Friday, March 25, 2016

Kẻ giấu mặt tại đập thủy điện Donsahong là ai?


Thursday, 03/24/2016 - 15:34 — Kami 

Vấn đề khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, đó là nơi sinh sống của bà con nông dân Miền Tây đang bị đe dọa bởi hiểm họa khô hạn là điều đang được dư luận hết sức quan tâm. Dẫu có nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên  nhân chính chắc chắn là hệ thống 12 đập thủy điện dọc theo con sông Mekong trải dài từ Trung Quốc đến Việt nam. Đã đến lúc điều này sẽ trở thành một thảm họa về môi trường và nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia có con sông Mekong chảy qua.
Các đập thủy điện đang xây dựng ở Lào và Cambodia là điểm anh em chúng tôi hướng tới, mọi người sẽ đến đó để tìm hiểu về các đập thủy điện này và để lên tiếng nhằm đánh động dư luận về mối hiểm họa về môi trường. Trước hết là đập thủy điện Donsahong ở cực nam nước Lào, một dự án đập thủy điện mà bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi là nơi chúng tôi tìm đến để tìm hiểu.


Vị trí đập thủy điện Donsahong (Hình internet)


Được biết hiện nay Trung Quốc đã quy hoạch 20 đập thủy điện, và đã có 5 đập thủy điện đã được đưa vào khai thác và 11 con đập khác cũng đã được quy hoạch, trong đó 7 đập nằm trọn trong lãnh thổ Lào, 2 đập thuộc cả Lào và Thái Lan và 2 đập còn lại nằm trên đất của Camphuchia. Riêng tại Lào sắp hoàn thành xây dựng đập Xayaburi và bắt đầu triển khai xây dựng đập Donsahong.
Donsahong và đập thủy điện
Donsahong (ດອນສະໂຮງ), tiếng Lào có nghĩa là bãi nổi-hòn đảo có tên Sahong, đây là 1 trong 4.000 hòn đảo nằm trong lưu vực sông Mekong ở vùng Muang Khong cực nam của nước Lào, thuộc tỉnh Champasack. Địa điểm này nằm cách cửa khẩu quốc tế S'trung t'reng (Campuchia) khoảng 2 km. Từ cửa khẩu này đi ngược về phía bắc theo quốc lộ 13 - trục đường quốc lộ chạy suốt dọc nước Lào, khoảng 2 cây số sẽ thấy biển chỉ dẫn rẽ tay trái vào Bản VuenKham. Còn nếu đi tiếp, chúng ta sẽ đi tới một địa danh du lịch nổi tiếng của miền Nam Lào, đó là thác Khone (Khone Phapheng Water Fall). Đây là một kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng, mà có lẽ mỗi chúng ta nên một lần tìm đến.


Vị trí Đập thủy điện Donsahong (Hình internet)

Đối diện với (đảo) Donsahong là Donsadam, đập thủy điện Donsahong sẽ nối liền 2 hòn đảo này và sẽ nằm chắn một trong những dòng chảy trên sông Mekong tại đây.
Từ đường quốc lộ 13 rẽ trái theo đường đi vào BảnVuenKham khoảng gần 2 km, rẽ theo tay phải sẽ thấy điểm bắt đầu của Đại công trường Thủy điện Donsahong. Được biết công trình này được chính thức khởi công vào tháng 1/2016 và hiện nay đang ở giai đoạn chuẩn bị để bắt đầu tiến hành xây dựng.

Bảng cảnh báo ngay lối vào công trường xây dựng đập thủy điện Donsahong 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)
Hiện nay, con đường đất đi vào khu vực xây dựng đập thủy điện Donsahong được phủ bằng một lớp bụi dày khoảng 5-6 cm, mỗi khi có phương tiện vận tải chạy qua thì bụi đường bốc lên mù mịt, do vậy họ phải thường xuyên dùng xe phun nước để chống bụi. Song do thời tiết nóng và gió ở đây, nên cách giải quyết này xem ra không có hiệu quả.


Con đường đất đi vào khu vực đập thủy điện Donsahong 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)
Dọc đường vào đập thủy điện DonSahong, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc xây dựng con đường vận chuyển đang được tiến hành ở mức san và đắp nên đường. Nhưng cho đến lúc này, một cây cầu bê tông kiên cố dài khoảng 350 m đã được xây dựng xong, chờ ngày thông xe khi tuyến đường vận chuyển được xây dựng hoàn chỉnh. Hai bên đường là các khu tạm trú của công nhân xây dựng được xây mới khang trang, các trạm đúc bê tông, các xưởng cơ khí, trạm bảo hành xe cơ giới cũng như các khu công nghiệp hỗ trợ đã được xây dựng hoàn chỉnh và chuẩn bị đưa vào sử dụng.


Một trạm phù trợ của công trình thủy điện Donsahong gần cây cầu mới xây dựng xong 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)

Lịch nổ mìn trong công trường (Ảnh: Tưởng Năng Tiến)
Đây là một công trường xây dựng lớn mới được khởi công, hiện đang ở giai đoạn bắt đầu xây móng đập thủy điện chính nên lượng nhân công làm việc trên công trường chưa nhiều lắm. Tuy nhiên, nếu trông vào số lượng xe cộ và thiết bị phục vụ thi công thì dễ dàng thấy được nhà thầu Trung quốc đang gấp rút hoàn thành công trình này trong thời gian sớm nhất. Cho dù theo dự kiến ban đầu, công trình thủy điện Donsahong sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm 2016.


Máy móc đang chuẩn bị thi công phần chân đập sát bờ 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)
Bàn tay của Trung quốc
Theo học giả Ngô Thế Vinh, một người chuyên nghiên cứu về các tác động của hệ thống đập thủy điện trên sông Mekong: trên danh nghĩa, Dự án xây dựng đập thủy điện Donsahong sẽ do tập đoàn Malaysia Mega First Corporation Berhad tiến hành. Tuy nhiên trên thực tế thì việc thiết kế, quản lý và xây dựng dự án này lại do tập đoàn Sinohydro International, một tổ hợp của Nhà nước Trung Quốc là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm tổng thầu. Điều đó cho thấy, MegaFirst của Malayxia vốn là một công ty ít có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng thủy điện chỉ làm vai trò bình phong. Theo học giả Ngô Thế Vinh, ai cũng biết Sinohydro International là một công ty quốc doanh khổng lồ chuyên xây đập thủy điện trên toàn cầu của Trung Quốc, được xem là lớn nhất thế giới nhưng cũng đã từng mang rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại về môi sinh. Và có thể nói mà không sợ sai lầm rằng Don Sahong sẽ là một con đập Made in China. Đồng thời tác giả còn cho biết, sau thủy điện Don Sahong, Sinohydro sẽ trực tiếp nhận thầu hai dự án Pak Lay của Lào và Sambor của Cambodia.
Những nhận định nói trên của học giả Ngô Thế Vinh đã được sáng tỏ, khi chúng tôi trực tiếp đến tìm hiểu thực tế tại khu vực này. Qua trao đổi với người dân địa phương và các bằng chứng tại hiện trường đã cho thấy: Dự án xây dựng đập thủy điện Donsahong hoàn toàn là do người Trung Quốc đảm nhận thi công. Bằng chứng rõ nhất là các biển báo, biển hiệu ... đều sử dụng các thứ tiếng Lào, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.


Biển cấm trên góc phải cho thấy sự hiện diện của Công ty Sinohydro International của Trung Quốc 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)


Cổng khu vực nhà ở của công nhân Trung Quốc tại công trường thủy điện Donsahong
 (Ảnh: Tưởng Năng Tiến)

Theo TS.Trần Huy Bích cho chúng tôi biết, đôi câu đối hai bên cổng là:
Vế bên phải: Nghênh xuân tiếp phúc nhân tài vượng, (chữ "tài" ở đây là tiền bạc - mong cho người và tiền bạc đều vượng) và vế bên trái: Hòa mục gia đình sự nghiệp hưng. Theo ông, đây là cặp câu đối nhân dịp Tết tại một cư xá nhân viên, văn chương cũng thường, không có gì đặc sắc. Còn bốn chữ trên lá cờ giấy: Trung quốc thủy điện. Hàng chữ trên cột nhỏ màu trắng cạnh cổng (bên tay trái) ghi rõ: Trung quốc thủy điện, Lão qua Đông Sa hoằng (Donsahong) thủy điện trạm thạc mục kinh lý. Theo ông cho biết, tuy chữ cuối quá nhòe không đọc được, nhưng những hàng chữ này phù hợp đúng với hàng chữ tiếng Anh: Sinohydro Laos - Don Sahong Hydropower Project.

Một dãy nhà nghỉ của nhân công Trung Quốc tại Donsahong
 (Ảnh: Tưởng Năng Tiến)
Thảm họa
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), các chuyên gia bảo vệ môi trường cũng từng đưa ra cảnh báo rằng những đập trên dòng chính Me kong sẽ làm dòng chảy của con sông bị thay đổi, luợng phù sa và cá giảm đi, đường đi của cá vào mùa sinh đẻ bị chặn dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Việc phá rừng để xây dựng đập và hồ chứa nước của công trình thủy điện cũng gây ra bao tác hại cho môi truờng sống của cư dân bản địa, muông thú trong rừng…

Bà Phêng, người bán hàng cạnh đập thủy điện Donsahong 
(Ảnh: Tưởng Năng Tiến)

Đối với đập thủy điện Donsahong ở miền Nam Lào cũng vậy, theo bà Phêng một người ở bản Donsadam mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, hiện đang bán hàng cạnh khu vực chân đập thủy điện Donsahong cho biết, những người làm việc tại công trường này phần lớn là người Trung Quốc. Theo bà, những công nhân Trung Quốc ở đây rất hà tiện, ít khi mua hàng của bà, mà họ thường tự mang nước theo để uống, nếu có mua thì chỉ mua thuốc lá và còn đòi mua chịu. Nói về cuộc sống hiện tại của gia đình và bà con dân làng trong 2 bản Donsahong và Donsadam, bà Phêng cho hay, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nghề chài lưới đã và đang gặp nhiều khó khăn. Sự yên tĩnh thanh bình của vùng sông nước quê hương của bà, nay đã bị phá vỡ bởi tiếng mìn phá đá, tiếng máy móc thi công. Điều đó không chỉ làm cho con người ở đây cảm thấy bất ổn, mà kể cả con cá dưới sông hay con chim trên cây cũng dần bỏ đi nơi khác, từ đó cũng làm cho việc kiếm sống của dân làng ngày càng khó khăn hơn.
Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, khi nói về tác hại của con đập Donsahong đối với Việt nam đã khẳng định rằng: “Sản xuất lúa gạo ĐBSCL bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng.”
Kết:
Trong cuộc sống, người Việt mình số đông vốn có tính "nước đến chân mới nhảy", nghĩa là luôn có suy nghĩ bỏ mặc mọi việc trên đời và chỉ đến khi nào không làm không được, thì khi đó họ mới quan tâm. Chuyện khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long gần đây, nhất là khi dư luận xã hội và truyền thông ở Việt nam "hoảng hốt" trước thảm họa thiếu nước ở vùng đất trù phù hàng bậc nhất này, là hậu quả do hệ thống các đập thủy điện trên sông Mekong. Thì cũng là lúc các cánh đồng lúa ở miền Tây Nam bộ đã lâm vào tình cảnh đồng khô, cỏ cháy. Đến khi đó họ mới đánh động và nói đến nguyên nhân của tình trạng này.
Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến sự biến đổi khí hậu của trái đất, thì hệ thống các đập thủy điện trên sông Mekong là thủ phạm của tình trạng khô hạn, thiếu nước ở các quốc gia trong vùng hạ lưu sông Mekong. Đây là điều không thể chối bỏ. Song bản chất của vần đề cho thấy, đây là một trong những chiến lược của chính quyền Bắc kinh, thông qua việc sử dụng nguồn nước trên dòng sông này để khống chế các quốc gia thông qua việc điều tiết lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong. Việc chính quyền Việt nam đề nghị phía Trung quốc xả nước tại đập thủy điện Cảnh Hồng trong những ngày gần đây đã cho thấy điều đó. Mà việc hạn hán và nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu long, một vựa lúa trù phú nhất của Việt nam trong lúc này mới chỉ là sự khởi đầu.
Muong Khone, ngày 22/03/2015
© Kami

No comments:

Post a Comment