Tuesday, December 3, 2019

MEKONG KHÔ CẠN VÌ CHÁNH TRỊ VÀ DOANH NGHIỆP KHÔNG LÀM TRÒN BỔN PHẬN VỚI CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG


(Mekong runs dry as politics, business fail local communities)

Piyaporn Wongruang – Bình Yên Đông lược dịch
The Nation – August 2, 2019

Sông Mekong cạn trơ đáy.


“Tình trạng thê thảm nhất trong lịch sử,” đó là nhận định quả quyết của một chuyên viên khi thấy hình ảnh sông Mekong cạn trơ đáy và thủy cầm chết.  Tiến sĩ Chainarong Setthachua, giảng viên và chuyên viên sinh thái của Đại học Mahasarakham ở Thái Lan, đã lúng túng khi được yêu cầu mô tả cuộc khủng hoảng Mekong đang diễn ra.

Nhưng các chánh phủ chẳng làm gì mặc dù những hình ảnh mới nhất cho thấy đáy khô cạn của con sông chảy qua Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.  Sự thiếu hành động nầy, theo Chainarong, là ảnh hưởng bất lợi của việc phát triển lưu vực Mekong.

Chainarong, người theo dõi các kế hoạch phát triển sông Mekong trong hơn 2 thập niên, nói: “Sông Mekong là một phần lịch sử của chúng ta, khi chúng ta đấu tranh chống cộng sản và gia nhập vào thế giới tư bản với kinh tế thị trường.  Chúng ta dùng con sông như một công cụ chánh trị và tài sản để phát triển kinh tế.  Nhưng chúng ta không giám sát việc phát triển, đã đưa đến thảm họa thật sự.  Tôi không thấy bất cứ giải pháp nào vì mỗi chánh phủ chỉ chú trọng đến việc xây đập mà không để ý đến những vết thương mà các kế hoạch phát triển nầy để lại.”


Chánh trị Mekong

Phát triển sông Mekong, đặc biệt trên 5.000 km thủy lộ chánh yếu bắt nguồn từ dãy Himalaya ở Trung Hoa và chảy qua 6 quốc gia đến các cửa biển ở Việt Nam, chỉ có thể được hiểu qua ống kính sinh thái chánh trị (political ecology).  Ống kính nầy – nghiên cứu các yếu tố chánh trị, kinh tế và xã hội liên quan đến môi trường – là cái Chainarong dùng để nghiên cứu dòng sông và sinh thái đang thay đổi của nó.

Sinh thái chánh trị cho thấy rằng việc phát triển Mekong bắt đầu một cách nghiêm chỉnh với ưu thế khu vực của Mỹ sau khi chế độ thuộc địa của Pháp suy tàn.  Trong các cuộc nội chiến ở Cambodia, Việt Nam và các quốc gia lân cận, con sông là tuyến đầu trong Chiến tranh Lạnh giữa thế lực tư bản và cộng sản.

Hoa Kỳ dùng phát triển chánh trị như vũ khí then chốt để chống cộng sản, không gì hiệu quả hơn các đập thủy điện khổng lồ dự trù dọc theo sông Mekong.  Trong số đó là Đập Pa Mong, được xem như một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại – lớn hơn cả Đập Hoover ở Mỹ.

Nhưng các kế hoạch đập Mekong đã được xếp vào ngăn tủ khi Hoa Kỳ thua trận ở Việt Nam.

Những căng thẳng dần dần giảm bớt giữa Thái Lan và kẻ thù Chiến tranh Lạnh theo chế độ cộng sản Việt Nam, Cambodia và Lào, đem lại giai đoạn 2 cho việc phát triển Mekong.  Dưới sự lãnh đạo của Chatichai Choonhavan, Thái Lan bắt đầu chuyển Đông Dương “từ chiến trường thành thị trường” vào năm 1987.  Các quốc gia Mekong tăng cường hợp tác kinh tế trên khắp cái được biết như là Phân vùng Đại Mekong, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Á Châu.  Ủy hội Sông Mekong liên chánh phủ được thành lập bởi Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam theo thỏa ước Mekong 1995 để cùng nhau quản lý nguồn nước chung và phát triển khả chấp dòng sông.

Trung Hoa, không tham gia trong ủy hội, gọi phần thượng lưu Mekong là Lancang.

Để soạn thảo kế hoạch cho 10 đập thủy điện, Trung Hoa phát động vành đai phát triển kinh tế Lancang-Mekong với sự hợp tác của Cambodia, Laos, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Trung Hoa xây đập Mekong đầu tiên trong năm 1994 mà không tham vấn với các cộng đồng ven sông Thái ở hạ lưu.  Một thập niên sau, ảnh hưởng của đập xuất hiện, Chainarong cho biết như thế.  Chainarong sáng lập Hệ thống Sông ngòi Đông Nam Á (Southeast Asia Rivers Network (SEARIN)) để theo dõi ảnh hưởng của việc quản lý nguồn nước Mekong.

Cộng đồng Thái bị ảnh hưởng của đập cuối cùng được lên tiếng trong các kế hoạch phát triển, thúc đẩy bởi đầu tư quốc tế, đặc biệt từ Thái Lan.  Tuy nhiên, khi việc chống đối ở Thái gia tăng, các nhà đầu tư đã chuyển qua các nước lân cận như Lào, quốc gia có kế hoạch để trở thành “bình điện của Á Châu”.

Biểu hiện của các kế hoạch đó và những căng thẳng là đập Xayaburi, cái đầu tiên của 11 đập được dự trù ở hạ lưu Mekong và sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng 10.

Chainarong nói đập Xayaburi là một điềm xấu cho tương lai của việc phát triển thiếu kiểm soát của Mekong.

Ông thắc mắc, “Chúng ta chỉ trích các kế hoạch thủy lợi của Trung Hoa trong 10 năm, nhưng cuối cùng đập Xayaburi được xây ở hạ lưu Mekong.  Sau sự thành công của Xayaburi, Pak Beng và Luang Prabang sẽ tiếp tục công việc.  Tôi có hỏi về việc giám sát các ảnh hưởng xã hội và môi trường để hạn chế thiệt hại trong tương lai, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy phản ứng.  Làm thế nào chúng ta có thể tranh đấu với họ?”.

Ảnh hưởng biên giới Mekong

Theo tổ chức độc lập International Rivers, Trung Hoa đã hoàn tất 11 đập trên thượng lưu Mekong.  Lớn nhất là đập Tiểu Loan (Xiaowan) và Nuozhadu (Nọa Trát Độ), bức tường chắn cao 250-300 m với khả năng chứa 40 tỉ m3 nước.  Trong số 11 đập dự trù ở hạ lưu Mekong, có ít nhất 3 đập đã được xúc tiến.  Đập Xayaburi đang được chạy thử, Don Sahong đang được xây và Pak Beng trong giai đoạn tiền khởi công.

Nhưng các đập hoàn tất đã gây ảnh hưởng bi thảm.  Tháng nầy, người dân Thái sống ở phía dưới đập Jinghong (Cảnh Hồng) nhận thấy mực nước sông xuống thấp rõ rệt sau một đêm.  Không ai báo cho cư dân ở Chiang Khan giáp ranh với Lào rằng đập đang được bảo trì làm cho họ không thể lấy nước.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Trung Hoa cảnh báo vào đầu tháng 7 là lưu lượng từ đập Jinghong sẽ giảm từ 5 đến 19 tháng 7, nhưng tin tức không được phổ biến rộng rãi.
Ngày 18 tháng 7, MRC cho biết mực nước sông Mekong ở hạ lưu có thể xuống đến mức chưa từng thấy, “có thể” vì có ít nước được xả từ các đập ở thượng lưu và mưa ít hơn bình thường.  Nhưng MRC không đề cập đến việc thử nghiệm đập Xayaburi đã cắt dòng chảy.

Thủy lợi Quốc gia Thái Lan (National Water Resources of Thailand (NWR)) đã yêu cầu Lào ngưng thử nghiệm cùng ngày khi Lào bảo đảm với người dân ở hạ lưu rằng mực nước sẽ dâng trở lại trong vài ngày.

Theo phân tích của NWR, đây là lần đầu tiên công chúng được thông báo về sự thay đổi mực nước sông Mekong.  Các phân tích viên nói rằng sự sụt giảm lượng mưa ở Trung Hoa, Lào và Thái Lan, cùng với lượng nước xả ít hơn từ đập Jinghong để bảo trì lưới điện, đã khiến cho mực nước sông Mekong giảm từ 2,68 m xuống 2,10 m trong ngày 18 tháng 7.  Trong khi thử nghiệm đập Xayaburi, mực nước đã xuống thấp nhất chưa từng thấy trong lịch sử đo đạc trước khi dâng lên 40-50 cm vào ngày thử nghiệm cuối cùng.

Piaporn Deetes, giám đốc vận động của International Rivers ở Thái Lan và Myanmar, nói rằng người dân đã gặp nhiều vấn đề và giới chức liên quan đến việc xây đập không thể tiếp tục phủ nhận trách nhiệm.

Piaporn và Hệ thống Người Thái trong 8 Tỉnh Mekong (Network of Thai People in 8 Mekong Provines) đã thu thập quan tâm của các cộng đồng ở hạ lưu Mekong trong phúc trình “Tóm lược Tình hình Sông Mekong cho Con cháu”, được công bố trong tháng qua.  Những quan tâm đó gồm có sự thay đổi lưu lượng và mực nước dâng cao, đặc biệt do đập Xayaburi, cách Chiang Khan 200 km về phía thượng lưu và ảnh hưởng lâu dài của sự thay đổi mực nước trong ngày từ 1 đến 3 m trong mùa khô.

Họ cũng quan tâm đến sinh thái địa phương sẽ thay đổi mạnh mẽ vì sự giao động của lưu lượng từ đập Xayaburi.  Đó là những ghềnh đá và cồn cát ngầm là nơi sinh sản quan trọng của chim thiên di và cá, và việc xói lở các bãi cát rất quan trọng cho du lịch trong mùa khô, nhất là ở các tỉnh Loei, Nong Khai, Bueng Kan, Nakhom Phanom, Mukdahan và Amnat Charoen.  Người dân địa phương nói rằng chánh phủ Thái chưa có kế hoạch đối phó với sinh thái đang thay đổi nầy.

Việc xây đập trên thủy lộ chánh Mekong, đặc biệt là đập Don Sahong trên lòng lạch Hou Sahong, sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho di ngư, nguồn thực phẩm của động vật ở dưới nước, và sự di chuyển của cá trong sông.

Nghiên cứu cho thấy rằng có trên 100 loại cá di cư qua lòng lạch Hou Sahong, một số di chuyển hàng ngàn km đến cửa sông Mekong ở Việt Nam.

Người dân ở hạ lưu Mekong tiên đoán mực nước không ổn định sẽ sát hại di ngư và ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong vùng mà cộng đồng địa phương phụ thuộc vào cá sông.  Các nghiên cứu cho thấy rằng cộng đồng Mekong dựa vào cá sông cho 80% chất đạm tiêu thụ hàng ngày.  Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia nói rằng cư dân lưu vực Mekong đang chật vật tìm một nguồn chất đạm mới để thay thế cho cá.  Cần phải có một số đất và nước khổng lồ, đặc biệt là ở Cambodia, để tạo nên chất đạm thay thế mới.

Xa hơn về phía hạ lưu, các cộng đồng trong Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL) đang thống khổ vì sạt lở bờ biển và nước biển xâm nhập vào đất đai phì nhiêu của họ.  Đập đang de dọa “chén cơm” của quốc gia khi người địa phương thiếu lương thực và không có nước sạch cho nhu cầu hàng ngày.

Mặc cho các mối quan tâm ngày càng tăng, chánh phủ chưa phát động những biện pháp quan trọng để nghiên cứu, theo dõi hay chuẩn bị các kế hoạch sửa chữa cho người dân bị ảnh hưởng của đập.

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp của đập đối với các cộng đồng Mekong, những vấn đề dài hạn đã được nghiên cứu bởi các tổ chức vùng như MRC, với Đánh giá Môi trường Chiến lược 2011 và “Nghiên cứu Hội đồng về Sông Mekong”, điều nghiên về thủy điện, phát triển khả chấp và quản trị dòng sông.

Tuy nhiên, cả hai nghiên cứu chỉ đề nghị các giải pháp trong tương lai, thay vì đưa ra những nguyên tắc thật sự để noi theo.

Lối thoát

Sau “Nghiên cứu Hội đồng”, chánh phủ Lào yêu cầu khởi động tiến trình Thủ tục Thông báo, Tham vấn Trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Notification and Agreement (PNPCA) kéo dài 6 tháng cho đập Pak Lay.  Tiến trình thảo luận chấm dứt vào tháng 4 năm rồi nhưng các quốc gia lân bang không tham gia vì đánh giá ảnh hưởng môi trường không theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Premrudee Daoruang, sáng lập viên của Theo dõi Đầu tư Đập ở Lào (Laos Dam Investment Monitor (LDIM)), đã xem xét kỹ lưỡng việc đầu tư xây cất đập qui mô lớn trong lưu vực Mekong trong 20 năm, nói rằng các nhóm canh chừng (watchdog) Mekong phải tạo ra một phương pháp làm việc mới, đặc biệt trong việc tự nguyện làm phối trí viên giữa các quốc gia để thảo luận và thương thảo về phát triển.

Cô nói: “Tình trạng nguy hiểm nhất là khi chánh phủ mở cửa và ủng hộ tư bản hết mình, họ bỏ quên tiếng nói của người dân.”

Niwat Roykaew, chủ tịch nhóm bảo tồn Rak Chiang Khong, nói rằng cách làm việc từ trên xuống dưới ngày xưa không thể giải quyết mọi vấn đề và ông tin tưởng vào sức mạnh của người dân địa phương hơn sức mạnh của chánh phủ.

Ông cho biết, các cộng đồng sông Mekong phải cùng làm việc và phối hợp với các tổ chức về tin tức để tạo sức mạnh cho mình trong các cuộc thương thảo trong tương lai.  Tin tức chính xác và sự hiểu biết tình trạng của người dân sẽ đem đến một giải pháp hòa bình cho cả 2 phía.

Niwat nói: “Đã quá trễ để nói không với việc xây đập.  Chúng ta phải tìm cách để chung sống, tìm một con đường trung dung giữa tổng quan kỹ thuật và lợi ích của con người.”

Piyaporn Wongruang – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment