Monday, May 1, 2017

Sống mòn bên Cửu Long



“Làm việc ở đây nếu có hôi một tí thì anh em thông cảm, thành phố hai tuần nay không có nước ngọt”.

Đó là lời rào trước ngại ngần của một nữ cán bộ ở Sóc Trăng với tôi, trước buổi làm việc. Không được tắm, với nhiều phụ nữ, chắc chắn là một nỗi ám ảnh. Ở đây, họ đã không có nước tắm trong hai tuần.

Ở Rạch Giá, Kiên Giang, cuối mùa khô học sinh còn phải nghỉ học sớm vì trường hết nước. Còn chuyện cả nhà rồng rắn mang can nhựa đi lấy nước về dùng là bình thường. Có lẽ bất kỳ ai ở miền Tây cũng có thể kể cho chúng ta nghe những chuyện khốn khổ trong cao điểm thiếu nước.
Tính đến tháng 5 năm ngoái, có đến 225.800 hộ gia đình với khoảng hơn 1 triệu người bị thiếu nước trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo trong tương lai gần, nhiều khu vực không còn khả năng có nước ngọt trong suốt mùa khô. Miền Tây sông nước sẽ còn gì khi không còn nước?

Đó chỉ là một trong số nhiều khía cạnh cực đoan của miền Tây những năm tháng này. Vài ngày qua cư dân bên bờ Vàm Nao ở An Giang đang sống trong sợ hãi, do tình hình sạt lở diễn ra nghiêm trọng. Hàng chục ngôi nhà đã trôi theo nước dữ, và chưa biết thiệt hại sẽ còn lớn đến đâu. Những cảnh quay mà chúng ta thấy trông giống một bộ phim hành động hơn là trong đời thực. Bên kia bờ sông Hậu, người dân nhiều khu vực ở Đồng Tháp cũng đang chịu cảnh sống bên những hố tử thần.
Thiên tai không năm nào là không diễn ra. Nhưng khi nó diễn ra với quy mô như trận hạn 90 năm mới có một lần vào năm ngoái, và hiện tượng sạt lở khi mùa mưa còn chưa đến như năm nay, cho thấy nhiều điều bất thường.

Và vì những bất thường đó, tôi không thấy hài lòng khi nhiều địa phương “mất mùa đổ tại thiên tai”. Bởi khi thiên tai trở thành quy luật, và chúng ta thất bại khi điều chỉnh quy luật đó, thì nó sẽ là chỉ dấu cho sự yếu kém năng lực thay vì ý trời.

Một nghiên cứu từ năm 2014 của một nhóm nhà khoa học từ Pháp và Quỹ WWF cho rằng khai thác cát bờ sông là nguyên nhân chính cho hiện tượng xói lở ở đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu cho biết sông Tiền và sông Hậu mất đi đến tổng cộng hơn 210 triệu m3 lượng trầm tích đáy sông trong giai đoạn 1998 – 2008. Điều trùng hợp, là hai tỉnh bị sạt lở nặng nhất, An Giang và Đồng Tháp, nằm bên 2 nhánh chính của sông Mekong này.

Đó tất nhiên chỉ là một nghiên cứu, chưa hẳn là câu trả lời cuối cùng. Nhưng ít, nhất đó là một nỗ lực truy tìm sự thật. Đáng tiếc, đó là nỗ lực của những người nước ngoài. Chỉ đến sau khi những hình ảnh Vàm Nao được thông tin rộng rãi, Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường mới chỉ đạo việc nghiên cứu, đánh giá cụ thể về hiện trạng sạt lở ở hai sông Tiền – Hậu. Tình trạng sạt lở đã diễn ra đến bao nhiêu năm để đến bây giờ chúng ta mới “nghiên cứu – điều tra”?

Trong những câu chuyện hàn huyên ở miền Tây, cụm từ “lên Bình Dương” xuất hiện nhiều như một giải pháp cuối cùng cho vấn đề môi trường và sinh kế. Đáng lo ngại hơn, giải pháp đó đang dần trở nên phổ biến: trong giai đoạn 2009 – 2014, hơn nửa triệu người miền Tây “xuất cư”, còn số lượng nhập cư chỉ là gần 100 nghìn người. Con số này có lẽ còn tăng lên nhiều sau những đợt hạn thế kỷ và sạt lở trái mùa vừa qua.

Vì sao miền Tây trù phú mà vẫn “đội sổ” cả nước về thu nhập bình quân đầu người? Những câu hỏi vì sao như thế vẫn sẽ lơ lửng nếu như không có người đi tìm câu trả lời.

Nếu nguyên nhân là thiên tai - theo cái cách lý giải của nhiều cơ quan chức năng - như biến đổi khí hậu, thì việc xây dựng bài toán ứng phó tổng thể cho hơn 20 triệu người ở đồng bằng sông Cửu Long là không thể chậm trễ. Bởi một số dự báo bi quan cho rằng đến cuối thế kỷ 21, 40% diện tích vựa lúa của Việt Nam sẽ chìm trong nước biển.

Còn nếu nguyên nhân là đến từ nhân họa? Nếu nguyên nhân là tình trạng khai thác cát lòng sông, là sự bất hợp lý trong việc điều tiết dòng chảy và trầm tích của hệ thống thủy lợi trong nước? Cho dù là thiên tai hay nhân họa, thì bây giờ cũng là lúc người dân muốn nghe một giải pháp lớn hơn việc sạt lở tới đâu tìm cách di dời tới đó; tổng quan hơn việc thiếu nước tới đâu thì... xếp hàng chờ tới đó.

Khắc Giang
Source:

No comments:

Post a Comment