Monday, September 12, 2016

Giồng và Cái (Tân Thanh quê mẹ của Nam San)


Mẹ mong gả thiếp về giồng
Ăn bông bí luộc dưa hồng nấu canh
(Ca dao)

Trong cát bùn đường giồng, tôi đã có đề cập tới rất nhiều miệt giồng ở Tiền Giang. Giồng là những dãy đất cao, có nhiều cát chen lẫn giữa các cù lao, cồn bãi trên sông Cửu Long. Giồng và cát bủn đi đôi với nhau. Nếu tính từ Long An đổ lên qua Gia Định, Thủ Đức, Bình Dương, Tây Ninh ra tới Bảo Lộc, Đà Lạt, thế đất rất cao nhưng ít giồng hơn ở miệt Tiền Giang như Mỹ Tho, Gò Công và đặc biệt Bến Tre. 

Giồng là một dãy đất phẳng, có cát rất nhuyễn. Dưới lớp cát bủn là lớp đất thịt, dễ cứng. Phải đào sâu mới có nước. Thường nước rất trong, vì đã qua lớp cát lọc kỹ. Giếng nước phải đào thoai thoải cho khỏi bị cát lở chuồi. Sau này người ta đào giếng hộc, nối chồng những ống cống xi măng đường kính hơn thước tây. Còn có những kỹ thuật dùng ống sắt đóng thật sâu và dùng máy bơm để lấy nước. 
Cuối giồng là một "con lươn" hay con lạch bao bọc. Có nhiều cây dứa cây gừa, cây dừa lá có bần dẹt điên điển quao tràm sậy cóc-kèn, cây lùn, cây rán, ô-rô... Rau gừa rau mác lục bình cù nèo mọc dày đặc. Giữa đồng thỉnh thoảng cũng có những miếng ruộng nhỏ, cũng có đìa lung với các cây trâm bầu, cỏ rứt mọc kín. 
Trong giồng thì có nhiều vuông đất bao quanh ngăn cách từng khu nhà với keo gai, me khế hay hàng tre lớp lớp. Có những cây dầu cây sao mọc bên đình làng, thánh thất, giáo đường. Có những cây da dây duối bên chùa bên miếu, cây me tây cây điệp bèo sân trường học. Có các hào ao, cạnh bờ là cây cau tầm vung, hàng xua đũa hay cây dừa quý... Hàng vú sữa trái tím trái ửng vàng, hàng đào vàng đỏ, hàng mận hàng lý thơm lừng. Cây xoài cằn cỗi, cây mãng cầu, lê kim mai, sa bô chê, cây dâu cây chùm ruột sai quằn. Có bông nho rừng, bông huệ trắng, bông sứ ngạt ngào. Có vườn dâu tằm ăn, có đám thuốc lá. Có những hàng chuối rậm mát. Có những luồng mì luống dưa mọc chen với khổ qua, dưa leo. Dây bầu dây bí, dây mướp, khoai lang bò leo lủng lẳng. Xa xa là tàng cây bã đậu hay cây ô-môi, cây bằng lăng bông tím. Bên rào thì mồng tơi, bình bát, đậu rồng, đậu móng chim, bông trắng bông hường trêu mời ong bướm. Hàng rào cây trà với dây tơ hồng, bụi xương rồng chen lẫn cây thanh long bông trái như kết tuột. Đinh lăng, nguyệt quới vành vành, bông trang bông lài gió đưa thoang thoảng. Bông mười giờ chen với nở ngày, móng tay bên bụi phù dung sớm nở tối tàn. Con trao trảo đang rình buồng chuối chín bói, trên tàng keo gai ổ chim dòng dọc như vớ đầy kẹo đong đưa. Gió hút đầu kèo, chim én liệng bay, chuồn chuồn đậu trên cành trúc gãy, chang chang nắng đổ chập chờn. Con trâu lờ đờ ăn rơm khô trong chuồng. Trời xanh thăm thẳm mút tận từng cao con diều vần liệng và cất tiếng kêu "nghé ngọ" làm chợt tỉnh cái yên lặng ban trưa.

Giồng thường mang tên những nhân vật trong vùng ai cũng biết, hoặc mang tên một loài cây trái hoa kiểng nào đó. Như Giồng Ông Tố, Giồng Ông Hóng, Giồng Cai Hạc, Giồng Ông Hộ, Giồng Thôn Tám, Giồng Ông Trường, Giồng Ông Khuê, Giồng Ông Chưởng, Giồng Bà Thủ, Giồng Bà Mén, Giồng Bà Chiểu, Giồng Bà Hom... 

Giồng mang tên bông kiểng cây trái như Giồng Cây Mai, Giồng Cây Thị, Giồng Cây Quéo, Giồng Tre, Giồng Tre Quạ, Giồng Tre Cái Bông, Giồng Bông, Giồng Quít Giồng Kè, Giồng Trộm, Giồng Keo, Giồng Me, Giồng Duối, Giồng Ổi, Giồng Xoài, Giồng Dầu, Giồng Bông, Giồng Thuốc, Giồng Dâu. Có Giồng mang tên đất đai cảnh vật như Giồng Cát, Giồng Chim, Giồng Giữa, Giồng Chùa, Giồng Giếng, Giồng Miếu, Giồng Đình... 

Trong Giồng còn có cây mắc cỡ. Có cây cỏ mực cỏ may, bông gạo bùi ngót. Đùn dưới cát là ổ kiến lửa kiến nhọt. Có những hang dế bắp kỳ nhông, dế dũi. Trên thân cây vú sữa là con bửa củi. Xoi trong cát bủn còn có rắn tim đèn. Dưới tàn vú sữa hay cây bã đậu, trẻ thơ hay gom cát bủn lấp một cọng lá mì màu đỏ thẳm. Bẻ một cây gai xương rồng làm chỉa phóng cọng lá mì. Hoặc thổi cát bủn bay đi mà tìm bắt những con "học trò", hình thù như con kiến nhưng đầu đen, mình đỏ rất đẹp. Vào trong các bụi tre để bắt con kiến dương cho vật lộn nhau. Con kiến dương màu đen bóng, có càng có sừng rất đẹp. Sáng tinh sương thì rung các nhánh đào mà bắt con bù rầy làm xe kẽm chạy chơi. Tối đến thì đuổi bầy đom đóm. Câu cá hào, nhử ếch nhái, gỡ ổ chim, chia phe u-hấp, đánh trọng là những trò chơi trẻ thơ miệt giồng rất thích thú. 

Từ Giồng băng qua Ruộng để về Lộ Đá là cảnh đẹp vô cùng. Trên bờ mẫu thì trâu bò đi chậm chạp. Có những xe trâu xe bò chở đầy rơm lăn bánh trên đường làng. Khi chiến tranh lan rộng, miệt giồng là những bãi chiến trường đẫm máu. Máu của nghĩa quân chống Pháp đã thấm trong cát bún mà tô điểm miệt giồng thành thiêng liêng bất diệt. Những nhà ngói nhà đúc miệt giồng, trước ngõ là giàn bông giấy hay hoàng anh với những chậu sành trồng tằng thăng, bùm sụm, kiếng cò, thiên tuế nhưng sụp đổ hoang phế là những chứng tích của cuộc nội chiến tương tàn. Mái nhà ngói cong giờ quằn sụp, trên nóc rêu phong vẫn nườm mướt rau tiêu độc đáo của miệt giồng. Cây lá cách, cây sầu đâu, cây sầu riêng cũng buồn như bông súng hay cây mít sau hè. Cây rơm mục lên núm lên meo vì trâu bò bị đạn tên không còn gậm rút. Miệt giồng của tôi giờ buồn như thế. Sau ngày giặc chiếm càng buồn hơn nữa. Vì Miếu Đình tan hoang. Đám mã Thầy Tiêu, Nhị Tỳ bị đào Xới. Con bìm bịp mỏi lòng, con quốc oa canh tàn lạc giọng. Hàng cau lão không còn lộng gió thoảng hương khi trăng tỏ mà ai đã đốn mất để trồng sao để được “sang giàu”. Cây trộm chứng tích của Giồng trôm cũng không còn, mặc cho ai đó muốn “dòm trông” mơ ước hão!

Sông cong nước chảy bao dài
Cái Côn Phong Thuận chờ ai lối này?
Thơ Hoàng Châu

Cũng như Giồng, Cái cũng mang tên người, cây kiểng hay danh từ quen thuộc nào đó. Những cây giữ đất lan bồi, ngăn nước thường được ghép với cái. Cái là bến nước, ghe xuồng có thể cập vào. Khác với nơi nước đầm lầy, trầm tích. Những loại ấu sen, súng năng, rau mác, mái dầm, máy chèo, điên điển, cù nèo, lau say dưng lác không thể gọi là cái được. Ta thường nghe tên Cái Bần, Cái Khế, Cái Tác, Cái Mấm, Cái Dẹt, Cái Quao, Cái Dứa, Cái Dầu, Cái Keo, Cái Chanh, Cái Mít, Cái Quít, Cái Cóc, Cái Tràm, Cái Da, Cái Gừa, Cái Sắn, Cái Nứa, Cái Nước, Cái Răng, Cái Bường, Cái Dương, Cái Bè, Cái Thơm, Cái Mận, Cái Măng, Cái Tàu, Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ, Cái Mơn, Cái Cối, Cái Côn, Cái Vồn, Cái Bàu, Cái Đôi, Cái Nhưn, Cái Dung, Cái Sơn, Cái Sơn Bé, Cái Thia... Cái thường không thị tứ bằng Bến. Như Bến Thành, Bến Tre, Bến Lúc, Bến Tranh, Bến Súc, Bến Đình. 

Cái nhiều nhất ở miệt Hậu Giang. Sông ngòi chằng chịt. Rạch xẻo như lưới nhện. Nhà nào cũng có cầu ván bắc ra mé sông để tắm giặt. Nước xách lóng trong lu để uống hay nấu ăn. Những cô gái vo quần tròn ủm ngồi giặt áo quần trên cầu ván hay lội xuống mé sông đập chiếu bôm bốp. Tiếng đập chiếu trên sông cũng nên thơ như những tiếng lòng thổn thức tuổi thanh xuân. 

Cái sơ khởi chỉ là một bãi sình lầy, dần dần người ta bắc cầu ván lên bờ, có khi xây thành bến đậu cho ghe xuồng. Một cây dừa thả xuôi theo mé rạch để có thể đi lên bờ. Nếu gần trường học, nhà lồng chợ hay đình miếu, dọc giảng đường, thánh thất, nhà thờ, thì ghe xuồng tấp nập hơn. Cái Vồn, Cái Khế, Cái Côn nằm trên Sông Hậu bao la... 

Cái Dẹt Cái Quao là bến nước nằm trên lạch nhỏ.  
Cái Mơn là sanh quán của nhà “Toàn Cầu Bác học” Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Bến Tre, nổi tiếng sầu riêng và con gái đẹp. 
Cái Bần cũng là nơi sanh quán của danh tướng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Cái Răng, Cái Khế là quê hương của Văn Hào Tiến Sĩ Hồ Hữu Tường, Viện Trưởng Đại Học Cần Thơ, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Xuân.
Cái Tàu Nha Mân là sanh quán của Đặc Ủy Hành Chánh Giáo Sư Nguyễn Văn Tương, Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Chất và Trưởng khối đa số Quốc Hội, Đại Tá Phạm Văn Út, Cái Vồn, nơi lăng mộ của Tổng Tư Lịnh Phật Giáo Hòa Hảo Trần Văn Soái.

Những Cái và Bến kể trên đều có in dấu chân của nghĩa sĩ chống Pháp. Có những cận chiến đẫm máu trên bùn non, máu thắm đỏ đề rau mác, lục bình. Cây điên điển trổ bông màu vàng như màu cờ Quốc Gia phất phới bên bông tím lục bình nổi trôi hay bằng lăng bên bờ vàm nước xoáy. Tháng tư bông tím ô môi như tím trời mong đợi những kẻ đã bóp bụng bỏ dòng sông cũ bến nước xưa mà bôn ba hải ngoại. Chim hạc đã trở lại rừng tràm, thòi lòi be bờ giữ đất bên đám rễ bần dẹt, trái mù u đã tắp vào bờ, con bìm bịp kêu nước lớn về, như nhắc nhở người về bên bếp lửa đoàn viên.


No comments:

Post a Comment