08/04/2016 12:37 GMT+7
TTO - Sau khi Trung Quốc thông
báo nước này thông qua đập thủy điện Cảnh Hồng xả lượng nước lên đến 2.190m3/s
từ 15-3 đến 10-4 giúp chống hạn ở hạ lưu sông Mekong, PV Tuổi Trẻ tìm
đường đến đập thủy điện này.
Nước từ cửa xả của đập thủy
điện Cảnh Hồng đang chảy xuống hạ lưu sông Mekong, phía Trung Quốc gọi
là sông Lan Thương (ảnh chụp chiều 6-4) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Cảnh Hồng là một trong sáu đập thủy
điện thuộc tỉnh Vân Nam mà Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng. Các con đập này nằm
chắn ngang thượng nguồn sông Mekong, bao gồm: Cảnh Hồng, Nọa Trát Độ, Đại Triều
Sơn, Mạn Loan, Tiểu Loan và Công Quả Kiều.
Xả nước 2.300m3/s
Đập Cảnh Hồng cách trung tâm du lịch
Cao Trang khoảng 10-15 phút đi xe. Trên đường đến con đập thủy điện này là một
khu vực dân cư thưa thớt, hai bên đường luôn trong tình trạng bụi bặm vì các xe
trọng tải lớn liên tục di chuyển.
Bảo vệ thủy điện Cảnh Hồng khá cẩn
thận vì cảnh sát đứng án ngữ ở tất cả những con đường dẫn vào đập và ra hiệu
không cho người lạ vào bên trong.
Ở vị trí cách đập khoảng 2km, không
như trí tưởng tượng của chúng tôi, mực nước sông Lan Thương (cách Trung Quốc
gọi sông Mekong) khá thấp, nhiều khu vực nổi lên những bãi đá phủ đầy rêu, cỏ,
dù được thông báo là đã xả nước nhưng dòng chảy vẫn không mạnh.
Ở trạm thủy văn Cảnh Hồng nằm bên bờ
sông, chúng tôi gặp ông La, trưởng nhóm khí tượng thủy văn của trạm.
Ông La xác nhận từ ngày 15-3 đến 10-4
Trung Quốc xả nước với dung lượng từ 2.190-2.300m3/s xuống hạ lưu
sông Mekong. Ông cho biết lưu lượng nước xả năm nay thấp hơn nhiều so với năm
ngoái. Cụ thể, vào tháng 6-2015, lượng xả nước từ đập Cảnh Hồng đạt 3.800m3/s.
Vị trưởng nhóm khí tượng thủy văn của
trạm khẳng định trạm
này được thành lập vào tháng 6-1955,
là điểm cuối khống chế lưu lượng nước trong nội địa Trung Quốc đối với dòng
chảy chính của sông Mekong và cũng là trạm đo lường kiểm soát nước với diện
tích lớn nhất của tỉnh Vân Nam, với diện tích tập trung nước gần 142 triệu m3.
“Một năm tại khu vực này chỉ có hai
mùa là mùa khô và mùa mưa và lượng mưa trung bình hằng năm 1.142mm, trong đó có
trên 85% lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 10. Tại khu vực xung quanh
đập thủy điện Cảnh Hồng chưa bao giờ xảy ra tình trạng hạn hán" - ông La
chia sẻ thêm.
Theo các tài liệu chúng tôi thu thập
được, đập thủy điện Cảnh Hồng được người trong ngành gọi là kiến trúc dẫn đầu
trong “kiến trúc cốt cán của điện lực Vân Nam” trên sông Mekong. Đập này cao
108m, dài 705m. Nó có công suất 1.750 MW, gồm năm tuôcbin phát điện.
Đây là trạm cấp thứ 6 trong kế hoạch
hai hồ chứa 8 cấp của quy hoạch thủy điện trên dòng chính trung hạ lưu sông
Mekong.
Kế hoạch lúc đầu của trạm điện là bán
điện sang Thái Lan, nhưng vì sớm đưa vào hoạt động và thúc đẩy xây dựng con
đường “đưa điện từ tây sang đông”, tỉnh Vân Nam và Tập đoàn Hóa Năng sau khi
thỏa thuận với bên Thái Lan đã quyết định sẽ xây dựng cả trạm Cảnh Hồng và trạm
Nọa Trát Độ thành 1 tổ phát điện, do Tập đoàn Hóa Năng Mekong toàn quyền đầu tư
xây dựng.
Trạm điện xây dựng xong sẽ đưa điện
sang tỉnh Quảng Đông trước, sau đó căn cứ vào thị trường điện của Thái Lan sẽ
do Mạng lưới Phương Nam với chức năng là cơ quan hợp tác đối ngoại đưa điện
sang Thái Lan.
Một thiết bị quan trắc nước tại trạm thủy văn Cảnh Hồng - Ảnh: Q.Trung |
Kề thủy điện mà không có điện
Dọc hai bên con đường vào thủy điện
Cảnh Hồng khá vắng vẻ, lác đác vài căn nhà nhỏ ven sông.
Chúng tôi gặp ông Trương Liên Sinh,
một trong những cư dân hiếm hoi sống gần khu vực đập thủy điện, khi ông đang
giặt đồ trong ngôi nhà tranh lụp xụp.
Người đàn ông 50 tuổi thật thà cho
biết ông không để ý đến việc xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng. Ông kể cả gia
đình ông đã sống ở khu vực này gần 20 năm.
Trước khi xây các đập thủy điện dọc
sông Mekong, mực nước sông tại đây vào mùa mưa dâng rất cao, có khi ngập đến
tràn bờ, tràn nước vào nhà ông nhưng bây giờ mực nước khá thấp.
Ông kể từng làm công nhân xây dựng
đập thủy điện Cảnh Hồng và nay kiếm kế sinh nhai bằng trồng trọt, đốn củi, cạo
mủ cao su, nuôi gà, nuôi dê.
Ông cho biết người dân khu vực xung
quanh đập thủy điện đều mưu sinh bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi như ông, chứ
không sống dựa vào dòng sông Mekong. Ngay cả nguồn nước ngọt mà gia đình ông
Sinh dùng là lấy từ một dòng suối chảy ở khe núi gần đó.
Rồi ông than phiền về một điều vô
cùng nghịch lý rằng trước khi có các đập thủy điện thì nhà ông có điện sử dụng
thường xuyên, nhưng sau khi các đập thủy điện được xây xong thì nhà ông và các
nhà lân cận phải sống trong bóng tối vì thiếu điện.
Ông chạy vào nhà lấy đèn pin và điện
thoại giải thích cho chúng tôi xem, là cứ cách vài ngày lại chạy sang nhà một
người bạn để sạc điện. Ông nói ước mơ duy nhất của ông chỉ là được cấp điện, để
không còn sống trong bóng tối khi màn đêm buông xuống nữa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Đào
Trọng Tứ, giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước &
thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), cho biết các thông tin gần đây trên các
phương tiện truyền thông cho rằng Trung Quốc tăng gấp đôi lượng nước để xả
xuống hạ lưu cứu hạn cho các nước Đông Nam Á là không chính xác. “Trên thực tế,
theo thống kê của chúng tôi thì lượng xả nước của Trung Quốc so với cùng kỳ lại
thấp hơn so với năm 2014 và chỉ bằng năm 2015" - TS Tứ giải thích.
TS Tứ cũng cho biết thêm rằng sông
Mekong chảy qua sáu nước Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt
Nam.
Trong đó Trung Quốc chiếm 16% tổng
lượng nước và 18% diện tích lưu vực của dòng sông Mekong.
“Dự kiến đến năm 2020 số lượng đập
thủy điện của Trung Quốc sẽ là 8, hiện nay họ đã xây được 6 đập với tổng dung
tích hồ chứa là 11 tỉ m3, con số này sẽ nâng lên thành 30 tỉ m3 khi Trung Quốc
vận hành hết các con đập sau năm 2020” - TS Tứ nói với Tuổi Trẻ.
Ảnh hưởng tiêu cực với hạ lưu
Đánh giá về các đập thủy điện trên
dòng sông Mekong tại lãnh thổ Trung Quốc, TS Đào Trọng Tứ khẳng định: Các đập
thủy điện của Trung Quốc ở thượng lưu sông Mekong đã, đang và sẽ gây ra những
ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đối với sông Mekong.
Cụ thể, các con đập này đã làm
thay đổi dòng chảy xuống hạ nguồn, đặc biệt trong các thời điểm các hồ thủy
điện tích nước và xả nước, lượng nước thay đổi thất thường khiến cho các quốc
gia phía hạ lưu chung dòng chảy sông Mekong luôn trong tình trạng bị động để
điều phối dòng nước khi phục vụ nhu cầu của quốc gia.
Thứ hai, các con đập này trước khi
chảy xuống khu vực hạ lưu sông đã giữ lại một lượng phù sa rất lớn, theo các
phân tích thì lượng phù sa nằm phía thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ
Trung Quốc theo tính toán chiếm khoảng 50% lượng phù sa của sông MeKong.
Theo TS Tứ, nghề thủy sản của
người dân sống xung quanh dòng sông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các đập thủy điện kéo dài dọc sông
Mekong sẽ khiến các loài cá khó di cư từ vùng này sang vùng khác để sinh sản,
nhiều loài có nguy cơ bị tiêu diệt, đặc biệt với các loài cá da trơn có trọng
lượng lớn, một trong những “đặc sản” của dòng sông Mekong.
|
QUỲNH TRUNG
- NGUYỄN KHÁNH
No comments:
Post a Comment