Sunday, December 29, 2019

SÔNG MEKONG ĐANG CHẾT DẦN CHẾT MÒN


(Mekong River dying a slow but certain death)

Simon Roughneen – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Times – December 6, 2019


Mực nước sông Mekong ở hạ lưu các đập Trung Hoa thường xuống thấp. 
[Ảnh: Paritta Wangkiat/AFP]

Sự gặp gỡ của hạn hán và đập thủy điện dọc theo sông Mekong đã hâm nóng những mối lo ngại về tương lai của thủy lộ dài 4.700 km, sinh kế của hàng chục triệu người ở Trung Hoa, Lào, Myanmar, Thái Lan, [Cambodia], và Việt Nam.

Con số đập ngăn chận dòng chảy của Mekong tăng nhanh, làm nhiều đoạn sông từng có nước chảy nhanh khô cạn và cả khu vực phải đối mặt với hạn hán không thể tránh, theo lời của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một tổ chức liên chánh phủ trong vùng nhằm mục đích cùng nhau quản lý nguồn nước của sông.

Đập Don Sahong nằm gần biên giới Lào-Cambodia ở Lào, dự án mới nhất trong hàng chục dự án đập trên sông Mekong, bắt đầu phát điện vào tháng 11.  Hầu hết số điện sẽ được xuất cảng sang Thái Lan và Cambodia.

Tháng trước, đập thủy điện Xayaburi lớn hơn nhiều có công suất 1.300 MW bắt đầu sản xuất điện ở tây bắc Lào, quốc gia sản xuất điện tự cho mình là “bình điện của Á Châu” với 35% lưu lượng của Mekong.  Số điện sản xuất phần lớn được xuất cảng sang Thái Lan.

Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ, nói: “Việc điều hành đập Jinghong (Cảnh Hồng) ở Trung Hoa và đập Xayaburi ở Lào đích thực làm hạn hán thêm nghiêm trọng.  Hai đập nầy cùng với hơn 70 đập khác đang hoạt động ở Lào và Trung Hoa tất cả góp phần làm suy thoái tình trạng ở hạ lưu có liên hệ đến hạn hán.”

Khi các nền kinh tế của Cambodia và Việt Nam tiếp tục tăng trưởng giữa lúc kinh tế toàn cầu chậm lại ở mức 6-7% mỗi năm và cố gắng theo kịp các quốc gia lân bang giàu có hơn như Thái Lan, nhu cầu điện trong vùng vẫn tăng nhanh.

Nguồn: International Rivers

Các quốc gia trên khắp Á Châu đang xây dựng hàng chục nhà máy điện than để thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng cùng lúc gây lo ngại về ảnh hưởng thay đổi khí hậu của việc gia tăng sử dụng than đá.
Nhưng các đập thủy điện, mặc dù sạch hơn than đá, cũng đe dọa môi trường.  Và các chánh phủ trong vùng, muốn duy trì tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển, dường như vẫn tiến hành mà không đếm xỉa đến ảnh hưởng tai hại.

Pou Sothirack, cựu bộ trưởng năng lượng hiện là giám đốc Viện Hợp tác và Hòa bình Cambodia tuyên bố trong buổi hội thảo về Mekong gần đây tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, “Các nhà hoạch định chánh sách và bộ trưởng năng lượng hoàn toàn bị phát triển hạ tầng cơ sở mua chuộc.  Họ chỉ muốn có thêm năng lượng – họ bị thuyết phục bởi ý tưởng xây đập sẽ cải thiện kinh tế của nước họ.”

Eyler của Trung tâm Stimson, cũng là tác giả của quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong), cảnh báo rắng: “Ảnh hưởng của đập trên dòng chánh hay phụ lưu đã được tiên đoán rộng rãi từ hơn một thập niên và nay chúng bắt đầu hoành hành trong lưu vực với một trọng lực biến đổi.”

Theo International Rivers, một tổ chức phi chánh phủ, đập Xayaburi “gây nhiều tranh cãi vì những lo ngại sâu xa về ảnh hưởng của nó đối với hệ thống sông.”  Trong khi mô tả đập Don Sahong có công suất 260 MW là đe dọa “nền ngư nghiệp quan trọng của sông Mekong và sự lành mạnh sinh học của khu vực.”

Mặc dù MRC nói rằng hạn hán do “thiếu mưa trong mùa mưa” và “hiện tượng El Nino” khiến cho “nhiệt độ và độ bốc hơi cao bất thường,” những người khác hướng về con số đập không ngừng gia tăng của Trung Hoa trên thượng nguồn Mekong như là thủ phạm chánh.
Nhà máy thủy điện Jinghong trên sông Mekong trong thành phố Jinghong thuộc Khu Tự trị Xishuangbanna 
(Tây Song Bản Nạp) ở tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. 
[Ảnh: AFP Forum]

Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn tuyên bố trong cùng buổi hội thảo rằng, “Các đập của Trung Hoa đưa đến một số thách thức.  Khi nước chảy, thỉnh thoảng chúng ta có hạn hán và hình như các đập của Trung Hoa có thể kiểm soát nước chảy như thế nào và bao nhiêu xuống hạ lưu.”

Vào giữa tháng 11, MRC cho biết mực nước sông Mekong xuống đến mức thấp nhất trong vòng 60 năm; các ước tính khác cho rằng mực nước đã xuống đến mức thấp nhất trong thế kỷ.

Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của một Mekong suy thoái có lẽ sẽ được cảm nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL), chén cơm của cả nước, nơi có thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô thương mãi và đô thị lớn nhất của quốc gia.

Mực nước ngọt thấp có nghĩa là độ mặn trong ĐBSCL có thể tăng cao, đe dọa việc trồng lúa và nông nghiệp, trong khi phù sa bị các đập ở thượng lưu ngăn chận.

Điều đó hầu như đã xảy ra với nhiều khúc sông ở Lào có màu xanh nước biển thay vì màu nâu đục bình thường rất nổi tiếng.

Mặc cho những lo ngại đó, Việt Nam đường như đã quay ngược sự chống đối cố hữu của mình đối với các đập trên sông Mekong bằng cách ủng hộ và tài trợ cho dự án thủy điện 1.410 MW được đề nghị nằm gần thị trấn di sản thế giới Luang Prabang ở Lào.

Tất cả hoàn toàn khác với năm 2011, khi chánh phủ Việt Nam kêu gọi ngưng xây đập Xayaburi vì lo ngại ảnh hưởng ở hạ lưu.

Ảnh hưởng tai hại ngày càng tăng đối với ĐBSCL đã khiến cho các nhóm xã hội dân sự phải lên tiếng chỉ trích việc thay đổi thái độ của chánh phủ, một sự chuyển hướng can đảm vì nhà cầm quyền cộng sản có xu hướng cầm tù kẻ chống đối.

Một ngư dân kéo lưới trên sông Mekong ở Wiang Kaen, 
tỉnh Chiang Rai giáp ranh với Lào. 
[Ảnh: Chrisophe Archambault/AFP]


Nhưng đã có nhiều phúc trình từ Việt Nam cho thấy cái gọi là “tị nạn thay đối khí hậu” để tránh tình trạng môi trường suy thoái, kể cả hạn hán dai dẳng, ở ĐBSCL và di tản vào các trung tâm đô thị.

Cambodia cũng chịu thống khổ nếu sông Mekong suy thoái và hạn hán làm gián đoạn hiện tượng nước chảy ngược vào Biển Hồ, một hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á, nối với sông Mekong bằng một phụ lưu.  Hiện tượng nầy đưa đến lượng cá khổng lồ đánh được từ hồ và sau đó chuyển cá, chất dinh dưỡng và phù sa lên xuống trong sông.

Eyler nói rằng: “Ảnh hưởng của nước chảy ngược và nhịp lũ năm nay đáng kinh ngạc và sẽ gây thiếu hụt lương thực nghiêm trọng vì thiếu cá,” trong khi Sothirak cảnh báo rằng việc duy trì sông Mekong rất quan trọng để “giữ vững đời sống của các quốc gia nằm dọc theo sông.”

.

No comments:

Post a Comment