Thursday, May 26, 2016

Thích ứng với hạn hán và vượt qua khủng hoảng tài nguyên nước như Israel


Thích ứng với hạn hán là con đường đang được nhiều chuyên gia nông nghiệp và người nông dân Việt Nam hướng tới.

Các chính sách và công nghệ thích ứng thành công với hạn hán trong nông nghiệp của Israel đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

(Ảnh chụp Youtube/Cơ quan Nước Israel)


Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam ghi nhận tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục tại nhiều tỉnh thành, khu vực và trên phạm vi cả nước, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng về sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Tại Israel – quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, nơi có 60% diện tích lãnh thổ là sa mạc, lượng mưa trung bình chỉ khoảng 50 mm/năm, nhưng trong gần 70 năm kể từ khi thành lập nhà nước cho đến nay, quốc gia này đã lựa chọn những giải pháp thích ứng với điều kiện tự nhiên khô cằn và trở thành quốc gia hàng đầu thế giới với những chính sách, công nghệ thích ứng với hạn hán.
Kể từ khi thành lập nhà nước vào năm 1948, với sự gia tăng về dân số và nhu cầu phát triển nền kinh tế, Israel – một quốc gia nhỏ bé chỉ với hơn 22.000 km2 đã sử dụng tài nguyên nước như thế nào?

Chiến dịch truyền thông quốc gia đa phương tiện về “cuộc khủng hoảng” tài nguyên nước
Thành công đầu tiên cần phải kể tới trong chiến lược quốc gia về tài nguyên nước của Israel là các thông điệp truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về sự khan hiếm của nguồn nước và việc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên này.
Năm 2009, Israel thực hiện chiến dịch thông tin trên tất cả các phương tiện truyền thông quốc gia như: truyền hình, radio, báo chí và các kênh truyền thông trên Internet.
Chiến dịch này bắt đầu được đề xuất vào năm 2008 và được duy trì thực hiện trong suốt năm 2009, kéo dài đến năm 2010. Chiến dịch đã rất thành công khi truyền tải thông điệp về “cuộc khủng hoảng” tài nguyên nước tới tất cả người dân.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của Israel tham gia chiến dịch truyền thông quốc gia về tài nguyên nước. Với hiệu ứng da mặt bị khô nẻ, bong tróc, thông điệp về “cuộc khủng hoảng” tài nguyên nước được gửi tới đông đảo người dân trong cả nước.

Tổng chi phí cho chiến dịch kéo dài trong thời gian một năm rưỡi là khoảng 7,5 triệu USD. Chiến dịch đã đem lại hiệu quả hơn cả sự mong đợi với tỷ lệ nước sử dụng trong sinh hoạt giảm 10% vào năm 2009 (tương ứng 76 triệu m3). Như thế, xét về hiệu quả kinh tế, chiến dịch truyền thông này chỉ chi khoảng 0,1 USD cho mỗi m3 nước tiết kiệm được.
Theo đó, mức tiêu thụ bình quân đầu người cũng giảm từ khoảng 100 m3/người/năm trước chiến dịch xuống còn khoảng 90 m3/người vào năm 2009.
Ý thức bảo vệ và sử dụng nước tiết kiệm còn tiếp tục được duy trì cả sau khi chiến dịch truyền thông kết thúc.

Công nghệ tưới nước nhỏ giọt ưu việt và sử dụng nước thải đã qua xử lý
Hệ thống tưới nước nhỏ giọt được phổ biến tại Israel trong những năm 1960 được coi là công nghệ thành công nhất và là phát minh quan trọng nhất cho sự phát triển nông nghiệp của quốc gia này.

Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt mang lại hiệu quả cao thông qua việc cắt giảm dòng chảy, giảm sự thoát hơi nước, đồng thời, những cải tiến về công nghệ cho phép người nông dân có thể điều khiển và giám sát hệ thống bằng máy vi tính.

Những thông số về lượng nước tưới, độ ẩm, lượng chất dinh dưỡng,… cần thiết cho từng cây trồng được gửi về phần mềm phân tích, người nông dân Israel có thể theo dõi và quản lý thông qua máy vi tính.
(Ảnh chụp Youtube/Israel)
*
Hàng năm, Cục thống kê trung ương Israel đều ghi lại diện tích cụ thể của mỗi loại cây trồng. Thông qua số liệu về diện tích trồng và các số liệu liên quan, các chuyên gia về nước trong nông nghiệp sẽ tính toán một cách chính xác lượng nước và chất dinh dưỡng đủ cho nhu cầu phát triển của từng cây, cũng như xác định sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt hay phun sương phù hợp.



Hệ thống tưới nước nhỏ giọt cung cấp đủ lượng nước và chất dinh dưỡng cho rễ cây, mà không bị thất thoát ra khu vực xung quanh.

(Ảnh chụp Youtube/Israel)

Hệ thống tưới nước dạng phun sương…




Hệ thống tưới nước dạng phun sương với áp suất nhỏ, cung cấp nước cho lá cây, giảm đáng kể lượng nước thất thoát.

(Ảnh chụp màn hình/Cơ quan Nước Israel)

Năm 1990, Israel đề xuất hàng loạt các chính sách liên quan đến việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý trong sản xuất nông nghiệp áp dụng trên quy mô toàn quốc. Năm 1993, lượng nước thải đã qua xử lý đáp ứng 25% nhu cầu tưới của nông nghiệp và kể từ đó, tỷ lệ đóng góp của nguồn nước này trong lĩnh vực nông nghiệp tăng dần lên.
Nhà nước khuyến khích người nông dân sử dụng nguồn nước này bằng cách áp dụng mức giá nước thải và nước lợ đã qua xử lý thấp hơn so với giá nước sạch tự nhiên.
Cùng với chính sách này, mỗi hộ sẽ được cung cấp một lượng nước sạch nhất định theo từng năm. Khi lượng nước thải đã qua xử lý và nước lợ được sử dụng nhiều hơn định mức ban đầu, người nông dân sẽ được cung cấp thêm một lượng nước thải đã qua xử lý nhất định, và phần nước thêm này sẽ không bị tính phí.
Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ chi phí lắp đặt đường ống cần thiết cho việc vận chuyển nước thải đã xử lý và nước lợ từ các nơi cung cấp đến từng khu vực nông nghiệp.



Nông nghiệp Israel được đánh giá là nền nông nghiệp áp dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới.

(Ảnh chụp Youtube/Israel)


Nước biển qua khử muối – Nguồn nước mới đóng vai trò đột phá trong quỹ nước của Israel
Nước biển đã qua khử muối cung cấp khoảng 60-70% lượng nước tiêu thụ nội địa tại Israel.
Việc xây dựng chương trình khử muối trong nước biển mang tính dài hạn trên quy mô lớn tại Israel được bắt đầu vào năm 2005. Khi đó, ba hệ thống nhà máy khử muối trong nước biển có quy mô lớn được xây dựng với chi phí 750 triệu USD. Các hệ thống xử lý này, cùng với một số hệ thống nhỏ hơn thực hiện khử muối trong nước lợ cung cấp khoảng 42% nhu cầu nước cho sinh hoạt.



Các nhà máy khử muối trong nước biển sử dụng công nghệ hàng đầu thế giới. (Ảnh chụp Youtube/Israel)


Hệ thống khử muối trong nước biển của thành phố ven biển Ashkelon là một trong những hệ thống khử muối nước biển được xây dựng đầu tiên tại Israel. Nhà máy này đã đoạt giải Nhà máy khử mặn của năm tại Giải thưởng Công nghệ Nước Toàn cầu (Global Water Awards) năm 2006. Sản lượng hàng năm của hệ thống này đạt khoảng 120 triệu m3, cung cấp 16% nhu cầu nước sinh hoạt của quốc gia năm 2010.
Những công nghệ được sử dụng để xử lý tài nguyên nước vẫn đang được tiến hành kể từ khi Nhà nước Israel ra đời và cho đến nay, quốc gia này vẫn đang tiếp tục cải tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng của mình.
Để theo đuổi sự phát triển và sử dụng tài nguyên nước bền vững, sự đồng thuận và hợp tác giữa Chính phủ, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và cộng đồng dân cư chính là chìa khóa cho tất cả những thành công về chiến lược và công nghệ trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tại Israel.

Việt Nam và nguy cơ ‘khủng hoảng’ tài nguyên nước
Mặc dù Việt Nam nằm trong vành đai nhiệt đới Bắc Bán Cầu với lượng mưa hàng năm được xác định tương đối lớn, trung bình từ 1.500 – 2.000 mm (phân bố không đều theo thời gian và không gian), nhưng những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu cùng sự quá tải về dân số, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng miền, quy hoạch đô thị kém hiệu quả càng làm cho tình hình hạn hán diễn ra gay gắt.
Theo thống kê của Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT, trong vòng 46 năm từ 1960-2006, Việt Nam có tới 34 năm có hạn hán (chiếm 74%).
Các vụ hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào các năm 1976 tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, hạn hán năm 1982 – 1983 tại ĐBSCL, hạn hán năm 1993, 1995-1996 tại miền Trung làm hàng trăm ngàn ha cây lương thực, cây hoa màu bị hư hại, thiệt hại do hạn hán mỗi kỳ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đợt hạn năm 1997-1998 nghiêm trọng nhất, phạm vi hầu như bao trùm cả nước với 750.000 ha lúa bị hạn, cây công nghiệp và cây ăn quả bị hạn trên 236.000 ha, hơn 3 triệu người rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại tính trên cả nước do hạn hán lên tới 5.000 tỷ đồng.
Trong 2 năm gần đây 2014, 2015, tình hình hạn hán diễn ra nghiêm trọng, nhiều tỉnh thành buộc phải công bố thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn.
Tháng 8/2014, Phú Yên công bố thiên tai do hạn hán đối với sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh, có khoảng 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Năm 2015, nắng hạn kỷ lục xảy ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm, có nơi thiếu hụt trên 80% như tại Nghệ An, Khánh Hòa. Trên nhiều sông, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử hoặc thấp nhất cùng kỳ.
Mùa khô 2015-2016 mới đây ghi nhận 15 tỉnh thành thuộc ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ công bố thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn gồm:
- Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau
- Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk (trong đó, Đắk Lắk công bố thiên tai hạn hán cấp độ II tại 3 huyện: Ea Súp, Buôn Đôn và Cư M’gar)
- Ninh Thuận, Bình Thuận
Theo Ban chỉ đạo về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 6/5/2016, tại các khu vực này đã có 432.863 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 430.000 ha cây trồng và 5.137 ha thủy sản bị thiệt hại, ước tính tổng thiệt hại gần 9.000 tỷ đồng.
Đi tìm giải pháp cho một số vấn đề liên quan đến hạn hán, nhiều địa phương đã nghiên cứu và áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt của Israel như Lâm Đồng, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An),… giúp nhà nông tiết kiệm được từ 30-60% so với lượng nước tưới thông thường, nâng cao sản lượng cây trồng.

Gia Hân (daikynguyenvn)




No comments:

Post a Comment