Sunday, July 9, 2023

CÁC NHÓM DÂN THIỂU SỐ BỊ ĐÓI KHI RỪNG ĐƯỢC KHAI QUANG Ở LÀO

 (Ethnic groups starve as forests are cleared in Laos)

Kunravee S. – Bình Yên Đông lược dịch

Mekong Eye – 26 June 2023

 


Các đồn điền chuối mở rộng ở Houayxay trong tỉnh Bokeo ở thượng Lào là kết quả của việc chuyển nhượng đất của chánh phủ nhằm mục đích nâng cao nền kinh tế quốc gia.

[Ảnh: Thitipan Pattanamongkol]

 

Rừng được khai quang để chuyển nhượng đất cướp đi thực phẩm của các nhóm Hmong mà họ thu thập từ thiên nhiên trong nhiều thế hệ.

 

BANGKOK, THAILAND – Việc giành đất ở Lào đang buộc nhiều nhóm dân tộc thiểu số Hmong bị mất tiếp cận với rừng đã cung cấp cho họ thực phẩm.  Có những mối lo sợ những dàn xếp đất đai nầy sẽ làm tồi tệ nạn đói và suy dinh dưỡng mà người Hmong đã đối mặt trong những gia đình nghèo khó.

Một người đàn ông Hmong 41 tuổi tên Toyang và gia đình ông, sống trong tỉnh Luang Namtha, ở trên bờ vực thẩm của nạn đói.  Trong nhiều thế hệ, cộng đồng thiểu số của ông đã dựa vào rừng để có thực phẩm.

Đất ẩm và giàu đa dạng sinh học trong rừng núi cung cấp cho họ cây ăn được, từ măng và nấm đến rau.

 

Nguồn: Mapbox

Bất cứ dư thừa nào từ thực phẩm họ thu nhặt được trong thiên nhiên sẽ được bán ở các chợ địa phương và cho họ một số thu nhập thêm.

Được tiếp cận với rừng tránh cho nhiều dân tộc thiểu số, nhất là những người nghèo khó như Toyang, khỏi bị đói.  Rừng cũng cung cấp nước cho trang trại của ông, nơi ông trồng thực phẩm.

Tuy nhiên, trong thập niên qua, Toyang và cộng đồng Hmong của ông đã phải chật vật để tìm thực phẩm trong thiên nhiên khi diện tích rừng thu hẹp kích thước.

 

Các dân tộc thiểu số, gồm có Hmong và Kha-mu, sống gần núi Phu Chang trong huyện Sam Nuea tỉnh Hua Phan ở thượng Lào.  Rừng trong vùng núi cung cấp thực phẩm và chất dinh dưỡng cho dân làng. 

[Ành: Citizen journalist]

 

Lái buôn bán rau cải và trái cây, một số đến từ rừng, ở một chợ đia phương trong tỉnh Hua Phan ở thượng Lào. 

[Ảnh: Citizen journalist]


Nơi từng là rừng rậm xanh thươi đã được biến thành các đồn điền độc canh đại qui mô sử dụng hóa chất rộng rãi điều hành bởi “các nhà đầu tư” đa quốc gia – họ đến thị trấn của ông sau khi được cấp đất cho thuê hay chuyển nhượng bởi chánh phủ Lào.

Cao su, chuối, khoai mì, mía, bắp, đậu và cà phê là những hoa màu được trồng trên đất được giao cho các nhà đầu tư nầy.

“Tôi không thể có được nhiều từ rừng.  Nước cũng không có nhiều, và trang trại của tôi cũng không còn màu mỡ nữa,” Toyang nói.

 

Không còn nhiều để ăn

Được phát động vào cuối thập niên 1990s, việc lấy đất là một chiến lược của chánh phủ Lào để nâng cao việc phát triển kinh tế địa phương bắng cách chuyển quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư ở trong nước và ngoại quốc trong một thời gian được đồng ý.

Một phúc trình năm 2020 được công bố bởi Trung tâm Phát triển và Môi trường (CDE) của Đại học Bern ở Switzerland, cho thấy rằng một tổng số 1.758 dàn xếp đất đai – bao gồm một diện tích 11.75 triệu hectares, hay khoảng 50% lãnh thổ Lào – được giao cho các nhà đầu tư.  Con số nầy được ước tính dựa trên dữ kiện được thu thập từ năm 2014 đến 2017.

 


Đất được các nhà đầu tư lấy phần lớn được dùng trong thành phần khai mỏ, nông nghiệp và đồn điền cây cối, nhất là cau su và bạc hà.  Đầu tư ngoại quốc chiếm 61% của tổng số diện tích đất đai được dàn xếp.  ½ số họ đến từ Trung Hoa, Việt Nam và Thái Lan.

Phúc trình tương tự cho thấy rằng 240 dàn xếp đất đai nầy, chiếm một diện tích 137.332 hectares, là rừng quốc gia.

Một khảo sát các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi 296 việc dàn xếp đất thấy rằng ¼ làng trải qua việc mất tính sẵn có thực phẩm vì nhiều yếu tố, gồm có mất tiếp xúc với rừng cộng đồng, thay đổi điều kiện khí hậu và ô nhiễm hóa chất do việc thay đổi cách sử dụng đất.

 


 Somporn, một nhân viên xã hội ở thượng Lào, nói một nhà đầu tư Trung Hoa đến vùng của bà và khai quang rừng để trồng chuối, cao và các loại cây có thể ăn được khác.  Hoa màu thu hoạch được gởi trở lại Trung Hoa để nuôi dân ở đó, trong khi dân làng địa phương ở Lào bị ảnh hưởng bởi những vụ dàn xếp đất đai nầy bị đói

“Sau khi các doanh thương đến đây, và cây cối bị đốn xuống, chúng tôi còn rất ít để ăn,” một người dân tộc Hmong 37 tuổi tên Saisana từ Sam Nuea, thủ phủ của tỉnh Houaphanh ở thượng Lào, nói.

Vì các cộng đồng địa phương than phiền, chánh phủ Lào công bố một loạt tạm ngưng việc dàn xếp đất, gần đây nhất trong năm 2018, để ngăn ngừa các chuyển nhượng mới cho khai mỏ, đồn điền cao su và bạc hà.

Nhưng ảnh hưởng của việc lấy đất tiếp tục khi việc cho thuê hay chuyển nhượng có thể kéo dài đến 50 năm.

 

Nguy cơ suy dinh dưỡng

Dân làng ở thượng Lào nói với Mekong Eye rằng nay họ bị buộc phải đựa thêm vào việc mua thực phẩm vì họ không còn lấy thực phẩm từ thiên nhiên nữa, như họ đã làm trong nhiều thế hệ.

Điều nầy có lẽ sẽ gia tăng vấn đề suy dinh dưỡng, nhất là cho các gia đình dân tộc nghèo khó và trẻ con của họ, người có mãi lực hạn chế và rừng là tài nguyên cuối cùng của họ.

Chỉ số Đói Toàn cầu 2020 cho thấy rằng suy dinh dưỡng trong dân số Lào đang ở mức nghiêm trọng.  Nạn đói có thể được cảm nhận khác nhau giữa các cộng đồng vì sự khác biệt địa lý, dân tộc, giới tính hay của cải.  Mức trẻ con còi cọc trung bình 33% ở Lào trong chỉ số năm 2020, và tương tự trong chỉ số 2022.

Phúc trình 2022 khác được công bố bởi Trung tâm Dinh dưỡng thuộc Bộ Y tế Lào cho thấy rằng mức trẻ con thiếu cân dưới 5 tuổi vào khoảng 21% và suy dinh dưỡng cấp thời là 9%.

Suy dinh dưỡng được báo cáo trong 54% số trẻ con trong tỉnh Phongsali, 49,9% ở Sekong, 48,3% ở Xieng Khoang và 40,7% ở Hua Phan.  ½ trẻ em còi cọc từ các gia đình Hmong, phần lớn sống trong vùng phía bắc của quốc gia.

Một bác sĩ ở một bệnh viện trong tỉnh Phongsali nói với Mekong Eye rằng trẻ con sống trong các vùng xa xôi thường ốm và thấp vì không có đủ chất dinh dưỡng.  Cha mẹ của chúng phải làm việc ở ngoài đồng và chật vật để cung cấp thực phẩm tốt cho con cái của họ.

“Hầu hết trẻ con [ở thượng Lào] thường ăn trái cây, nấm, măng tre và côn trùng ở trong rừng.  Chúng không có nhiều thịt.  Một số cha mẹ không cung cấp cho con cái đầy đủ [với chất đạm] cho đến khi con cái của họ được 1 tuổi,” một nhân viên xã hội ẩn danh ở thượng Lào, nói.

Sitthiroth Rasphone, người cầm đầu Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư, nới trong Quốc hội khóa 8th trong năm 2022 rằng giới chức Lào và các thành phần liên hệ đã có những nỗ lực tiến đến việc giải quyết suy dinh dưỡng.

Ông đưa ra một số giải pháp, gồm có khuyến khích sản xuất thực phẩm nhiều loại và phẩm chất, và canh tác khả chấp.

Nhưng một số nhân viên xã hội cho thấy rằng chánh phủ đối phó không thích hợp một giải pháp lâu dài - ảnh hưởng của việc dàn xếp đất đai đối với an ninh lương thực của các cộng đồng địa phương. 

 

Giàu đa dạng sinh học trong rừng núi ở thượng Lào cung cấp cho các dân tộc thiểu số thực phẩm thiên nhiên. 

[Ảnh: Citizen journalist]

 

Các gia đình thiểu số nghèo ở Lào dựa vào thực phẩm thiên nhiên – gồm có cá nước ngọt và côn trùng – để có chất đạm. 

[Ảnh: Citizen journalist]

 

Một nhân viên xã hội ẩn danh nói rằng cai quản đứt đoạn đóng một vai trò lớn trong thất bại của chánh phủ để nối ảnh hưởng của an ninh lương thực và dàn xếp đất đai.

Thí dụ, Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp chú trọng đến năng suất của trang trại, trong khi Bộ kế hoạch và Đầu tư ưu tiên việc gia tăng đầu tư, gồm có nới rộng độc canh và dàn xếp đất.

Suy dinh dưỡng chỉ được xem từ khái niệm y tế, một nhân viên xã hội nói, và nó không được kết hợp với các kế hoạch phát triền trung ương của quốc gia.

 

Thu hút đầu tư trước hết

Song song với việc phá rừng liên quan đến việc lấy đất, thay đổi khí hậu cũng đóng một vai trò trong việc xáo trôn anh ninh lương thực cùa các dân tộc thiểu số.

Phúc trình của Tổ chức Lương thực thế giới được công bố trong tháng 4 năm 2022 đề nghị rằng thay đổi khí hậu, kết hợp với việc tiếp xúc kém với thị trường và cuộc sống đa dạng, ảnh hưởng an ninh lương thực của người dân trong các vùng cao xa xôi, nơi 25% gia đình không có an ninh lương thực.

Một phúc trình 2020 của Cục Thay đổi Khí hậu thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nối các dự án đầu tư và phát triển khác nhau – từ các đồn điền và thay đổi cách sử dụng đất đại qui mô đến kỹ nghệ khai mỏ đưa đến việc phá rừng rộng lớn – đã góp phần vào ảnh hưởng thay đổi khí hậu, nhất là hạn hán và lũ lụt.

Phát triển nầy, nếu được thực hiện vô trách nhiệm, có thể phá hủy an ninh lương thực của dân số ở Lào, 80% kiếm sống bằng canh tác, nuôi gia súc, đi săn và thu nhặt thực phẩm.


Một số cây trong rừng ở đồi núi trong tỉnh Bokeo ở thượng Lào được đốn xuống để làm đồn điền thương mại. 

[Ảnh: Thitipan Pattanamongkol]

 

Thong Chan, một dân làng 36 tuổi sống ở Wiang Kham trong tỉnh Luang Prabang nói rằng hạn hán nghiêm trọng hơn trong vùng núi ở thượng Lào, nơi hệ thống thủy nông không đến nhiều làng dân tộc thiểu số.

“Khi rừng bị phá hủy [trong việc cho thuê đất hay vùng chuyển nhượng,] nước khô cạn hơn,” ông nói, thêm rằng tình trạng thiếu nước cũng ảnh hưởng người dân kiếm sống bằng cách nuôi gia súc.

Lu, một người Hmong 57 tuổi trong tỉnh Luang Nam Tha ở thượng Lào, nói rằng sự sụt giảm thực phẩm thiên nhiên liên quan đến phá rừng đã buộc người trẻ trong cộng đồng của bà di cư và tìm việc làm trong hãng xưỡng và lao động ở Lào và Thái Lan.

Theo quan niệm của chánh phủ Lào, ảnh hưởng của việc dàn xếp đất đai đối với các cộng đồng địa phương phải được so sánh với thịnh vượng quốc gia.

“Người dân trong nước của chúng tôi vẫn còn nghèo, và cần phải thu hút đầu tư trước tiên từ quan điểm của chánh phủ,” một viên chức Lào ẩn danh nói.

No comments:

Post a Comment