Wednesday, December 18, 2019

TỪ PAK MUN ĐẾN XAYABURI: ĐÃ ĐẾN LÚC ĐỂ XÉT LẠI CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN DỌC THEO SÔNG MEKONG



(From Pak Mun to Xayaburi: It’s time to rethink hydroelectric dams along the Mekong)
Kanokwan Manorom – Bình Yên Đông lược dịch
Isaan Record – September 19, 2019

Đập Xayaburi trị giá 150 tỉ baht (khoảng 4,9 tỉ USD) ở Lào có công suất 1.285 MW do CH. Karnchang xây cất, được tài trợ bởi 6 ngân hàng thương mại ở Thái Lan: Ngân hàng Thương mại Sam, Ngân hàng Krungthai, Ngân hàng Kasikorn, Ngân hàng Xuất-Nhập cảng Thái Lan, Ngân hàng Bangkok và TISCO. [Ảnh: Max Pratch]


Nhu cầu điện năng càng ngày càng tăng thường được xem là lý do để xây đập.  Nhưng những người ủng hộ đập dễ dàng bỏ qua ảnh hưởng đối với cư dân dọc bờ sông và sự hủy hoại hệ sinh thái.  Kể từ khi đập Pak Mun được xây trong tỉnh Ubon Ratchathani, nó chỉ gây đau buồn cho người dân địa phương tùy thuộc vào sông Mun.  Tương tự, đập Xayaburi ở Lào ảnh hưởng cuộc sống của hàng ngàn người dọc theo sông Mekong.

Sông Mekong đã trở thành nơi để tranh giành xây đập, với tất cả quyền quyết định nằm trong tay của các chánh phủ và tổ chức như Ngân hàng thế giới và Ngân hàng Phát triển Á Châu (Asian Development Bank (ADB)).

Sau cùng, các công ty lớn như CH. Karnchang của Thái Lan và Sinohydro của Trung Hoa cũng trở nên những người ủng hộ nhiệt thành của đập, sẵn sàng dùng sông Mekong như một nơi thí nghiệm cho đập với thang cá (fish ladder).

Đập được trang bị với thang cá – một loạt các bể nước xếp bậc thang để cá có thể đi qua đập – đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư lớn lao trong việc xây cất, bảo trì và điều hành.  Các nhà thầu lập luận rằng chúng đã được xây và thử nghiệm trên sông Mekong trong nhiệm vụ phát triển và giảm nghèo.

Trong suốt mùa khô 2019, các đập của Trung Hoa ở thượng nguồn Mekong, như đập Cảnh Hồng (Jinghong), giữ lại hầu hết nước vì lượng mưa trong năm thấp ở Trung Hoa.  Đập Xayaburi ở hạ lưu Mekong chạy thử trước khi bán điện cho Cơ quan Phát Điện của Thái Lan (Electricity Generating of Thailand (EGAT)) vào tháng 10 năm nay.  Lào đã cảnh báo các cộng đồng Thái dọc theo sông Mekong nên cẩn thận với mực nước sông trong khi thử nghiệm.  Như được cảnh báo, mực nước sông đã xuống thấp, ảnh hưởng đến ngư dân, cư dân và nông dân.

Văn phòng Thủy lợi Quốc gia của Thái Lan (Office of the Narional Water Resources (ONWR) gửi thư chánh thức đến chánh phủ Lào để yêu cầu hoãn hay ngưng cuộc thử nghiệm.  Cùng lúc, ONWR kết luận rằng mực nước sông Mekong ở trong tình trạng nguy ngập vì 3 yếu tố: 1) lượng mưa thấp hơn bình thường trong khu vực, 2) đập Cảnh Hồng giảm mức xả nước từ ngày 9 đến 18 tháng 7 và, 3) thử nghiệm ở đập Xayaburi ở Lào từ 15 đến 29 tháng 7 năm 2019.

Vào ngày 26 tháng 7, người dân địa phương sinh sống trên bờ sông Mekong đã nộp đơn lên tòa án yêu cầu ngưng việc mua điện từ đập Xayaburi của EGAT.

Sông Mekong khô cạn trong lúc thử nghiệm đập Xayaburi. [Ảnh: Supattra Inta]

Cuộc khủng hoảng đập hiện nay giúp chúng ta rút kinh nghiệm từ đập Pak Mun ở tỉnh Ubon Ratchathani, hoàn tất vào năm 1994.  Với nhiều lần đội giá và điều chỉnh ngân sách, đập được xây với kinh phí tổng cộng là 6 tỉ baht, một phần được Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Đập Pak Mun nằm trên sông Mun, một phụ lưu của sông Mekong.  Từ ngày khởi công cho đến hôm nay, đập chỉ hủy hoại hệ sinh thái trong vùng, ngư nghiệp và đời sống của trên 60 cộng đồng trong 3 huyện của tỉnh.

Đập Pak Mun cuối cùng được đề cập đến trong một phúc trình – cùng với 7 đập khác trên thế giới – về ảnh hưởng của việc xây đập được công bố trong năm 2000 bởi Ủy hội Đập Thế giới (World Commission on Dams) do Ngân hàng Thế giới chọn lựa.

Ủy hội thấy rằng về phương diện sản xuất điện, đập Pak Mun không đáng để xây.  Nó không thể đạt mục tiêu sản xuất điện 136 MW.  Mặt khác, nó là nguyên nhân làm mất mát nhiều loại cá và lượng cá, cũng như ảnh hưởng việc dẫn thủy nhập điền và nông nghiệp trên bờ sông Mun.

Năm 2002, chánh phủ Thaksin Shinawatra yêu cầu Đại học Ubon Ratchathani nghiên cứu ảnh hưởng của việc mở cửa đập, cho phép nước chảy tự do quanh năm.  Kết quả của 2 nghiên cứu như nhau: đóng hay mở cửa, đập Pak Mun có ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ sinh thái, ngư nghiệp và nông nghiệp trên bờ sông Mun, trong khi không thể sản xuất đủ điện để bảo đảm cho chi phí.

Một sự giống nhau khác của đập Pak Mun và Xayaburi là mặc dù được xây cách nhau 30 năm, chúng thuộc loại đập dòng chảy (run-of-the-river) với thang cá.  International Rivers, một NGO [Non-governmental Oragnization (Tổ chức Phi Chánh phủ)], nói rằng loại đập nầy chỉ tạo một hình ảnh cho đập thân thiện với môi trường.  Thiết kế đập như thế tiếp tục làm hại môi trường bằng cách ngăn cản lưu lượng tự nhiên và xả nước qua các lòng lạch dẫn nước,  Chúng ảnh hưởng rất lớn đối với hệ sinh thái của sông, bằng chứng là các đập khác như đập Belo Monte, một đập lớn ở Brazil đã gây thiệt hại khổng lồ cho rừng ở chung quanh và đời sống của người dân địa phương.

Đập Pak Mun ở tỉnh Ubon Ratchathani. [Ảnh: EGAT]

Trong trường hợp của đập Pak Mun, chính EGAT trong phần đánh giá của mình nói rằng “với chiều cao chỉ có 17 m, nó được xem là một đập kiểm soát, không thích hợp để trữ nước.  Để trữ nước, nó phải dùng tất cả lưu lượng của sông Mun.”  Thang cá được thêm vào khi việc xây đập gần hoàn tất, vì có nhiều than phiền rằng thiết kế ban đầu sẽ ảnh hưởng việc di chuyển của cá từ sông Mekong vào sông Mun.  Đập Xayaburi là đập kiểm soát lớn nhất ở hạ lưu Mekong, với chiều dài 800 m và cao 28,8 m.  Nó có 10 cửa xả lũ và 7 máy phát điện.
Khi vấn đề di chuyển của cá và dòng chảy phù sa được nêu lên, thang cá được xây dựng với chi phí 19,4 tỉ baht (62,2 triệu USD).

Mực nước sông Mekong trong năm nay xuống đến mức thấp nhất chưa từng thấy, buộc CH. Karchang phải đáp lại sự chỉ trích bằng cách chánh thức từ chối việc thử nghiệm là nguyên nhân khiến sông Mekong khô cạn.  Công ty nói, “Mỗi giọt nước sông đều chảy qua đập và đem lại năng lượng sạch cho cả Thái Lan và Lào.  Tất cả thủ tục đều tuân theo chỉ dẩn của Ủy hội Sông Mekong.”  Để có phương sách tốt, CH. Karnchang cũng đổ thừa bằng cách tố cáo rằng sông Mekong khô cạn là do các hoạt động ở đập Cảnh Hồng của Trung Hoa.
Sinh thái văn hóa chống lại sức mạnh kỹ thuật

Đập là một biểu tượng khổng lồ của sức mạnh và kiến thức khoa học.  Sự hiện hữu của đập thâm nhập từ từ vào các chánh phủ với tự tin để giải quyết nạn thiếu hụt năng lượng và thúc đẩy việc phát triển quốc gia trên qui mô lớn.  Đối với các chánh phủ, đập là sự lựa chọn dễ dàng vì chúng sản xuất năng lượng sạch và có thể giảm lượng phóng thích khí nhà kiếng.
Nhưng việc xây cất đập bỏ qua văn hóa địa phương đã trộn lẫn với sự phong phú và sinh thái văn hóa của sông.  Một thí dụ là pla daek (mắm cá) của người Isaan và Lào sống trên tả ngạn sông Mekong.  Pla daek từ lâu là biểu tượng của an ninh lương thực và lợi tức ở Isaan.  Người địa phương dùng cá bắt được từ sông Mekong làm pla daek để ăn trong gia đình, làm từ thiện, hay trao đổi.

Sinh thái văn hóa là văn hóa được tạo nên bởi sự thích ứng của người dân với tài nguyên thiên nhiên sẵn có.  Họ phát triển kiến thức, phương pháp, và thực hành tốt nhất để quản lý thiên nhiên chung quanh họ.  Sinh thái văn hóa nầy bị đe dọa khi sông bị hủy hoại bởi sức mạnh của kỹ thuật mới kiểm soát bởi chánh phủ và công ty đa quốc gia.
Sông từng là nguồn văn hóa và kinh tế xã hội, cũng như con đường để duy trì sự liên lạc giữa các xã hội trong lưu vực, nay bị hủy hoại vì nhiều đập được xây cất.  Người địa phương trở nên yếu thế và không được hưởng công lý.

 Dân địa phương ở Lào kiếm cá trước khi đập Xayaburi được xây cất. 
[Ảnh: Chainarong Setthachua]

Thayer Scudder, nhà nhân văn học nổi tiếng từng ủng hộ đập nay đang nghiên cứu ảnh hưởng môi trường của đập đối với người nghèo, tin rằng các đập lớn không đáng cho các chi phí môi trường và xã hội khổng lồ của chúng.

Thử nghiệm kỹ thuật của đập trên sông Mekong gây tốn kém to lớn cho ngư nghiệp và sinh thái của sông.  Nó cũng hủy hoại kinh tế địa phương dựa vào tài nguyên thiên nhiên như cá, rong, và nông nghiệp trên bờ sông.
Đập không chỉ góp phần làm giảm chất dinh dưỡng của đất bằng cách giữ lại lưu lượng tự nhiên chứa đầy phù sa, ngập lụt do việc xả lũ có thể làm hại mùa màng và hạn chế sử dụng số lớn đất canh tác.
Đập cũng có một thói xấu là khuyến khích các chánh phủ và công ty dẫm lên quyền của cộng đồng và văn hóa địa phương bắt rễ trong hệ sinh thái dọc theo sông.

Trung tâm Quốc tế Quản trị Môi trường (International Centre for Environmental Management) thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho sông Mekong thay mặt cho Ủy hội Sông Mekong, đề nghị rằng sông Mekong không nên dùng để thử các kỹ thuật và thiết kế đập không chắc chắn.
Đã đến lúc chúng ta tự hỏi liệu đây có phải là ngày tàn của đập.  Tôi đề nghị rằng việc xây đập trên sông Mekong nên được tạm ngưng.  Nghiên cứu khác về ảnh hưởng xuyên biên giới nên được Ủy hội Sông Mekong thực hiện.  Các tổ chức hàn lâm độc lập nên tham gia vào việc nghiên cứu cùng với sự tham dự của các xã hội dân sự và sinh thái văn hóa bị bỏ qua trước đây.  Họ phải là trọng tâm chánh, ngoài kinh tế và môi trường, để có thể đạt được một qyết định chung của tất các nhóm giữ vai trò quản lý sông Mekong.

.



No comments:

Post a Comment