Sunday, November 15, 2020

“KHÔNG NƯỚC, KHÔNG CÁ, KHÔNG TRỒNG”, DÂN LÀNG THAN PHIỀN

 (‘No water, no fish and no farming’, villagers complain)

Moeun Chhean Nariddh – Bình Yên Đông lược dịch

Khmer Times - November 12, 2020

 

Một người bán cá ở Kampong Cham. [Ảnh: Moeun Chhean Naridth]

Trong hơn 15 năm, nông dân Nhel Chamroeun 48 tuổi phải dậy sớm và đi đánh cá trong hồ gần làng ở huyện Kang Meas, tỉnh Kampong Cham.  Sau đó, ông trở về với số cá đánh được từ 8 đến 10 kg để bán.

Nhưng công việc hàng ngày của ông nay đã trở thành quá khứ.  Trong 2 năm qua, Chamroeun vẫn thức dậy vào lúc bình minh, nhưng ông không đi ra hồ để đánh cá nữa.  Thay vào đó, ông đi ra ruộng lúa để trồng trọt, vì ông không thể dựa vào cá ở trong hồ vì chúng càng ngày càng khan hiếm.

“Trong quá khứ, có rất nhiều cá,” Chamroeun nhớ lại.  “Số cá bắt đầu tụt giảm từ năm nầy qua năm khác.  Kh tôi ngưng đánh cá 2 năm trước, tôi chỉ có thể đánh được 2 kg mỗi ngày.”

Người cha có 3 con đổ cho việc đánh cá trái phép và việc hủy hoại rừng ngập nước, là nơi sinh trưởng của cá trong xã của ông.

Tuy nhiên, ngư dân địa phương và các nhà hoạt động về cá chỉ tay vào các đập thủy điện và thay đổi khí hậu như những thủ phạm chánh cho việc tụt giảm của cá.

Họ nói việc xậy đập dọc theo sông Mekong đã gây ra tình trạng thiếu nước và cá trong các quốc gia ở hạ lưu như Cambodia.  Họ nói một số loại cá trong sông Mekong hoàn toàn biến mất.

“Một số cá cần phải đi ngược lên sông để đến nơi sinh sản ở thượng lưu,” Bon Yon, một nhà hoạt động về cá cộng đồng ở huyện Kang Meas, nói.  “Nhưng cá không có chân và chúng không thể trèo qua đập.”

Yon nói rằng có 6 hồ trong huyện của ông dựa trên các hồ bảo tồn nhỏ nơi cá mới nở tràn qua từ các hồ lớn hơn khi nước sông Mekong đồ vào.  Nhưng năm nay, ông nói, nước sông đến trễ trong tháng 8 nên hồ không đầy và rút xuống sau 2 tháng.

Eang Nam, đại diện Cộng đồng Đánh cá huyện Kang Meas, đổ một phần cho thay đổi khí hậu và thiếu mưa là nguyên nhân của tình trạng thiếu nước và thiếu cá trong các hồ.

“Rất ít mưa trong năm nay, vì thế đập giữ lại hầu hết và chỉ xả một số nước nên không đủ để làm đầy các hồ,” Nam nói.

Một người đàn ông ngồi trên thuyền nơi mực nước sông Mekong xuống thấp trong tỉnh Kampong Cham. [Ảnh: Moeun Chhean Naridth]

Ông nói khoảng 50 đến 60% người dân của huyện Kang Meas sống nhờ đánh cá lẫn trồng trọt.  Tuy nhiên, ông nói, nhiều người đã ngưng đánh cá hoàn toàn vì thiếu cá.

Người đại diện cộng đồng đánh cá nói sự sụt giảm của cá đã ảnh hưởng đến tất cả ngư dân dọc theo sông Mekong ở Cambodia.

“Tuy nhiên, ngư dân trong Tonle Sap là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, vì họ sống trên nhà nổi và dựa hoàn toàn vào việc đánh cá,” Nam nói thêm.

Trong huyện Kang Meas, ngư dân như Chan Savon, 60 tuổi, nay phải làm công việc xây cất và trồng một số lúa mặc dù thỉnh thoảng họ có thể đánh cá.

“Nếu không có đủ nước trong hồ, nhiều ngư dân sẽ bỏ nghề đánh cá,” Savon nói.  “Người ở tuổi của tôi đã ngưng đánh cá vì bây giờ rất khó bắt được cá.”

Trên bờ sông trong huyện Kang Meas, những người buôn bán cá cũng bị ảnh hưởng vì cá tụt giảm.

Vào sáng sớm, Lak Cheang Ky, người buôn bán 55 tuổi, trả giá với khách hàng trong lúc moi ruột cá ở chợ trong xã Prek Koy, cách Phnom Penh khoảng 45 km về phía đông bắc.

“Có thể giảm thêm một chút nữa không, chị?”  một người mua trạc tuổi năn nỉ bà.

“Không được,” Cheang Ky trả lời.  “Giá cá tăng mỗi ngày.”

Bà nói một số cá thường được bán chỉ khoảng 1,47 đến 1,72 USD một kg, nay bán với giá 2,5 USD.

Cheang Ky, người ở trong nghề cá trên 20 năm, nói nhiều người buôn bán cá Cambodia đã mua cá từ các quốc gia láng giềng để bán ở Cambodia.

“Tôi phải mua tất cả cá nầy từ Việt Nam,” bà nói với khách hàng.

Bà nói chồng bà cũng là một ngư dân nhưng ông không thể đánh đủ cá cho bà bán ở chợ.

Những người buôn bán cá khác ở chợ của Cheang Ky cũng nói tương tự về tình trạng thiếu cá ở Cambodia.

“Cá không chỉ mắc tiền, thỉnh thoảng chúng tôi không có cá để bán, kể cả cá từ Việt Nam,” Nay Siem, 40 tuổi, nói.

Trở lại xã Sdao huyện Kang Meas, Chamroeun và các nông dân khác nay đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan như các ngư dân.

“Vì không có nước chảy từ hồ vào các hồ chứa, nông dân không thể trồng lúa,” ông nói.

Chamroeun nói chánh quyền địa phương đã dùng máy bơm để bơm nước vào hồ chứa.  Tuy nhiên, ông nói nước chỉ ở đáy hồ chứa và chỉ có các ruộng lúa ở gần mới có nước.

“Nông dân có ruộng ở xa hồ chứa như tôi không thể trồng trọt trong năm nay,” ông than phiền.  “Chắc chắn tôi sẽ cần được giúp đỡ.”

No comments:

Post a Comment