Friday, December 20, 2019

Mekong và những dòng sông giữ nhịp khí hậu Trái Đất



Vivien CummingBBC Earth
19 tháng 12 2019

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Làm thế nào các dòng sông chảy từ dãy núi lớn nhất thế giới có vai trò trong điều tiết khí hậu?

Vận chuyển carbon
Sông là mạch máu của Trái Đất. Chúng vận chuyển nước và chất dinh dưỡng thiết yếu để hỗ trợ các hệ sinh thái của hành tinh, bao gồm cả sự sống của con người.
Châu Á có một số con sông lớn nhất thế giới. Chúng bắt nguồn từ các dãy núi cao nhất, chảy tới những vùng ngập nước rộng lớn nơi hạ nguồn và cuối cùng đổ vào đại dương.
Giống như mạch máu, những con sông này kết nối đất đá trên núi cao với trầm tích dưới đáy đại dương và đem lại sự sống cho mọi thứ trong quãng đường đó.
Những dòng sông không chỉ mang theo nhiều chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự sinh tồn của sự sống, mà còn vận chuyển một yếu tố nắm vai trò then chốt đối với sự sống và tương lai của hành tinh chúng ta - carbon.

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Tiến sĩ Edward Tipper của Đại học Cambridge làm việc trên những con sông lớn nhất châu Á để tìm hiểu cách thức và nơi chốn carbon được chuyển đến.
"Các hệ thống sông lớn ở những vùng nhiệt đới như Nam Á là điểm nóng về phong hóa do tác động của khí hậu gió mùa và các dãy núi cao, và do đó chúng là các khu vực chuyển carbon chính từ khí quyển và lục địa ra đại dương."
"Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc chuyển đổi carbon này là không đơn giản như trước đây chúng ta từng nghĩ, và nhiều thứ diễn ra trong quá trình dòng chảy đi từ núi cao đổ ra biển có thể dẫn tới việc giải phóng carbon dioxide trở lại vào khí quyển," Tipper nói.
Tipper và các đồng nghiệp của ông nghiên cứu việc chuyển vận carbon ở các con sông của châu Á bằng cách thu thập mẫu từ các con sông lớn nhất, bao gồm sông Hằng, Salween, Irrawaddy và Mekong.
"Khi dòng chảy đạt đỉnh, mỗi giây sông Mekong vận chuyển lượng carbon tương đương với lượng carbon được giải phóng khi lái xe hơi gia đình cỡ trung bình trên đoạn đường 10.000 km. Hiểu được quá trình chuyển carbon là hết sức quan trọng để hiểu khí hậu trong tương lai."


Bản quyền hình của Vivien Cumming
Tipper và đồng nghiệp thu thập mẫu phẩm từ Sông Koshi ở Nepal


Carbon có mặt ở khắp mọi nơi. Hiểu được cách thức nó di chuyển và cách thức nó phát thải hay lưu trữ trong cấu trúc Trái Đất bản thân nó là một lĩnh vực khoa học phức tạp.
Carbon bắt đầu hành trình xuôi dòng khi mưa axit tự nhiên (có chứa carbon dioxide hòa tan trong khí quyển) hòa tan các khoáng chất trong đá.
Điều này trung hòa axit và biến đổi carbon dioxide thành bicarbonate trong nước và sau đó chảy vào các dòng sông của chúng ta.
Bicarbonate có thể tồn tại trong nước hàng ngàn năm - thực tế là nó có mặt trong mỗi chai nước khoáng, bạn sẽ thấy ở mặt sau chai nước nó được liệt kê trên tấm nhãn ghi thành phần.
Loại CO2 ra khỏi khí quyển
Quá trình phong hóa hóa học này là một trong những cách chính mà carbon dioxide bị loại ra khỏi bầu khí quyển ở mức độ các nhà khoa học Trái Đất gọi là quy mô thời gian dài.
Carbon được các con sông vận chuyển đến các đại dương. Một khi đến được đại dương, nó sẽ được tích trữ tự nhiên trong các trầm tích dưới đáy biển sâu trong hàng triệu năm.

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Để giảm thiểu tác động đến khí hậu, chúng ta cần biết có bao nhiêu carbon ra được đại dương và vì vậy chúng ta cần phải hiểu điều gì xảy ra với chúng khi còn ở trên sông.
Khi carbon di chuyển xuôi theo dòng sông, các quá trình khác nhau có thể ảnh hưởng đến việc liệu nó sẽ tiếp tục xuôi dòng hay sẽ được thải vào khí quyển.
Tipper nói rằng hệ thống tự nhiên ở những dòng sông này đang ở điểm đảo chiều.
"Việc xây dựng đập ồ ạt đang diễn ra trên khắp khu vực, điều này sẽ dẫn đến những thay đổi đột biến trong cách thức nước và trầm tích chảy xuôi dòng."
"Điều này đến lượt nó sẽ có tác động sâu sắc đến người dân sống ở hạ lưu. Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể chụp được bức ảnh ghi lại khoảnh khắc những con sông này ở trạng thái ít nhiều còn tự nhiên, trước khi chúng biến đổi hoàn toàn do tác động của các hoạt động xây dựng của con người."

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Giáo sư Robert Hilton từ Đại học Durham làm việc để hiểu rõ hơn về phản hồi giữa quá trình chuyển giao carbon và khí hậu, và qua đó làm rõ các chu trình trên bề mặt Trái Đất có thể làm giảm bớt (hoặc tăng cường) biến đổi khí hậu.
"Thông qua các dự án nghiên cứu như thế, chúng ta có thể sử dụng các dòng sông để hiểu rõ hơn về cách các cảnh quan môi trường giúp tuần hoàn khí carbon do con người thải ra như thế nào."
"Điều quan trọng là chúng ta phải tìm hiểu xem những thay đổi cơ chế khí hậu và sông ngòi có dẫn đến việc các dòng sông trở thành phát thải carbon dioxide hay không, bởi điều này sẽ dẫn đến tình trạng Trái Đất ấm nóng lên rõ rệt hơn."

Bản quyền hình của Vivien Cumming

Khí hậu Trái Đất đang thay đổi do có sự dao động lớn trong chu trình carbon mà nguyên nhân là tăng lượng khí thải carbon dioxide từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Tất cả chúng ta đều biết về sự hấp thụ carbon dioxide của cây cối trong quá trình quang hợp, nhưng liệu chúng ta có biết về hoạt động các dòng sông?
Các con sông không chỉ cung cấp dưỡng chất cho nông nghiệp và nước để chúng ta uống, mà chúng còn đem đến một trong những cách chính để điều tiết khí hậu.
Thay đổi nguyên tắc hoạt động và chu trình của các dòng sông có thể có tác động sâu sắc đến cách chúng vận chuyển carbon.
Cho dù chúng ta sống ở nơi nào đi nữa, tất cả chúng ta đều sống ở hạ nguồn.

Source:
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.



BONUS:

Mekong, dòng sông của 60 triệu người

“Sông Mekong, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở sáu quốc gia khác nhau. Trong hầu hết chiều dài sông, dòng nước chảy qua các vùng khí hậu nhiệt đới, qua những nơi như Việt Nam hay Thái Lan.
Người Tây Tạng biết rằng nơi bắt nguồn 'thật sự' về mặt địa lý của sông Mekong nằm xa hơn nữa, trên các băng sơn ở những ngọn núi nhô lên trên cao nguyên. Trong nhiều năm, các nhà thám hiểm đã tìm cách xác định chính xác cội nguồn dòng sông.
Hồi đầu Thế kỷ 19, các nhà thám hiểm người Pháp tuyên bố đã tìm ra. Một người Pháp khác, Michael Peissel, nói đã phát hiện ra một điểm khác vào khoảng giữa thập niên 1990, cũng là lúc các nhóm người Nhật nỗ lực đi tìm.
Năm 1999, các nhóm Trung Quốc xác định được nguồn gốc con sông ở nơi còn cao hơn nữa, ở Núi Cát Phủ (Jifu Mountain). 
Kết quả mới nhất được các nhà thám hiểm Pieter Neele và Luciano Lepre đưa ra là vào năm 2014. Họ mô tả về một nơi bắt nguồn mới: một dòng suối chảy ra từ một băng sơn ở độ cao 5.374 mét, trên một ngọn núi vô danh ngay bên cạnh Núi Cát Phủ.

READ MORE:



.

No comments:

Post a Comment