Thursday, November 7, 2019

ĐẬP ĐANG LÀM SÔNG MEKONG ‘IM TIẾNG’


(Dam Development Is ‘Silencing’ the Mekong River)

News Editor – Bình Yên Đông lược dịch
Environment News Services – October 24, 2019

Đập Xayaburi gần hoàn tất, tháng 7 năm 2019 [Ảnh: Green News Agency]


BANGKOK, Thái Lan – Trong 5 ngày nữa, Dự án Thủy điện Xayaburi trên sông Mekong ở bắc Lào sẽ chánh thức bắt đầu hoạt động.  Là đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong, nó đánh dấu một bước ngoặt của sông Mekong.

Sông Mekong dài 4.350 km (2.703 mi), đứng hàng 12th và hàng 8th về lưu lượng trên thế giới.  Sông bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng và chảy qua Trung Hoa, Myanmar, Lào và Thái Lan trước khi đổ vào các cánh đồng lụt và châu thổ ở Cambodia và Việt Nam.

Mục đích chánh của đập Xayaburi là sản xuất thủy điện mà 95% sẽ được bán cho Cơ quan Phát Điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)).

Từ lúc đầu, đập Xayaburi đã là một dự án đầy tranh cãi vì có nhiều lo ngại ở khắp nơi về ảnh hưởng của nó đối với hệ thống sông, kể cả những ảnh hưởng xuyên biên giới trong các nước láng giềng.

Ảnh hưởng quan trọng nhất là sự hủy hoại các loài di ngư và ngăn chận phù sa chảy xuống hạ lưu.

Nhiều chuyên viên tin rằng, với ảnh hưởng của 6 đập do Trung Hoa xây ở thượng lưu Mekong, và với nhiều đập khác được dự trù ở hạ lưu trong lãnh thổ Lào và có thể Cambodia, sông Mekong đang gặp khủng hoảng.

Trong suốt tiến trình tham vấn đập Xayaburi, nhiều người có liên quan nêu lo ngại về dự án và thắc mắc về tính thích đáng của các dữ kiện và nghiên cứu.

Chánh phủ Việt Nam kêu gọi tạm ngưng dự án và hoãn 10 năm đối với tất cả các đập trên dòng chánh để nghiên cứu thêm về hệ thống sông và ảnh hưởng của các đập dự trù.

Ở Thái Lan, đại diện cộng đồng dọc theo sông Mekong đã đưa đơn đến Tòa Hành chánh Thái để kiện việc mua điện từ dự án.  Bắt đầu từ năm 2012, qua nhiều lần kháng án, vụ kiện vẫn chưa được giải quyết sau hơn 7 năm.

Tuy nhiên, đập Xayaburi vẫn tiến triễn, với việc điều chỉnh thiết kế trong nỗ lực làm dịu bớt các mối lo ngại.

Các dự án đập khác tiếp theo sau.  Tháng nầy, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) bắt đầu tiến trình Tham vấn Trước cho Luang Prabang, đập thứ 5 trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong.

Vị trí đập Xayaburi ở bắc Lào trước đây, 23 tháng 3 năm 2011 
[Ảnh: Prince Roy]

Trong khi chuẩn bị để khánh thành đập Xayaburi, nhóm bất vụ lợi có trụ sở ở Hoa Kỳ là International Rivers đã công bố một phúc trình mới về đập.  Nhóm yêu cầu 2 chuyên viên độc lập cho ý kiến về việc duyệt xét thiết kế điều chỉnh cho đập Xayaburi của MRC được công bố hồi đầu năm.

Các chuyên viên; gồm có Tiến sĩ (TS) Philip Hirsch, giáo sư Địa lý Nhân văn của Đại học Sydney, Australia và TS Oliver Hensengerth, phụ tá giáo sư khoa học xã hội của Đại học Northumbria, England; đã khảo sát khuôn mẫu của Xayaburi và thiết lập mốc cho các quyết định đối với các đập trên dòng chánh và nhấn mạnh đến “nhu cầu cấp thiết của một phương pháp khu vực thật sự để bảo vệ tương lai của Mekong.”

Mặc dù International Rivers nói rằng đập đang làm sông Mekong “im tiếng”, các chuyên viên không có ý chỉ trích hay đánh giá duyệt xét của MRC.  “Thay vào đó, nó tìm cách đưa ra các điểm then chốt và thảo luận những nguy cơ tiềm ẩn của chúng đối với đập Xayaburi và các đập khác đang được xây hay dự trù trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong và trong khu vực.”

Hôm Thứ Tư, một thảo luận nhóm về phúc trình của International Rivers với các diễn giả từ đại học, cộng đồng và xã hội dân sự, tổ chức tại Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc của Thái Lan ở Bangkok, đã thu thập nhiều ý kiến về lịch sử của dự án, quy trình quyết định khiếm khuyết, các cuộc vận động đang tiếp diễn, và những nguy cơ tiềm ẩn của Xayaburi đối với hệ sinh thái và người dân trong lưu vực Mekong.

International Rivers mô tả phương pháp “xây trước, nghiên cứu sau” do tiến trình đập Xayaburi truyền lại là “một mô hình nguy hiểm và tắc trách trong việc xậy đập trên sông Mekong.”

Muốn đọc phúc trình “Duyệt xét Thay đổi Thiết kế cho Dự án Thủy điện Xayaburi,” xin nhấn vào đây http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/Review-of-the-design-change-made-for-Xayaburi-hydropower-project_technical-ref-paper_2019.pdf

Đồng lụt và châu thổ Mekong là một trong những vùng trù phú về nông nghiệp và đa dạng về sinh học nhất trên thế giới; nhưng nước biển dâng, sụt lún đất, trên 126 đập thủy điện được đề nghị ở thượng lưu và các công trình thủy lợi dày đặc ở ĐBSCL đã gây lo ngại về ảnh hưởng của chúng đối với thủy học trong vùng.

International Rivers không phải là tổ chức môi trường duy nhất quan tâm đến lưu vực sông Mekong.
Nghiên cứu ĐBSCL (Mekong Delta Study) do Nhóm Cố vấn DHI của Đan Mạch (Denmark) thực hiện kết luận rằng “ngay cả những thang cá tốt nhất hiện có cũng không thể đáp ứng với số di ngư khổng lồ, có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ vào lúc cao điểm, hay tính đa dạng trong cách di cư của hàng trăm loại cá trong lưu vực.”

Theo phúc trình mới nhất - Phúc trình Tình hình Lưu vực 2018 (State of the Basin Report 2018) được công bố hôm Thứ Ba ở Vientiane, thủ đô Lào – MRC cũng có quan tâm.

Được thành lập vào năm 1995, MRC là một cơ quan liên chánh phủ hoạt động trực tiếp với các chánh phủ Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để cùng nhau quản lý nguồn nước chung và phát triển khả chấp sông Mekong.  Nó được xem là một diễn đàn cho các hoạt động ngoại giao nguồn nước và là trung tâm chuyên môn về quản trị nguồn nước cho việc phát triển khả chấp trong khu vực.

Phúc trình MRC cảnh báo rằng, “Sự thay đổi vĩnh viễn của chế độ dòng chảy, sự giảm sút đáng kể của phù sa vì bị đập giữ lại, sự mất mát liên tục của đất ngập nước, sự suy thoái của các nơi cư trú dọc theo sông, việc đánh bắt cá gia tăng, và thiếu chia sẻ thông tin về các công trình phát triển thủy lợi và sử dụng nước,” là những thách thức mà các quốc gia duyên hà đang đối mặt trong lưu vực Mekong.

“Chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề nầy ngay bây giờ để giảm bớt nguy cơ môi trường và bảo vệ các vùng đất ngập nước và nơi cư trú ven sông còn lại trước khi chúng biến mất, trong khi lợi dụng lưu lượng cao hơn và tin cậy hơn trong mùa khô và phát triển lưu vực Mekong tốt hơn và khả chấp hơn,” TS An Pich Hatda, giám đốc điều hành Văn phòng MRC, nói với gần 100 viên chức của các quốc gia MRC trong lễ công bố.

Phúc trình Tình hình Lưu vực 2018 khuyến cáo rằng “một phương pháp quy hoạch và quản trị lưu vực linh động hơn, cùng với một cơ chế chia sẻ thông tin mạch lạc và một hệ thống đo đạc thủy học  vững chắc, phải được áp dụng ngay lập tức để đối phó với những thách thức trên toàn lưu vực.”

News Editor – Bình Yên Đông lược dịch

.

No comments:

Post a Comment