Friday, November 11, 2016

Địa lý khai thác cát và sỏi ở hạ lưu sông Mekong - Khảo sát và đánh giá tác động đầu tiên



Jean-Paul Bravard, Marc Goichot et Stéphane Gaillot

Giới thiệu:

Các dòng sông cung cấp cát và sỏi để xây dựng cơ sở hạ tầng, các tòa nhà, nâng cao nền đất tại các khu vực ngập lụt, tạo các con đê ngăn lũ…Nguồn tài nguyên giá rẻ này có nhiều công dụng và nhu cầu sử dụng đang gia tăng nhanh chóng. Khai thác cát, sỏi lòng sông đã phát triển vào cuối những năm 1800 ở các nước công nghiệp để xây dựng đường và làm bê tông. Cát, sỏi có giá trị đặc biệt ở những nơi mặt bằng xây dựng thấp, cấu tạo bởi bùn và sét như trường hợp ở hạ lưu sông Mê Công.

Khai thác cát sỏi lòng sông có tác động đặc biệt mạnh đến động lực học và hệ sinh thái sông. Các nước châu Âu đã trải qua những tác động bất lợi từ việc khai thác cát và sỏi vào đầu những năm 1950, đặc biệt là ở miền bắc Italia, nơi khai thác quy mô lớn để mở rộng mạng lưới đường cao tốc. Tại Pháp, các tác động do khai thác cát và sỏi được xem là bất lợi vào cuối những năm 1970, không bền vững vào những năm 1980 và cuối cùng khai thác cát lòng sông đã bị cấm vào đầu những năm 1990.

Hiện tượng phổ biến liên quan đến khai thác cát và sỏi là sự khoét sâu lòng sông. Các giải pháp cho hiện tượng này đã được nghiên cứu rộng rãi dựa trên sự phục hồi cân bằng trầm tích. Các quy định khai thác cát và sỏi lòng sông đã được soạn thảo và thực thi ở các nước công nghiệp phát triển, nhưng chưa được thực hiện trong các nền kinh tế phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á.
Khai thác cát và sỏi quy mô lớn bắt đầu trong những năm 1990 dọc theo hạ lưu Mê Công để cải tạo các vùng đất ngập nước và gia cố bờ sông, đặc biệt khu vực xung quanh Phnom Penh. Xói mòn đã trở nên nghiêm trọng ở châu thổ Mê Công. Xói mòn quy mô lớn này có thể do các yếu tố khác nhau bao gồm các tác động của chuỗi đập Lan Thương và các đập trên các phụ lưu, sự kiểm soát xói mòn đất nông nghiệp tốt hơn và trồng rừng được cải thiện, biến đổi khí hậu và tất nhiên là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Đánh giá này nhằm cung cấp định lượng ban đầu về khối lượng cát và sỏi khai thác từ ​​sông Mê Công, xác định các vị trí và xu thế khai thác. Kết quả cho thấy việc khai thác cát đóng một vai trò quan trọng trong quĩ trầm tích sông Mê Công và hoạt động này có thể là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ biển châu thổ.


Tài nguyên cát và sỏi, nhu cầu kinh tế trong và ngoài nước ở hạ lưu sông Mê Công:
Sông Mê Công (được gọi là sông Lan Thương ở Trung Quốc) dài 4 800 km từ nguồn ở Tây Tạng đến vùng đồng bằng với diện tích lưu vực khoảng 795.000 km2. Lưu vực Mê Công có sự đa dạng về địa chất và địa mạo, với những dãy núi ở phía bắc và dọc theo bờ phía đông, cao nguyên Korat chiếm phần trung tâm phía tây, đồng bằng ngập lụt thấp và hệ thống châu thổ rộng lớn ở hạ lưu.

Lượng mưa trung bình năm dọc theo hạ lưu sông Mê Công là 1670 mm, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 1000 mm. Dọc theo hạ lưu Mê Công, 85-90% lượng mưa vào mùa mưa (giữa Sáu và tháng Mười). Tổng lượng trung bình 65 tỷ m3 vào mùa lũ (kéo dài 130 ngày) tại biên giới Trung Quốc (nước từ sông Lan Thương). Tổng khối lượng này tăng lên trung bình 350 tỷ m3 trong vùng đồng bằng ngập lụt Campuchia. Tải lượng trầm tích lơ lửng hàng năm của sông Mê Công đã được ước tính vào khoảng 160 triệu tấn mỗi năm. Khoảng một nửa tải lượng này có nguồn từ lưu vực ở Trung Quốc (cao nguyên Tây Tạng và sông Lan Thương). Tuy vậy, một phần trầm tích đáng kể là cát và sỏi nhỏ vận chuyển theo đáy chưa được định lượng.

Sông Mê Công rất phức tạp về các dòng trầm tích. Các tài liệu khoa học và báo cáo của Ủy ban sông Mê Công chỉ ra rằng hầu hết vận chuyển trầm tích tại Pakse gồm bột và sét (150 đến 170 triệu tấn mỗi năm, trung bình trong 50 năm qua). Việc xây dựng các con đập trên sông Lan Thương được hiểu là đã giảm khối lượng, nhưng không thay đổi thành phần dòng trầm tích. Một lượng lớn cát, sỏi tồn tại trong sông chính Mê Công tại Bắc Lào và các doi cát cũng như cát từ đáy sông đã được khai thác. 

Một nghiên cứu thực hiện trong giai đoạn 2011-2013 cho WWF đã chứng minh rằng cát là một thành phần quan trọng của tổng vận chuyển trầm tích. Cát vận chuyển lơ lửng trong nước lũ, nhưng đã không được quan trắc một cách hiệu quả do khó khăn trong việc lấy mẫu tổng hợp. Cát cũng vận chuyển xuống hạ lưu dưới dạng tải lượng đáy và ít được biết đến về tải lượng này. Công trình của Koehnken đã xác nhận sự hiện diện của cát dưới dạng lơ lửng trong nước lũ tại các trạm khác nhau của sông Mê Công. Tuy nhiên, nếu cát có thể được coi là một thành phần trầm tích chính vận chuyển ra biển, lượng cát và sỏi nhỏ chính xác ra đến bờ biển vẫn chưa được biết. Việc quan trắc vận chuyển trầm tích dựa trên các phương pháp cải tiến sẽ cho câu trả lời. Do đó, bước tiếp theo là định lượng một trong những yếu tố về qũi trầm tích, tức là khối lượng trầm tích khai thác.

Tại các khu vực đất thấp của Campuchia và Việt Nam, phổ biến việc san lấp mặt bằng, nâng cao đường giao thông và đê trên mực nước lũ. Tại Phnom Penh, các huyện gần sông Mê Công cũng như các vùng trũng tự nhiên xung quanh đã được nâng lên trên mức nước lũ. Các hoạt động này sử dụng một khối lượng lớn cát khai thác trực tiếp từ lòng sông. Mạng lưới đường bộ ở vùng đồng bằng được mở rộng đáng kể và khả năng chống lũ trong thập kỷ qua đã sử dụng khối lượng cát rất lớn khai thác từ lòng sông.

Nhu cầu cát và sỏi từ nước ngoài cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp qui mô khác nhau khai thác xuất khẩu. Diện tích của Singapore đã tăng 22% kể từ năm 1960, một phần là nhờ vào cát sông và cát biển nhập khẩu từ các nước khác nhau. Từ năm 2000, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã cấm xuất khẩu cát sông và cát biển và nhu cầu này đang dịch chuyển sang các nước có khung thể chế yếu hơn, như Campuchia. Năm 2009, Campuchia cấm nạo vét sau khi tranh cãi quốc tế liên quan đến hoạt động nạo vét sông Tatai, ở tỉnh Koh Kong ở Tây Nam Campuchia. Tuy nhiên, nạo vét sông Tatai tiếp tục cung cấp cho Singapore với 6,4 triệu mét khối cát mỗi năm, bất chấp việc tăng chi phí khai thác cát ở đó.

Nghiên cứu này cung cấp kết quả từ một cuộc khảo sát sâu rộng và có tính hệ thống tại các điểm khai thác ngoài thực địa. Các câu hỏi đặt ra chủ yếu hướng đến việc thu thập một bộ dữ liệu đồng nhất về địa lý khai thác cát và sỏi thời gian gần đây, hiện tại và xu hướng ngắn hạn dự kiến.

Phương pháp nghiên cứu
Các thống kê chính thức từ các cơ quan quốc gia và MRC không có sẵn, do đó chúng tôi sử dụng phương pháp đánh giá nhanh để đánh giá khối lượng đã khai thác. Trong hồ Poyang, Trung Quốc, Leeuw và nnk. sử dụng phương pháp viễn thám để đánh giá số lượng, tốc độ và tải trọng của tất cả các tầu thuyền ra hồ Poyang, ngày và đêm, kéo dài một năm. Trên sông Cầu ở Việt Nam, sử dụng phương pháp quan sát thực địa, thảo luận nhóm và tham khảo ý kiến chuyên gia về các chủ đề khác nhau như tính khả thi tài chính và các khuyến nghị để giảm thiểu những hậu quả tiêu cực của việc khai thác khoáng sản.
Trên sông Mê Công, WWF đã lựa chọn để điều tra thực địa. Bốn đội được lập ra để điều tra dòng sông ở bốn nước hạ lưu sông Mê Công (Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam). Công việc thực hiện trong mùa dòng chảy thấp (tháng hai-tháng tư năm 2011 cho Lào, Thái Lan và Campuchia, và tháng 5 năm 2012 cho Việt Nam). Các đội tiến hành cuộc điều tra dựa trên bảng câu hỏi cho từng điểm khai thác. Hai loại phiếu điều tra đã được đưa cho các nhà thầu, tùy thuộc vào qui mô của hoạt động này.
– Các hoạt động qui mô nhỏ không thực hiện phỏng vấn. Khảo sát gồm định điểm bằng GPS, loại trầm tích khai thác (cát, sỏi, cuội), số lượng nhân viên làm việc toàn thời gian, chủng loại và số lượng phương tiện hoạt động (xe tải, máy xúc, xe nâng, băng tải, xáng guồng và tàu hút).
– Các hoạt động qui mô lớn thực hiện các cuộc phỏng vấn. Ngoài các dữ liệu thu thập (như các hoạt động nhỏ), các câu hỏi về số năm hoạt động, lịch mùa vụ, địa điểm khai thác các loại vật liệu theo kích cỡ, kích cỡ trầm tích được các công ty lựa chọn, ước tính số lượng sản xuất hàng năm cho mỗi loại, tổng khối lượng khai thác mỗi năm, xu hướng nhu cầu cho từng loại trầm tích khai thác, thay đổi số lượng khai thác trong những năm qua, những thay đổi về độ sâu khai thác (nạo vét sâu hơn) và liên quan với đặc điểm dòng sông, ước tính tăng hoặc giảm theo chiều sâu, giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, tình trạng nhượng bộ và các loại thuế.
Khối lượng tại mỗi điểm được xác định theo ngày, khối lượng hàng năm được tính toán trên cơ sở 30 ngày mỗi tháng nhân với số tháng hoạt động. Trên các điểm hoạt động hạn chế, khối lượng hàng năm được tính toán trên cơ sở 15 ngày mỗi tháng nhân với số tháng hoạt động. Ở Việt Nam (tháng 5, 2012), tổng số hàng năm đã được cung cấp. Lập bản đồ khối lượng khai thác là một phần quan trọng của nghiên cứu này. Các khối lượng được thể hiện trên bản đồ bằng các vòng tròn tỷ lệ thuận với khối lượng khai thác hàng năm.
Kết quả nghiên cứu
Các cuộc khảo sát trong nghiên cứu này cho thấy tổng khối lượng 34.48 triệu m3 hoặc 55,2 triệu tấn (tỷ trọng 1,6 tấn trên mỗi mét khối cát khô) trầm tích được khai thác từ dòng chính Mê Công ở Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong 2011. Nếu tính riêng cát, chiếm 90% tổng khối lượng, thì lượng cát khai thác lên tới 31 triệu m3, tức là 49,6 triệu tấn trong năm 2011.
Cần phải nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu này cung cấp một ước tính chung về tầm quan trọng tương đối của các vị trí khai thác có thể được coi là đáng tin cậy, tuy nhiên có khả năng là các khối lượng này được đánh giá thấp bởi một yếu tố không rõ. Sự khác biệt giữa thực tế và ước tính có thể thay đổi theo từng vị trí và theo mỗi quốc gia. Các nhà khai thác có những nhượng bộ và thường phải trả phí tùy thuộc vào số lượng khai thác và vì thế họ thường khai sản lượng thấp xuống. Ngoài ra, chỉ có sông chính hạ lưu sông Mê Công và sông Tiền và sông Hậu đã được khảo sát. Thượng lưu Mê Công ở Trung Quốc, các phụ lưu trong châu thổ sông Mê Công đã không được điều tra.


Bảng 1: Khối lượng và tỷ lệ loại trầm tích khai thác theo kích thước

Hình 1. Bản đồ các điểm khai thác dọc theo sông Mê Công, 
cho thấy khối lượng khai thác và loại kích thước trầm tích 

Địa lý các loại trầm tích cho thấy Campuchia khai thác lớn nhất trong năm 2011-2012 (60%). Việt Nam (22%) và Thái Lan (13%). Lào chỉ có 4%. Cần phải nhấn mạnh rằng kết quả này liên quan đến năm 2011 cho Lào, Thái Lan và Campuchia, và năm 2012 đối với Việt Nam.

Các dữ liệu về khối lượng khai thác cho thấy sự gia tăng nói chung trong những năm qua, từ hạ lưu của Savannakhet đến biên giới Campuchia-Việt, trong khi khai thác đã giảm và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong các nhánh khác nhau của vùng châu thổ ở Việt Nam. Một nghiên cứu so sánh do Brunier thực hiện cho thấy độ sâu của hai sông chính của châu thổ Mê Công (sông Tiền và sông Hậu) đã tăng đáng kể trong vòng mười năm qua với những hậu quả đối với động lực ven biển.
Các hình ảnh sau đây cho thấy các kiểu khai thác sỏi và cát khác nhau trên sông Mê Công.

Hình 2. Một vị trí khai thác (máy xúc và xe tải) sỏi Viên Chăn. 
Mọi người đang thu thập đá trắng (thạch anh) để trang trí

Hình 3. Bơm hút cát gần bờ sông để nâng cao một khu công nghiệp trên mực nước lũ 

Hình 4: Khai thác cát bằng xáng guồng ở sông Tiền, Việt Nam


Hình 5: Sà lan chở cát trên sông Hàm Luông, Việt Nam


Hình 6. Hút cát bằng máy bơm loại nhỏ, sông Hậu -Việt Nam

Chính những người nạo vét đã thấy trước sự sụt giảm khai thác trong tương lai, phù hợp với sự suy giảm tài nguyên ở châu thổ Việt Nam.

Sự gia tăng trầm tích được các phương tiện khai thác cho biết trong đoạn nằm giữa Savannakhet và ranh giới giữa Campuchia và Việt Nam là đáng kể. Điều này có nghĩa là tài nguyên có trong thực tế tăng hay chỉ đơn giản là sự gia tăng hoạt động khai thác trong khu vực này? Nếu giả thuyết sau là chính xác, tình hình có thể được cho rằng họ đã tuyên bố về khả năng gia tăng khai thác nguồn tài nguyên sẵn có bởi vì họ hy vọng sẽ tiếp tục đàm phán nhượng bộ lớn hơn trong tương lai.Tuy nhiên, đoạn sông này rất phức tạp bởi vậy các nhà khai thác hy vọng giảm lượng sỏi, nhưng tăng khai thác cát vì họ cho rằng cát có sự bổ sung do lũ hàng năm. Trong khi các nhà khai thác nhận thấy cát và sỏi đang giảm ở thượng nguồn của Savannaketh, nhưng họ lại không hình dung ra sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên cát hạ lưu. Đây có thể là do khối lượng lưu trữ lớn hơn trong dòng chảy hạ lưu.

Tổng nhu cầu hoặc là đang gia tăng trên quy mô sông chính, hoặc đã ổn định trong một số đoạn sông ngắn. Chỉ trong một số đoạn rất hạn chế yêu cầu khai thác giảm xuống. Ở giai đoạn này, rất khó để nói nhu cầu ổn định hay giảm xuống là do các lý do kinh tế-xã hội, hay bởi vì các nguồn tài nguyên giảm xuống ảnh hưởng đến nhu cầu và dẫn đến việc không khai thác ở các khu vực mới, nơi nguồn tài nguyên không hạn chế. Cũng có thể là ở các địa phương, người dân không còn được phép khai thác khoáng sản do không có sự đền bù trầm tích và xói lờ bờ sông gia tăng.

 Thảo luận
Một số hậu quả của việc khai thác cát và sỏi trên sông Mê Công
Bởi vì khai thác cát và sỏi cho đến nay đã không được xem chính là nguyên nhân của sự biến đổi hình thái và tác động môi trường ở sông Mê Công, dưới đây chúng tôi cung cấp một số thông tin sơ bộ.

– Trong trường hợp thiếu hồ sơ dài có hệ thống của sông Mê Công vào lúc dòng chảy thấp, không thể chứng minh sự khoét sâu đáy sông do khai thác. Tuy nhiên, giữa Kratie và Phnom Penh, chúng tôi đã quan sát được các hố khoét sâu đáng kể vào các công trình xây dựng trong vòng 30 năm qua (cầu cảng, cầu qua sông Mê Công). Khoét sâu đáy sông tới 1-3 m trong đoạn này, nơi mà vai trò của bẫy trầm tích tối thiểu hoặc không còn tồn tại. Các hố sâu hơn có thể xuất hiện ở khu vực đang khai thác và dự kiến khai thác, có thể đe dọa cơ sở hạ tầng.

– Ở một số nơi, các bờ lõm đang xảy ra xói lở nghiêm trọng, ví dụ ở Saman, hạ lưu Kratie. Theo người dân địa phương, xói lở nhanh hơn, đe dọa các làng trên đê do nạo vét và làng này đã đạt được việc dừng khai thác. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng được coi là nguyên nhân gia tăng xói lở bờ. Theo Darby và nnk (2011), các pha lạnh ENSO kết hợp với sự khởi đầu sớm hơn và tăng cường cường độ mùa mưa, sự gia tăng các cơn bão nhiệt đới dữ dội cũng làm cho bờ sông xói lở mạnh hơn. Không phủ nhận nguyên nhân có thể này, chúng tôi cho rằng tác động của việc nạo vét được đánh giá thấp và không nên bị che khuất bởi biến đổi khí hậu.

Cần thiết đánh giá lại tải lượng trầm tích sông Mê Công
Khối lượng và trọng lượng khai thác thực tế (34,5 triệu m3, hay 55,2 triệu tấn) có thể cao hơn và vượt quá lưu lượng trầm tích hàng năm vì đáy sông đã bị thay đổi nghiêm trọng bởi sự khoét sâu. Lưu lượng trầm tích lơ lửng của sông Mê Công thường được ước tính là 145-160 triệu tấn tại Kratie và chủ yếu gồm các “hạt mịn”, như bột và sét. Phần đóng góp cát lơ lửng trong tổng tải lượng là không rõ, nhưng được cho là bị giới hạn. Hơn nữa, đóng góp tải lượng đáy vẫn chưa được biết. Chúng tôi cho rằng lưu lượng trầm tích của sông Mê Công được đánh giá thấp vì cát di chuyển dưới dạng tải lượng đáy và lơ lửng chưa được đánh giá. Chúng tôi rút ra những kết luận sau đây liên quan đến lưu lượng trầm tích thực tế của sông Mê Công.

Lưu lượng trầm tích lơ lửng, được xem là tổng tải lượng trầm tích, vượt quá 145-160 triệu tấn vì phần cát vận chuyển lở lửng không được quan trắc. Kết quả của chúng tôi cho thấy tổng lưu lượng trầm tích thực sự của Mê Công được đánh giá thấp. Trong điều kiện tự nhiên, một phần lưu lượng cát ở biển là tải lượng lơ lửng và một phần là tải lượng đáy, phụ thuộc vào lưu lượng lũ và năng lượng của dòng chảy. Tải lượng đáy là một thành phần lưu lượng trầm tích nhưng chưa được giải thích. Tải lượng này cần được đánh giá bởi vì thành phần của qũi trầm tích bị thay đổi nghiêm trọng do hoạt động khai thác. Một ước tính vừa phải tải lượng cát lơ lửng và tải lượng đáy có thể thêm 10 đến 30 triệu tấn vào con số 145 đến 160 triệu tấn trầm tích lơ lửng.

Cát hạt trung và thô hiện nay không thể tới được các cửa sông và bờ biển vì nhiều hố cát sâu hình thành do các hoạt động nạo vét bẫy cát. Cát vận chuyển lơ lửng và lăn theo đáy sông bị bẫy lại, rồi bị khai thác. Tuy nhiên, một phần cát mịn có thể vẫn vận chuyển dưới dạng lơ lửng và tới các cửa sông Mê công, nhưng với số lượng không rõ.

Nếu số lượng khai thác 56-57 triệu tấn trầm tích mỗinămđược chấp nhận, thì lưu lượng trầm tích bị ảnh hưởng đến qui mô nào? Cần phải nhấn mạnhrằngtổng lưu lượng trầm tích của Mê Công có thể được đánh giá thấpvì phần cát vận chuyển lơ lửng và đáy sông bị khai thác bất hợp pháp.
Thật không may, cát đã được quan trắc lúc đầu bằng thông số TSS và do đó không được xem là một yếu tố quan trọng trong quĩ trầm tích. Kết quả là, con số trung bình 145-160 triệu tấn mỗi năm không bị ảnh hưởng do khai thác bởi vì chỉ có bột và sét được tính toán.

– Tuy vậy, việc biến đổi hình thái lòng sông cho thấy rằng tác động tích lũy của khai thác cát sông ít nhất trong 20 năm qua đã vượt quá và có lẽ vẫn còn vượt quá đầu vào của trầm tích từ lưu vực này, trong trường hợp không thể thêm 50 triệu tấn bị khai thác vào con số thường được chấp nhận cho lưu lượng trầm tích. Sẽ rất hữu ích để có những dữ liệu chi tiết hơn về khối lượng khai thác có thể đã tăng lên, nhưng chúng tôi cho rằng khai thác cát và sỏi từ hệ thống sông này trong nhiều năm đã vượt quá đầu vào từ thượng nguồn và gây ra sự mất cân bằng quĩ trầm tích đẫn đến xói lở bờ biển.

– Tác động của các đập của Trung Quốc đã được nhìn thấy như là một thành phần quan trọng trong sự biến đổi quĩ trầm tích. Thật vậy, chúng có thể ảnh hưởng đến sự vận chuyển các hạt lơ lửng mịn từ thượng nguồn mà không lắng đọng ở các vùng đất thấp của Campuchia. Tuy nhiên, chúng chưa ảnh hưởng đến sự vận chuyển cát vì vẫn có một lượng cát đáng kể di chuyển từ các dạng địa hình trong sông thuộc vùng núi cao của Lào. Tác động của các đập Lan Thương có lẽ là bị chậm lại liên quan đến cát thô và trung bình và một phần cát mịn.

Kết luận
Bài báo này đánh giá định lượng ban đầu khối lượng cát và sỏi khai thác từ ​​sông chính hạ lưu Mê Công trong năm 2011-2012 và xu hướng khai thác. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức giữa các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách về tầm quan trọng của khai thác cát để quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến hệ thống sông. Việc phổ biến các dữ liệu khoa học liên quan đến các tác động khai thác trên toàn thế giới và đặc biệt hơn các kết quả sơ bộ thu được ở lưu vực Mê Công sẽ gia tăng áp lực cho các nhà quản lý để quản lý tốt hơn. Đánh giá đầu tiên này kêu gọi quan trắc tốt hơn không chỉ sự vận chuyển cát và sỏi, mà cả hoạt động khai thác trong tương lai. Điều này cũng cần được bổ sung bởi một tập hợp rộng hơn các quan điểm – bao gồm xã hội, kinh tế và chính trị – được hỗ trợ bởi nhiều phân tích tốt hơn từ  những người hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác để có những đề xuất quy định và hợp tác vùng tốt hơn.

Không thể phủ nhận những nỗ lực đã được thực hiện bởi các nước hạ lưu Mê Công trong suốt thập kỷ qua để cải thiện công tác quản lý tài nguyên sông xuyên biên giới. Nhưng việc thiếu các đánh giá định lượng và thực tế là các cơ quan quản trị tại chỗ vẫn còn những hạn chế, đó là một rào cản cho việc thành lập một khuôn khổ pháp lý hiệu quả. Những bài học từ các quốc gia khác, bao gồm các công cụ thể chế và pháp lý, các nguyên tắc trách nhiệm hợp tác tự đặt ra và các tiêu chuẩn mà các ngành công nghiệp đang thiết lập để đảm bảo tính bền vững cho các hoạt động khai thác sẽ góp phần quản lý tốt hơn hoạt động khai thác cát lòng sông.

Hiện nay, khái niệm về quản lý tổng hợp lưu vực sông được thừa nhận rộng rãi và ngụ ý rằng phát triển thủy điện và khai thác cát không thể được quản lý một cách độc lập. Trong trường hợp lưu vực Mê Công, hai khía cạnh này có lẽ thuộc trong số những vấn đề quan trọng nhất trong một kế hoạch phát triển lưu vực rộng.

Lược dịch từ: Geography of Sand and Gravel Mining in the Lower Mekong River, First Survey and Impact Assessment. EchoGéo 26  (2013) octobre 2013/décembre 2013.
Xem chi tiết tại: http://echogeo.revues.org/13659

Hiền Lê



No comments:

Post a Comment