Friday, September 14, 2018

Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Quá nhiều lo ngại



Thứ năm, 13 Tháng chín 2018

Lịch vận hành bị đơn giản hóa, tính khả thi của các mục tiêu đặt ra trong dự án chưa rõ ràng, nhiều tác động chưa được đánh giá cụ thể. 

LTS: Nhận được góp ý tâm huyết của ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL về Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé , báo Đất Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.
"Tôi có rất nhiều lo ngại về dự án Sông Cái Lớn-Sông Cái Bé. Xin được tóm tắt thành 8 vấn đề như sau: Lịch vận hành bị đơn giản hóa; Tính cần thiết của công trình; Tính cấp bách của công trình; Tính khả thi của các mục tiêu đặt ra của công trình; Đánh giá tác động môi trường lạc hướng, thiếu khách quan, nhiều tác động chính bị bỏ qua, xem nhẹ; Tác động rất lớn, có nhiều tác động cần được đánh giá; Mang tính hối tiếc cao; Tính chịu trách nhiệm.

Tôi xin phân tích cụ thể dưới đây:
1. Lịch vận hành
• Lịch vận hành như trong tài liệu dự án đang bị làm đơn giản hóa để nghe có vẻ nhẹ, nhưng lịch vận hành như thế là phi thực tế, không thuyết phục.
• Theo tài liệu, cống chỉ đóng 24 ngày trong 4 đợt từ tháng 2-3-4-5. Trong báo cáo ĐTM lại nói mỗi ngày đóng chỉ vài giờ. Do đó, ô nhiễm môi trường rất ít. Mọi phân tích tác động về sau, dựa trên trụ cột này đây (lịch vận hành). Nhưng chúng tôi cho rằng lịch vận hành này phi thực tế và đang bị làm đơn giản hóa để cho thấy tác động ít.

Câu hỏi đặt ra là:
- Chúng ta đang nói lịch vận hành cống này cho năm nào? Khô hạn, trung bình, hay năm lũ nhiều?

ThS. Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL

- Lịch vận hành đang nói về hiện tại hay tương lai? Trong khi trong tài liệu liên tục “hù dọa” về nước biển dâng trong tương lai, mà lịch vận hành cố định như thế, dựa vào mực nước hiện tại.

2. Tính cần thiết
• Những biện luận về tính cần thiết của công trình này không thuyết phục:
- ĐBSCL phải gánh trọng trách An ninh lương thực và hạn mặn 2016 ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia. Điều này không đúng, bởi vì năm 2016 hạn-mặn cực đoan như thế nhưng chúng ta vẫn xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo.
Hơn nữa, sự kiện hạn-mặn mùa khô 2016 là sự kiện cực đoan, mới xảy ra lần đầu trong 90 năm, do đó chưa thể suy ra là tình hình chung cho mọi năm được.
- Ảnh hưởng thủy điện: Làm dòng chảy kiệt ngày càng giảm. Điều này chưa có cơ sở, vì trong khi các nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Công (MRC) đều cho rằng thủy điện hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa phía Trung Quốc làm tăng dòng chảy mùa khô, tức giảm hạn mặn ĐBSCL.
- Biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

+ Sử dụng mực nước biển dâng 100cm là không có bất cứ cơ sở nào. Số 100cm này lấy từ Bảng 12 của tài liệu Tóm tắt Kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) 2016. Bảng đó không phải là bảng Dự báo, mà là bảng “Nếu” chứ không phải bảng “Sẽ” xảy ra.
+ 100cm không có trong bất cứ kịch bản dự báo nào cả. Nước biển dâng nên sử dụng Bảng 8 của bản Tóm tắt kịch bản BĐKH và nước biển dâng 2016 chứ không phải Bảng 12.
+ Tài liệu phân tích cho dự án hàng ngàn tỉ nhưng lại có những phân tích rất ngô nghê như là “Ngay cả trong trường hợp kịch bản nước biển dâng 65cm thì gần như toàn bộ vùng hưởng lợi cũng bị nước biển gây ngập. Do vậy nếu không có giải pháp công trình thì sẽ là một thảm họa với hơn 3.6 triệu dân sống trong khu vực”. 
+ Điều vô lý ở đây là 65cm là nói mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ, nhưng 3.6 triệu dân là dân số hiện nay, tức là lấy mực nước cuối thể kỷ để “hù dọa” dân số hiện nay để thực hiện công trình ngay bây giờ.
Lưu ý dâng 65cm đến cuối thế kỷ là so với giai đoạn quá khứ 1985-2005, không phải từ nay đến cuối thế kỷ còn dâng 65cm.

- Đoạn nói về U Minh và dẫn trận cháy 2002 là không đúng. Trận cháy rừng U Minh Thượng 2002 không phải do hạn hán thiếu nước, mà là do tháo nước để xây dựng công trình bên trong tại Hồ Hoa Mai vào mùa khô năm đó.
+ Nghị quyết 120 đang triển khai đang vạch ra định hướng mới cho nông nghiệp ĐBSCL. Trong lúc này, chúng ta vẫn còn đang loay hoay với tư duy và cách làm nông nghiệp cũ chạy theo số lượng, chống mặn, chống lũ, can thiệp thô bạo vào tự nhiên và công trình này là một ví dụ của tư duy cũ đó.
+ Tài liệu dự án đang diễn dịch sai về tinh thần Nghị quyết 120. Bỏ qua những nguyên tắc cơ bản của NQ120 là tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, nhấn mạnh “chủ động sống chung với nước mặn, lợ” và diễn dịch chữ chủ động là công trình là không phù hợp.
+ Lưu ý rằng “Thuận thiên” không có nghĩa là phó mặc cho thiên nhiên, mà thuận thiên là trước nhất phải hiểu những quy luật tự nhiên, tìm cách thích ứng nào hữu hiệu nhất mà không trái quy luật tự nhiên để phải trả giá đắt.

3. Tính cấp bách
• Về biến đổi khí hậu
- Trong tài liệu dự án, sử dụng kịch bản nước biển dâng cao nhất là không phù hợp. Các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng luôn hàm chứa nhiều điều không chắc chắn (uncertainties) và sẽ còn cập nhật nhiều lần từ nay đến cuối thế kỷ. Kịch bản cao nhất lại không phải là kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất.
- Đối với nông nghiệp, khi sử dụng kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì nên dùng kịch bản khả dĩ nhất mà Bộ TN-MT khuyến cáo sử dụng, tức là kịch bản RCP 4.5.
Theo đó, đến 2100 nước biển dâng phía Biển Tây chỉ 53cm, so với trung bình 1985-2005, từ nay đến 2030 chỉ dâng vài cm thôi. Không nên vội vã thực hiện công trình thế kỷ như vậy.

VietBao.vn (Theo_Báo Đất Việt) 





No comments:

Post a Comment