Sunday, May 20, 2018

Kênh chợ Gạo do ai đào?


Ths. Lê Quang Trường 06/12/2013(12/05/2018)

(hannom.org.vn ) //---Vừa qua trong một bài báo đăng trên báo Tuổi trẻ (*), nhà báo Vân Trường cho rằng Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ.

Tuy nhiên, theo một số thông tin, nhà báo Nam Sơn Trần Văn Chi, trong một bài báo(**) lại cho rằng vào năm Gia Long thứ 8, triều Nguyền đã cho dân đào kinh Bảo Ðịnh (nay là kinh Chợ Gạo) để nối liền Mỹ Tho với sông Tiền. Khi đào xong, con kinh được đặt tên là Bảo Ðịnh Hà. Sau nầy được chính quyền Pháp nạo vét và mở rộng nối dài thêm bằng xáng cạp và đặt tên kinh nầy là Canal Duperré.

Để rộng luồng dư luận chúng tôi xin phép được đăng tải bài báo “Đào kênh Bảo Định ở Phú Kiết, huyện Chợ gạo, tỉnh Tiền giang” của tác giả Ths. Lê Quang Trường đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Hán nôm (***) . MKR---//
Đào kênh Bảo Định ở Phú Kiết, huyện Chợ gạo, tỉnh Tiền giang

Ths. Lê Quang Trường 06/12/2013

(hannom.org.vn ) Tại bờ kênh Bảo Định ở gần chợ Phú Kiết huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang hiện có một bia đá ghi việc đào kênh Bảo Định.

Bia cao khoảng 80cm, rộng 45cm, dày 7cm, bằng đá xanh, không có hoa văn, nét chữ khắc mảnh, nhỏ nên rất dễ bào mòn qua thời gian nếu không được bảo quản. Tuy không có giá trị về nghệ thuật điêu khắc, nhưng lại là một cứ liệu có giá trị về lịch sử hình thành nên dòng kênh Bảo Định.

Về sự kiện đào kênh Bảo Định, sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép ở mục Sơn xuyên chí, trấn Định Tường như sau: “Bảo Định hà tục gọi là kinh Vũng Gù. Cửa sông này gối vào sông Hưng Hòa, cách phía đông bắc trấn 47,5 dặm. Ngày xưa phía đông bắc, sông nhỏ Vũng Gù chảy đến xóm Thị Cai là hết, phía tây sông nhỏ Mỹ Tho cũng xuống đông đến chợ Lương Phú tục gọi là Bến Tranh thuộc đất thôn Lương Phú là hết, khoảng giữa là ruộng đất liên tiếp từ nam đến bắc…

Năm Kỷ Mão niên hiệu Gia Long thứ 8 (1819), vua có chỉ dụ sai đo thẳng từ chỗ Thang Trông đến Hóc Đồng dài 14 dặm rưỡi, sai Trấn thủ Định Tường là Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong điều 9.679 dân trong trấn, cấp cho mỗi người một tháng là một quan tiền và một phương gạo chia làm ba phiên thay nhau đào mở, bề ngang 15 tầm, sâu 9 thước ta, 2 bên có đường cái quan rộng 6 tầm, hoặc theo đường sông cũ mà uốn nắn đào cho sâu rộng thêm, hoặc mở kinh mới để nối liền nhau, tuỳ sự tiện lợi mà làm.

Khởi công từ ngày 28 tháng giêng đến ngày 4 tháng 4 nhuận thì xong. Vua ban tên là Bảo Định hà, ai nấy đều cho là rất thuận tiện”.

Sách Đại Nam thực lục chép sự kiện này cũng vào năm 1819 như sau: “Đào cho Vũng Cù (Cù Áo) ở Định Tường thông với sông Mỹ Tho. Sai Trấn thủ Nguyễn Văn Phong lấy hơn 9.000 dân làm việc, hàng tháng cấp cho tiền gạo đầy đủ. Vài tháng công việc xong, cho tên là sông Bảo Định (Cửa sông gối vào sông Hưng Hòa, cách phía đông bắc trấn thành 47 dặm rưỡi.

Năm trước sông nhỏ Vũng Cù chảy đến quán Gai, sông nhỏ Mỹ Tho chảy đến chợ Phú Lương, quãng giữa hai sông ruộng đất Nam Bắc nối liền. Triều Hiển Tông, Thống suất Nguyễn Cửu Vân đi đánh Chân Lạp đã từng đóng quân ở đấy.

Đắp lũy dài từ quán Gai đến chợ Phú Lương, đào chỗ tận cùng của sông Vũng Cù và sông Mỹ Tho cho liền nhau dẫn nước làm hào bên ngoài, sau nhân dòng nước khơi sâu xuống, cho thành đường kênh. Nhưng đông tây dài xa nhiều chỗ quanh co nhỏ hẹp, bùn cũ ứ đọng lâu ngày cạn lấp, thuyền không đi được.

Đến nay mới nhân lối cũ mà đào sâu rộng thêm, hoặc khai kênh mới cho liền nhau, dài chừng 14 dặm, ngang 7 trượng 5 thước, sâu 9 thước). Từ đấy dòng sông thông cả, người đều được tiện lợi”.

Qua hai tư liệu trên, xác thực việc đào vét kênh Bảo Định được tiến hành vào năm Gia Long thứ 8, tức năm 1819. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức còn cho biết ngày khởi công là ngày 28 tháng giêng năm 1819 và hoàn thành vào ngày 4 tháng 4 nhuận cùng năm.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức được hoàn thành và dâng lên cho vua vào năm 1820, tức sau khi đào kênh Bảo Định 1 năm. Vả lại, Trịnh Hoài Đức cũng là một trong những người có tham gia vào công việc đào vét dòng kênh Bảo Định này, do đó, các chi tiết vừa cụ thể vừa xác thực./.

Ảnh trái: Hình ảnh vua Gia long – Hình phải Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức

Tham khảo:

(*): Kênh Chợ Gạo - yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước- báo Tuổi trẻ ngày 11/05/2018
https://tuoitre.vn/kenh-cho-gao-yet-hau-mien-tay-va-buc-anh…

(***): Đào kênh Bảo Định ở Phú Kiết, huyện Chợ gạo, tỉnh Tiền giang
http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=2223&Catid=927

No comments:

Post a Comment