Saturday, May 20, 2017

NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐỊA MẠO ĐƯỢC THẤY TRƯỚC TỪ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG ĐẬP TRÊN LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG


Tuyen VB & Chi
4-01-2016
Zan K. Rubin, George Mathias Kondolf & Paul A. Carling

Mê Công là con sông lớn thứ ba Châu Á và thứ 11 trên thế giới. Phần thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc còn có tên gọi là sông Lan Thương (Lancang river). Hạ lưu sông Mê Công gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Với tiềm năng thuỷ điện to lớn, các hoạt động xây dựng đập trên lưu vực sông Mê Công đang được xúc tiến và mở rộng nhanh chóng. Chỉ tính riêng trên sông Lan Thương thuộc Trung Quốc, đã có đến 7 con đập đã hoặc đang được xây dựng trên dòng chính. Phần hạ lưu, 38 đập phụ lưu chắc chắn được xây dựng, cộng thêm 95 đập khác đang lên kế hoạch xây dựng trên cả phụ lưu và dòng chính (hình 1).

Tải lượng trầm tích lơ lửng trung bình của toàn sông Mê Công ước tính là 160 triệu tấn/năm, một nửa trong số này được tạo ra từ 20% thượng lưu thuộc sông Lan Thương, Trung Quốc. Khi 7 đập trên dòng Lan Thương hoàn tất, khoảng 83% lượng trầm tích của thượng lưu vực trên sẽ bị giữ lại. Gần một nửa tải lượng trầm tích tự nhiên của Mê Công sẽ bị bẫy lại tại các hồ chứa trên dòng Lan Thương. Do đó, khả năng các con đập sẽ làm thay đổi tải lượng trầm tích sông Mê Công và thay đổi đặc điểm hình thái dòng chảy và đồng bằng hạ lưu là một vấn đề rất cấp bách. Hiện có khoảng 20 triệu người sinh sống trên đồng bằng cùng với hoạt động kinh tế của họ sẽ gặp rủi ro do sụt lún, lũ lụt gia tăng và những biến động khác trên đồng bằng.

Hình 1: Vị trí các đập trên lưu vực sông Mê Công (Zan Rubin và ctv, 2014)

Các nhà khoa học gồm: Zan Rubin, George Mathias Kondolf, Paul Carling thuộc Đại Học California, Berkeley, Mỹ và Đại học Road, Southampton, Anh đã tiến hành đánh giá địa mạo dòng chảy Mê Công dựa trên các mô hình bẫy trầm tích (models of sediment trapping) trong các hồ chứa nhằm dự báo các biến động địa mạo trên lưu vực. Kết quả nghiên cứu được đăng tại “International Journal of River Basin Management” ngày 11/12/2014.
Trong nghiên cứu này, Zan K. Rubin và cộng sự đã tiến hành phân chia và mô tả các đoạn chính trên sông Mê Công dựa trên các kết quả nghiên cứu địa mạo trước đó – thực hiện bởi Adamson (2001), Gupta (2004), Gupta và Liew (2007), Gupta (2008), và Carling (2009) – nhằm đánh giá khả năng phản ứng của dòng chảy vùng hạ lưu sông Mê Công đối với sự thiếu hụt trầm tích. Dựa trên các dữ liệu: sự thay đổi chế độ thuỷ văn, lượng trầm tích suy giảm, tốc độ sụt lún đất, năng lượng sóng, sự mất đất ven biển,… các nhà khoa học cũng đánh giá khả năng phản ứng của châu thổ Mê Công do lượng trầm tích bị giảm đi.
Zan K. Rubin và cộng sự đã dự báo nếu tất cả các đập trên sông Mê Công được xây dựng như đã đề xuất (full-build scenario), lượng trầm tích sẽ giảm 83% cho phần lãnh thổ Trung Quốc, và lên tới 96% cho phần thuộc Việt Nam. Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh khu vực phản ứng mạnh mẽ nhất đối với tình trạng thiếu hụt trầm tích là 2 đoạn sông aluvi bao gồm: (1) đoạn từ Vientiane đến Savannakhet và (2) phần hạ lưu bên dưới Kratie, sẽ có nguy cơ xói lở bờ sông rất cao (hình 2).

Hình 2: Các đoạn sông đá gốc có thể dễ mất trầm tích bề mặt, nhưng sẽ không có biến đổi lớn do giảm tải lượng trầm tích, trong khi các đoạn sông aluvi sẽ bị khoét sâu/hoặc mở rộng do xói mòn để bù đắp cho nguồn cấp trầm tích giảm xuống (Zan Rubin và ctv, 2014).

Hiện nay, châu thổ sông Mê Công có 21.000 km2 có độ cao nhỏ hơn 2m so với mực nước biển và 37.000 km2 đất bị ngập thường xuyên. Khu vực này được xem là tương đối ổn định trong hầu hết thế kỉ 20. Tuy nhiên, vài thập kỷ gần đây, kết hợp với sự gia tăng của mực nước biển, sụt lún đất do khai thác nước ngầm, thất thoát trầm tích ven biển do hoạt động chỉnh trị dòng chảy, mất trầm tích do trong hoạt động khai thác cát, sỏi, sự suy giảm tải lượng trầm tích do xây dựng các đập sẽ làm cho châu thổ bị nhấn chìm, diện ngập lụt mở rộng, gia tăng đáng kể tốc độ mất đất.
Do dữ liệu về về tốc độ sụt lún, phân bố trầm tích, và mực biển dâng chân tĩnh không chắc chắn, các tác giả đã sử dụng nguồn dữ liệu toàn cầu làm cơ sở dự báo sự thiếu hụt trầm tích khi xây dựng đầy đủ các đập trên sông Mê Công (hình 3).


Hình 3: Bộ dữ liệu 24 châu thổ trên toàn thế giới cho thấy mối quan hệ của giảm trầm tích dẫn đến giảm bồi tụ. Đặc biệt, sự giảm trầm tích hơn 80% gần như trên khắp các châu thổ. Kịch bản xây dựng đầy đủ các đập sông Mê Công sẽ dẫn đến giảm 96% trầm tích và sau đó sẽ chấm dứt hoàn toàn sự lắng đọng trầm tích ở châu thổ (Zan Rubin và ctv, 2014).

Như vậy: Nếu tất cả các đập được xây dựng như đề xuất, kết quả giảm 96% trong cung cấp phù sa sẽ có hậu quả sâu sắc đến năng suất của các dòng sông và sự ổn định các dạng địa hình châu thổ. Những chiến lược để chuyển trầm tích qua đập nên được thực hiện để giảm sự thiếu hụt đáng kể nguồn cấp trầm tích và các tác động liên quan.

Các tác giả cho rằng do dữ liệu hạn chế, những hệ thống chưa được hiểu rõ như Mê Công, việc thực hiện các mô hình chi tiết chưa được tiến hành do thiếu các dữ liệu tin cậy và lâu dài để hiệu chỉnh. Bằng cách dựa vào các dữ liệu toàn cầu, các tác giả hy vọng cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong lưu vực sông Mê Công một số thông tin hữu ích về các xu hướng có thể xảy ra cho đến khi các công cụ dự báo và mô hình hóa chính xác hơn được thực hiện.

Lược dịch từ:
Anticipated geomorphic impacts from Mekong basin dam construction.
Article in International Journal of River Basin Management. December 2014
Xem chi tiết tại:

No comments:

Post a Comment