(Choked by Dams and Climate Change, the Mekong River Is on ‘Life Support’)
Elliot Waldman – Bình Yên Đông lược dịch
World Politics Review – March 27, 2020
Các thuyền đánh cá neo trên sông Mekong, đã đổi thành màu xanh trong bất thường ở Nakhon Phanom, Thái Lan
vào ngày 4 tháng 12 năm 2019.
[Ảnh: Chessadaporn Buasai/AP]
Trong khi các xã hội trên khắp thế giới chú trọng vào việc chận đứng sự truyền nhiễm của coronavirus mới lạ, hàng triệu người ở Đông Nam Á (ĐNA) có mối lo ngại khác trong tâm trí của họ: Làm sao để có thực phẩm trên bàn ăn trong lúc hạn hán tàn khốc.
Ở Thái Lan, lượng mưa thấp kỷ lục từ mùa hè trước đã gây thiệt hại nặng nề cho thành phần nông nghiệp, cung cấp việc làm cho 11 triệu người. Các cộng đồng đánh cá nội địa trên khắp vùng báo cáo số cá đánh được rất ít. Và ở Việt Nam, tình trạng khẩn cấp đã được công bố hồi đầu tháng trong 5 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi sản xuất trên ½ số gạo chỉ với 12% diện tích của quốc gia.
Nguyên nhân gần của hạn hán là hiện tượng El Nino vào mùa hè qua, với nhiệt độ nước biển ấm hơn trung bình ở đông Thái Bình Dương làm thay đổi tình hình thời tiết khắp thế giới. Đối với hầu hết ĐNA, điều nầy có nghĩa là mùa mưa bất thường trong năm rồi, khi mưa lớn thường bắt đầu vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 đã không đến. Nó theo gót của hiện tượng thời tiết tương tự trong năm 2015 cũng gây hạn hán nghiêm trọng trong khu vực. Các nghiên cứu cho thấy rằng thay đổi khí hậu đang làm cho hiện tượng El Nino mạnh mẽ xảy ra thường xuyên hơn.
Ảnh hưởng của đợt hạn hán hiện nay đặc biệt nghiêm trọng cho sông Mekong, một trong những thủy lộ trọng yếu nhất của Á Châu, với mực nước xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử đo đạc. Từ nguồn ở cao nguyên Tây Tạng, Mekong chảy qua 3.000 miles qua Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam, duy trì cuộc sống cho khoảng 60 triệu người ở ven sông. Ngoài hạn hán hiện nay, sông cũng chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và việc xây đập dọc theo dòng chánh và các phụ lưu. Vì thế, nhiều chuyên viên đang lo ngại cho hệ sinh thái lâu dài của nó.
“Càng ngày càng có nhiều triệu chứng của một bệnh nhân được gắn máy trợ thở,” Brian Eyler, giám đốc Chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson và tác giả của “Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ”, nói. Ông giải thích rằng hồi mùa hè vừa qua, nhiều khúc sông đã biến thành màu xanh trong, thay vì đục ngầu như thường lệ. Đó là một dấu hiệu xấu, vì nó cho thấy sự vắng mặt của phù sa rất quan trọng cho nông nghiệp ở các quốc gia duyên hà. Và trong vùng chung quanh hồ Tonle Sap, dựa vào nước lũ của Mekong và là một trong những nền thủy sản nước ngọt phong phú nhất thế giới, các báo cáo rải rác cho thấy rằng số cá đánh được trong năm nay thấp hơn các năm trước từ 80 đến 90%, theo Eyler.
Hầu hết có lẽ là kết quả của tình trạng hạn hán cực đoan đã kéo dài từ năm ngoái, nhưng nó trầm trọng thêm với sự gia tăng các đập thủy điện. Trung Hoa điều hành 11 đập khổng lồ trên thượng lưu Mekong, được gọi là sông Lancang. Chỉ 2 đập Xiaowan (Mạn Loan) và Nuozhadu (Nọa Trát Độ) có thể giữ đủ nước trong các hồ chứa để làm đầy Vịnh Chesapeake [nằm giữa các tiểu bang Delaware, Maryland và Virgina, Hoa Kỳ].
Hầu hết các đập ở hạ lưu vực Mekong, trong lúc đó, được xây trong quốc gia không có bờ biển Lào, từ lâu có tham vọng dùng thủy điện để trở thành “bình điện của ĐNA.” Hai đập lớn vừa hoạt động dọc theo dòng chánh Mekong, với các đập khác tiếp theo. Lào cũng đã xây 60 đập trên các phụ lưu của Mekong, hầu hết trong vòng 5 năm qua, và 60 đập nữa đang được xây cất. “Mỗi đập nầy có ảnh hưởng gia tăng trong việc hủy hoại sinh thái của Mekong,” Eyler nói.
Phần lớn điện do các đập của Lào sản xuất được xuất cảng để đáp ứng nhu cầu của các láng giềng kỹ nghệ hóa nhanh như Thái Lan, Việt Nam và Cambodia. Cái giá môi trường và xã hội lớn lao, trong lúc đó, được gánh bởi dòng sông và các cộng đồng ven sông sống dựa vào hệ sinh thái phức tạp của Mekong. Ngoài việc giữ lại nước và phù sa và làm gián đoạn sự di chuyển của cá, cũng có những lo ngại lớn lao về an toàn liên quan đến các dự án thủy điện. Năm 2018, một phần của đập đang xây ở hạ Lào đã vỡ, giết chết ít nhất 49 người và di tản hàng ngàn người khác. Chánh phủ đổ cho “xây cất không đúng tiêu chuẩn.”
Quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất bởi sự suy thoái của Mekong có lẽ là Việt Nam, nơi mà sự mất mát phù sa trong sông là động lực chánh cho sạt lở và xâm nhập của nước mặn trong vùng ĐBSCL phì nhiêu, “chén cơm” của quốc gia. Độ mặn cao hơn và tình trạng khô hạn gây thiệt hại hàng trăm ngàn acres ruộng lúa và vườn cây ăn trái trong đồng bằng trong năm nay, và 120.000 gia đình đang đối mặt với tình trạng thiếu nước.
Cho đến nay, cuộc khủng hoảng môi trường gia tăng mà Mekong đang đối mặt phần lớn thuộc phạm vi của các bộ phận khu vực như Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), với các thành viên gồm có Việt Nam, Cambodia, Lào và Thái Lan. Từ năm 2015, Beijing cũng vươn đến các quốc gia duyên hà khác qua khuôn khổ Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), mặc dù nó có vẻ chú trọng đến việc phát triển kinh tế hơn nỗ lực sinh thái và bảo tồn. Ngoại trưởng Trung Hoa Wang Yi (Vương Nghị) xác nhận như thế khi nói rằng hợp tác không phải là “nói chuyện trên trời, mà là máy ủi trên mặt đất.”
Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy số phận của Mekong có thể sớm trở thành một chủ đề thảo luận ở các diễn đàn khu vực cấp cao, kể cả Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)). Việt Nam đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, và có kế hoạch để đặt tính khả chấp của Mekong vào chương trình nghị sự cho phiên họp bộ trưởng vào mùa hè nầy.
Mặc dù chỉ có 5 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN nằm trong lưu vực Mekong, Eyler nói rằng có nhiều lý do chánh đáng để ½ khối còn lại lo ngại về sức khỏa đang suy đồi của dòng sông. Thái Lan và Việt Nam là quốc gia xuất cảng gạo đứng thứ 2nd và 3rd trên thế giới, theo thứ tự, với Myamar và Cambodia không xa ở phía sau. Nhiều hàng xuất cảng của các quốc gia nầy đến các bàn ăn tối trên khắp ĐNA. Và nếu khủng hoảng môi trường tồi tệ, hàng triệu người sẽ mất cuộc sống và buộc phải di chuyển, tạo nên những đoàn di dân ảnh hưởng đến toàn khu vực.
Các kế hoạch của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi, và còn quá sớm để nói liệu chúng sẽ làm thay đổi. ASEAN là một tổ chức dựa trên sự nhất trí, hầu hết tùy thuộc vào bố trí của thảo luận và liệu các thành viên có thể đồng ý để cam kết bảo vệ Mekong. Vấn đề cũng có thể bị gạt ra ngoài bởi các thảo luận lôi thôi về bộ ứng xử cho Biển Đông đã có từ lâu, mà các thành viên ASEAN hy vọng sớm hoàn thành với Trung Hoa.
Đối với Việt Nam, chủ tọa ASEAN là một đòn bẫy quan trọng trong nỗ lực của họ để đảo ngược một số thiệt hại của Mekong. Nước nầy dự trù tổ chức 2 phiên họp thượng đỉnh ASEAN vào mùa thu thường được các lãnh đạo cao cấp trên thế giới tham dự, kể cả Trung Hoa và Hoa Kỳ. Đặt Mekong vào chương trình nghị sự cho các phiên họp đó sẽ chiếu ánh sáng quốc tế vào cảnh ngộ của sông. Nó cũng cung cấp một diễn đàn thảo luận Mekong trong khuôn khổ của các nỗ lực quốc tế rộng rãi hơn để đối phó với thay đổi khí hậu.
Chọn đúng lúc là một mánh lới, vì các chánh phủ trên khắp Á Châu chú trọng đến việc ngăn chận sự truyền nhiễm của Covid-19 trong quốc gia của họ. Nhưng đối với Mekong và hàng triệu người dựa vào nó, đèn cảnh báo đã chớp đỏ từ nhiều năm. Năm nay, sau rốt, chúng có thể nhận được sự chú ý ở cấp cao cần thiết.
No comments:
Post a Comment