Sunday, May 31, 2020

TRUNG HOA KHÓA VÒI NƯỚC MEKONG? DỮ KIỆN RẤT QUAN TRỌNG CHO VIỆC HỢP TÁC


(Did China close Mekong tap? Data matters for cooperation)

Tarek Ketelsen, Timo Räsänen and John Sawdon – Bình Yên Đông lược dịch
The Thirdpole – May 29, 2020

Những người đàn bà đi qua vũng đánh cá trên sông Mekong gần Chiang Saen
[Ảnh: Zuma/Alamy]

Tranh cãi về hạn hán Mekong cho thấy mức nguy hiểm của việc thiếu minh bạch và bí mật về các dòng sông chung.

Các phúc trình gần đây đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy hạn hán Mekong trong năm 2019-20 do Trung Hoa gây ra – các nhà nghiên cứu của Hợp tác Australia-Mekong về Hệ thống Tài nguyên Môi trường và Năng lượng (Australia Mekong Partnership for Environmental Resources and Energy Systems (AMPERES) không đồng ý.  Phân tích gây tranh cãi sẽ phân hóa thêm các bên liên hệ, hay khủng hoảng có thể chuyển sự hợp tác khu vực sang không gian phong phú hơn?

Mekong là một trong những sông lớn trên thế giới.  Tâm điểm của hệ thống nầy là nhịp lũ – một chu kỳ nước theo mùa khi dòng chảy của Mekong phình ra với mưa mùa, mang nước, chất dinh dưỡng và phù sa từ thượng nguồn đến các đồng lụt và châu thổ.  Hầu hết các năm, nhịp lũ duy trì năng suất và đa dạng sinh học của lưu vực ở mức độ cao, nhưng trong các năm cực đoan, hạn hán hay lũ lụt có thể tàn phá các cộng đồng trong lưu vực.

Mưa ít trong năm 2019 và tình trạng hạn hán vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay khiến cho mực nước sông xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử.  Tình hình nghiêm trọng đến mức Việt nam phải công bố tình trạng khẩn cấp trong Đồng bằng sông Cửu Long, và Thái Lan phải huy động quân đội để hỗ trợ các nỗ lực cứu hạn.

Một đánh giá, được công bố trong tháng 4 bởi công ty theo dõi nguồn nước Eyes on Earth, về mực nước đo đạc tại Chiang Saen ở bắc Thái Lan nhằm mục đích tìm hiểu những gì đang xảy ra trong lưu vực Lancang (tên gọi sông Mekong ở Trung Hoa).  Một bình luận của cơ quan nghiên cứu Trung tâm Stimson ngay sau đó cho rằng nghiên cứu của Eyes on Earth là bằng chứng thuyết phục chứng minh chánh sách quản lý nước của Trung Hoa gây ra hạn hán.

Không ảnh sông Mekong ở Ubon Ratchathani, Thái Lan 
trong trận hạn hán nặng nề năm 2019. [Ảnh: Zhang Keren/Xinhua/Alamy]

Những quyết đoán táo bạo nầy nói lên những nghi ngờ từ lâu về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Hoa đối với dòng chảy ở hạ lưu Mekong, được châm ngòi bởi sự thiếu minh bạch chung quanh các hoạt động của Trung Hoa ở thượng lưu.  Vấn đề là cái nghiên cứu mới thì không thuyết phục, và những kết luận đi ra ngoài bằng chứng.

Dù thế, các kết quả và bình luận sau đó được phổ biến rộng rãi và tạo sự chú ý đáng kể trong giới truyền thông.  Phần tường trình châm ngòi cho một làn sóng tranh luận công khai cần thiết về các nguyên nhân của tình trạng thiếu nước tồi tệ trong năm nay ở lưu vực.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chung quanh việc phân tích kỹ thuật và mức độ hỗ trợ các cáo buộc về chánh sách quản lý nước của Trung Hoa.  Nó nêu lên các câu hỏi rộng hơn liên quan đến việc sử dụng và lạm dụng dữ kiện trong lưu vực sông và các hệ quả cho việc hợp tác khu vực.

Duyệt xét nghiên cứu của Eyes on Earth

Nghiên cứu của Eyes on Earth dùng dữ kiện vệ tinh để tìm hiểu về dòng chảy của sông Lancang.  Phân tích dùng ảnh vi sóng (microwage imager) để khai triển “chỉ số số ướt (wetness index)”, dùng để ước tính số lượng nước trong lưu vực sông.  Sau đó, phân tích thống kê được dùng để thiết lập sự liên hệ giữa “độ ướt” của lưu vực và mực nước hàng tháng tại trạm Chiang Saen.

Nhiều quan ngại về nghiên cứu đã được nêu lên, gồm có quan ngại của Văn phòng Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission Secretariat (MRCS)), của các học giả, cũng như của AMPERES chúng tôi.

Thứ nhất, một mô hình hồi quy (regression model) đơn giản có thể không thích hợp để mô phỏng các tiến trình thủy học phức tạp (thí dụ như động lực học của nước ngầm) của sông Lancang.

Thứ hai, sử dụng dữ kiện mực nước không thôi không đủ để biết rằng nước chảy trong sông hay được trữ trong các hồ chứa rồi được xả ra.

Thứ ba, nghiên cứu giả thiết mực nước và lưu lượng có thể thay cho nhau, nhưng chúng không thể. [Lời người dịch:  Mực nước và lưu lượng có liên hệ với nhau qua đường biểu diễn mực nước-lưu lượng (rating curve).]

Thứ tư, dữ kiện mực nước hàng tháng quá thô để phản ánh các hoạt động thủy điện xảy ra trong một thời gian ngắn hơn.

Thứ năm, dòng nước trong sông Mekong thay đổi rất lớn, và thời gian dùng trong nghiên cứu quá ngắn để cho phép xác định đáng tin cậy về sự liên hệ giữa mực nước trong sông và độ ướt trong lưu vực ở thượng lưu.

Cuối cùng, nghiên cứu không tham khảo một tài liệu được duyệt xét nhóm (peer-reviewed) về hệ thống Mekong trong 15-20 năm qua, hay bất cứ bằng chứng cho thấy nghiên cứu đã được duyệt xét nhóm – hai bộ phận bảo vệ sinh tử trong tiến trình khoa học.

Nghiên cứu của Eyes on Earth không đưa ra bằng chứng tuyệt đối về trách nhiệm của Trung Hoa, nhưng nó tiêu biểu cho một sự minh họa mới lạ (novel illustration) về tiềm năng của kỹ thuật ảnh vệ tinh để vượt qua các biên giới quốc gia và khám phá một cách độc lập tình trạng thủy học của lưu vực.  Cần phải nghiên cứu thêm để khai triển và biến thành hiện thực tiềm năng nầy.

Duyệt xét bình luận của Trung tâm Stimson

Mặc dù có những quan tâm nầy, các khám phá kỹ thuật chánh của nghiên cứu Eyes on Earth phù hợp với kiến thức khoa học hiện thời.  Thí dụ, nghiên cứu đồng ý rằng dòng chảy ở Chiang Saen bắt đầu tách rời tình trạng tự nhiên trong năm 2012 khi đập Nouzhadu (Nọa Trát Độ) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), Trung Hoa bắt đầu trữ nước.  Alan Basist, tác giả chánh của nghiên cứu, cũng xác nhận trong một cuộc phỏng vấn trên mạng (live stream) rằng lưu lượng thấp ở hạ lưu Mekong phần lớn là do hạn hán trong phần hạ lưu vực bên ngoài Trung Hoa, nhưng trầm trọng thêm vì sự kiểm soát của các đập trên Lancang.

Đánh cá truyền thống ở Đồng bằng sông Cửu Long. 
[Ảnh: Uwe R. Zimmer]

Với sự phù hợp rộng rãi giữa các khám phá của nghiên cứu của Eyes on Earth và kiến thức khoa học hiện thời, tại sao nghiên cứu lại gây ra nhiều tranh cãi đến thế?

Câu trả lời nằm ở chỗ nghiên cứu được sử dụng ra sao để làm bằng chứng cho một cốt chuyện đơn giản hóa để cáo buộc Trung Hoa gây hạn hán.  Với nghiên cứu của Eyes on Earth trong tay, Trung tâm Stimson cáo buộc rằng hạn hán ở hạ lưu Mekong là kết quả trực tiếp của chánh sách quản lý nước của Trung Hoa; rằng Trung Hoa đang tích trữ nước.

Trung tâm Stimson cũng cáo buộc rằng lập trường của Trung Hoa về nước Mekong là “không có một giọt nước nào của Trung Hoa được chia sẻ nếu Trung Hoa chưa dùng trước hay các nước ở hạ lưu phải trả giá,” và rằng tuyên bố của Trung Hoa để đoàn kết với các láng giềng ở hạ lưu là sai.

Cơ quan nghiên cứu kết luận rằng mặc dù lưu vực Lancang nhận một lượng nước mưa và tuyết tan trên trung bình, gần như tất cả nước bị chận ở phía sau các đập của Trung Hoa.  Điều nầy mâu thuẫn với một nghiên cứu trước đây.  Thật vậy, tính toán của chúng tôi cho thấy rằng tất cả 11 đập trong chuỗi chỉ có thể chứa khoảng 35-37% lưu lượng trong mùa mưa của năm trung bình, và ít hơn trong năm có nhiều nước hơn trung bình.

Các kết luận chánh trị được Trung tâm Stimson rút ra và phổ biến rộng rãi không được nghiên cứu của Eyes on Earth chứng minh.  Những cáo buộc nầy đại diện cho việc chánh trị hóa dữ kiện.  Một hành động có nguy cơ đục khoét sự toàn vẹn của các nỗ lực mà cộng đồng nghiên cứu đã xây dựng qua nhiều thập niên, một nền tảng với bằng chứng đáng tin cậy về hoạt động của hệ thống Mekong.

Hạn hán giống nhau

Trong khi dữ kiện châm ngòi cho việc tranh cãi 2019-20 thì mới, kiểu mẫu mà hạn hán nghiêm trọng trong lưu vực gây tranh cãi thì không.  Các trận hạn hán trong năm 2010 và 2016, và mối liên hệ của chúng với vai trò của thủy điện, cũng là nguyên nhân của việc tranh cãi chánh trị trong lưu vực.  Kiểu mẫu là một khủng hoảng vì thiếu nước quan trọng tàn phá các cộng đồng địa phương, và phản đối và lo ngại bùng lên khiến cho các quốc gia Mekong ở hạ lưu yêu cầu Trung Hoa minh bạch hơn về các hoạt động của họ ở thượng lưu.

Trung Hoa bị châm chích bởi sự chỉ trích, và trong một cố gắng để ngăn ngừa tình thế, công bố dữ kiện giới hạn về hoạt động thủy điện trong tỉnh Yunnan.  Nhưng dữ kiện không đủ để kết luận, và đối với các chánh phủ và xã hội dân sự ở hạ lưu Mekong, vẫn còn mơ hồ về vai trò của chuỗi đập Lancang đối với sự thay đổi dòng chảy ở hạ lưu.  Khi tình trạng hạn hán dịu bớt, sự thúc đẩy để theo đuổi hợp tác khu vực cũng giảm theo, cho đến lần khủng hoảng tới.

Dữ kiện trở thành tâm điểm của việc thương thảo giữa nhiều diễn viên chia sẻ cùng nguồn nước nhưng có quyền lợi, giá trị và ưu tiên khác nhau.  Nó cũng làm cho dữ kiện dễ bị bóp méo hay giấu kín.  Lạm dụng dữ kiện có thể truy ngược về một nỗ lực để kiểm soát kết quả của quyết định, để che đậy ảnh hưởng của các dự án đầu tư, quy hoạch và chánh sách, và chế ngự tranh luận.

Các cáo buộc trong bài viết của Stimson là một sự diễn dịch quá lố các bằng chứng.  Các kết luận được rút ra ngoài cái mà dữ kiện thật sự cho biết.  Nhưng việc sử dụng dữ kiện như vậy đã trở nên một hiện tượng phổ biến trong việc tranh luận chung quanh Mekong.

Thí dụ, 10 năm trước, giữa lúc các lo ngại rằng các đập ở hạ lưu Mekong có thể làm sụp đổ nền ngư nghiệp Mekong, các nhà phát tiển tư nhân thường dùng nghiên cứu về các đường cá đi ở Bắc Mỹ, được xây cho cá hồi, như bằng chứng rằng “các thang cá” sẽ thành công cho hàng trăm loài di ngư của Mekong.

Dữ kiện cũng thường bị giữ lại để che dấu sự hiểu biết về hệ thống và đục khoét việc thảo luận các vấn đề xuyên biên giới trong hệ thống Mekong.  Sự do dự lâu đời của Trung Hoa trong việc chia sẻ tất cả dữ kiện với các quốc gia ở hạ lưu là một thí dụ điển hình của việc lạm dụng loại nầy.  Nhưng đây cũng là một hành động rất quen thuộc với tất cả mọi người trong lưu vực.  Thí dụ, đầu thập niên 2000s, Việt Nam do dự trong việc chia sẻ tin tức về việc xả nước từ chuỗi đập Sesan gây ảnh hưởng lớn lao cho các cộng đồng Cambodia ở hạ lưu.

Động lực để lạm dụng

Việc sử dụng chọn lọc hay bóp méo dữ kiện như thế tiêu biểu cho các nỗ lực của tất cả mọi người để ảnh hưởng việc tranh luận và đưa kết quả về phía mình.  Tác động của tình trạng thiếu nước tạo nên các cơ hội chiến lược cho các bên liên hệ dùng dữ kiện để leo thang hay xuống thang một vấn đề nhằm thực hiện mục đích chánh trị của họ.

Dàn dựng những thay đổi dòng chảy như một mối đe dọa sinh tử đối với các quốc gia ở hạ lưu để leo thang vấn đề và cho phép diễn dịch như khủng hoảng, trong đó việc sử dụng các biện pháp khẩn cấp là hợp lý.  Hạn hán và an ninh nguồn nước trở thành một đe dọa đối với chủ quyền, quan hệ ngoại giao, ổn định chánh trị quốc gia và trong các cộng đồng bị ảnh hưởng.  Việc xử lý tình trạng thủy học trong đợt hạn hán 2019-20 của Trung tâm Stimson tiêu biểu cho ý định như vậy để leo thang vấn đề.

Ngược lại, các nỗ lực để xoa dịu các quốc gia ở hạ lưu và xuống thang sự thay đổi dòng chảy có mục đích ngăn ngừa việc xem xét vấn đề như mối đe dọa cho an ninh hay ổn định và đưa nó trở lại trong khuôn khổ “chánh trị bình thường”.  Năm 2010, Trung Hoa công bố dữ kiện mực nước trong mùa khô trong các hồ chứa ở thượng lưu trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh MRC có thể xem như một nỗ lực đi trước để ngăn ngừa leo thang vấn đề.

Đối với các cộng đồng và chánh phủ ở hạ lưu Mekong, đây là một chuyện quen thuộc.  Một bên, các diễn viên leo thang vấn đề để cố gắng và thúc đẩy hành động tốt hơn. Bên kia, một số tìm cách làm êm và xuống thang để tiếp tục mọi việc không xáo trộn như cũ.  Dữ kiện không có hay ở lưng chừng.

Đây là trường hợp của các trận hạn hán trước đây, chẳng hạn như năm 2010.  Khi tình trạng hạn hán đi qua, các yêu cầu chánh trị để hành động cũng đi qua, và không có sự cải thiện đáng kể trong việc hợp tác khu vực để đối phó tốt hơn với thình trạng thiếu nước.

Giải pháp thay thế ra sao?

Ngày nay, Mekong và sự lên xuống hàng năm của nhịp lũ đang ở trọng tâm của những trao đổi liên quan đến việc phát triển lưu vực.  Trong quá khứ, nó đánh dấu sự thay đổi mùa, nay nó truyền đạt những ẩn ý xuyên biên giới về quyết định phát triển quốc gia.

Các tiến trình then chốt làm nền tảng cho hoạt động của hệ thống, chẳng hạn như sự lên xuống của Mekong, đảo ngược dòng chảy trong sông Tonlé, và vận chuyển phù sa và chất dinh dưỡng từ thượng nguồn đến các đồng lụt và châu thổ, và đường di chuyển của cá và các loại thủy sản khác tất cả đều bị đe dọa khi sự can thiệp của con người điều tiết, phân khúc và loại trừ sự nối kết.

Thủy điện, đúng vậy, ở hàng đầu của việc tranh luận.  Cùng lúc, các áp lực phát triển khác bao gồm việc nới rộng dẫn thủy và thoát thủy, đô thị hóa, phát triển hạ tầng cơ sở đại qui mô, và phá rừng đang tăng tốc.  Thay đổi khí hậu cũng mang đến những thay đổi bất định và không thể đoán trước đối với thủy học của lưu vực.  Khi tầm mức thay đổi trên hệ thống Mekong gia tăng, ảnh hưởng cũng gia tăng.  Ngày nay, lưu vực Mekong đang đối mặt với những thay đổi chưa từng thấy, từ hạn hán đến lũ lụt và sụt lún đất ở châu thổ, dòng chảy ngược trong Tonlé yếu đi và sự sụp đổ của nền ngư nghiệp nội địa.

Dữ kiện cung cấp một khí cụ giúp hiểu biết phạm vi và tính nghiêm trọng của những thách thức nầy.  Nhưng như việc tranh cãi hiện nay chung quanh  mực nước thấp trong năm 2019-20 cho thấy, làm thế nào để chúng ta tạo ra, sử dụng và diễn dịch dữ kiện rất quan trọng.

Chúng tôi thấy 5 nguyên tắc để kiến tạo và quản lý dữ kiện là cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của nền tảng bằng chứng Mekong: minh bạch, công khai (open access), duyệt xét nhóm, vô tư, và rất quan trọng, tách biệt việc tạo nên dữ kiện với toan tính chánh trị.

Dữ kiện và bằng chứng phải nhắm vào những vấn đề của tính khả chấp rộng lớn hơn liên quan đến những quyết định phát triển lớn và ảnh hưởng cộng dồn của chúng.  Như được kêu gọi nhiều lần bởi xã hội dân sự, phải có sự thảo luận rộng rãi và công khai.

Chúng tôi đề nghị học hỏi từ nỗ lực thành công nhất của con người, có thể tranh luận, để xây dựng một nền tảng bằng chứng về chánh sách đối phó – Nhóm Liên Chánh phủ về Thay đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change (IPCC)).  IPCC đại diện cho một trong những nỗ lực thành công và sâu rộng nhất để áp dụng phương pháp khoa học để mang môi trường và tính khả chấp vào tiến trình quy hoạch và quyết định chánh sách.

Sự thành công của nó trong việc triệu tập duyệt xét nhóm của nhiều nghiên cứu khoa học độc lập và sự tổng hợp vào một kiến thức tổng hợp và liên kết về thay đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó.  Phương pháp xây dựng đồng thuận nầy không chỉ đóng góp vào những tiến bộ đáng kể trong khoa học và kiến thức về thay đổi khí hậu, nó còn đưa đến sự kết hợp mạnh mẽ giữa khoa học và chánh sách. [Lời người dịch: IPCC mang rất nhiếu tai tiếng trong các quyết định khoa học, nhất là nguyên tắc “đồng thuận”.]

Đối với Mekong, một sự thẩm tra kiểu IPCC sẽ đòi hỏi trách nhiệm và giám sát của tất các các chánh phủ Mekong, một diễn đàn cho việc tham gia có ý nghĩa của xã hội dân sự và một tiến trình độc lập để đánh giá khoa học.  Phải có sự toàn vẹn trong khoa học, trách nhiệm đối với người dân của lưu vực và hợp tác thật sự giữa các chánh phủ để thành công.  Một cơ cấu như vậy sẽ ung cấp một tiến trình từ đó kiến thức về những tác động và sự chọn lựa để quản lý Mekong có hiệu quả có thể được thăm dò.

Tuy nhiên, tiến trình khoa học đến chánh sách kiểu IPCC không cần phải bắt đầu từ số 0.  Trong tháng 4 năm 2020, Thái Lan kêu gọi một nghiên cứu hỗn hợp giữa các quốc gia duyên hà để nghiên cứu vấn đề hạn hán.  Nếu nghiên cứu đó được hướng dẫn bởi các chánh phủ duyên hà, với điểm bắt đầu có ý nghĩa với xã hội dân sự vào việc thiết kế và duyệt xét sự lựa chọn chánh sách, và được hỗ trợ bởi một tiến trình khoa học độc lập và minh bạch, nó có thể hình thành một kiểu mẫu đầu tiên cho sự liên hệ phong phú hơn rất nhiều giữa khoa học, toan tính và chánh sách.

Hạn hán năm 2019-20, giống như các trận hạn hán trước đây, cung cấp một ý thức của tính khẩn cấp và có thể khích động một sự đáp ứng có phối hợp và liên kết.

Câu hỏi là: chúng ta có thể bắt đầu một tiến trình điều tra minh bạch và mạnh mẽ vào các vấn đề sẽ tạo động lượng để tiếp tục vượt qua giới hạn của khủng hoảng hiện nay?  Hay chúng ta sẽ, một lần nữa, rơi vào chu kỳ của leo thang và xuống thang theo khủng hoảng, trong đó sự nghiêm trọng của khủng hoảng nước tiếp tục leo thang trong khi sự hợp tác ngưng trệ?

.

No comments:

Post a Comment