Monday, November 18, 2019

KHÔN CŨNG CHẾT, DẠI CŨNG CHẾT: ĐẬP TAN HUYỀN THOẠI VỀ ĐẬP THỦY ĐIỆN MEKONG



(Damned if you do, damned if you don’t: Myth-busting on the Mekong’s hydropower dams)

Asit K Biswas and Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch
POLICY FORUM – June 26, 2017

Đập Nọa Trát Độ (Nuozhadu), đập lớn nhất  trên Mekong ở Trung Hoa [Ảnh: Xinhua]


Trong những năm gần đây, việc xây đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong được nói đến rất nhiều, nhất là ở Trung Hoa, và ảnh hưởng của chúng đối với hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL).  Cái điệp khúc mà nhiều nhà hoạt động xã hội và môi trường lặp đi lặp lại là các đập thủy điện của Trung Hoa đã góp phần vào việc làm giảm lưu lượng ở ĐBSCL, ảnh hưởng đến mức sản xuất lúa và xâm nhập của nước mặn.  Thay đổi khí hậu làm cho những ảnh hưởng nầy thêm nghiêm trọng.

Cho phép chúng tôi xem xét một cách khách quan các sự kiện và giá trị của những lời tuyên bố đó.

Rõ ràng, kỹ nghệ nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam ở vùng ĐBSCL đã bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn hán trong năm 2016.  Theo thống kê chánh thức, mức tăng trưởng của các thành phần nầy trong năm qua chỉ có 1,36%, mức thấp nhất kể từ năm 2011.  Hạn hán đã gây ảnh hưởng kinh tế, xã hội và môi trường quan trọng vì nó gây thiệt hại nặng nề đến việc sản xuất và xuất cảng cà phê, lúa và tôm.  Thiệt hại của đợt hạn hán nầy được ước tính là 15.000 tỉ VND (670 triệu USD).

Có nhiều lý do khiến Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.  Trước hết là thay đổi khí hậu.  Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng của thay đổi khí hậu nhiều nhất.  Hạn hán do hiện tượng El Niño gây ra trong năm 2016 ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất cà phê ở cao nguyên miền trung và lúa ở ĐBSCL.  Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất lên thế giới và là quốc gia xuất cảng lúa đứng hàng thứ 3, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Việt Nam không thể làm gì để giảm chu kỳ hạn hán do hiện tượng El Niño gây ra.  Tuy nhiên, nước nầy có thể cải thiện lề lối canh tác để dùng nước có hiệu quả hơn trong những thập niên sắp tới.  Thời vụ cần được thay đổi như thế nào để có thể trồng nhiều loại hoa màu khác nhau cùng với việc quản lý có hiệu quả hơn và áp dụng kỹ thuật để có thể giảm nhu cầu nước mà không ảnh hưởng đến lợi tức của nông dân.

Vấn đề thứ hai luôn được nêu lên là việc xây đập thủy điện ở Trung Hoa, được xem là nguyên nhân chánh của tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL.

Nhu cầu điện và nước trong các quốc gia mà sông Mekong chảy qua – Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam – gia tăng một cách đều đặn.  Rất nhiều điện sẽ cần để kỹ nghệ hóa quốc gia.  Các dòng sông như Mekong và các phụ lưu có thể là những nguồn điện quan trọng mà tất cả 6 quốc gia trong lưu vực cần đến.  Hơn nữa, thủy điện không phóng thích CO2 và là nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ.

Đập đầu tiên do Trung Hoa xây trên sông Mekong, đập Mạn Loan (Manwan) cao 132 m, bắt đầu hoạt động vào năm 1995.  Nó có công suất thiết kế là 1.750 MW.  Kể từ đó, 11 đập thủy điện khác được xây trên hệ thống Mekong, 6 trong lãnh thổ Trung Hoa.  Trong một Á Châu thiếu điện và lo ngại hâm nóng toàn cầu, nhiều đập sẽ được xây trên hệ thống Mekong trong 2 thập niên sắp tới.

Có phải những đập thủy điện nầy, cả hiện tại lẫn tương lai, góp phần gây ra hạn hán ở Việt Nam, một lo ngại chung của các nhà hoạt động xã hội và môi trường?

Câu trả lời đơn giản là không.  Đập thủy điện không tiêu thụ nước.  Sau khi phát điện, nước được trả trở lại sông.  Nếu đập chỉ dùng cho mục đích thủy điện, nước lũ được trữ trong mùa mưa và xả ra quanh năm.  Điều nầy làm tăng lưu lượng của sông trong mùa khô.  Vì thế, các đập trên thượng lưu sông Mekong và các phụ lưu ở Trung Hoa, Lào và Thái Lan, nếu chúng được xây cho thủy điện, hầu như không làm giảm lưu lượng ở ĐBSCL trong mùa khô.

Tuy nhiên, có 2 nhận thức sai lạc về các đập của Trung Hoa được tin tưởng rộng rãi trên toàn cầu.  Thứ nhất, có một nhóm rất lớn các nhà hoạt động và NGOs về môi trường và xã hội bị thuyết phục rằng tất cả các đập đều là ác quỷ.  Họ tin rằng không chỉ không nên xây đập, mà chúng phải được phá bỏ trong mọi trường hợp để sông được chảy tự do.  Trong thập niên 1990s và 2000s, với sự quảng bá cao độ của giới truyền thông qua các sự kiện và phân tích sai lạc, những binh đoàn chống đập nầy đã chiếm ưu thế trong việc tranh luận toàn cầu.  Những ngày đó nay đã chấm dứt.  Việc tranh luận toàn cầu về đập ngày nay cân bằng hơn, thực tế hơn, thật sự và khác biệt.  Hơn nữa, trong 20 năm qua, chúng ta đã biết làm thế nào để tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa ảnh hưởng tiêu cực để lợi ích ròng cho xã hội càng lớn càng tốt.  Một phần cũng vì sự chống đối của những nhà hoạt động.

Phân nửa 45.000 đập lớn trên thế giới nằm ở Trung Hoa.  Do đó,  các nhà phát triển đập Trung Hoa đã trở nên có hiệu quả nhất trên thế giới.  Họ được quốc tế công nhận trong việc xây các đập lớn và phức tạp đúng thời hạn và kinh phí.  Tuy nhiên, vì Trung Hoa hiện nay là một thế lực chánh trị và  kinh tế đang trỗi dậy, với một hệ thống chánh trị khác với láng giềng, rất nhiều chuyện đánh phá Trung Hoa đang xảy ra qua các đại diện.  Một trong những đại diện nầy là các đập của Trung Hoa.

Trong những năm sắp tới, càng ngày càng có nhiều đập được xây trên thế giới với hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội và ít gây hại môi trường không chỉ trên Mekong mà còn trên các sông khác.  Với kiến thức mới thu thập trong 2 thập niên qua, ngày nay đập có thể được xây và điều hành để cung cấp lợi ích ròng đáng kể cho xã hội và cũng bảo đảm rằng những người trả giá cho dự án phải là những người thụ hưởng trực tiếp.

Hơn nữa, các nông dân đang càng ngày càng bơm nhiều nước sông trong tất cả 6 quốc gia Mekong.  Việc bơm nước làm giảm dần mực nước ở ĐBSCL, đặc biệt là trong mùa khô.  Nếu chiều hướng hiện nay tiếp diễn, tình hình sẽ trở nên tồi tệ trong tương lai.

Các tổ chức quản trị lưu vực sông Mekong có nhiều thiếu sót.  Vào năm 1957, Ủy hội Kinh Xã Á Châu và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (U.N. Economic Commission for Asia and the Far East (UNESCAP) thiết lập Ủy ban Phối hợp Điều tra Hạ Lưu vực Mekong (Committee for Coordination of Investigation of the Lower Mekong Basin) như là một tổ chức tự trị gồm có 4 quốc gia thành viên, thường được biết dưới tên Ủy ban Mekong (Mekong Committee (MC)).  Trong 60 năm qua, UNECAFE đã biến thành UNESCAP (U.N. Economic and Social Commission for Asia and the Pacific (Ủy hội Kinh Xã Á Châu và Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc)), và Ủy ban Mekong trở thành Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).  Trong suốt 60 năm nầy, MC và MRC đã chi hàng trăm triệu USD cho một số dự án.  Tuy nhiên, họ không thực hiện được một dự án có qui mô khu vực đáng kể nào.  Người dân của các quốc gia Mekong đã không được hưởng trọn tiềm năng của sông.

Nhìn từ mọi khía cạnh, thành tích kém hiệu quả của MC và MRC gây thất vọng, và viễn cảnh của MRC như hiện nay thật là u ám.  Trung Hoa và Myanmar không phải là thành viên.  Khoảng cách giữa thành tích và tiềm năng của MRC đang thật sự xa thêm.

Dưới những điều kiện không vừa ý nầy, nhu cầu cấp thiết là phát triển một cơ chế tổ chức khu vực có hiệu quả, nơi mà tất cả các quốc gia liên hệ có thể hợp tác để phát huy tiềm năng quan trọng của khu vực Mekong, cải thiện cuộc sống của người dân.

Tiếc thay, không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai trước mắt.  Ngược lại, dường như dũng khí chánh trị để hợp tác đang suy giảm, ít ra dưới sự che chở của MRC.  Điều đáng buồn, trong ngắn hạn và trung hạn, các quốc gia trong lưu vực có lẽ sẽ tiếp tục tố cáo lẫn nhau, thay vì phối hợp thực hiện một kế hoạch phát triển khả chấp cho vùng Mekong.

Sơ lược về tác giả

Asit K Biswas là giáo sư thỉnh giảng đặc biệt, Trường Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.  Cecilia Tortajada là học giả nghiên cứu trưởng, Viện Chánh sách Nguồn nước, Trường Chánh sách Công cộng Lee Kuan Yew, Đại học Quốc gia Singapore, Singapore.


Asit K Biswas and Cecilia Tortajada – Bình Yên Đông lược dịch

No comments:

Post a Comment