Khu vực xây đập Pak Beng trên sông Mekong tại tỉnh
Oudomxay, Lào.
(Ảnh: Hùng Võ/Vietnam)
“Việc nước sông dâng bất thường vào mùa cạn, nguồn cá giảm
khoảng 60-70% là do thủy điện ở trên thượng nguồn tích nước, xả lũ. Vì thế, nếu
tới đây, các đập thủy điện tiếp tục được xây dựng, ngôi làng của chúng tôi có
thể sẽ bị ngập, hoặc phải sống chung với lũ,” Trưởng làng Huileak lo lắng.
Nỗi lo thủy điện
Tại buổi thảo luận với cộng đồng lưu vực sông Mekong, ông
Thongsook Inthavong, Trưởng làng Huileak cho biết: Ngoài các đập thủy điện đã
“mọc” trên thượng nguồn, trong năm 2017, trên dòng chính hạ lưu sông Mekong sẽ
có thêm đập thủy điện mang tên Pak Beng.
“Làng chúng tôi nằm sát biên giới Lào – Thái Lan, nên đập
thủy điện Pak Beng được xây dựng, người dân trong làng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
về sinh kế, vì cá không thể di cư, và nhiều khả năng sẽ bị ngập,” ông Inthavong
buồn rầu nói.
Ông Inthavong cũng cho biết, vì lo ảnh hưởng đến hơn
1.600 người dân trong làng, nên họ đã nhờ các chuyên gia nghiên cứu về mức độ ảnh
hưởng của dự án thủy điện. Theo đó, làng Huileak cao 315m so với mặt nước biển,
nhưng nếu xây dựng đập thủy điện, mực nước lòng hồ sẽ ngập 335m trong mùa khô.
Vì thế, làng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
“Theo số liệu của nhà đầu tư xây đập thủy điện Pak Beng
thì vị trí xây đập thủy điện cách khu làng bị ngập khoảng 97km, tuy nhiên người
dân chúng tôi đo được chỉ có 80km (tính bằng km tàu đi lại trên sông). Con số
này thật sự khiến chúng tôi lo lắng,” ông Inthavong nói thêm.
Để rõ hơn về dự án thủy điện Pak Beng, chúng tôi tiếp tục
hành trình xuôi xuống tỉnh Oudomxay, nơi dự án đập thủy điện Pak Beng, do Công
ty Datang Overseas Investment Co., Ltd. (Datang) của Trung Quốc thiết kế và đầu
tư, dự kiến sẽ được xây dựng trong năm 2017.
Theo thiết kế, dự án đập thủy điện Pak Beng có chiều cao
tối đa của đập khoảng 64m, chiều dài đỉnh đập khoảng 896,70m; công suất lắp đặt
912 MW với sản lượng 4.775 GWh điện mỗi năm. Đây là dự án thủy điện thứ ba trên
dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào, sau thủy điện Xayaburi và Don
Sahong.
Pak Beng là dự án nằm trên cùng phía thượng nguồn trong số
11 con đập dự kiến được xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mekong. Nằm cách
trung tâm thị trấn Pak Beng, tỉnh Oudomxay khoảng 14km về phía Bắc, dự án đập
thủy điện này dự kiến sẽ tạo ra khoảng 4.775 GWh điện mỗi năm.
Theo kế hoạch, 90% điện sản xuất từ dự án này sẽ được bán
cho Thái Lan và 10% còn lại do Tập đoàn Điện lực của Lào phân phối trong nước.
Công trình đập Pak Beng dự kiến được khởi công năm 2017, hoàn tất vào năm 2023
và bắt đầu đi vào hoạt động thương mại năm 2024.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus trong hai ngày (16 và
17/3/2017) cho thấy, tại khu vực dự án thủy điện Pak Beng đã xuất hiện một số
máy xúc, máy ủi đang tiến hành san lấp ven bờ. Những chiếc xe tải liên tiếp chở
vật liệu xây dựng xuống đổ thành từng đống lớn để làm đường dẫn vào khu vực xây
dựng đập.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở Ủy ban Mekong, ông
Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia độc lập về quản lý lưu vực sông chia sẻ: “Đập Pak
Beng là đập dâng có chế độ vận hành theo ngày. Khi hoàn thành, đập sẽ chắn
ngang, chia dòng sông thành hai khúc. Việc này có thể gây ngập một số khu vực
ven sông.”
Mức độ ảnh hưởng ra sao?
Khu vực dự kiến xây dựng đập Pak Beng là một vùng miền
núi trù phú, nơi người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp, chăn thả gia súc
và đánh bắt cá trên sông. Các ghềnh thác, hồ và hệ sinh thái phức tạp ven sông
biến khu vực này trở thành môi trường sống của nhiều loài cá và thủy sinh.
Theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Ủy hội
sông Mekong, đập Pak Beng có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực cao nhất tới người
nghèo so với các đập trên dòng chính hạ nguồn, với 223.659 người có nguy cơ chịu
ảnh hưởng gián tiếp tại 8 huyện của Lào.
Ước tính số lượng người bị di dời do xây dựng đập Pak
Beng là 6.700 người. Pak Beng sẽ làm ngập 1.657ha đất nông nghiệp, trong đó có
những vùng đất nông nghiệp quan trọng ở Bắc Lào. Ngoài ra, dự án đập Pak Beng
được cho là có ảnh hưởng đến khu vực Biển Hồ – Campuchia, và đặc biệt là Đồng bằng
sông Cửu Long của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Trưởng nhóm Tư vấn đánh
giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mekong, đập Pak Beng có chế
độ vận hành theo ngày, dự kiến hoạt động khoảng 8-12 giờ/ngày. Tuy nhiên đối với
những năm khô hạn, chỉ riêng đập này sẽ làm nước chậm về hạ lưu đến 2 ngày.
“Tương tự, các đập khác nhau trong chuỗi 11 đập đều có khả
năng lưu nước từ 3 ngày đến 3 tuần. Như vậy, trong những năm khô hạn, đập Pak
Beng cùng với các đập khác sẽ làm nước chậm về Đồng bằng Sông Cửu Long từ một đến
vài tháng, gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô ở ‘vựa lúa số 1’ của
Việt Nam,” ông Thiện phân tích.
Ngoài ra, ông Thiện cũng cho biết, đập Pak Beng sẽ góp phần
làm giảm năng lượng dòng chảy (tính bằng MW/km hay kW/m). Đây là lượng năng lượng
bị mất đi khi di chuyển qua một đoạn chiều dài sông do sự tiêu tán năng lượng.
Khi đắp một đập thủy điện như Pak Beng, năng lượng phân bố dọc chiều dài dòng
sông sẽ được tập trung tại vị trí đập để phát điện.
Năng lượng dòng chảy xả tập trung tại một điểm sẽ làm
thay đổi hiện trạng dòng chảy Mekong, theo đó sẽ ảnh hưởng đến sự vận chuyển
phù sa, vận chuyển chất hữu cơ, sự di cư của cá, thiệt hại phương tiện giao
thông thủy, đánh bắt cá. Sự thay đổi đột ngột mực nước quá lớn sẽ ảnh hưởng đến
hệ sinh thái tự nhiên.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn các bên lên quan khu vực
về Hội đồng nghiên cứu và dự án thủy điện Pak Beng với chủ đề “Chia sẻ, lắng
nghe và hành động” khai mạc tại Luang Prabang, Lào vào ngày 22/2/2017, Bộ trưởng
Tài nguyên và Môi trường Lào Sommath Pholsena cho biết, Lào sẽ nỗ lực để có tiến
trình tham vấn hiệu quả và có ý nghĩa về dự án này.
Bộ trưởng Pholsena cho biết đây là lần thứ ba Ủy hội sông
Mekong tổ chức tiến trình tham vấn trước và nó sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia
được thông báo là Campuchia, Lào và Việt Nam xem xét, đánh giá dự án và bày tỏ
những quan ngại chính đáng. “Nó cũng cho phép quốc gia đề xuất dự án là Lào hiểu
hơn về những quan ngại này và xác định các biện pháp xử lý,” ông Sommad
Pholsena nói.
Source: VIETNAM RIVERS NETWORK
|
No comments:
Post a Comment