Sunday, April 24, 2016

ĐBSCL có thể rơi vào thảm họa nếu...



08/04/2016


GS Đào Xuân Học cảnh báo, nguy cơ hạn, mặn ĐBSCL không chỉ như hiện nay

GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cảnh báo: Việt Nam phải chủ động với tình huống xấu nhất cho ĐBSCL. Bởi hạn, mặn không chỉ dừng lại như hiện nay, mà ĐBSCL có thể rơi vào thảm họa nếu Campuchia xây công trình trên sông Tonle Sap.


Giáo sư Học cho rằng, muốn có giải pháp trúng để đối phó với hạn mặn ĐBSCL, cần phải xét kỹ tới nguyên nhân.
Một là vấn đề nước biển dâng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mấy chục năm qua, nước biển đã dâng thêm khoảng gần 20cm.
Tuy nhiên, một vấn đề khác mà ĐBSCL chưa có cảnh báo, đó là trong quá trình nước biển dâng nói chung, tốc độ dâng đỉnh triều đang nhanh hơn so với chân triều (mực nước triều cao nhất tăng nhanh hơn so với mực nước triều thấp nhất).
Điều này khiến thủy triều tạo ra năng lượng triều lớn hơn, kéo theo tốc độ truyền triều ngày càng nhanh và triều xâm nhập sâu hơn theo hệ thống sông vào đất liền.


Nhiều năm qua, việc ĐBSCL xây dựng các hệ thống đê, cống ngăn mặn cũng khiến toàn bộ dòng chảy và năng lượng triều bị dồn hết vào lòng sông và đẩy mặn sâu hơn, bởi triều không còn được lan truyền ra diện rộng trên hệ thống kênh rạch như trước. Tóm lại, việc xây dựng các hệ thống cống, đê ngăn mặn, sẽ càng khiến cho đỉnh triều dâng cao, ngược lại chân triều ngày càng thấp.


Thưa giáo sư, liệu tình hình hạn, mặn ĐBSCL có thể lặp lại trong những năm tới?
Về giải pháp trước mắt, cần phải rà soát lại SX để có ngay các giải pháp phi công trình. Căn cứ vào khả năng nước ngọt hiện có, chúng ta phải có quyết định ngay trong năm nay xem nên trồng bao nhiêu diện tích lúa, bao nhiêu thủy sản; có nhất thiết phải trồng thật nhiều lúa như hiện nay hay không...
Đối với giải pháp công trình, chúng ta không thể cứ đi giải quyết sự vụ mãi, kiểu thấy con kênh nhỏ này bị mặn, dễ làm thì xây ngay cái cống ngăn mặn. Làm thế chẳng có tác dụng gì về tổng thể cả.
Trước mắt khi chưa đủ nguồn lực để triển khai các dự án ngăn mặn, giữ ngọt quy mô lớn, cần phải tận dụng kết hợp với các dự án khác để giảm đầu tư...
Điều này còn phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cực đoan, nhu cầu nước ngọt ở tất cả các nước đang phát triển vùng sông Mekong sẽ ngày càng tăng.
Ở thượng nguồn, hàng loạt NM thủy điện sẽ ngày càng tác động tiêu cực tới dòng chảy sông Mekong.
Về nguyên tắc, trong một thời gian, chu kỳ nhất định nào đó, các hồ thủy điện tích vào bao nhiêu nước thì sẽ phải xả xuống hạ nguồn bấy nhiêu.
Tuy nhiên, cao trình của đập khiến cho mực nước dòng sông ở bên trên đập và dưới hạ nguồn sẽ chênh nhau rất lớn. Cao trình đập càng cao, nước tích càng nhiều thì năng lượng điện càng lớn.
Để có lợi nhuận, các NM thủy điện luôn phải cố gắng tích nước ở mức cao nhất. Vì vậy ở giai đoạn đầu cho tới giữa mùa kiệt, nhất là năm hạn thì các hồ thủy điện gần như không xả nước.
Điều này khiến cho mùa kiệt ở hạ nguồn đến sớm hơn, và hạn sẽ càng khốc liệt hơn ở giai đoạn đầu và giữa mùa kiệt. Ngược lại tới cuối mùa kiệt, dù muốn hay không thì các hồ thủy điện cũng buộc phải xả bớt nước để đón mùa lũ mới.
Chẳng hạn vài tháng nữa, mùa mưa sẽ bắt đầu, chúng ta có đề nghị hay không thì các hồ thủy điện thượng nguồn sông Mekong cũng buộc phải xả nước mà thôi.


Tóm lại, các NM thủy điện sẽ luôn vì mục tiêu lợi nhuận, chứ chẳng phải họ xây hồ để xả nước chống hạn cho hạ nguồn. Các nước vùng nguồn sẽ ngày càng chịu tác động cực đoan, nhất là năm hạn như năm nay.
Vì thế, chúng ta đừng trông mong gì về việc tình hình sẽ cải thiện trong nay mai, mà phải tính tới những tình huống xấu hơn để tự mình cứu lấy mình. Thậm chí, tôi đã nhiều lần cảnh báo về một kịch bản có thể là thảm họa cho ĐBSCL, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ hạn, mặn như hiện nay.


Kịch bản ấy là gì thưa giáo sư?

Biến đổi khí hậu, nước biển sẽ dâng, tác động hồ chứa sẽ càng gay gắt hơn, đó là kịch bản chúng ta đã biết. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất cho ĐBSCL không chỉ có thế, mà có thể là thảm họa nếu Campuchia xây dựng công trình điều tiết nước trên sông Tonle Sap để khống chế mực nước ở Biển Hồ.
Biển Hồ vào mùa kiệt thường chỉ có từ 1,5 - 2 tỉ mét khối nước, nhưng mùa lũ thường lên tới 80 tỉ mét khối. Chênh lệch mực nước giữa mùa kiệt và mùa nước nổi của hồ này quá lớn đang ảnh hưởng tới sinh kế, môi trường của rất nhiều triệu người dân Campuchia.
Vì vậy, việc Campuchia có thể tính tới phương án xây dựng công trình trên sông Tonle Sap để khống chế ổn định mực nước Biển Hồ là chuyện rất có thể trong nay mai, nhất là trong bối cảnh nước này đang trên đà phát triển.


 Cánh đồng nhiễm hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chúng ta đặt giả thiết: Khi có công trình trên sông Tonle Sap, mùa nước nổi họ không còn để cho mực nước Biển Hồ khoảng 80 tỉ mét khối, gây ngập nặng như hiện nay nữa, mà chỉ khống chế nước ở mức 60 - 70 tỉ mét khối để tránh thiệt hại do nước hồ ngập gây ra.
Trong khi đó vào mùa kiệt, thay vì chỉ có 1,5 - 2 tỉ mét khối như hiện nay, họ có thể khống chế tích nước lên tới 10 tỉ mét khối để dự trữ cho SX, đồng thời không bị mất đi nguồn lợi thủy sản và ô nhiễm môi trường như hiện nay. Lúc ấy, ĐBSCL sẽ rơi vào thảm họa.
Bởi mùa kiệt, chúng ta sẽ mất đi khoảng 7 - 8 tỉ mét khối nước ngọt bổ sung về. Ngược lại mùa lũ, họ buộc phải xả lũ ồ ạt thì khái niệm mùa nước nổi ở ĐBSCL, mỗi ngày nước lên 5 - 10cm như hiện nay sẽ không còn nữa, mà lũ sẽ lên vùn vụt, thậm chí nửa mét/ngày. Nếu chúng ta không nhìn ra nguy cơ này, tình hình có thể rất tệ hại.
Vậy theo giáo sư, trong dài hạn, chúng ta phải có giải pháp gì để ứng phó trong bối cảnh nếu sông Mekong không còn nước?
Theo tôi, chúng ta cần phải có các giải pháp công trình căn cơ mang tính lâu dài.
Hiện nay, Chính phủ Hà Lan cũng đã có dự án tư vấn cho Việt Nam về các giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt cho ĐBSCL, trong đó đã chỉ rõ các phương án cần phải làm thế nào.
Phương án cơ bản sẽ phải bịt tất cả cửa sông, trừ cửa Trần Đề để đảm bảo giao thông, đồng thời xây dựng cống trữ ngọt cho toàn bộ các nhánh sông lớn vùng ĐBSCL.
Về ngăn mặn, trước đây chúng ta xây các công trình đê, kè, cống ngăn mặn để thuận lợi cho SX thì đã đúng rồi. Nhưng ngăn mặn phải đồng thời đi đôi với giải pháp giữ ngọt và trữ ngọt. Hiện nay, chúng ta chỉ xây các cống nhỏ ven kênh, ngăn được mặn chứ gần như không có tác dụng giữ ngọt.
Muốn giữ ngọt phải có công trình cống lớn, nhất là công trình hồ chứa lớn ven sông, ven biển thì mới có tác dụng trữ ngọt quy mô đáng kể. Nhiều chương trình, dự án và các nhà khoa học thủy lợi từ lâu cũng đã đề xuất xây các hồ chứa trữ ngọt ven sông, ven biển, kinh phí không phải là quá lớn và ngoài khả năng của chúng ta.
Cụ thể đối với khu vực TP.HCM và vùng Đồng Tháp Mười, chỉ cần xây dựng một con đê ở cửa sông Đồng Nai, nối Gò Công (Tiền Giang) tới rừng Cần Giờ (TP.HCM) và Vũng Tàu, chúng ta sẽ có một hồ chứa nước ngọt khoảng 50 nghìn ha. Theo tính toán, hồ chứa này có thể có dung tích từ 1 - 1,5 tỉ mét khối nước ngọt, đủ cung cấp ngọt cho toàn bộ vùng Đồng Tháp Mười.
Đồng thời, có thể giải quyết được ngập, lũ cho cả TP.HCM, kể cả bối cảnh nước biển dâng cao 1m thì TP.HCM vẫn không bị ảnh hưởng. Một số diện tích bên trong khu vực hồ chứa này, chúng ta cũng hoàn toàn có thể xây dựng các hệ thống dân cư, đô thị.
Hiện nay, tôi được biết đã có dự án đô thị triển khai ngay bên trong khu vực này. Nếu chúng ta có cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, lấy kinh phí từ các dự án đô thị kia để xây dựng đê thì hoàn toàn có thể có hồ chứa.
Đối với khu vực bán đảo Cà Mau, đã có nhiều đề xuất cần phải xây dựng hồ Kiên Giang, thuộc vùng vịnh Rạch Giá.
Theo đó, chỉ cần xây dựng đê cao khoảng 4m, nối hai bên cửa vịnh ra đảo Hòn Tre là sẽ có hồ chứa ngọt rộng tới 110 nghìn ha, đủ phục vụ ngọt cho cả bán đảo Cà Mau. Kinh phí để xây dựng đê theo phương án này theo tính toán là hoàn toàn trong khả năng có thể làm được.
Xin cảm ơn giáo sư!


Source:
http://nongnghiep.vn/dbscl-co-the-roi-vao-tham-hoa-neu-post161100.html

No comments:

Post a Comment