Thursday, December 17, 2020

Dân bỏ xứ đi, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao?

 RFA

2020-12-17

Ảnh minh họa. Một người nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL.

Courtesy of Tùng Thien

ĐBSCL-Vựa lúa của Việt Nam

Khu vực miền Tây Nam Bộ, còn được gọi tên “Đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) là vùng châu thổ trù phú được thiên nhiên ưu đãi nhất ở Việt Nam. ĐBSCL được dân gian truyền miệng rằng vùng đất Phương Nam “chim trời cá nước” là một nơi không bao giờ bị đói khát vì được bao bọc bởi những đồng lúa cò bay thẳng cánh và dòng Mekong mênh mông với 9 nhánh sông đầy ấp tôm cá quanh năm, nhiều nhất vào mùa nước tràn đồng mỗi năm.

ĐBSCL được xem là vựa lúa của Việt Nam, góp phần quan trọng để trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Nơi đây còn là khu vực phát triển nông nghiệp chủ lực với nhiều mặt hàng nông sản đa dạng, không những cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong vòng 10 năm từ 2009 đến 2019, khu vực ĐBSCL góp đến 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng trái cây và xấp xỉ 18% GDP của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương ghi nhận, trong năm 2020, tỷ lệ dân số ở ĐBSCL gần 17,3 triệu người, chiếm gần 18% dân số Việt Nam. Tỷ lệ tăng dân số ở ĐBSCL trong một thập niên qua thấp nhất Việt Nam, chỉ chiếm 0,05% trong khi chỉ số già hóa dân số lại cao nhất nước đến 58,5% và tỷ suất di cư thuần cũng cao nhất nước, ở mức 39,9%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các thông số này là do “sự đi ra khỏi vùng để làm ăn sinh sống của lớp người trong độ tuổi lao động”.

 

Ảnh minh họa. Chợ nổi ở Cần Thơ. Courtesy of Duy Black

 

Do sự đô thị hóa quá nhanh và cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ sự yếu kém của nông nghiệp sang hướng về thương mại, dịch vụ và công nghệp cho nên lực lượng lao động trẻ đi đến các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh, như người ta nói câu ‘Đi Bình Dương’, cho nên thanh niên ở tuổi lao động đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hết, cho nên đất đai thì do người già làm công việc đồng án nhiều, chứ không phải thanh niên trẻ. Do đó, nguồn lao động ở các tỉnh ĐBSCL bị mất và nằm trong diện di cư-Nhà báo ở ĐBSCL

1,3 triệu người di cư trong một thập niên

Một nhà báo sinh sống tại ĐBSCL, hiện đang làm việc trong lĩnh vực phóng sự truyền hình, vào tối ngày 17/12 chia sẻ thêm thông tin liên quan về người miền Tây di cư, qua ghi nhận cá nhân của ông.

“Do sự đô thị hóa quá nhanh và cơ cấu kinh tế dịch chuyển từ sự yếu kém của nông nghiệp sang hướng về thương mại, dịch vụ và công nghệp cho nên lực lượng lao động trẻ đi đến các tỉnh phát triển công nghiệp mạnh, như người ta nói câu ‘Đi Bình Dương’, cho nên thanh niên ở tuổi lao động đi Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân hết, cho nên đất đai thì do người già làm công việc đồng án nhiều, chứ không phải thanh niên trẻ. Do đó, nguồn lao động ở các tỉnh ĐBSCL bị mất và nằm trong diện di cư.”

Báo giới quốc nội mới đây trích lời phát biểu của Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa, tại lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, được tổ chức vào chiều ngày 14/12 ở Cần Thơ, rằng “Nói ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Gần 40% lao động không học tiếp phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu”.

Nhà báo truyền hình, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm với RFA rằng ĐBSCL tuy có rất nhiều thuận lợi về quỹ đất đai, phát triển nông nghiệp và được nhà nước đầu tư khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào; nhưng con số người dân ở ĐBSCL di cư lên đến hơn triệu người, bởi khu vực này đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

“10 năm trở lại đây, bất lợi thứ nhất là biến đổi khí hậu và làm cho một số tỉnh ven biển bị ngập mặn như Bết Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Nước ngập mặn xâm phạm vô vườn cây ăn trái hoặc các loại thủy hải sản, làm cho bị hư, bị chết. Rất nhiều trường hợp nông dân bị lao đao do biến đổi khí hậu đó. Còn những tỉnh không bị xâm nhập mặn như Đồng Tháp, An Giang…nhưng bị xói mòn và lở đất do dòng chảy của nước bị thay đổi. Nguyên nhân thay đổi là do khai thác cát, nhất là ở khu vực đầu nguồn Campuchia bị tận thu cát quá nhiều cho nên rất nhiều hộ dân phải sống khổ sở do vấn đề dòng chảy bị thay đổi gây ra.”

Vị nhà báo ẩn danh còn liệt kê tình trạng các đập thủy điện được xây dựng ở Trung Quốc và Lào, khu vực thượng nguồn sông Mekong gây ra tình trạng khô hạn và phù sa không còn. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao ngày càng nhiều cùng với việc nông dân gia tăng năng suất cây trồng bằng phân thuốc hóa học, thải ra dòng nước gây ô nhiễm môi trường và tác động ngược lại hệ thống nước tưới tiêu, làm cho ngành sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị tổn thất nặng nề.

 

Ảnh minh họa. Một phụ nữ đang làm việc tại lò gạch ở ĐBSCL. Courtesy of Duy Black

 

Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, hồi năm 2016, công bố một báo cáo cho thấy các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra nguy cơ làm mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng tới 10% các loài cá và thu nhập người dân có thể giảm tới 50%. Việt Nam bị tổn thất hàng năm về thuỷ sản và nông nghiệp, bởi các đập thuỷ điện đó, có thể lên đến khoảng 760 triệu USD.

Bà Kim, một nông dân ở Bến Tre, vào tối hôm 17/12, lên tiếng với RFA rằng gia đình bà không thể sống được qua thu nhập từ ruộng vườn nên bà phải tìm việc làm xa xứ.

“Tôi phải lên Đồng Nai làm công nhân từ năm 2008. Mức lương lúc đó chỉ có 38 ngàn đồng/ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ. Thời gian mười mấy năm qua tôi không đủ sống, cho nên cũng khổ lắm và phải cố gắng bươn chải.”

Chị Anh, một cư dân ở Đồng Tháp rời quê nhà đến làm việc ở Công ty Kinh Đô, tại khu công nghiệp Bình Dương từ năm 2001, tâm tình với RFA về cuộc sống công nhân của mình:

“Coi như gần 6 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca thì lãnh thêm được lên 7,8 triệu, có khi được tới 10 triệu. Làm việc 12 tiếng đồng hồ/ngày, từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.”

Cuộc sống của chị Anh được cho làm tạm ổn khi chị đủ trang trải cho bản thân và gửi tiền về quê chu cấp cho bà mẹ già đơn thân, bệnh tật. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, chị Anh buộc phải trở về quê sinh sống, để chăm sóc cho mẹ vì bà bị xe đụng gãy chân, không đi đứng được. Dù trong dịch bệnh COVID-19, nhưng chị Anh cũng tìm được việc làm nhân viên lau dọn trong một công ty, nhờ vào sự giới thiệu của người hàng xóm.

“Hiện giờ làm mức lương 3,5 triệu/tháng. Nào là tiền điện, tiền nước, tiền ăn, tiền thuốc của má tôi. Chưa kể nhiều khi tôi bị đau ốm cho nên chi tiêu không đủ.”

Ông K, giám đốc điều hành thuộc công ty tư nhân, kinh doanh các dự án bất động sản ở ĐBSCL, cho RFA biết về tình hình công ăn việc làm hiện nay tại khu vực này:

“ĐBSCL vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chung với cả nước và xâm nhập mặn làm cho nông nghiệp bị tác động nghiêm trọng và COVID-19 cũng gây ra hậu quả nặng nề cho lực lượng lao động trẻ có trình độ, còn lao động phổ thông thì còn tệ hơn nhiều. 1,3 triệu người di cư chỉ là một phản ánh rất khiêm tốn.”

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương Mại- Công Nghiệp chi nhánh Cần Thơ, vào ngày 17/12 trong trả lời báo mạng VnEXpress cho rằng việc người dân miền Tây rời đi quá nhiều trong một khoảng thời gian nhất định cho thấy đó là tình trạng bức bách và vùng đất này kém phát triển. Về lâu về dài nếu không giải quyết, xã hội sẽ bất ổn.

 

Ảnh minh họa. Đạp xe lôi là công việc lao động phổ thông phổ biến ở ĐBSCL.

 Courtesy of Đặng Đại

 

Viễn cảnh ĐBSCL sẽ thế nào?

Mùa hạn mặn năm 2020 tại ĐBSCL được đánh giá là “khắc nghiệt” và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi đầu tháng 8, ra quyết định chi ngân sách cho 5 tỉnh bị thiệt hại bao gồm Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang số tiền 70 tỷ đồng/tỉnh để hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt và đời sống người dân.

Vào đầu tháng 11 vừa qua, tại một phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tuyên bố Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng để đầu tư hạ tầng cho vùng ĐBSCL, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như hạ tầng yếu kém do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của vùng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn đồng ý tăng thêm 2 tỷ USD cho quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Nhà báo truyền hình ẩn danh xác nhận với RFA hiện tại chính quyền các tỉnh và thành phố ở ĐBSCL đang thực hiện và tiến hành nhiều dự án theo quy hoạch vừa được đề cập. Ông nói rằng ĐBSCL trong tương lai sẽ tập trung phát triển về công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ chuyển hướng nhắm đến nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng các thị trường xuất khẩu như Mỹ và Châu Âu.

Bất kể ai cũng muốn được ở gần quê và nếu có được cơ hội phát triển tốt thì sẽ quay trở về để phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Nếu như nhà nước đầu tư tốt, bài bản và phát triển bền vững thì mọi người sẽ quay trở về. Nhưng mà, thật sự điều đó hơi khó tại vì theo các căn cứ của cơ sở khoa học thì khu vực miền Tây Nam Bộ đang ngày càng chết dần, chết mòn-Kiến trúc sư Duy Black

Kiến trúc sư trẻ Duy Black, hiện sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, nói với RFA rằng chắc chắn anh và rất nhiều người con của miền Tây Nam Bộ sẽ hồi hương nếu như vùng này được đầu tư và phát triển theo như kế hoạch đề ra:

“Tất nhiên rồi. Bất kể ai cũng muốn được ở gần quê và nếu có được cơ hội phát triển tốt thì sẽ quay trở về để phát triển sự nghiệp và ổn định cuộc sống. Nếu như nhà nước đầu tư tốt, bài bản và phát triển bền vững thì mọi người sẽ quay trở về. Nhưng mà, thật sự điều đó hơi khó tại vì theo các căn cứ của cơ sở khoa học thì khu vực miền Tây Nam Bộ đang ngày càng chết dần, chết mòn.”

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, hồi tháng 6/2019, dẫn lời của Vụ trưởng Vụ Kiểm soát An toàn Thiên tai, ông Tăng Quốc Chính cho biết trước đó vào tháng 2, Đại học Utrecht, của Hà Lan công bố một nghiên cứu về mức độ lún sụt ở ĐBSCL và đưa ra cảnh báo với mức lún sụt như hiện nay thì đến năm 2100 gần như toàn bộ vùng ĐBSCL của Việt Nam sẽ bị chìm dưới mặt nước.

Đài RFA mượn lời của nhà báo truyền hình ẩn danh để kết thúc bài ghi nhận này, rằng trong “bức tranh tối tranh sáng” đời sống xã hội ở ĐBSCL, ông rất đồng cảm với những người di cư như chị Anh và hàng chục ngàn “cô dâu” miền Tây phải ra đi tìm miếng cơm manh áo và thật thương cảm hơn về sự trở về của họ, mà trong đó có những hũ tro cốt của phận đời như nhánh lục bình trôi bập bềnh trên dòng Mekong sắp cạn.

SOURCE:

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-delta-future-when-millions-of-residents-moving-out-of-the-area-12172020144021.html?fbclid=IwAR3nkFEIJTbH0LiqzDYCHeF2kPtn8IZH4VQ-w51E3s1C7jHY3KRFmxvV6IQ

.

No comments:

Post a Comment