Sunday, November 10, 2019

ASEAN CÓ THỂ NGĂN NGỪA “CHIẾN TRANH NƯỚC” MEKONG NHƯ THẾ NÀO



(How Asean can avoid Mekong 'water war')

Anchalee Kongrut – Bình Yên Đông lược dịch
Bangkok Post – 31 October 2019

Đập thủy điện Xayaburi ở Lào [Ảnh: Chiang Rai Times]


Đập Xayaburi, đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu sông Mekong, đã bắt đầu hoạt động đúng vào thời điểm đáng chú ý – chỉ vài ngày trước khi Thái Lan đăng cai Thượng đỉnh ASEAN (Association of Southeast Asian Nations (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á)) thứ 35th trong tuần nầy.

Đáng chú ý vì con đập, được xây trong lãnh thổ Lào – cùng với 10 đập tiếp theo trên sông Mekong – được ca tụng như là một đỉnh cao của đối tác và hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ASEAN.  Nó được tài trợ bởi một nhà đầu tư Thái và trên 90% số điện sản xuất sẽ được bán cho Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)).

Hôm Thứ Ba, đập được khánh thành với sự phô trương rầm rộ của giới truyền thông – kể cả các mẫu quảng cáo to lớn trên báo chí khoe khoang thiện ý và cam kết của người điều hành để làm cho Xayaburi là một đập thủy điện khả chấp.  Cùng ngày, một nhóm dân địa phương và nhà hoạt động môi trường tụ tập ở Chiang Rai để phản đối công trình mà họ cáo buộc làm khô cạn sông Mekong.

Cái nghịch lý đó nhắc lại chủ đề của Thượng đỉnh ASEAN năm nay – “Tiến đến Đối tác cho tính Khả chấp”.  Đối với giới đầu tư và ủng hộ đập, Xayaburi tiêu biểu cho “tiến đến đối tác” giữa các thành viên ASEAN.  Nhưng liệu nó sẽ đưa đến “tính khả chấp” vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Lo ngại hơn là việc thảo luận về đập trên Mekong đã không được ghi vào nghị trình của thượng đỉnh ASEAN lần nầy và lần trước.

Xayaburi chỉ là ngọn của tảng băng.  Trung Hoa đã xây 11 đập thủy điện trên thượng lưu và dự trù thêm 17 đập trong những năm sắp tới.  Ở hạ lưu Mekong, Xayaburi là đập đầu tiên trong số 11 đập được dự trù.  Hầu hết sẽ được xây ở Lào, tự xem mình là “bình điện của Á Châu”.

Nhà đầu tư tìm cách biện hộ cho sự cần thiết của Xayaburi, và đã chi một số tiền cho việc bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng địa phương để giảm bớt ảnh hưởng của đập.  Tuy thế, không thể chối cãi rằng việc xây đập liên tục sẽ thay đổi sinh thái của toàn lưu vực.

Hãy tưởng tượng khối lượng nước to lớn được chuyển để phục vụ cho 39 đập khổng lồ!  Điều nầy đưa đến một sự cạnh tranh trong vùng – một “cuộc chiến” – về nguồn nước, cùng với ảnh hưởng sinh thái trên qui mô chưa từng thấy ở ASEAN.

Tuy nhiên, những lo ngại nầy không phải là thảm họa mà là thách thức nghiêm trọng đối với mục tiêu “tính khả chấp” được thảo luận trong các phiên họp của ASEAN.  Tại Thượng đỉnh ASEAN thứ 35th, tất cả các dự án môi trường và khả chấp sẽ được chuẩn thuận thuộc loại “cảm thấy tốt”, như các kế hoạch cho thành phố thông minh và quản lý rác biển.  Không có nguy cơ cho việc đầu tư.

Có thể không công bằng khi nói rằng ASEAN bỏ quên phân vùng Mekong, hầu hết phần lục địa của khu vực, vì nó đã phát động Hợp tác Phát triển Lưu vực sông Mekong của ASEAN (ASEAN Mekong River Basin Development Cooperation (AMBDC)) vào năm 1996.  Tuy nhiên, sự hợp tác phân vùng nầy không có mấy tiến triển thật sự.

Hiện nay, có hàng chục dự án trong phân vùng Mekong đang được giám sát bởi AMBDC và các tổ chức khu vực khác, kể cả Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hợp tác Langcang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), một sáng kiến của Trung Hoa thành lập vào năm 2015.  Các dự án khác được giám sát ở mức phân vùng và quốc tế, bao gồm các đối tác quan trọng ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Nam Hàn và Nhật Bản.

Tuy nhiên, khu vực cần có ngay một cơ chế có thể đưa các quốc gia duyên hà đến các mục tiêu phát triển khả chấp.

MRC đã có nỗ lực trong chiều hướng nầy nhưng bị trở ngại vì thiếu quyền hạn trong việc thi hành luật lệ và mặc cả chánh trị.  ASEAN có thể vượt qua những thiếu sót nầy nếu nó lãnh đạo và cộng tác với các tổ chức để hình thành một khuôn khổ hợp tác chân thật trong các quyết định về Mekong.

Một thí dụ tiêu biểu là Sáng kiến Lưu vực Nile (Nile Basin Initiative (NBI)) ở Phi Châu, thành lập vào năm 1999 bởi 10 quốc gia duyên hà.  Lưu vực sông Nile – nơi cư trú của 300 triệu người trong 10 quốc gia – có nhiều vấn đề từ quyền sử dụng nước, phẩm chất nước kém, ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và dự án xây đập của các quốc gia ở thượng lưu.  NBI bắt đầu rất nhỏ, một nơi để chia sẻ dữ kiện khoa học, nhưng đã lớn mạnh để trở thành một cơ chế hợp tác vượt trội trong lưu vực.  Đương nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu tất cả các quốc gia duyên hà cùng nhau làm việc quên mình.  Nhưng những tiến triển cho đến nay cũng đủ để làm mô hình cho sự hợp tác duyên hà.

Nếu ASEAN có trách nhiệm về sự hợp tác sông Mekong, các chánh sách của NBI là một đường lối.  Chia sẻ nguồn nước sông Nile không chỉ là nhiệm vụ của các chánh phủ và nhà đầu tư; NBI bao gồm những người có liên quan trong xã hội như nông dân, ngư dân, NGOs (non-governmental organizations (các tổ chức phi chánh phủ)) và dân làng trong tiến trình đối thoại.  Nó cũng bao gồm các diễn viên toàn cầu như Ngân hàng Thế giới và các cơ quan viện trợ quốc tế.  Những cơ quan nầy giúp xây dựng năng lực khoa học và theo dõi để việc chia sẻ nguồn nước được toàn bộ và minh bạch hơn, thay vì để chúng nằm trong tay của chánh phủ và doanh nhân như đã xảy ra ở Mekong.

.

No comments:

Post a Comment