn chỉ là hình thức và Chính phủ Lào vẫn sẽ tiếp tục xây dựng đập thủy điện Pak Lay sau hai lần tổ chức Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) như quy định của MRC. Điều này sẽ làm mất thời gian, tốn công sức và tiền của các bên tham gia vào quá trình tham vấn này. Do vậy, chúng tôi quyết định tẩy chay đợt tham vấn đập thủy điện Pak Lay tại Viêng Chăn ngày 20 tháng 09 năm 2018.

Thông tin liên hệ:
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN)
Điện thoại: 024 3773 0828
Email: rivervietnam@gmail.com
Phòng 1411, Thăng Long Tower, 99 Mạc Thái Tổ, Hà Nội

[1] https://draftable.com/compare/EGrLQTTQdMsD
[2] https://news.mongabay.com/2018/08/lao-government-says-it-will-suspend-new-hydro-projects-after-dam-collapse-kills-31/