Thursday, December 8, 2016

Những mối đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long (bài 4 và hết) - Author: David Brown - Bình Yên Đông lược dịch

Kế hoạch cứu vãn Đồng bằng sông Cửu Long
A plan to save the Mekong Delta
David Brown
08/12/2016
Bình Yên Đông lược dịch

***


Vài nét chấm phá
Nước biển dâng và đập thượng nguồn đang quấy nhiễu vùng đất màu mỡ. Việt Nam có hành động kịp thời để ngăn chặn thảm họa hay không?
  • Kế hoạch Đồng bằng sông Mekong Mekong Delta Plan (MDP) là một thành quả nhiều năm làm việc của nhiều viên chức Việt Nam và Hà Lan, được hỗ trợ bởi một đội chuyên viên của hai quốc gia.
  • Nó là sơ đồ không chỉ để đối phó với ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và các đập thượng nguồn mà còn với một số hành động thiển cận của chính người Việt Nam.
  • Nông dân trong vùng cũng như các ngành liên hệ của Chánh phủ phải được thuyết phục tham gia vào kế hoạch.
Đây là bài cuối trong một loạt 4 bài phân tích chi tiết nhằm tìm hiểu những mối đe dọa đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và làm thế nào để đối phó.
 
Đinh Tuyên, người bạn phóng viên của tôi ở Cần Thơ, thủ phủ rộn ràng của ĐBSCL, nói: “Tôi nghĩ rằng năm nay Việt Nam nếm một tình trạng bình thường mới. Nước ngọt từ mưa và thượng nguồn ít hơn, và nước mặn nhiều hơn vì nước biển dâng”. 

Chúng tôi đang nói về một bài báo của Tuyên trong tháng 5 trên tờ Thanh niên, một nhật báo hàng đầu của Việt Nam. Nó cho thấy nước sông màu xanh, và kêu gọi sự chú ý về một hiện tượng đặc biệt: nhánh nam của sông Mekong không đục với phù sa như bình thường. 

Tuyên trích dẫn Nguyễn Hữu Thiện của IUCN: “ĐBSCL được bồi đắp do phù sa lắng đọng trong 6.000 năm. Mỗi đập được xây ở thượng nguồn trên dòng chánh hay phụ lưu sẽ làm giảm lượng phù sa của sông. Khi phù sa không còn được đẩy ra biển, tiến trình bồi đắp sẽ đảo ngược… và nó sẽ được tính trong vài thế kỷ”.
Tôi hỏi Tuyên rằng người dân mà anh gặp khi đi qua vùng này có biết gì về sự tàn phá mà thay đổi khí hậu đang dành cho ĐBSCL. 

Anh nói: “Từng chút, nó đang thấm vào. Họ để ý rằng khi mưa đến muộn, và họ phải khoan sâu hơn để có nước ngọt. Khi họ thấy một câu chuyện tương tự như chúng ta vừa nói, họ bảo ‘À, đúng rồi – điều đó có lý’. Và rồi, ở duyên hải năm nay, gần như mọi nông dân đều bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập”. 

Tôi hỏi: “Như vậy họ sẵn sàng để thích ứng với tình trạng bình thường mới?”
Tuyên nói: “Tôi nghĩ như vậy. Họ hy vọng Chánh phủ sẽ có một kế hoạch có hiệu quả”. 

Mực nước thấp ở một cửa sông của ĐBSCL. 
Đầu năm 2016, ĐBSCL trải qua một trận hạn hán tồi tệ nhất trong 90 năm. 
Ảnh: Cong Han/Thanh nien Daily News.
Các chuyên viên đứng đằng sau chiến lược “không hối tiếc”
Đã có một kế hoạch. Nó được đệ trình lên Thủ tướng trong tháng 12/2013 và có thể khả thi về mặt chánh trị. 

MDP là một công trình làm việc nhiều năm của nhiều viên chức Hà Lan và Việt Nam, hỗ trợ bởi một đội chuyên viên từ hai quốc gia. Phía Việt Nam phần lớn từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, chịu trách nhiệm về các chánh sách thích ứng và giảm thiểu thiệt hại về thay đổi khí hậu và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, người thừa kế hai ngàn năm kinh nghiệm quản trị thủy lợi [?]. Hai bộ của Việt Nam ít khi đồng ý với nhau. Tuy nhiên, người Hà Lan thường đóng tốt vai trò hòa giải. Hà Lan có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn biển, và người Hà Lan đã có một chương trình viện trợ hữu hiệu ở Việt Nam trong ba thập niên.


Ảnh ĐBSCL do vệ tinh của NASA chụp.


Đặc biệt, hai bộ của Việt Nam và đối tác Hà Lan của họ đã đồng ý một đường hướng tương đối chặt chẽ cho ĐBSCL trong 100 năm tới. Tôi đã đọc tất cả 126 trang, với một chút chật vật mặc dù tôi có 30 năm kinh nghiệm làm việc cho Chánh phủ. Tài liệu dường như được soạn bằng tiếng Hà Lan, dịch sang tiếng Việt, và sau cùng chuyển sang tiếng Anh cho Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ tương lai khác. 

Đây là bốn đoạn tóm tắt của tôi.
1.     Mực nước biển dâng, các đập ở thượng nguồn và những thay đổi trong nhịp điệu hàng năm của mùa nắng và mưa sẽ quấy nhiễu vùng ĐBSCL màu mỡ. Những nỗ lực hiện nay để sản xuất càng ngày càng nhiều lúa gạo và các hoa màu có thể xuất cảng khác thì không chắc và bền (unsustainable).
2.     Thảo một kế hoạch rút lui chiến lược và trật tự; không nên bảo vệ từng cm cuối cùng của bờ biển. Tái cứu xét trồng lúa ba mùa trong vùng thượng nguồn của ĐBSCL. Xây đê chung quanh trung tâm của ĐBSCL, tất cả (khoảng chừng) 1,5 m trên mặt nước biển. Đào một kinh dẫn nước lớn để đưa nước về phía nam và tây của sông Tiền. Bảo tồn nước ngọt bằng cách phục hồi các tầng nước ngầm và xây hồ chứa nước, bao gồm việc trữ nước theo mùa ở phía sau đê biển dọc duyên hải.
3.     Thừa nhận rằng giải pháp tốt nhất cho 1/3 diện tích hiện nay của ĐBSCL là một nền kinh tế nước lợ. Hãy bỏ lúa ở đó. Phục hồi rừng sác và tái cấu trúc phương pháp nuôi tôm cá hiện nay.
4.     Đặt kinh tế của ĐBSCL vào việc kinh doanh nông nghiệp. Tái chú trọng vào việc tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn từ nhiều loại thu hoạch nhỏ và đa dạng hơn. Sản xuất nguyên vật liệu tại chỗ. Bảo đảm nông dân có thể vay vốn để nâng cao năng lực. Giành giá trị cao hơn bằng cách thương hiệu hóa sản phẩm tốt và tiêu thụ qua các hợp tác xã. 

Hà Nội lên xe?
Điểm mạnh nhất của MDP có lẽ là đặc tính “không hối tiếc” của nó – cái mà trong một phạm vi chánh sách khác Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi là “không làm chuyện ngu”. Nó là một kế hoạch chặt chẽ vẽ đường cho một tình huống thực tế của thay đổi khí hậu, với sự uyển chuyển để điều chỉnh nếu các tiên đoán sai, lên hay xuống. Trong hơn hai năm, MDP lọt khỏi tầm mắt của người dân trong khi các viên chức của bộ và những người đối tác của họ trong Đảng Cộng sản tranh luận về những thành phần và tầm quan trọng. Trong buổi thăm viếng vào tháng 6/2014, tháp tùng bởi đại diện của các ngân hàng phát triển quốc tế và cổ võ của doanh nhân Hà Lan, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã làm hết sức mình để thúc đẩy MDP đi tới. Nhưng 2015 không phải là năm của những sáng kiến quan trọng; giới tinh hoa của Việt Nam đang bận tâm trong việc giành quyền kiểm soát đảng cho đến tháng 1/2016. 

Một “Diễn đàn ĐBSCL” ở Cần Thơ vào cuối tháng 6 báo hiệu mọi việc đang tiến triển. Thủ tướng mới của Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, xem xét chấp thuận MDP. Sau đó các Bộ Đầu tư và Môi trường nói nhiều về kế hoạch dài hạn, các mục tiêu thiết thực và trên hết, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ và tỉnh, để có thể duy trì và ngay cả gia tăng sự thịnh vượng của ĐBSCL. 

Mặc dù có mặt, Bộ trưởng Nông nghiệp đã không hưởng ứng. Đây là lý do để lo ngại một ít. Ngoại trừ có một chánh sách mạnh chú trọng đến một chiến lược “mềm”, có thể đoán được rằng Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục làm công việc nó làm tốt nhất – đổ bê tông vào trận chiến vô ích để ngăn chặn biển và ép nông dân sản xuất càng ngày càng nhiều hơn hàng hóa kém phẩm chất. 

Nông dân sẽ tham gia?
Có thể có sáng kiến trong lãnh vực nông nghiệp ở Việt Nam nếu được khích lệ đúng mức. Khoa trưởng Đề của Đại học Cần Thơ cho biết nó xảy ra khi 4 nhóm vào cuộc: các nhà khoa bảng, nông dân, doanh nhân và viên chức Chánh phủ. Điều đó xảy ra một cách ấn tượng trong thập niên 1990 khi thị trường xuất cảng là một sức hút mạnh mẽ. Tình huống nay đã khác. Nông nghiệp của ĐBSCL không còn bị thách thức bởi cơ hội; đúng hơn, là vấn đề cứu vãn một nền kinh tế kỹ nông có thể tồn tại trong thời kỳ khó khăn hơn. Đề nói, thường thường, các viên chức là những người sau cùng nhìn thấy tính ưu việt của sự thay đổi. Nhưng vào lúc này, hầu hết Chánh phủ dường như đang đồng hành với ý kiến chuyên môn về các chiến lược thích ứng. Nếu điều đó đúng, sự tham gia của nông dân là điều cốt yếu. Họ phải được thuyết phục để thay đổi tập quán của họ, không cần thiết để kiếm nhiều tiền hơn, nhưng để hạn chế thiệt hại từ hiện tượng khí hậu và ảnh hưởng ở thượng nguồn đối với lưu lượng của sông Mekong. 
Nông dân cấy lúa ở ĐBSCL. 
Ảnh: Dinh Tuyen/Thanh nien Daily News.

Tôi gặp Hồ Long Phi vào ngày cuối ở Việt Nam, sau 10 ngày thăm viếng ĐBSCL. GS Phi là một Kỹ sư thủy lợi. Được phân vai là một “chuyên viên thủy học xã hội (social hydrologist)”, ông là một chuyên viên thúc đẩy nông dân.
Tôi đánh bạo rằng MDP dường như cái mà người dân có thể đồng ý.
Ông Phi trả lời: “Tôi không đồng ý. Nó có một xác suất rất thấp để được thực hiện, ngay cả với việc hỗ trợ của các ngân hàng phát triển đa phương, vì nó không cứu xét đầy đủ quan điểm của nông dân hay tài nguyên sẵn có”. 

Ông Phi nói tiếp, “Dữ kiện khảo sát gần đây do cơ quan của tôi [Trung tâm Quản trị Nước và Thay đổi Khí hậu ở Đại học Quốc gia/Thành phố Hồ Chí Minh] thu thập cho thấy rằng việc vận động nông dân là một yếu tố quyết định trong việc thích ứng trước. Bản năng của nông dân là tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn. 80% mang nợ. Ngân hàng không cho họ vay để tối tân hóa sản phẩm của họ. Họ khó tiếp cận với thông tin sốt dẻo và có ích về thị trường. Không ngạc nhiên khi họ thận trọng với rủi ro”. 

Sau đó, tôi lướt nhanh qua MDP. Nó là một cái lều lớn. Mọi ý tưởng hay đều hiện ra. Vâng, MDP đề cập đến quan ngại của Phi ở trang 66: “Yếu tố quyết định của biện pháp này là một sự kích thích trực tiếp vào các hiệp hội nông dân; hỗ trợ trực tiếp trong việc nâng cao năng lực; nguồn tín dụng; và chuỗi mục tiêu giá trị”. Nhà sinh thái học bạn của tôi Vũ Ngọc Long nhấn mạnh đến sự phục hồi “tấm thấm tự nhiên (natural sponges)” của rừng tràm và rừng sác ở ĐBSCL mà nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Điều này được đề cập ở trang 26.

Kế hoạch của thành công
Có nhiều cái khác hơn dự đoán khi lướt qua báo chí Việt Nam, không chỉ có những dự án xây đập ở thượng nguồn hay Thiên nhiên đang quấy nhiễu nền móng của kinh tế ĐBSCL.
“Cứu vãn kinh tế ĐBSCL” cũng có nghĩa là từ bỏ các hoạt động thiển cận mà Việt Nam có thể kiểm soát, như khai thác cát ở lòng sông, phá rừng sác với quy mô lớn để làm ao nuôi tôm, tháo nước ngầm trong vùng nước lợ – những yếu tố cho đến nay góp phần làm xói mòn nghiêm trọng vùng duyên hải hơn là sự sụt giảm lượng phù sa của sông Mekong do các đập ở thượng nguồn. Điều đó có nghĩa là một đám tang trang trọng cho chánh sách an toàn lương thực cổ kính của Việt Nam, ám ảnh theo đuổi mức thu hoạch lớn lao khiến cho việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của quốc gia bị tụt hậu. 

Những người soạn ra MDP đã không ngần ngại nêu bất đồng với sự khôn ngoan bình thường. Thí dụ, họ bác bỏ những tình huống gia tăng dân số làm cơ sở cho các kế hoạch 5 năm của Việt Nam và “những viễn kiến” và ảnh hưởng của việc phân phối ngân sách hỗ trợ. Dân số ĐBSCL sẽ không tăng đến 30 triệu người vào năm 2030 ngoại trừ nền kinh tế bùng nổ ở Thành phố Hồ Chí Minh ngưng thu hút di dân và các gia đình ở ĐBSCL bỏ kế hoạch hóa gia đình. MDP cho rằng dân số sẽ tiếp tục giảm như trong thập niên qua, có lẽ đến mức tốt nhất, ít hơn nhưng vẫn thuận lợi cho ĐBSCL, vào khoảng 15 triệu. 

MDP là một hiến chương về chánh sách để phục hồi màu mỡ của đất và hạn chế ô nhiễm, khuyến khích việc đưa lương thực có giá trị cao hơn đến thị trường thế giới và những người tiêu thụ chọn lọc mới của Việt Nam, và điều đó hứa hẹn một sự đền đáp công bằng đối với các gia đình nông dân và ngư dân đã bám vào dây chuyền giá trị. Nó sẽ là một sự kiện quan trọng nếu nó được diễn dịch một cách cấp tiến và thực hiện một cách năng động. 

Đó là một chữ “nếu” lớn lao. Quyết định ở Việt Nam từ trên đi xuống, nhưng quyết định thi hành thường không đồng nhất. Các tỉnh thường giả điếc với những sắc lệnh từ bên trên mà họ không thích. Và, khi những quy định của Hà Nội chồng chéo với quyền lợi địa phương, một phong bì đầy tiền thường mua được hòa hợp mà sự chặt chẽ của chánh sách phải trả giá. 

Có lẽ biết rõ về sự thật này, MDP đưa ra một viễn kiến về hệ thống bất thường, cái mà Ngân hàng Thế giới ủng hộ với khoản vay $310 triệu để hỗ trợ cho việc thu thập dữ kiện, phân tích và quyết định trên quy mô vùng. Nó cho phép quản trị viên trong vùng, tuy chưa nêu tên, một cơ hội cạnh tranh để khắc phục những va chạm quan liêu và quyền lợi địa phương. 



Một ghe chở lúa ở ĐBSCL. 
Ảnh: Richard Vignola/Flickr. 
Các viên chức của nhiều thành phố ở ĐBSCL nói với tôi rằng các cố vấn Hà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến việc bắt buộc hợp tác của 13 tỉnh trong vùng, vì ranh giới thủy học không theo biên giới chánh trị. Nếu xảy ra, đó sẽ là điều rất tốt, họ tình nguyện. Những người trò chuyên với tôi rất rõ: Hà Nội phải thúc ép giới chức địa phương cùng làm và làm có kết quả. Tôi nghe nói những chi tiết về tổ chức và những hướng dẫn rất quan trọng cho việc thực hiện sẽ được tiết lộ trong phiên họp mùa thu của Quốc hội Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dường như được chọn để biến kế hoạch thành hiện thực. Huệ là một ngôi sao đang lên, một người ngoài miền Bắc, một kinh tế gia liên kết chặt chẽ với bộ máy của đảng. 

Ông Huệ – hay nếu không phải ông Huệ, một đồng sự cao cấp khác được giao phó để thực hiện sự thay đổi đường lối hùng tráng này – sẽ chịu thách thức để thi hành các chánh sách nhằm phục hồi màu mỡ của đất và hạn chế ô nhiễm, tích trữ và chia nước ngọt, khuyến khích đưa lương thực có giá trị cao ra thị trường thế giới và những người tiêu thụ chọn lọc mới của Việt Nam, và điều đó hứa hẹn một sự đền đáp công bằng đối với các gia đình nông dân và ngư dân đã bám vào dây chuyền giá trị. Ông sẽ phải tự tin rằng ĐBSCL có thể chế ngự những ảnh hưởng tàn nhẫn của mực nước biển dâng và các trận mưa mùa ngỗ ngược, cũng như những hậu quả của sự can thiệp vào lưu lượng sông ở thượng nguồn.
Đó là một công việc khó khăn, và khi mực nước biển dâng từ năm này qua năm khác, sự thành công chỉ là tương đối.
D. B.
Sơ lược về tác giả

David Brown là viên chức ngoại giao từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. 
Sau đó, ông là nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ ở một loạt nước Đông Nam Á khác. 
Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay được đánh giá là một chuyên gia về Đông Á cũng như những vấn đề năng lượng quốc tế. 
David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. 
Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình Biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam trên các tờ báo Asia Times, Asia Sentinel, East Asia Forum, China Economic Quarterly, Asianomics, Foreign AffairsYale Global

Nguồn bản gốc:


 

No comments:

Post a Comment