Wednesday, May 10, 2017

Ngày đêm phập phồng bên bờ sông sạt lở



Cập nhật ngày: 08/05/2017

ĐTO - Những ngày qua, hàng trăm hộ dân sống ở ven sông Tiền thuộc khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình sống trong tình trạng phập phồng lo sợ trước sự diễn biến phức tạp của tình hình sạt lở.


Nhiều nhà dân bị sông Tiền nuốt chửng sau sạt lở

Sạt lở đang diễn biến phức tạp
Tình trạng sạt lở ở khu vực xã Bình Thành cặp sông Tiền kéo dài nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nhất là năm nay, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, trong 2 ngày 3 - 4/4/2017, dòng sông Tiền đã “nuốt chửng” hơn 150m đất chiều dài và 15m đất chiều sâu khu vực từ Mương Cả Lách đến xưởng Hạt điều thuộc ấp Bình Hòa, xã Bình Thành khiến 11 căn nhà, kho của người dân phải di dời khẩn cấp.

Tiếp sau đó, từ ngày 7 - 8/4/2017, sạt lở tiếp tục xảy ra từ Mương Cả Lách đến Hợp tác xã Bình Hòa thuộc ấp Bình Hòa, xã Bình Thành với tổng chiều dài khu vực sạt lở 60m, lở sâu vào đất liền 15m, ảnh hưởng đến 3 hộ dân, 1 hợp tác xã của xã Bình Hòa và 1 đài nước.
Theo ghi nhận của địa phương, hiện tại tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp tục lấn sâu vào Quốc lộ 30 - tuyến quốc lộ huyết mạch nối liền tỉnh Đồng Tháp và Vương quốc Campuchia. Hiện tại có những đoạn sạt lở chỉ còn cách Quốc lộ 30 từ 15 - 25m.

Ông Võ Văn Thanh ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, cho biết: “Khu vực này trước đây vẫn có sạt lở nhưng không nghiêm trọng và nguy hiểm như bây giờ. Trước đây, sạt lở chỉ xảy ra vào mùa khô, trước khi sạt lở luôn có dấu hiệu nền đất nứt nẻ nên người dân có thể chủ động ứng phó. Còn bây giờ, dòng sông cứ bình lặng nhưng rồi bất ngờ “hung dữ” nuốt chửng hàng trăm mét đất và nhà cửa. Giờ người dân khu này luôn phải sống trong cảnh phập phồng vì không biết khi nào “hà bá” tiếp tục kéo nhà mình xuống sông”.

Qua khảo sát sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài Nguyên và Môi trường Đồng Tháp, khu vực lòng sông đoạn sạt lở cách bờ 10m có nhiều đoạn sâu trung bình từ 7m đến trên 20m. Ngoài ra, cũng phát hiện có 1 hố xoáy cách bờ 100m có độ sâu 35 - 36m.
Nguyên nhân sạt lở là do khu vực bờ Tây sông Tiền thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bồi lắng, trong khi đó khu vực sạt lở ở bờ Đông nằm ngay đoạn sông cong, dòng chảy đâm thẳng vào bờ phía xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, kết hợp nền đất yếu do đó gây sạt lở nghiêm trọng.
Theo dự báo, tình trạng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian mùa lũ và có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu.

Khó khăn trong việc di dời
Hiện nay, toàn bộ khu vực sạt lở xã Bình Thành cặp sông Tiền ven Quốc lộ 30 có tổng chiều dài khoảng 2,3km, với 227 hộ dân đang sinh sống và các cơ sở hạ tầng, kho bãi của người dân đang hoạt động. Trong đó, có 36 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, theo ghi nhận của UBND xã Bình Thành, đến ngày 5/5 chỉ có 10 hộ di dời đến vùng an toàn, do nhiều nguyên nhân, số hộ dân còn lại vẫn chậm trễ trong công tác di dời.

Bà Trần Thị Phiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình, cho biết: “Bên cạnh những hộ chấp hành nghiêm chủ trương di dời của Nhà nước thì vẫn còn một số hộ dân chần chừ ở lại để tiếp tục công việc mua bán, đánh bắt thủy sản mưu sinh. Một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn trong việc di dời người dân ra khỏi vùng sạt lở là hiện nay các cụm, tuyến dân cư gần khu vực sạt lở đã bố trí dày đặc, riêng các cụm, tuyến dân cư ở khu vực vùng sâu hơn thì người dân không đồng ý di dời. Bởi những cụm, tuyến dân cư này nằm khá xa sông Tiền và Quốc lộ 30 gây khó khăn công việc mưu sinh của người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, địa phương cũng sẽ tính tới phương án bắt buộc người dân di dời nhằm tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra”.

Phần lớn các hộ dân thuộc khu vực phải di dời khẩn cấp đều có gia cảnh khó khăn, hiện tại do chưa có điều kiện di dời nên một số hộ có nhà bị sạt lở phải kê nới và cất nhà sát mép Quốc lộ 30 để ở, nên rất nguy hiểm.

Anh Huỳnh Văn Hoàng ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, chia sẻ: “Bao nhiêu năm dành dụm cất được căn nhà, vợ chồng tôi cũng mừng nhưng giờ sạt lở mất trắng hết rồi, nhà cũng mất, đất cũng mất, hiện tại tôi phải cất cái chòi nhỏ sát Quốc lộ 30 ở tạm. Sau lưng là bờ sông đang lở, trước mặt là quốc lộ xe chạy ngày đêm, biết là nguy hiểm nhưng giờ quá khó khăn nên không có giải pháp nào để tốt hơn”.


Quyết liệt khắc phục sạt lở
Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc giúp các hộ dân di dời nhà cửa đến các khu vực an toàn, đồng thời cử nhân viên túc trục 24/24 theo dõi tình hình sạt lở, cắm biển báo và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động phòng tránh.


Tình trạng sạt lở ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành

Ngoài ra, đối với tình huống sạt lở khẩn cấp, huyện Thanh Bình cũng xây dựng kế hoạch di dời tạm thời các hộ dân vào Trung tâm học tập cộng đồng của xã và các điểm trường học. Địa phương cũng xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh xin kinh phí đầu tư nâng cấp sân bóng đá xã thành cụm dân cư, ước tính sẽ bố trí được khoảng 57 hộ. Bên cạnh đó, huyện cũng có kế hoạch nâng cấp xây dựng đất công cặp cụm dân cư giai đoạn 2, sau khi hoàn thành, ước tính khu vực này sẽ bố trí được 20 hộ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực sạt lở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành và bảo vệ Quốc lộ 30 - tuyến giao thông huyết mạch từ TP.Cao Lãnh đi Campuchia, ngày 5/5/2017, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 82 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân vùng sạt lở, vùng ngập sâu, vùng biên giới.

Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu phục vụ di dân vùng sạt lở bờ sông; đồng thời có cơ chế kéo dài thời gian trả nợ, không tính lãi phạt đối với khoản nợ quá hạn của chương trình. Cho phép kéo dài Dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thêm 2.300m về phía hạ lưu (điểm cuối đến vàm kênh Nguyễn Văn Tiếp). Bên cạnh đó, xây dựng phương án đảm bảo an toàn Quốc lộ 30 (đoạn từ cầu Phong Mỹ đến chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình). Nghiên cứu đánh giá lòng dẫn khu vực sông Tiền đoạn giữa huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để có giải pháp hạn chế sạt lở, bảo vệ dân cư và Quốc lộ 30.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2005-2016, số điểm bị xói lở bờ sông tuy có tăng, giảm theo từng năm, nhưng nhìn chung đang có xu hướng ngày càng mở rộng. Dòng chính sông Tiền khoảng 122,9km thì có từ 23 - 101km đường bờ sông bị xói lở (chiếm 20-80%); làm mất tổng cộng 291,74ha đất do nước cuốn trôi; thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2017 đến đầu tháng 5, huyện Hồng Ngự xảy ra 3 vụ sạt lở tại xã Long Thuận, dài 116m, sâu vào bờ 10-20m, sạt lở 1.630m2 gây thiệt hại 2 bè cá, ước khoảng 217 triệu đồng, ảnh hưởng tới 1 hộ dân. Tại huyện Thanh Bình, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, dài 210m, sạt lở 1.959m2. Khu vực sạt lở này làm 36 hộ dân, 1 kho, 1 trụ sở hợp tác xã, 1 đài nước... phải di dời khẩn cấp. Sạt lở khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình chỉ còn cách Quốc lộ 30 từ 15-25m và ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ đe dọa đến Quốc lộ 30

Nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở bờ sông là do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra. Xói lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Ngoài ra, còn do các hoạt động của con người như: việc khai thác cát không đúng quy trình; nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng dẫn và sóng gió do các phương tiện thủy gây ra tình trạng sạt lở cục bộ.
Ngành chức năng dự báo sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đặc biệt trong mùa lũ; có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu.

Nền đất pha cát yếu cộng với mưa lớn những ngày qua đã gây ra sạt lở và lở dạo trên địa bàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Đáng lưu ý là ở những khu này sạt lở vẫn còn 1 số hộ dân sinh sống dù nhà chỉ cách nơi sạt lở khoảng 2 - 3m. Trong khi độ sâu nền đất đến mực nước lên đến 4 - 5m và có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Một số hộ dân còn sống gần khu vực sạt lở
Đoạn sạt lở mạnh nhất xảy ra tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận, chiều dài gần 20m, sâu vào đất liền khoảng 10-15m. Sạt lở đã mất đất đoạn nắn tuyến cũng là đường đi tạm của các hộ dân nơi đây. Hiện mặt đường chỉ còn hơn 1m nên việc lưu thông gặp nhiều nguy hiểm, nơi đây vẫn còn xuất hiện nhiều vết nứt dài.
Theo UBND xã Long Thuận, hiện địa phương còn trên 300 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở cần được di dời, 1 số khác đã được bố trí vào cụm, tuyến dân cư nhưng một số hộ còn nấn ná nơi ở cũ để chăn nuôi, mua bán. Địa phương sẽ tiếp tục vận động các hộ này sớm di dời nhà cửa, tài sản vào nơi ở mới, tránh thiệt hại khi có sự cố bất ngờ xảy ra.

Minh Hồ

Mỹ Lý




No comments:

Post a Comment